Thứ Tư, 25 tháng 12, 2019

NÓNG: CHÍNH QUYỀN HẢI PHÒNG CƯỚP NHÀ CỦA CỤ BẠCH THÁI BƯỞI

Bà Bạch Quế Hương tại căn nhà của cụ Bạch Thái Bưởi. 

Le Dung Vova

Doanh nhân Bạch Thái Bưởi cũng là Doanh nhân ... oan, mất nhà !

Cụ Bạch Thái Bưởi là một Doanh nhân tài ba, từ đầu thế kỷ 20, cụ đã là một nhà buôn giỏi, cụ đã sáng lập ra một Toà báo có tên “ Khai sáng “ vào những năm 1926, phổ biến kiến thức kinh doanh, khoa học kỹ thuật cho dân chúng, việc kinh doanh của Cụ cũng rất thành đạt. Sách giáo khoa Quốc văn thời VNCH cũng được biên soạn, phần Lược sử báo chí cũng nói rất rõ về Cụ. 

Bác Hải là hậu duệ của Cụ Bạch Thái Bưởi, từng làm bên TC2, sau về làm báo Quân đội cùng chỗ cô Bình, con gái Cụ Nguyễn Trọng Vĩnh và đã nghỉ hưu. 

Việc Hải phòng quản lý giúp gia đình Cụ Bưởi, bác Hải ngôi nhà tại Hải phòng từ năm 1958 là được uỷ quyền của gia đình, sau khi kháng chiến bác Hải về yêu cầu bàn giao lại là hoàn toàn đúng luật. Hải phòng làm ăn rất bậy bạ, mang bán cho mấy gia đình ngôi nhà của Doanh nhân đang giao quản lý hộ, đó là thứ văn hoá lưu manh ! 

Được biết phần mộ của cụ Bạch Thái Bưởi hiện an táng tại Mộ Lao Hà đông,
anh Bạch Thành Định, nguyên thủ trường cơ quan điều tra HN là hậu duệ nhà cụ Bưởi.

___________________

Chắt doanh nhân Bạch Thái Bưởi xin trả danh hiệu
24/12/2019 

GD&TĐ - Bất lực trong việc đòi lại nhà để làm nơi thờ tự, bà Bạch Quế Hương (chắt nội doanh nhân Bạch Thái Bưởi) muốn trả lại bằng khen, danh hiệu đã được trao tặng.
Bà Bạch Quế Hương tại căn nhà của cụ Bạch Thái Bưởi.

Đi kháng chiến về… mất nhà

Vợ chồng doanh nhân Bạch Thái Bưởi có tòa nhà hai tầng (gồm nhiều căn) ở góc đường Đinh Tiên Hoàng - Trần Hưng Đạo (quận Hồng Bàng, TP Hải Phòng). Trong hồ sơ lưu giữ tại Sở Xây dựng TP Hải Phòng, bất động sản tại thửa E-29-17 là tòa nhà của vợ chồng cụ Bạch Thái Bưởi, được cấp bằng khoán 145 HAIPHONG CATHEDRALE.

Thời điểm tháng 10/1958, khi lên đường tham gia kháng chiến, ông Bạch Thái Hải (cháu nội của cụ Bạch Thái Bưởi) đã gửi TP Hải Phòng giữ giúp tòa nhà. Khi gửi có giấy viết tay.

Khu tòa nhà được Công ty Kinh doanh nhà (nay là Công ty TNHH MTV Quản lý và Kinh doanh nhà Hải Phòng) tiếp nhận từ 1/10/1958. Sau đó, công ty này đã ký hợp đồng cho các hộ dân thuê ở và một tổ chức thuê kinh doanh.

Sau kháng chiến, ông Bạch Thái Hải có đơn xin lại nhà từ năm 1992. Tháng 7/1993, Văn phòng Trung ương Đảng có văn bản chuyển đơn kiến nghị của ông Hải cho TP Hải Phòng giải quyết. Tuy nhiên, việc đòi nhà không có kết quả.

Sau đó, ba căn nhà mặt tiền đường Đinh Tiên Hoàng được TP Hải Phòng bán thanh lý cho ba hộ dân. Cụ thể, năm 2007, TP Hải Phòng đã bán thanh lý cho hai hộ căn nhà số 141 Đinh Tiên Hoàng và căn nhà 143 Đinh Tiên Hoàng. Năm 2013, TP Hải Phòng tiếp tục bán căn nhà số 139 Đinh Tiên Hoàng cho hộ khác.

Hết đời cháu, đến chắt đi… đòi nhà

Sau khi ông Bạch Thái Hải qua đời, ngày 6/10/2017, người con duy nhất của ông là bà Bạch Quế Hương đã gửi đơn đề nghị TP Hải Phòng trả lại những căn nhà trên cho gia đình làm nơi thờ tự.

Ngày 20/08/2018, UBND TP Hải Phòng đã ban hành Thông báo số 291/TB-UBND về việc Kết luận của Tập thể lãnh đạo UBND TP tại cuộc họp giải quyết kiến nghị đòi lại nhà của bà Bạch Quế Hương.

Theo đó, TP Hải Phòng đồng ý giải quyết hỗ trợ cho gia đình bà Bạch Quế Hương 2 lô đất với diện tích là 130m2 tại đường Hạ Lý (thuộc khu tái định cư của quận Hồng Bàng). Bà Bạch Quế Hương không đồng ý vì giá trị của 2 lô đất này là quá nhỏ. Bà Hương muốn xin lại một phần căn nhà của gia đình để làm nơi thờ tự, lưu giữ những kỷ niệm của doanh nhân Bạch Thái Bưởi.

Không giải quyết được đơn thư, ngày 12/12/2018, UBND TP Hải Phòng đã gửi Văn bản số 8013/UBND-XD2 báo cáo và xin ý kiến Bộ Xây dựng. Tuy nhiên, đến ngày 7/8/2019, Bộ Xây dựng có văn bản gửi UBND TP Hải Phòng với nội dung hướng dẫn: “Việc đòi nhà của bà Bạch Quế Hương không có căn cứ giải quyết”.

Gần đây nhất, ngày 6/12/2019, UBND TP Hải Phòng đã có Văn bản số 7722/UBND-XD trả lời bà Bạch Quế Hương là việc đòi nhà trên không có cơ sở.

Bất lực, bà Bạch Quế Hương cho biết muốn trả lại bằng khen, danh hiệu đã được Nhà nước trao tặng cho những đóng góp của cụ Bạch Thái Bưởi. Bà cho rằng, việc vinh danh đó là không có ý nghĩa khi UBND TP Hải Phòng đã bỏ qua những căn cứ pháp lý để không trả lại nhà đất cho bà. Không xem xét đến những đóng góp của doanh nhân Bạch Thái Bưởi đối với TP Hải Phòng. Bà Bạch Quế Hương đang gặp khó khăn về chỗ ở, phải đi thuê nhà.

Các căn cứ pháp lý

Luật sư Đỗ Viết Hải – Công ty Luật hợp danh Sự Thật cho rằng, việc đòi nhà của bà Bạch Quế Hương có đầy đủ căn cứ pháp luật.

Theo LS Hải, giấy giữ nhà ngày 1/10/1958 giữa ông Bạch Thái Hải và Phòng Nhà cửa (Sở Tài chính Hải Phòng) là một giao dịch dân sự áp dụng theo quy định tại Điều 13, 14 Nghị quyết số 58/1998/NQ-UBTVGH10 ngày 20/8/1998 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội khoá 10 quy định về giao dịch dân sự về nhà ở được xác lập trước ngày 1/7/1991.

Thực tế, ngày 1/10/1958, do thực hiện nhiệm vụ cách mạng, cụ thể là ông Bạch Thái Hải phải làm nhiệm vụ tại báo Quân đội Nhân dân. Nếu ông không phải thực hiện nhiệm vụ do Nhà nước giao thì ông không phải gửi nhà đất cho Phòng Nhà cửa giữ hộ. Từ việc gửi giữ này, Sở Tài chính Hải Phòng có quyền quản lý các bất động sản nêu trên.

Thực tế, Sở Tài chính Hải Phòng đã tiếp nhận các nhà đất này và sau đó cho các tổ chức, cá nhân thuê, thậm chí là bán cho 3 hộ gia đình và thụ hưởng tiền từ việc bán, cho thuê này từ đó đến nay.

Nhưng theo chính sách và nhà ở của Đảng và Nhà nước đối với cán bộ trước đây đi tham gia kháng chiến, hoạt động cách mạng thì cần trả lại những căn hộ trên cho ông Bạch Thái Hải. Bởi, ông Hải tham gia cách mạng từ năm 1948, công tác tại Cục Tình báo, Bộ Tổng tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam, năm 1957 chuyển công tác về báo Quân đội Nhân dân đến khi nghỉ hưu.

Thông tư số 383/TT-BXD-ĐT ngày 5/10/1991 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng về hướng dẫn thi hành Quyết định của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng về việc giải quyết một số vấn đề nhà ở quy định: “Trường hợp chủ sở hữu nhà vắng chủ là cán bộ trước đây đi tham gia kháng chiến, hoạt động cách mạng đến nay mới có điều kiện trở về thì UBND cấp Tỉnh trả cho họ nhà khác hoặc trả tiền tương ứng”.

.
Hoàng Nam

6 nhận xét :

  1. Rõ thật là : Cướp đêm là giặc ; Cướp ngày là ...quan !

    Trả lờiXóa
  2. Chuyện chính quyền mượn nhà dân rồi không trả là chuyện rất đỗi bình thường ; Điển hình như việc đòi nhà của gia đình Cụ Trịnh Văn Bô ...
    Thân phận " Con kiến mày kiện củ khoai " , phải chịu thôi !

    Trả lờiXóa
  3. Hết cướp của người này đến cướp của người khác, trong đó điển hình là 2 doanh nhân nổi tiếng và có công rất lớn với chế độ là cụ Trịnh Văn Bô và cụ Bạch Thái Bưởi!

    Trả lờiXóa
  4. Đúng là chính quyền cướp.

    Trả lờiXóa
  5. Chó đã gặm được cục xương đầy thịt rồi. Đố mà nó nhả ra !

    Trả lờiXóa
  6. Phần mộ của cụ Bạch thái Bưởi hiện an táng tại nghĩa trang thôn Yên Phúc cạnh nghĩa trang thôn Văn Quán, nay là phường Văn Quán quận Hà Đông.

    Trả lờiXóa