Thứ Tư, 6 tháng 5, 2020

TƯỢNG ĐÀI, KHU BẢO TỒN LỊCH SỬ: LÁ BÙA ĐỂ TIÊU TIỀN NGÂN SÁCH


Xây dựng tượng đài, khu bảo tồn lịch sử: 
‘lá bùa’ để lấy tiền ngân sách!
 
RFA
06.05.2020


Chính quyền thành phố Hải Phòng vừa khởi công xây dựng khu bảo tồn bãi cọc liên quan đến chiến trận Bạch Đằng năm 1288. Trong cùng thời điểm, Chính quyền huyện Phước Sơn, một huyện nghèo thuộc tỉnh Quảng Nam cũng cho biết xây dựng tượng đài chiến thắng Khâm Đức vì “nguyện vọng nhân dân”.

Những người quan tâm thông tin vừa nêu đặt nghi vấn liệu rằng việc xây dựng tượng đài và khu bảo tồn lịch sử như thế nhằm giáo dục truyền thống anh hùng dân tộc hay là có những ẩn ý phía sau các dự án tiêu tốn tiền ngân sách nhà nước?

Khu bảo tồn bãi cọc trận chiến Bạch Đằng Giang năm 1288 

Tại lễ khởi công Dự án xây dựng tuyến đường vào khu bảo tồn bãi cọc Cao Quỳ, xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên, diễn ra vào sáng ngày 3/5, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu rằng quần thể di tích khảo cổ học cánh đồng Cao Quỳ của Hải Phòng phải là một công trình văn hóa, lịch sử.

Người đứng đầu Chính phủ Việt Nam còn nhấn mạnh khu bảo tồn bãi cọc Cao Quỳ liên quan đến chiến trận Bạch Đằng năm 1288 không chỉ có ý nghĩa lịch sử mà còn có ý nghĩa giáo dục chính trị, tư tưởng truyền thống to lớn cả trước mắt và lâu dài. Do đó, trong quá trình thi công dự án, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các đơn vị “phải tôn trọng và tuân thủ nghiêm túc các nguyên tắc về giá trị, yếu tố gốc và tính nguyên vẹn của di chỉ”.  

Truyền thông trong nước dẫn nguồn từ UBND thành phố Hải Phòng cho biết tổng mức đầu tư xây dựng tuyến đường và Khu bảo tồn bãi cọc Cao Quỳ là hơn 427 tỷ đồng từ ngân sách thành phố. Dự án sẽ được thi công trong 135 ngày.

Đài RFA ghi nhận báo giới quốc nội hồi hạ tuần tháng 12/2019 loan tin người dân làng Mai Động, xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên phát hiện hai thân cây gỗ nằm trong lòng đất thuộc vùng đê bao sông Đá Bạc. Và ngay lập tức, Chính quyền thành phố Hải Phòng nhanh chóng thực hiện khai quật khảo cổ tại cánh đồng Cao Quỳ, vì cho rằng có nhiều dấu hiệu nhận dạng giống với các cọc gỗ đã được phát hiện trước đó và được công nhận là di tích của trận đánh trên sông Bạch Đằng. Đồng thời, tổ chức Hội nghị Báo cáo kết quả khai quật bãi cọc Cao Quỳ với sự tham dự của các giáo sư và nhà khoa học về văn hóa lịch sử.

Báo mạng VietnamNet, vào ngày 21/12/20 đăng tải thông tin về hội nghị vừa nêu, với tựa đề “Bàn’kế’ nâng tầm bãi cọc gỗ Bạch Đằng do nông dân Hải Phòng phát hiện”. Nội dung bài báo cho biết Viện Khảo cổ học bước đầu nhận định bãi cọc phát hiện ở Cao Quỳ thuộc trận chiến Bạch Đằng lần thứ 3 (năm 1288), để ngăn chặn quân Nguyên Mông dưới thời nhà Trần.

Là người theo dõi tin tức liên quan ngay từ những ngày đầu, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện cho biết đã từng có một số nhà khoa học như nhà giáo Lê Văn Sinh, thuộc khoa Lịch sử, trường Đại học Tổng hợp Hà Nội; Tiến sĩ Mai Thanh Sơn; Tiến sĩ Khảo cổ học Nguyễn Hồng Kiên, thuộc Viện Khảo cổ học đã lên tiếng tỏ ý nghi ngờ về việc khẳng định bãi cọc phát hiện ở Cao Quỳ là bãi cọc Bạch Đằng.

Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện cho biết thêm ông cũng đã đích thân đến Cao Quỳ vào đầu tháng 3 vừa qua để tìm hiểu. Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện ghi nhận bãi cọc Cao Quỳ cách xa khu di tích Bạch Đằng giang 18 km và khu vực khai quật khảo cổ đó là một gò đất, từng là bãi tha ma và cách xa với dòng sông hiện tại. 

Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện, vào tối hôm 5/5 nói với RFA rằng ông thật sự bất ngờ trước sự ủng hộ của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đối với dự án xây dựng khu bảo tồn bãi cọc Cao Quỳ, qua viện dẫn:

“Chúng tôi thấy đây là việc làm rất duy ý chí (của Chính quyền thành phố Hải Phòng) và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã quá vội vàng khi ủng hộ dự án này. Bởi vì khu khai quật khảo cổ học ở bãi cọc Cao Quỳ, xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng cho đến hiện nay chưa từng có một cuộc hội thảo khoa học thật sự. Giữa những kết quả khảo cổ học đó chưa có sự đối sánh với những điều được ghi chép lại trong sử sách của Việt Nam cũng như của Trung Quốc. Thứ hai nữa là chưa có một cuộc nghiên cứu thật sự chứng minh bãi cọc đó có phải là bãi cọc nằm cách đây 700 năm về trước ở dưới lòng sông hay không?”


Xây dựng tượng đài 14 tỷ vì “nguyện vọng nhân dân”

Không chỉ dự án hơn 427 nghìn tỷ đồng mà Chính quyền thành phố Hải Phòng chi ra để xây dựng khu bảo tồn bãi cọc Cao Quỳ, mà dư luận còn đặc biệt chú ý đến thông tin Chính quyền huyện Phước Sơn, thuộc tỉnh Quảng Nam chi 14 tỷ đồng từ ngân sách để xây dựng tượng đài chiến thắng Khâm Đức. 

Huyện Phước Sơn nằm trong danh sách 56 huyện nghèo của Việt Nam và đang được Chính phủ hỗ trợ.

Chủ tịch huyện Phước Sơn, ông Nguyễn Mạnh Hà, vào ngày 4/5 được Báo mạng Zing.vn dẫn lời rằng việc xây tượng đài là vì “nguyện vọng nhân dân”, nhằm tưởng niệm thời kỳ kháng chiến chống Mỹ của quân và dân huyện Phước Sơn, đồng thời giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ sau và cũng là một địa điểm du lịch để phát triển kinh tế địa phương.

Một người dân ở Quảng Nam, ẩn danh, chia sẻ với RFA sau khi nghe nghe được thông tin này:

“Nhà nước bây giờ làm cái gì cũng nói là ‘theo nguyện vọng của nhân dân’, chứ thực ra nhân dân đâu có yêu cầu làm vậy chi cho tốn tiền. Nói chung là họ muốn làm cái gì đó để gọi là có lịch sử để nhân dân noi theo, nhưng thực ra nhân dân chẳng cần mấy tượng đài như vậy đâu. Làm chi cho to, cho lớn để tốn tiền của dân chứ có được gì đâu, cũng chẳng giáo dục được cho thế hệ trẻ điều gì đâu?”

Tại thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam hồi năm 2015, công trình tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng được khánh thành và được ghi nhận như là tượng đài lớn nhất Đông Nam Á. Tuy nhiên, điều đáng quan tâm là công trình được duyệt với mức kinh phí dự tính 55 tỷ đồng và cho đến khi hoàn thành thì dự án bị nâng tổng kinh phí lên đến 411 tỷ đồng.

Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện nói rằng theo ghi nhận của ông trong khoảng 20 năm trở lại đây thì các địa phương ở Việt Nam luôn luôn xây dựng các dự án mà ông gọi là “có một lá bùa” gắn với nhân vật lịch sử, sự kiện lịch sử, phong trào cách mạng…để họ lập ra các dự án với dự toán kinh phí khủng và trong quá trình xây dựng thì giá cả bị đẩy lên vô tội vạ. Các dự án đó cũng luôn luôn được tuyên truyền nhằm mục đích giáo dục lịch sử, thế nhưng Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện cho rằng tác dụng giáo dục là rất hạn chế.

Luật sư Nguyễn Văn Đài, vào ngày 5/5 cũng xác nhận với RFA về ghi nhận của ông liên quan vấn đề xây dựng tượng đài và khu bảo tồn lịch sử ở các địa phương tại Việt Nam.

“Cách đây độ khỏang trên 20 năm thì khi đó bắt đầu có nhóm lợi ích vận động xây dựng tượng đài. Ví dụ như nhóm đấu thầu xây dựng, thậm chí họ bỏ tiền ra xây dựng tượng đài trước rồi sau đó họ mới vận động các cơ quan như Sở Văn hóa, Bộ Văn hóa để cấp tiền kinh phí cho cấp huyện hay cấp tỉnh để xây dựng những tượng đài như vậy. Bởi vì việc xây dựng tượng đài là tham nhũng rất dễ. Trong lịch sử hầu như các tượng đài rất nổi tiếng, như tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ chẳng hạn thì chưa đầy 1 tháng sau khánh thành đã bị hỏng và xập xệ rồi. Khi tôi còn ở Việt Nam thì những người bạn của tôi cho biết tham nhũng trong xây dựng tượng đài có thể lên đến 60-70% tổng kinh phí xây dựng, chứ không phải 30-40% tổng kinh phí xây dựng đường xá khác. Cho nên, khi các địa phương khi xin được kinh phí xây dựng tượng đài là miếng mồi béo bở cho các quan chức địa phương phối hợp với các nhóm lợi ích.”

Luật sư Nguyễn Văn Đài nói rằng đó là lý do vì sao các chính quyền địa phương rất say mê trong việc xây dựng tượng đài và di tích lịch sử. Luật sư Nguyễn Văn Đài, đồng thời cũng nhấn mạnh, sự tuyên truyền mục đích xây dựng này nhằm giáo dục lịch sử cho các thể hệ trẻ Việt Nam hoàn toàn bị phản tác dụng:

“Bởi vì vấn đề truyền thống anh hùng dân tộc để cho các thể hệ trẻ hiểu biết thì phải thông qua giáo dục trong môi trường phổ thông, chứ không nằm ở việc xây dựng các tượng đài như vậy. Bởi vì việc xây dựng không đúng theo nguyên bản và bị hỏng hóc qua quá trình thì khi các thế hệ trẻ đến xem sẽ rất gây phản cảm. Và, nếu như thế hệ trẻ hiểu được rằng những thế hệ lãnh đạo ở địa phương đó, đã từng sử dụng tượng đài đó để tham nhũng vơ vét của cải để làm giáu cho bản thân và gia đình của họ thì còn đi ngược lại với giáo dục về truyền thống anh hùng dân tộc.”

Luật sư Nguyễn Văn Đài quả quyết rằng việc xây dựng này vẫn sẽ tiếp diễn ở Việt Nam vì đó là mục đích chính trị trong chính sách chung của Ban Tuyên giáo Trung ương và được giới lãnh đạo chính quyền địa phương kết hợp với nhóm lợi ích tận dụng khai thác.

Trong khi đó, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện kêu gọi cần thiết tổ chức các cuộc hội thảo công khai, minh bạch đối với dự án xây dựng khu bảo tồn bãi cọc Cao Quỳ như là một bằng chứng thể hiện quyết tâm của Chính phủ và Nhà nước Việt Nam không để những đồng tiền ngân sách bị tiêu tốn một cách bừa bãi và vô tội vạ.

Nguồn: Hòa Ái Rfa

3 nhận xét :

  1. Ở VN trong giai đoạn này, thay vì ngành tòa án dựng tượng đài, hãy treo tấm hình bà Lê Thị Nga - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội - trong 5 năm!

    Trả lờiXóa
  2. Khi muốn xây tượng đài các quan thường nói " Đây là khát vọng,tỉnh cảm, mong mỏi của nhân dân tỉnh nhà đối với...." Dễ thôi: Hãy tổ chức quyên góp từ lãnh đạo, cán bộ, đảng viên doanh nghiệp...tỉnh nhà, Hàng ngày cập nhật số tiền từng cá nhân tổ chức đóng góp...khi đủ 20 tỷ thì khởi công! Chả còn ai thắc mắc!

    Trả lờiXóa
  3. Không lấy ý kiến của dân nhưng luôn miệng ca bài " Vì nguyện vọng của nhân dân tỉnh ( huyện , xã ... ) nhà " !!!.
    Chiêu dùng dân làm lá chắn cho những mưu đồ đen tối xem ra quá bị lạm dụng .

    Trả lờiXóa