Thứ Sáu, 31 tháng 1, 2020

Lê Văn Sinh: GƯƠNG SOI


 
GƯƠNG SOI

Năm Mậu thân (1428) kết thúc cuộc chiến mười năm chống xâm lược Minh, Lê Lợi lên ngôi vua, đặt niên hiệu Thuận Thiên.

Năm Quý sửu (1433), vua băng, ở ngôi được 6 năm.

Cùng năm đó, Hoàng Thái tử Nguyên Long (Thái Tông Văn Hoàng đế) nối ngôi cha. Năm sau, đặt niên hiệu Thiệu Bình .

Năm Đinh Tỵ (1437), Thiệu Bình thứ 4, Thái tông sai Nguyễn Trãi và Lương Đăng soạn lễ nhạc. Nhân đó, "Hành Khiển Nguyễn Trãi (chức quan tương đương Thứ trưởng ngày nay - LVS), dâng biểu vẽ khánh đá và tâu rằng: ' Kể ra đời loạn dùng võ, thời bình chuộng văn. Nay đúng là lúc nên làm lễ nhạc. Song không có gốc thì không thể đứng, không có văn thì không thể hành. Hòa bình (1) là gốc của nhạc, thanh âm là văn của nhạc. Thần vâng chiếu soạn nhạc không dám không dốc hết tâm sức. Nhưng vì học thuật nông cạn, sợ rằng trong khoảng thanh luật khó được hài hòa. Xin bệ hạ yêu nuôi muôn dân, để chốn xóm thôn không còn tiếng oán hận buồn than, như thế mới không mất cái gốc của nhạc.' Vua khen ngợi và tiếp nhận. Sai thợ đá huyện Giáp Sơn lấy đá ở núi Kính Chủ để làm " (2). 

Đó là chuyện ngày xưa.

Nay, đất nước ra khỏi các cuộc chiến tàn khốc vài chục năm rồi mà từ hang cùng ngõ hẻm đến chốn thị thành vang lên tiếng khóc oán giận của tầng lớp dân nghèo mất đất.

Chính quyền lấy được giang sơn từ tay ngoại bang là nhờ mang lại ruộng đất cho dân nghèo. Họ theo chính quyền là vì vấn đề cốt tử đó.

Từ sau Nghị quyết 10, giao đất canh tác cho hộ gia đình nông dân vào năm 1988, và dưới tác động của Đổi mới (1986), xã hội Việt Nam bắt đầu phân tầng, ngày càng mạnh mẽ. Vì vậy, Việt Nam sau Đổi mới khác hẳn Việt Nam thời kinh tế chỉ huy. Các nhà quản trị quốc gia hẳn nhận thức được điều này.

Không chỉ nông thôn mà cả thành thị đang trở nên ngày càng bất ổn. Gốc rễ của tình trạng này là sở hữu đất đai toàn dân. Nếu không giải quyết mâu thuẫn quyền sở hữu đất sẽ không có bất kỳ cuộc cải tổ kinh tế - chính trị nào mang lại ổn định và phát triển cho đất nước. Và tình trạng phân ly dân tộc sẽ biến tổ quốc Việt Nam thành miếng mồi ngon cho tham vọng lãnh thổ, lãnh hải của chủ nghĩa đại Hán.

Những ai đang nắm giữ quyền bính quốc gia, nếu một lòng phụng sự tổ quốc xin hãy suy nghĩ về tình trạng đất đai bị kiêm tính vô phương cứu chữa trong suốt nhiều năm qua. Và xin nhớ lại lời chỉ dẫn của anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi, rằng " Chở thuyền là dân, lật thuyền cũng là dân".

--‐------
Ghi chú.
1. chữ ' hòa bình ' thế kỷ XV có nghĩa một xã hội an ninh trật tự, không có trộm cướp, cường hào ở thôn quê, đầu gấu xã hội đen ở thị thành.
2. Đại Việt Sử Ký Toàn Thư. NXB KHXH, HN. 1985, tr.339.

3 nhận xét :

  1. Đất đai thuộc sở hữu toàn dân do nhà nước thống nhất quản lý. Thực chất nhà nước của ta ở đây chỉ vỏn vẹn có Chủ tịch UBND các cấp và cán bộ địa chính cùng cấp là người được toàn quyền định đoạt ban phát, được cấp giấy chứng nhận quyền xử dụng đất, do được ôm hết quyền lực vào mình do đó họ tự tung tự tác, cho ai nấy được.
    Từ đó nảy sinh nhiều tiêu cực, bất công, họ vun vén làm giàu cho bản thân và tham nhũng cũng bắt nguồn từ đây. Đơn cử việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cũng phát sinh nhiều vấn đề, Chúng gây khó khăn cho người dân nếu không chịu đút lót, cho dù là người thật việc thật. (Người thật thì bảo gian, kẻ gian thì cho là ngay) do khó khăn nên người dân cũng chẳng thèm xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, vì vậy mà nhà nước thất thoát một khoản thu thuế chuyển nhượng Quyền sự dụng đất, khó khăn trong quản lý nhà nước về ruộng đất.

    Trả lờiXóa
  2. Một bầy ác ôn hành hạ chỉ một phụ nữ chân yếu tay mềm phản đối bọn cướp đất...
    chuyện cổ tích.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Tất cả sẽ được đưa vào sử sách về những hành động "oai hùng" này, không lâu nữa đâu.

      Xóa