Thứ Năm, 4 tháng 6, 2020

GIỚI LUẬT SƯ TIẾP TỤC GỬI KIẾN NGHỊ VỀ VỤ ÁN HỒ DUY HẢI


 CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

Việt Nam, ngày 4 tháng 6 năm 2020

KIẾN NGHỊ XEM XÉT LẠI 
QUYẾT ĐỊNH GIÁM ĐỐC THẨM CỦA HỘI ĐỒNG THẨM PHÁN
TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO ĐỐI VỚI VỤ ÁN HỒ DUY HẢI
(Kiến nghị số 02 VAHDH)

Kính gửi:     - Chủ tịch Nước
                    - Ủy ban thường vụ Quốc hội

Đồng kính gửi: - Ủy ban tư pháp Quốc hội
                         - Ông Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao
                         - Ông Chánh án Toà án nhân dân tối cao
                         - Liên đoàn Luật sư Việt Nam.

Chúng tôi, những luật sư tham gia kiến nghị này đã theo dõi phiên toà giám đốc thẩm về vụ án Hồ Duy Hải của Hội đồng thẩm phán Toà án nhân dân tối cao (từ ngày 6/5 đến ngày 8/5/2020) theo kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao - một vụ án được nhân dân và dư luân trong và ngoài nước rất quan tâm. Ngày 08/05/2020, ông Nguyễn Hoà Bình Chánh án Toà án nhân dân tối cao - Chủ tọa phiên toà giám đốc thẩm thay mặt Hội đồng thẩm phán Toà án nhân dân tối cao ký ban hành Quyết định số 50/2020/HS-GĐT (“QĐGĐT” ) giải quyết vụ án Hồ Duy Hải. Ngày 15/05/2020, chúng tôi đã có Kiến nghị xem xét lại Quyết định giám đốc thẩm này (Kiến nghị số 01 VAHDH).

Nay trên cơ sở nghiên cứu toàn văn QĐGĐT, chúng tôi bổ sung thêm những ý kiến làm rõ những căn cứ “vi phạm pháp luật nghiêm trọng” theo Điều 404 BLTTHS để Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, Viện trưởng VKSNDTC, Chánh án TANDTC yêu cầu, kiến nghị, đề nghị xem xét lại QĐGĐT này. Chúng tôi nhận thấy QĐGĐT này, kết quả của phiên toà giám đốc thẩm, có những vi phạm nghiêm trọng pháp luật sau thể hiện trong quá trình phiên tòa giám đốc thẩm và trong văn bản QĐGĐT:

1. Việc ông Chánh án TANDTC - Chủ tọa phiên toà giám đốc thẩm là vi phạm nguyên tắc cơ bản “bảo đảm sự vô tư của người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng” được quy định tại Điều 21 BLTTHS, vi phạm khoản 3 Điều 49 và khoản 1.c Điều 53 BLTTHS.

Chúng tôi đã phân tích vi phạm này tại điểm 1 của Kiến nghị số 01 VAHDH.

2. Ông Chủ tọa phiên toà khi điều hành phiên toà vi phạm khoản 2 Điều 386 BLTTHS và Bộ Quy tắc đạo đức và ứng xử của thẩm phán.

Trong phần phân tích số 2 kèm theo Kiến nghị số 01 VAHDH, chúng tôi đã chứng minh ông Chủ tọa phiên toà vi phạm khoản 2 Điều 386 BLTTHS.

Trong phân tích số 1 kèm theo Kiến nghị số 01 này, chúng tôi cũng đưa ra những ví dụ ông Chánh án Nguyễn Hoà Bình không khách quan vô tư khi đưa ra ý kiến, kết luận “định hướng” các thành viên Hội đồng thẩm phán (là cấp dưới của ông) trước khi họ cho ý kiến, thảo luận và biểu quyết. Việc này vi phạm khoản 3 Điều 5 Bộ Quy tắc đạo đức và ứng xử của thẩm phán (được ban hành ngày 4/7/2018) “Thẩm phán không được có bất cứ phát biểu hay bình luận nào tại phiên tòa, phiên họp, trước công chúng hoặc truyền thông làm ảnh hưởng tới việc giải quyết vụ việc một cách vô tư, khách quan.”

3. Nội dung QĐGĐT không đầy đủ theo khoản 1 Điều 381 khoản và Điều 389 BLTTHS.

Phần cuối của QĐGĐT này ghi

Quyết định
“ Căn cứ khoản 5 Điều 382, khoản 1 Điều 388 và Điều 389 Bộ luật tố tụng hình sự;
Không chấp nhận Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm số 15/QĐ-VKSTC-V7 ngày 22/11/2019 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao”

Nội dung này còn thiếu theo khoản 1 Điều 388 và Điều 389 đoạn “và giữ nguyên các bản án đã có hiệu lực pháp luật đã bị kháng nghị”, tức giữ nguyên bản án phúc thẩm vụ án Hồ Duy Hải.

Nhưng để giữ nguyên bản án phúc thẩm này (cũng là giữ nguyên bản án sơ thẩm), theo Điều 389 BLTTHS, Hội đồng Thẩm phán phải xem xét các bản án này và chứng minh hai bản án đó có căn cứ và đúng pháp luật. Tuy nhiên việc không có đoạn này trong QĐGĐT không những cho thấy Hội đồng Thẩm phán vi phạm BLTTHS, mà còn thể hiện họ do dự về các bản án sơ thẩm, phúc thẩm, không dám khẳng định các bản án này là có căn cứ và đúng pháp luật!

4. Hội đồng thẩm phán sử dụng các chứng cứ không hợp pháp theo quy định của BLTTHS làm căn cứ cho quyết định giám đốc thẩm của mình, vi phạm các Điều 87 và điều 108 BLTTHS.

Theo Điều 108 BLTTHS 2015 (tương ứng với Điều 66 BLTTHS 2003), mỗi chứng cứ phải được kiểm tra, đánh giá để xác định tính hợp pháp, xác thực và liên quan đến vụ án. Người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải kiểm tra đánh giá đầy đủ khách quan toàn diện mọi chứng cứ đã thu thập được về vụ án.

Như vậy Hội đồng thẩm phán lẽ ra phải kiểm tra đánh giá những chứng cứ đã thu thập trong vụ án có hợp pháp, xác thực và liên quan đến vụ án hay không, nhất là những chứng cứ mà Hội đồng thẩm phán làm căn cứ cho QĐGĐT của mình. Tuy nhiên chúng tôi nhận thấy, Hội đồng thẩm phán đã không làm việc đó đối với phần lớn các chứng cứ, tài liệu được nêu trong QĐGĐT. Đặc biệt chúng tôi thấy có nhiều chứng cứ, tài liệu được Hội đồng thẩm phán sử dụng làm căn cứ trong QĐGĐT để bác kháng nghị của VKSNDTC là không hợp pháp, không xác thực hoặc không liên quan đến vụ án, vi phạm nghiêm trọng các Điều 87 và điều 108 BLTTHS. Chúng tôi xin nêu một số ví dụ sau (và được chứng minh cụ thể trong phân tích số 9):

i. Lời khai của ông Đinh Viết Thường (BL 250);

ii. Biên bản kiểm tra ngày 14/7/2008;

iii. Hai đống tro thu được từ việc mở rộng việc khám xét tối 21/3/2008;

iv. Lời khai của Nguyễn Thanh Hải ngày 20/11/2008 tại VKS;

v. Biên bản xác định đồ vật ngày 15/8/2008; (BL133)

vi. Hai biên bản nhận dạng vật không liên quan đến vụ án; (BL134 và BL 144).

Riêng về những lời khai của Hồ Duy Hải, Hội đồng thẩm phán chưa đánh giá về tính hợp pháp, xác thực của các lời khai của Hồ Duy Hải, tại sao sử dụng lời khai này của bị cáo làm chứng cứ, lời khai kia lại không, khi Hồ Duy Hải lúc kêu oan, lúc nhận tội, nhưng có những lời khai nhận tội khác nhau, mâu thuẫn nhau. Đặc biệt luật sư Võ Thành Quyết có dấu hiệu vi phạm pháp luật, thông đồng các cơ quan tố tụng tỉnh Long An, không thực hiện đúng các quyền và nghĩa vụ của người bào chữa để bảo vệ thân chủ nên ngay cả 3 lời khai của Hồ Duy Hải có mặt luật sư Quyết cần xem xét có hợp pháp, xác thực hay không.( Xem phân tích số 10 kèm theo)

5. Nhiều nhận định của Quyết định giám đốc thẩm là suy diễn, áp đặt, sai lầm nghiêm trọng.

Chúng tôi xin nêu một số ví dụ:

i/ Tại trang 9 QĐGĐT, Hội đồng thẩm phán cho rằng thời gian Hồ Duy Hải có mặt tại Bưu điện Cầu Voi khoảng 19h 34’ 09’’

ii/ Tại các trang 12 và 13 QĐGĐT, Hội đồng thẩm phán nhận định Việc không trùng khớp dấu vân tay thu được tại hiện trường với dấu vân tay của Hồ Duy Hải không phải là tình tiết chứng minh yếu tố ngoại phạm của Hồ Duy Hải.

iii/ Tại trang 18 QĐGĐT, Hội đồng thẩm phán có quan điểm: Việc CQĐT không giám định thời điểm chết của các nạn nhân là thiếu sót, nhưng thiếu sót này không làm thay đổi bản chất của vụ án.

iv/ Tại trang 20 QĐGĐT, Hội đồng thẩm phán thừa nhận có nhiều bút lục trong hồ sơ vụ án là những vi phạm, sai sót vì không tuân thủ quy định thủ tuc tố tụng, nhưng các bản án sơ thẩm, phúc thẩm đều không viện dẫn, trích các bút lục có vi phạm để làm chứng cứ kết tội bị cáo, do đó không phải là vi phạm nghiêm trọng và không làm thay đổi bản chất vụ án.

Chúng tôi chứng minh chi tiết trong phân tích số 11 kèm theo.

6. Có đủ căn cứ xác định nhiều người tiến hành tố tụng trong các giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm, phúc thẩm đã gian dối, cẩu thả, vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng nhưng được bao che bởi Quyết định giám đốc thẩm này. (xem phân tích số 12 kèm theo)

7. Các bản án sơ thẩm và phúc thẩm vụ án HDH đều không có căn cứ và không đúng pháp luật, lẽ ra phải bị huỷ. Có đủ các căn cứ theo Điều 371 BLTTHS để hủy các bản án để điều tra lại. Việc HĐTP không hủy các bản án là vi phạm nghiêm trọng pháp luật! (xem phân tích số 13 kèm theo).

Vì các lẽ trên, ngoài những nội dung trong Kiến nghị số 01 VAHDH, chúng tôi kiến nghị như sau:

1. Trường hợp có những yêu cầu, kiến nghị, đề nghị xem xét lại Quyết định của Hội đồng thẩm phán, ông Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình không làm Chủ tọa và không tham gia các phiên họp của Hội đồng thẩm phán cũng như chỉ đạo các công tác khác liên quan, mà cử một Phó Chánh án khác thực hiện nhiệm vụ của Chánh án.

2. Trước khi mở phiên họp để giải quyết các yêu cầu, kiến nghị, đề nghị, TAND tối cao cần có thông báo cho công chúng, đề nghị bất cứ ai biết được thông tin, tài liệu có ý nghĩa quan trọng trong việc giải quyết vụ án cung cấp thông tin, tài liệu cho TAND tối cao và VKSND tối cao.

3. TAND tối cao nên trưng tập những chuyên gia về pháp luật hình sự và kỹ thuật về hình sự độc lập để thẩm tra và giúp Hội đồng thẩm phán tham khảo ý kiến ít nhất về hai vấn đề:

a/ Những chứng cứ nào được các bản án sơ thẩm, phúc thẩm làm căn cứ để xác định tình tiết vụ án, kết tội Hồ Duy Hải và những chứng cứ đó có hợp pháp (thu thập theo đúng trình tự, thủ tục của BLTTHS 2003), xác thực và liên quan đến vụ án ? Những chứng cứ nào xác định Hồ Duy Hải có thể không phạm tội nhưng đã bị các cấp sơ thẩm, phúc thẩm không xem xét, phân tích?

b/ Đối với dấu vân tay thu tại tay nắm vòi của lavabo trong phòng vệ sinh Bưu điện Cầu Voi khi khám nghiệm hiện trường ngày 14/01/2008, đã được xác định không phải là dấu vân tay của Hồ Duy Hải, đề nghị các chuyên gia hình sự thực nghiệm, phân tích, làm rõ: Tình tiết khách quan này có phù hợp lời khai của Hồ Duy Hải rằng Hải sau khi sát hại bị hại Ánh Hồng đã vào phòng vệ sinh rửa tay, rửa dao để làm sạch vết máu, và cũng làm như vậy sau khi sát hại bị hại Thu Vân (như vậy ít nhất 04 lần Hải sử dụng tay nắm vòi lavabo và phải xóa vết máu trên tay nắm bị rớt từ tay dính máu của Hải ).

4. Ngoài ra, chúng tôi đề nghị VKSNDTC yêu cầu Cục điều tra VKSNDTC thụ lý Đơn tố cáo đề ngày 08/06/2017 (V/v: làm sai lệch hồ sơ vụ án Hồ Duy Hải, người bị truy tố về tội giết người tại Bưu điện Cầu Voi tháng 1/2008) của bà Nguyễn Thị Loan (mẹ Hồ Duy Hải), được luật sư Trần Hồng Phong soạn thảo, gửi đến các cơ quan trong đó có VKSNDTC.

5. Chúng tôi cũng đề nghị Liên đoàn Luật sư Việt Nam xem xét trường hợp luật sư Võ Thành Quyết, dù ông đã mất, do có dấu hiệu các cơ quan tố tụng tỉnh Long An chỉ định ông Quyết làm luật sư cho Hồ Duy Hải không đúng pháp luật, bản thân ông Quyết có dấu hiệu vi phạm pháp luật, không thực tâm bảo vệ thân chủ, chỉ phục vụ lợi ích các cơ quan tố tụng tỉnh này, hợp thức hóa nhiều sai phạm của họ. Theo chúng tôi, Liên đoàn Luật sư Việt Nam cần có cuộc hội thảo chuyên sâu về vụ án này, đặc biệt về vai trò luật sư trong vụ án để có kiến nghị đến các cơ quan có thẩm quyền và rút kinh nghiệm chung cho giới luật sư.

Trân trọng cảm ơn.

Thay mặt các luật sư tham gia kiến nghị:
Địa chỉ liên hệ: Luật sư Lê Văn Hòa - Số 51 ngõ 185 phố Chùa Láng, phường Láng Thượng, Quận Đống Đa, TP. Hà Nội; Điện thoại: 0946256256.

3 nhận xét :

  1. Tự Tòa làm khó mình khi đưa toàn bộ 17 thẩm phán ra xử. Nay nếu Quốc hội yêu cầu phải xử lại thì thiết nghĩ tốt nhất tất cả 17 vị thẩm phán nên từ chức và 17 thẩm phán mới thay thế thì mới tránh được mọi rắc rối về tố tụng cũng như giữ được phần nào uy tín cho Tòa án!

    Trả lờiXóa
  2. Lại một sự khốn nạn của nền tư pháp Việt Nam, xảy ra ngay giữa thủ đô Hà Nội: https://tuoitre.vn/tam-dinh-chi-cong-tac-pho-vien-truong-vien-ksnd-quan-hoan-kiem-bi-to-moi-tien-20200604215607379.htm.
    Từ người bị hại trở thành tội phạm chỉ vì không chịu chi tiền theo đòi hỏi vô lối của một phó viện trưởng Viện KSND quận Hoàn Kiếm.

    Trả lờiXóa
  3. Hoan nghênh tinh trần trách nhiệm và trình độ nghiệp vụ cao của các bác Luật sư.

    Trả lờiXóa