Chủ Nhật, 14 tháng 6, 2020

Thanh Hóa: 439 THÍ SINH "THI RỚT" VẪN ĐỖ ĐẠI HỌC HỒNG ĐỨC

Trường Đại học Hồng Đức (Thanh Hóa), đơn vị để xảy ra sai phạm trong liên kết đào tạo. 
 
Không đạt điểm chuẩn, 439 thí sinh vẫn đỗ ĐH: Nhiều cán bộ bị kỷ luật

Lao Động
14/06/2020 | 07:19


Ngày 13.6, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Thanh Hóa đã có Thông báo số 377-TB/UBKTTU về xem xét, xử lý kỷ luật đảng của các cấp ủy, tổ chức đảng vi phạm liên quan đến những vi phạm trong việc thực hiện Đề án phát triển nguồn nhân lực phục vụ Khu kinh tế Nghi Sơn, giúp 439 học sinh đỗ các đại học danh giá, trong đó nhiều em không đạt điểm chuẩn.

Kỷ luật cảnh cáo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa

Theo Thông báo của UBKT Tỉnh ủy Thanh Hóa, thực hiện chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Thanh Hóa đã tiến hành kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm trong việc thực hiện Đề án Phát triển nguồn nhân lực phục vụ Khu kinh tế Nghi Sơn.

Kết quả kiểm tra đã xác định một số đảng viên có khuyết điểm, vi phạm đến mức phải xem xét, thi hành kỷ luật Đảng. Căn cứ thẩm quyền xem xét xử lý kỷ luật theo quy định của Điều lệ Đảng, UBKT Tỉnh ủy Thanh Hóa đã chỉ đạo các cấp ủy, tổ chức đảng xem xét, xử lý kỷ luật đối với những đảng viên vi phạm; xem xét, quyết định thi hành kỷ luật đối với những đảng viên thuộc thẩm quyền và xem xét đề nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh thi hành kỷ luật theo thẩm quyền đối với đảng viên có khuyết điểm, vi phạm.

Căn cứ nội dung, tính chất, mức độ, tác hại và nguyên nhân khuyết điểm, vi phạm; áp dụng Quy định số 102-QĐ/TW ngày 15-11-2017 của Bộ Chính trị về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa đã Quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với ông Phạm Đăng Quyền, Tỉnh ủy viên, Ủy viên Ban cán sự Đảng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa, quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với ông Nguyễn Mạnh An, nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Hồng Đức.

UBKT Tỉnh ủy Thanh Hóa quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với ông Trần Chí Thanh - Ủy viên Ban Thường vụ, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy, Phó Trưởng ban Quản lý KKT Nghi Sơn; thi hành kỷ luật bằng hình thức khiển trách đối với ông Phạm Đình Minh, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Thạch Thành, nguyên Phó Chánh văn phòng UBND tỉnh Thanh Hóa.

Kỷ luật cán bộ các đơn vị đứng ra tuyển sinh

Thông báo của UBKT Tỉnh ủy Thanh Hóa cũng nêu rõ, Đảng ủy Trường Đại học Hồng Đức đã quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với ông Lê Minh Hiền - Giám đốc Trung tâm Giáo dục thường xuyên, Trường Đại học Hồng Đức và ông Võ Hồng Sơn - Phó Giám đốc.

Ngoài ra, UBKT Tỉnh ủy Thanh Hóa đã đề nghị Ban Thường vụ Đảng ủy Khối Cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh yêu cầu Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Trường Đại học Hồng Đức cho thôi giữ chức Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục thường xuyên và điều chuyển công tác khác đối với ông Võ Hồng Sơn. Đảng ủy Ban Quản lý Khu Kinh tế Nghi Sơn quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với bà Nguyễn Thị Hải - Bí thư Chi bộ, Trưởng phòng Quản lý đầu tư, nguyên Trưởng phòng Quản lý Doanh nghiệp và Lao động, Ban Quản lý Khu Kinh tế Nghi Sơn.
Trước đó, Lao Động đã có loạt bài “Không đạt điểm chuẩn, 439 thí sinh vẫn đỗ các đại học danh giá”. Theo đó, các mùa tuyển sinh đại học gần đây đã xảy ra “chuyện lạ”: Không cần đạt điểm chuẩn đầu vào vẫn bước qua cánh cổng đại học, không phải đỗ vào trường “thường thường bậc trung” mà là những đại học có tiếng ở Việt Nam.

Cụ thể trong 3 năm 2015, 2016, 2017, đã có 439 học sinh không đạt điểm chuẩn vẫn được nhập học ở các trường ĐH như: Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông, Trường ĐH Y-Dược Thái Bình, Trường ĐH Giao thông Vận tải... Điều lạ hơn là những thí sinh này đều trúng tuyển theo diện được Ban Quản lý Khu Kinh tế Nghi Sơn (Thanh Hóa) đứng ra chủ trì tuyển học sinh THPT trên toàn quốc.

Càng kỳ lạ hơn, Ban Quản lý Khu Kinh tế Nghi Sơn dù không có căn cứ, không được phép đứng ra chủ trì tuyển học sinh THPT trên toàn quốc đi học đại học, nhưng vẫn phối hợp với Trung tâm Giáo dục thường xuyên, Trường ĐH Hồng Đức (Thanh Hoá) để thực hiện việc này. Những thí sinh có nhu cầu đi học ĐH sẽ được các đơn vị này “gửi” hồ sơ ra các trường ở Hà Nội.

Trong những năm qua, tất cả học sinh đi học theo dạng này đều được vào học ở các khoa danh giá, chính quy, có điểm tuyển đầu vào ĐH cao. Đáng lưu ý, trong thông báo tuyển sinh này, chỉ cần có điểm thi THPT quốc gia trên điểm sàn, hoặc thấp hơn điểm chuẩn từ 1-2 điểm vẫn có thể trúng tuyển.

Điều đáng nói, trong khi các thông báo tuyển sinh nói là ưu tiên học sinh có hộ khẩu Thanh Hóa, nhưng thực tế thí sinh trúng tuyển theo dạng này phần lớn là người Hà Nội.

Việc làm này không những có dấu hiệu tuyển sinh sai đối tượng mà còn tạo nên sự thiếu công bằng trong kỳ tuyển sinh đại học. 
 Đặng Chung - Xuân Hùng

2 nhận xét :

  1. Bố chúng nó. Người ta phải lao tâm khổ tứ còn chúng thì nhảy dù vào Đại học. Phải đuổi việc những kẻ gây ra sự việc này.

    Trả lờiXóa
  2. Bọn cán bộ quan lại liên quan có nhận hối lộ trong vụ này không? Làm sao mà có chuyện không có!
    Ngoài ra, họ đã thực hiện việc hủy hoại rường cột nước nhà khi nhúng tay giúp những người trẻ bất tài có nhiều cơ hội vào vị trí quan trọng ở xã hội trong tương lai. Đây là trọng tội phá hoại đất nước.

    Trả lờiXóa