Hữu Quang Minh
Như đã tự đặt ra câu hỏi cho mình, tôi đi tìm câu trả lời cho việc công an và người dân giết nhau hôm nay. Suy cho cùng thì tất cả cũng là người dân.
Tôi không muốn đi sâu vào vấn đề pháp lý của khu đất, chỉ lưu ý là về bản chất vụ việc thì đây là một bên lấy đất thì nói rằng đã đền bù rồi, còn người dân Đồng Tâm thì nói là chưa được đền bù. Người dân sẵn sàng giao đất miễn có đền bù, chỉ vậy thôi.
Thế thì ban đầu bản chất vụ việc là tranh chấp dân sự xoay quanh vấn đề tiền đền bù, lẽ ra nên để toà án dân sự giải quyết nếu chính quyền muốn có pháp trị. Tiếc rằng sự việc đã không theo hướng đó mà bị hình sự hoá lên qua những chi tiết như ông Lê Đình Kình bị xô xát làm gãy chân vào năm 2017.
Ban đầu là dân sự, rồi thành có yếu tố hình sự. Rồi đến hôm nay lại thành vấn đề chính trị khi có công an và dân chết vì xô xát với nhau. Sự việc ngày càng leo thang và rối rắm. Ai chịu trách nhiệm về sự việc leo thang này ?
Theo những diễn biến sự việc đêm qua thì tôi đặt ra nhiều câu hỏi. Rốt cuộc là cuộc hành quân của cảnh sát cơ động đêm qua là nhằm mục đích gì ?
Với đặc trưng của công an Việt Nam thì khi hành quân thường có các mục đích hành chính hoặc hình sự. Nếu cuộc hành quân đêm qua có mục đích hành chính là bảo vệ bức tường sân bay Miếu Môn đang xây thì nơi họ đến phải là khu đất đang tranh chấp không để người dân đến phá rối. Nghĩa là hơn 1000 chiến sĩ CSCĐ phải có mặt ở khu vực đất sân bay Miếu Môn chứ không phải ở làng Đồng Tâm cách đó hơn 3km.
Nếu cuộc hành quân đêm qua là có mục đích hình sự là bắt người theo chuyên án đã xác lập thì lẽ ra nên đường đường chính chính đi vào ban ngày, đọc lệnh bắt bằng loa trước cổng làng, vận động người dân chấp hành rồi cho CSCĐ công khai vào bắt. Có thể cũng có chống đối, có thương vong nhưng thể hiện minh bạch cuộc hành quân và có tư thế lập uy của công vụ.
Thành ra cuộc hành quân đêm qua về mặt công vụ hành chính (chống phá rối bức tường) thì lại đi sai mục tiêu và địa bàn. Còn nếu nói để thực thi mục đích hình sự là bắt người thì lại không đường hoàng và có cái uy thế của luật pháp. Như vậy mục đích hành chính và mục đích hình sự đều không có.
Nếu không có hai mục đích trên thì chỉ còn mục đích chính trị. Vậy mục đích chính trị ở đây là gì và ai chịu trách nhiệm.
Nếu tin tức loan ra là đúng thì việc có mặt hơn 1000 CSCĐ tại hiện trường thì là cấp trung đoàn. Như vậy nơi chịu trách nhiệm thừa hành, trực tiếp là Bộ Tư Lệnh Cảnh Sát Cơ Động.
Nơi chịu trách nhiệm thứ hai là chính quyền địa phương Hà Nội nhưng không phải ông Nguyễn Đức Chung. Trong bối cảnh vụ Nhật Cường đã vào tới Bộ Chính Trị chỉ đạo và Cơ quan điều tra đã đứng trước cổng siêu thị Minh Hoa thì ông Chung còn đầu óc đâu mà đạo diễn vụ Đồng Tâm. Nên tôi cho rằng dư luận quy trách nhiệm cho ông Chung thì chưa đủ logic.
Tôi cho rằng không phải ông Chung thì Bí thư thành uỷ Hà Nội là có trách nhiệm. Một cuộc điều quân quy mô cấp trung đoàn trong nội thành Hà Nội thì buộc phải có ý kiến của bí thư thành uỷ. Chưa kể có dư luận cho là có khi bí thư Hà Nội đang ồn ào vì vụ bị kỷ luật nên để vụ Đồng Tâm diễn ra là để đánh bùn sang ao. Đánh giá này cũng có logic chính trị của nó.
Nhiều người nói cần đàn áp vì Đồng Tâm lập “làng kháng chiến” nhưng tôi cho rằng một khi đã có đến quy mô cả làng kháng chiến thì đảng cần xem lại mình. Những người như ông Kình, ông Công...được dân làng che dấu, nuôi nấng cũng tương tự như ngày xưa đảng được người dân nuôi dấu. Và xa hơn nữa, đó chính là văn hoá làng xã của Việt Nam, một yếu tố quan trọng trong lịch sử giữ nước bi hùng của dân tộc. Là lấy mềm thắng cứng, là lấy ít địch nhiều, là chiến tranh nhân dân.
Trong 4000 năm lịch sử của dân tộc, chính văn hoá làng xã của Việt Nam là yếu tố quan trọng để giữ nước trước vó ngựa xâm lăng điên cuồng của phương Bắc. Làng Đồng Tâm chính là một đặc trưng của văn hoá làng xã đó. Tấn công ban đêm vào làng Đồng Tâm cũng là cú đánh vào nền tảng văn hoá làng xã của Việt Nam để làm phân rã sự đoàn kết đó. Còn vấn đề Đồng Tâm “kháng chiến” đúng hay sai là việc khác. Kể cả họ có “phản động” đi nữa cũng cần bắt vào ban ngày và có điều tra xét xử theo quy trình tố tụng.
Thông báo của Bộ Công An rất sớm, nhưng rất đau đớn khi đó lại là ở Đồng Tâm. Tôi cứ nghĩ bản tin sẽ là “vì một ngư dân đã chết ở Biển Đông, có ba chiến sĩ công an hi sinh để cứu những bà con còn lại”.
Giấc mơ về một sự Đồng Tâm của dân tộc có lẽ cũng mãi chỉ là giấc mơ.
H.M
Không có nhận xét nào :
Đăng nhận xét