Thứ Bảy, 13 tháng 6, 2020

Nhà thơ Trần Đăng Khoa HIẾN KẾ GIẢI PHÁP CHẤM DỨT ÁN OAN


MỘT GIẢI PHÁP CHẤM DỨT VĨNH VIỄN NẠN ÁN OAN

Trần Đăng Khoa
7 - 6 - 2020
 
Bấy lâu nay, chúng ta đã cố gắng giảm thiểu nhằm tiến tới chấm dứt nạn án oan. Nhưng rồi án oan vẫn liên tiếp xảy ra. Vụ sau lại kinh hoàng hơn vụ trước. Bây giờ nhân dân cả nước và nhiều bạn bè quốc tế đang rất quan tâm đến vụ án Hồ Duy Hải. Tôi không nói Hồ Duy Hải bị oan hay không oan. Oan hay không phải chờ một phiên phúc thẩm sạch kết luận. Ngay cả tòa Giám đốc thẩm vừa rồi cũng đã khẳng định công tác điều tra, xét xử có nhiều thiếu sót nghiêm trọng. Cách lý giải của cán bộ điều tra Long An rất kỳ dị. Nhiều tình tiết phi lý. Họ không tìm được hung khí là con dao, "vì Hải dấu dao sau tấm bảng áp vào tường". Để dao đơn giản thế mà cả đội khám xét điều tra lại không tìm được ư? Khi thấy dao rồi họ vẫn không thu giữ bởi con dao không có máu vì “Hải đã rửa sạch”. Có cán bộ điều tra cấp tỉnh nào lại yếu kém và ngớ ngẩn đến thế không? Dù dao đã rửa, không còn máu nạn nhân nhưng chắc chắn có dấu vân tay của Hải. Làm sao mà họ lại bỏ qua được? Nếu có dấu vân tay của Hải ở hung khí giết người thì dù mẹ Loan của Hải có “vĩ đại” đến thế nào thì cũng không kêu oan được cho con. Chính họ cũng nói con dao là chứng cứ rất quan trọng, chứng tỏ Hải giết người mà sao họ lại không giữ, lại mua con dao ở chợ làm vật chứng mới lạ kỳ. Họ lý giải ngô nghê như nói với trẻ con bị thiểu năng mà Hội đồng Giám đốc thẩm lại nghe, lại thấy “vụ án có nhiều sai sót nhưng bản chất không thay đổi”, thì lại còn lạ hơn nữa. Ngay tình tiết Hải rửa sạch dao rồi dấu dao sau tấm bảng gỗ cũng rất khó tin. Ngay cả kẻ giết người chuyên nghiệp, mà giết đến cả hai người thì khó mà bình tĩnh được như thế. Tâm lý chung của tội phạm, sau khi gây án xong là phải nhanh chóng rút khỏi hiện trường. Rồi lẩn trốn. Đây là một vụ án có rất nhiều tai tiếng, vì không có chứng cứ kết tội nào có sức thuyết phục mà bị can lại bị tuyên mức án cao nhất là tội tử hình, nên mọi người mới quan tâm. Rất nhiều người dân cũng tham gia phá án, đặc biệt là các nhà báo và họ phát hiện ra rất nhiều tình tiết vô lý. Họ cũng đã cùng luật sư bảo vệ Hải, căn cứ vào khám nghiệm tử thi của cơ quan điều tra, nghiên cứu vết cắt trên cổ nạn nhân mà phát hiện ra kẻ giết người thuận tay trái mà Hải thì thuận tay phải. Rồi họ còn căn cứ lời khai của bị can và kết quả điều tra của cơ quan chức năng, mà thực nghiệm thị sát hiện trường rồi nhận ra rằng, Hải không thể có mặt được ở bưu cục Cầu Voi để gây án trong thời gian hai cô gái bị sát hại. Nếu có mặt thì Hải phải phóng xe máy với tốc độ 300 km/giờ. Có ai làm được điều ấy ở cung đường gồ ghề rất xấu trong thời điểm đó với tốc độ như vậy không? Bao nhiêu phi lý. Nhìn đâu cũng thấy phi lý.

Nhưng thôi, ta hãy tạm để vụ Hồ Duy Hải lại để chờ kết luận chính thức của cơ quan chức năng, chắc cũng không còn lâu nữa. Vì mọi việc đã quá sáng tỏ. Ta hãy bàn về những vụ án oan đã được tòa phán quyết rõ ràng và cái ta quan tâm ở bài viết này là làm sao chấm dứt vĩnh viễn nạn án oan. 

Rất nhiều người đã bàn về vấn đề này. Có người đề xuất, để tránh bức cung, cần có camera ở phòng hỏi cung. Nhưng có camera, người ta vẫn có thể cắt tỉa, như biên tập một đoạn phim để phát hình thì cũng vẫn nguy hiểm. Tôi cũng đã đề xuất, cùng với camera, phải có luật sư tham gia ngay từ đầu. Luật sư ấy phải do gia đình nghi can đề xuất, như luật sư Trần Hồng Phong, chứ không phải luật sư Quyết bên điều tra đưa ra để đẩy nghi can vào cửa tử như ở vụ án Hồ Duy Hải. Không có mặt luật sư, nghi can có quyền không trả lời cán bộ điều tra. Mặt khác chúng ta cũng phải có một chế tài đủ mạnh để chấm dứt những nỗi oan tày trời trong công tác tố tụng này. Rất nhiều người Việt cả ở trong nước và ngoài nước, nhưng tôi đặc biệt chú ý đến ý kiến của ông Trần Nhuận Minh. Cứ như lời ông Minh, thì chỉ đến bây giờ, khi đời sống dân sự được cởi mở hơn và nhà nước ta cũng quan tâm hơn đến lẽ công bằng của pháp luật, các vụ án oan sai mới được nói tới khá nhiều trên các phương tiện thông tin đại chúng. Có nhiều vụ oan sai lớn, mà nổi bật là vụ ông Nguyễn Thanh Chấn, ngồi tù oan đến hơn 10 năm, vụ đó vừa mới được giải quyết, thì lại cồn lên vụ ông Huỳnh Văn Nén đã ngồi tù oan đến hơn 17 năm. Ông Nén còn được báo chí mệnh danh là “người tù thế kỉ”. Không biết các vị thế nào, chứ tôi nghe 4 chữ đó, thấy xót xa đến tận đáy lòng. Cụ Huỳnh Văn Truyện, cha của ông Nén trong suốt 10 năm phải bán nhà bán đất, bán hết cả tài sản để lấy tiền kêu oan cho con, chạy kêu suốt từ Cà Mau tới Hà Nội. Lại càng kinh hãi khi vụ việc đó đã biết sai từ năm 2000, vậy mà 15 năm sau mới được làm rõ. Ngành pháp chế của ta với bao thành tích huy hoàng, sao việc này lại để chậm chễ đến mức không ai có thể tin được. Đúng là bệnh vô cảm cần phải được lên án nghiêm khắc. Nỗi đau của người khác thì mình có coi là cái gì đâu. Ông Nén nói một câu rất sâu sắc: “ Chỉ cần tù oan một ngày là đã tan nát cả một cuộc đời”. Chủ tịch Hồ Chí Minh viết “ Một ngày tù, nghìn thu ở ngoài / Câu nói người xưa đâu có sai”. Nếu cứ lấy ý cái ý “đâu có sai” của Bác Hồ ra mà tính, thì hơn 17 năm tù oan của ông Nén bằng hơn 6. 205 ngàn năm. Vậy mà chỉ xin lỗi 30 phút và lấy tiền thuế của Dân ra bồi thường mà được ư? Chưa nói chi tiền Dân để trả giá cho sai lầm của quan tòa là đúng hay sai, và nếu chi trả tiền tù oan cho ông Nén 1 năm là 1 tỉ đồng là nhiều hay ít? Hãy nói: Nếu quan tòa xử oan vụ này cũng đi tù 17 năm, sau đó nhận 300 phút (chứ không chỉ 30 phút) xin lỗi và nhận đền bù 170 tỉ đồng (chứ không phải 17 tỉ đồng), liệu vị quan tòa đó có “vui vẻ lên đường nhận nhiệm vụ” hay không? Không thể đổ sai lầm đó cho nhà nước hay cho Dân để lấy tiền của Dân ra mà đền. Lấy tiền thuế của Dân ra mà chi trả cho sai lầm của quan tòa, là giải pháp không thể chấp nhận được. Chỉ có “vừa đá bóng vừa thổi còi” mới yên lòng với một cách xử sự như vậy thôi. Bây giờ, đi làm nhiệm vụ của nhà nước, vào nghỉ tại nhà khách cơ quan, nếu vô ý đánh vỡ một cái phích, theo nội qui, anh vẫn phải bỏ tiền túi ra mà đền, cơ mà. Vậy đánh vỡ cả một đời người ta, sao lại không? Sao anh lại phủi tay, hạ cánh an toàn được? Có ai không thấy điều ấy là “vô lí đùng đùng” không?

Chúng ta thấy sự cố gắng của Đảng và nhà nước ta, trong việc hạn chế những oan sai, nhưng sự thực cho thấy là oan sai không hề giảm. Vì sao? Vì ta chưa có một chế tài đủ sức răn đe. Vẫn là “giơ cao đánh khẽ”, vì thực ra là mình xử mình thôi, lấy tiền của Dân – tức là “của bà vãi đãi ông sư”, mình có mất tiền đâu mà “quan ngại”. Việc cho đến tận bây giờ, Nhà nước ta vẫn “quá gượng nhẹ” với các quan tòa xử oan cho dân – kể cả oan kinh hoàng – là tử hình” - thực chất đã làm cho lòng dân thêm mất tin tưởng vào sự công minh của pháp luật và vào Đảng cầm quyền. Các cụ xưa nói “ giết người thì phải đền mạng” . Và tòa đã xử nhiều vụ tử hình về tội giết người. Vậy một kiểu “giết người” như cách xử của tòa thì sao ( nghĩa đen - như vụ ông Nguyễn Thanh Chấn, nếu không là gia đình liệt sĩ thì ông đã bị tử hình rồi ) ?

Cho nên, chúng tôi trân trọng đề nghị Quốc hội xem xét bổ sung vào luật Hình sự “ Nếu xử oan sai một vụ án, thì Chánh tòa phải chịu 50 % mức tù mà chính Chánh toà đã tuyên và trả 50 % tiền bồi thường cho nạn nhân, nếu tù tử hình oan thì chánh án phải tù từ 15 đến 20 năm đúng như tử tù, (nghĩa là ở phòng giam vẫn bị cùm chân) và trả 75% tiền bồi thường cho nạn nhân”.

Như thế là rất phải chăng, vừa có lí, lại vừa có tình. Và nếu ta đưa điều đó vào luật tố tụng và luật đó có hiệu lực, tôi tin chắc rằng, việc gây ra những “ Lệ chi viên” ở thời đại tốt đẹp của chúng ta, chả cần phải “quán triệt” hay “ học tập” gì, nhất định sẽ giảm hẳn, thậm chí sẽ vĩnh viễn chấm dứt.
 
 

12 nhận xét :

  1. Nghe ông Phạm Hồng Phong phát Biểu trước QH bào chữa cho những sai phạm có nguồn gốc từ đạo đức kém, từ sự cẩu thả, từ trình độ thấp của cơ quan điều tra, của toà án, té ra ông Phong là phó chánh án toà án cấp cao tại TP HCM. Nói nhẹ nhàng như có hai đại biểu ông Thắng và ông Nghĩa đã vả vào cái mồm ông Phong

    Trả lờiXóa
  2. Cái mơ ước sẽ nhận được tiền "bồi dưỡng", sẽ được thăng quan tiến chức của cán bộ cơ quan điều tra - kiểm sát - tư pháp khiến họ có hành vi cố tình gây án oan sai. Những cán bộ đảng viên lợi dụng chức vụ để gây tội ác với dân - bất tuân luật pháp nhằm hưởng lợi riêng có đáng tiếp tục sống không?
    Đề nghị của tác giã Trần Đăng Khoa có ý răn đe cán bộ đảng viên cơ quan điều tra - kiểm sát - tư pháp. Ý tốt, nhưng không thể trở thành hiện thực dưới hệ thống chính trị hiện nay, vì chế độ này sản sinh ra giòi bọ, chúng kết thành bè nhóm bao che nhau để hút máu người dân. Để cùng nhau ngồi thụ hưởng chung trên bàn tiệc máu nhân dân, chúng nó sẽ không bao giờ để "quân ta đánh quân mình", như ông đảng trưởng đã từng nói.
    Công lý - nhân phẩm không đồng hành với độc tài - bạo lực - tham nhũng.

    Trả lờiXóa
  3. Nếu Trần Đăng Khoa (TĐK) chỉ cần đọc kỹ 1 bài này - như ở đây trích 1 số đoạn, thì để không òn án oan sai thì không thể chỉ tập trung vào chấn chỉnh Tòa án – mà phải chấn chỉnh toàn bộ nghành tố tụng gồm cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và Tòa án https://vnexpress.net/tham-phan-xu-oan-ong-chan-toi-khong-an-han-3088193.html
    „… Đây là có kẻ hữu ý làm sai lệch hồ sơ vụ án … nếu VKSND Tối cao làm đúng theo trách nhiệm thì ông Chấn đã ra tù cách đây 8-9 năm rồi. Tôi không thể làm khác được, như thế là làm sai lệch hồ sơ vụ án… Thực tế lúc bây giờ anh ạ, với một hồ sơ như thế, tôi phải căn cứ, tuân theo hồ sơ và kết quả điều tra của người ta… Tôi vốn là người lính, qua bao nhiêu chuyện, tôi không chết vì bom đạn mà chết vì thủ đoạn của bên công an. Họ làm án, làm sai lệch vụ án đến bây giờ mới phát hiện được. Tôi xử theo luật, làm theo bổn phận thì chỉ có thế thôi…. Trong buổi họp của Ủy ban Tư pháp vừa rồi có người nói 20 năm chưa phát hiện có trường hợp nào bức cung …“.

    Trả lờiXóa
  4. Trong bài „2/17 Thẩm phán trong Hội đồng Xét xử của Toà án Tối cao đã từng nhận tiền chạy án của tôi“ của TG Huỳnh Bá Hải https://danlambaovn.blogspot.com/2020/06/217-tham-phan-trong-hoi-ong-xet-xu-cua.html
    đã nêu tên 2 thẩm phán là „1. Thẩm phán Lương Ngọc Trâm và 2 là Thẩm Phán Lê Hồng Quang. Tôi không phải dễ tin các tin đưa ra trên báo chí, công luận, tuy nhiên thấy khói ở đâu (những điều nói ra có lí lẽ, chứng cứ …) tìm hiểu, điều tra đúng mức sẽ tìm ra nhiều lời giải đáp cho xã hội. Tòa oan sai ở Việt Nam có rất nhiều lí do. Nổi bật lên ở Tòa hành chính kiện chính quyền thì người dân thấp cổ bé miệng ít khi thắng và nói cho vui thì CHỈ 1 ĐƯỜNG THUA. Tòa dân sự thì câu nói „Án dân sự xử sao cũng được“ có thực tế khắp mọi nơi https://baogialai.com.vn/channel/1602/200911/an-dan-su-xu-sao-cung-duoc-1916741/, đặc biệt nơi nào không những tầm, mà tâm cũng thiếu (thực chất tham nhũng là phạm pháp) do NÉN BẠC ĐÂM TOẠC TỜ GIẤY, thì người nào không có tiền mà lại do quan tòa tham nhũng xử thì số phận thế nào cũng đã rõ.
    Còn Tòa án hình sự thì nổi tiếng với 2 vấn đề: 1. Án bỏ túi; 2. Án tại hồ sơ. Và không phải chỉ án dân sự mới ăn tiền mà chạy án hình sự cũng muôn hình vạn trạng, ví dụ con cán bộ cao cấp giết người thì ở VN cũng hiếm quan chức nào không chạy tội tử hình cho con mà tôi tạm không nêu ở đây. Và với tôi để án hình sự sai thì phải nhắc tới từ Hiến pháp (quy định độc lập của thẩm phán quá yếu), luật hình sự chưa chuẩn (BLHS 1999 chưa chuẩn như 1 số vấn đề về tội danh tư pháp mà sau này phải sửa ở BLHS 2015). Và 1 tư duy xử án của nhân loại không được Việt nam thừa kế là TUYÊN ÁN TRẮNG (nghĩa là không thể kết án 1 người phạm tội khi còn nghi ngờ và cho bị cáo hưởng lợi - In dubio pro reo, tức là vẫn còn xác xuất người đó có thể gây tội), thì ở Việt nam chỉ có 2 loại: 1 là kết án phạm tội và 2 là vô tội. Và vì tư duy không để xót tội phạm – xử nhầm hơn bỏ xót – nên đó là 1 những YẾU KÉM TRẦM TRỌNG DO KHÔNG LÀM THEO CÁCH THỨC TIẾN BỘ CỦA NHÂN LOẠI – DÃN ĐẾN QUÁ NHIỀU ÁN OAI SAI!

    Trả lờiXóa
  5. Nếu đưa được vào luật như thế thì công việc lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối mất việc làm à.

    Trả lờiXóa
  6. Vấn đề là nhân cách và lòng tự trọng của cán bộ! Nếu cán bộ có lòng tự trọng và nhân cách thì không bao giờ làm cái chuyện tồi tệ. Mà cán bộ có lòng tự trọng thì tự thân họ cũng đòi hỏi một nền tư pháp minh bạch, công minh.
    Đừng đòi hỏi một xã hội tử tế với mấy thằng cà chớn!

    Trả lờiXóa
  7. Chỉ thế này là đủ:
    ""chúng tôi trân trọng đề nghị Quốc hội xem xét bổ sung vào luật Hình sự “ Nếu xử oan sai một vụ án, thì Chánh tòa phải chịu 50 % mức tù mà chính Chánh toà đã tuyên và trả 50 % tiền bồi thường cho nạn nhân, nếu tù tử hình oan thì chánh án phải tù từ 15 đến 20 năm đúng như tử tù, (nghĩa là ở phòng giam vẫn bị cùm chân) và trả 75% tiền bồi thường cho nạn nhân”.

    Như thế là rất phải chăng, vừa có lí, lại vừa có tình. Và nếu ta đưa điều đó vào luật tố tụng và luật đó có hiệu lực, tôi tin chắc rằng, việc gây ra những “ Lệ chi viên” ở thời đại tốt đẹp của chúng ta, chả cần phải “quán triệt” hay “ học tập” gì, nhất định sẽ giảm hẳn, thậm chí sẽ vĩnh viễn chấm dứt. ""

    Trả lờiXóa
  8. Để đi đến chấm dứt tệ án oan thì tất cả những người tham gia tố tụng phải chịu trách nhiệm. Số năm bị giam chia cho mọi người, số tiền đên bù cũng chia cho mọi người tuyệt đối không lấy tiền thuế của dân để đền bù.

    Trả lờiXóa
  9. Nếu không muốn có án oan sai, hãy để những người tử tế nắm quyền lãnh đạo.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Những người tử tế chưa được sinh ra. Cố chờ thêm vài thế kỷ nữa nhé.

      Xóa
  10. Hãy tạc tượng Hồ Duy Hải đặt vào phòng làm việc của Nguyễn Hòa Bình

    Trả lờiXóa
  11. Những người xử bậy , xử oan sai cần phải xử lý thật nghiêm khắc xứng với tội ác mà họ gây ra cho người bị hại , không thể kỷ luật theo kiểu " Rút kinh nghiệm ... shâu shăc "

    Trả lờiXóa