Chủ Nhật, 10 tháng 5, 2020

BÀ LÊ HIỀN ĐỨC ĐỀ NGHỊ HỦY CÁC BẢN ÁN ĐỂ ĐIỀU TRA LẠI


BÀ LÊ HIỀN ĐỨC GỬI ĐƠN TỚI UB TƯ PHÁP QUỐC HỘI
ĐỀ NGHỊ HỦY CÁC BẢN ÁN ĐÃ TUYÊN VÀ TIẾN HÀNH ĐIỀU TRA LẠI

Chiều nay, 10/5/2020, Bà Lê Hiền Đức (89 tuổi) đã gửi Đơn tới Bà Lê Thị Nga, Chủ nhiệm UB Tư pháp của Quốc hội. Toàn văn như sau: 


CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
Hà Nội, ngày 09 tháng 5 năm 2020

ĐƠN ĐỀ NGHỊ XEM XÉT

Kính gửi: Bà LÊ THỊ NGA, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội

Tôi là Lê Hiền Đức,
Địa chỉ: Số nhà 7, ngõ 56, phố Pháo Đài Láng, quận Đống Đa, Hà Nội. 

Công dân Liêm Chính do Tổ chức Minh bạch Quốc tế vinh danh năm 2008.

Thưa bà, tôi vừa nhận được Đơn Kêu cứu Khẩn cấp của Bà Nguyễn Thị Loan, sinh 1963, là mẹ của tử tù Hồ Duy Hải – người đã bị kết án tử hình về tội giết người, cướp của đã qua cả ba cấp sơ thẩm, phúc thẩm và giám đốc thẩm. Bà Loan cư trú tại Ấp 1, xã Nhị Thành, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An.


Thưa bà, Bản Báo cáo Kết quả Nghiên cứu vụ án Hồ Duy Hải bị kết án tử hình về tội “Giết người” và tội “Cướp tài sản” tại tỉnh Long An, do bà ký ngày 10/2/2015 gửi Quốc hội cho Kết luận: “Việc Tòa án hai cấp kết tội Hồ Duy Hải là chưa đủ cơ sở vững chắc, có đầy đủ căn cứ để giám đốc thẩm”.

Ngày 6 đến 8 tháng 5 năm 2020 vừa qua, phiên tòa Giám đốc thẩm diễn ra tại trụ sở Tòa án Nhân dân Tối cao ở Hà Nội, Hội đồng thẩm phán đã bác quyết định kháng nghị của Viện trưởng Viện KSND tối cao. Theo đó sẽ giữ nguyên bản án đối với Hồ Duy Hải, và bản án sẽ tiếp tục được thi hành. Cháu Hồ Duy Hải buộc phải chấp hành hình phạt Tử hình.

Tôi làm đơn này, kính đề nghị Bà, với cương vị công tác và quyền hạn của mình báo cáo với Ủy ban Thường vụ Quốc hội để xem xét lại quyết định của Hội đồng thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao, và đề nghị hủy các bản án đã tuyên và tiến hành điều tra lại.
 
Thưa Bà, tôi xin gửi tới Bà lời chào trân trọng!

Người làm đơn
Lê Hiền Đức

1 nhận xét :

  1. TS Hà Hoàng Hợp, người từng tham gia cố vấn, tư vấn về cải cách tư pháp cho một số cơ quan của đảng và nhà nước Việt Nam khẳng định với BBC News Tiếng Việt:


    "có bao nhiêu Giám đốc thẩm cũng được, vả lại nếu bỗng nhiên có gì đặc biệt, có thể áp dụng Tái thẩm, tức là Viện trưởng Viện kiểm sát Nhân dân Tối cao có thể ra quyết định kháng nghị GIám đốc thẩm lần hai vân vân.
    (tiến sĩ Hà Hoàng Hợp)

    Trả lờiXóa