Thứ Tư, 25 tháng 12, 2019

LIỆU CHÚNG TA CÓ VẼ TRẬN ĐỒ CHO NGƯỜI XƯA ĐÁNH GIẶC


BÃI CỌC…LIỆU CHÚNG TA CÓ VẼ TRẬN ĐỒ 
CHO NGƯỜI XƯA ĐÁNH GIẶC

Nguyễn Khắc Thái
.
Chuyện nhờ khảo cổ mà phát hiện cả những nền văn minh thời xa xưa không hiếm. Nhiều thành phố cổ đã được khảo cổ phát lộ nguyên vẹn, nhiều công trình kiến trúc dân dụng quân sự cũng đã được khảo cổ phát lộ như thành phố cổ Tenea phía tây Athens, thành phố Helike của Hy Lạp, thành phố Heracleion của Ai Cập, thành phố Sharon ở Israen, thành phố Atlantis chìm trong nước phát hiện được từ khai thác kinh Koran, thành phố Ubar (chính là thành Iram) được phát hiện từ tài liệu viễn thám, v.v. và v.v.

Có thể nói có quá nhiều những di tích từ xa xưa đã được khảo cổ học phát hiện và đưa ra ánh sáng giải mã những bí ẩn của lịch sử.

Thường thì việc phát hiện các dấu tích cổ xưa đến từ 3 con đường:

Một là dựa vào ghi chép trong thư tịch làm cơ sở tìm kiếm trên thực địa để chứng minh. Hai là ngẫu nhiên phát hiện trên thực địa rồi tìm kiếm tài liệu lịch sử để giải mã và lắp ghép tài liệu thư tịch và tài liệu trong phát hiện khảo cổ học. Ba là đồng thời từ thư tịch và tài liệu thực địa để phục dựng lịch sử.

Bãi cọc tìm thấy ở Quảng Ninh trước đây và bãi cọc tìm thấy ở Hải Phòng vừa công bố cách đây mấy hôm là kết quả từ con đường thứ ba: Đồng thời từ thư tịch và từ thực địa.

Tuy nhiên, nếu các di tích được phát lộ trên thế giới đã dẫn một vài điểm ví dụ trên đây được các nhà khảo cổ học khai quật và phát hiện đầy đủ từ công trình kiến trúc đến những dấu vết sinh họat, công cụ lao động, vật dụng trong đời sống, thậm chí cả các mẫu thực ăn, bào tử, phấn hoa…. Thì bãi cọc ở các điểm khai quật tại Quảng Ninh và Hải Phòng thuần túy chỉ là…cọc.


Dù chỉ là cọc, nhưng việc xác định niên đại (nếu đúng) và vị trí bãi cọc, cách bố trí, hình thù, cỡ kích cọc khiến các nhà khoa học gắn nó với trận chiến Bạch Đằng thời nhà Trần là có cơ sở liên tưởng. Đó là lý do khiến các nhà sử học rất hưng phấn và tổ chức ngay các sự kiện công bố và đưa ra những kết luận định hướng tới mức gần như tái hiện sự kiện lịch sử từ những chiếc cọc đó.
.
Vậy, có điều gì băn khoăn nữa, khi mà cuộc kháng chiến chống xâm lược Nguyên Mông trong đó có trận thủy chiến Bạch Đằng đã được hai tác giả hàng đầu trong giới sử học đương đại là Hà Văn Tấn và Phạm Thị Tâm nghiên cứu với những nguồn tư liệu hết sức thuyết phục, thì bãi cọc rõ ràng là một chứng tích.
 
Về mặt logoc hình thức thì đúng.

Tuy nhiên, từ diễn trình lịch sử được tái hiện trong công trình của hai tác giả Hà Văn Tấn – Phạm Thị Tâm và bãi cọc vừa được phát hiện ở Thủy Nguyên là một gạch nối từ … nội suy. Có thể đúng và có thể chưa đúng do chưa thực hiện đúng phương pháp luận sử học.

Nói như vậy vì từ việc phát lộ bãi cọc đến những công bố nội dung lịch sử, vẫn còn những băn khăn sau đây:

- Thứ nhất, các nhà sử học chưa viện dẫn cho người nghe có hay không thư tịch trong và ngoài nước, đặc biệt là của Việt Nam và Trung Quốc nói về cuộc tiến quân của quân Nguyên có 2 hướng, đã bị quân nhà Trần chặn đánh trên hai nhánh sông và sự kiện trong tài liệu đó phù hợp với 2 bãi cọc đã tìm thấy cả ở Quảng Ninh và cả ở Hải Phòng.

Bãi cọc đóng vai trò là vật chứng cho thư tịch. Ở đây, một số nhà sử học lấy bãi cọc để vạch đường tiến quân của quân Nguyên, nghĩa là, người thế kỷ XXI vẽ trận đồ cho người thế kỷ thứ XII thực hiện. Thậm chí, có Giáo sư cho rằng, phải thay đổi hướng nghiên cứu, chỉ vì 2 bãi cọc cách nhau đến hơn 20km nên thời đó không phải là một ‘trận chiến” mà là một “chiến dịch”, nếu vậy thì hai tác giả Hà Văn Tấn – Phạm Thị Tâm viết trong cuốn “Cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông” là trận thủy chiến là không đúng mà phải là “Chiến dịch”!. Trong khi đó, lại có một Giáo sư khác cho rằng, bãi cọc Thủy Nguyên chỉ nhằm ngăn chặn không cho quân Nguyên tiến vào nhánh sông này, buộc chúng dồn vào một nhánh sông ở Quảng Ninh để rơi vào trận địa của ta mà tiêu diệt. Như vậy có nghĩa là ở bãi cọc Thủy Nguyên không diễn ra trận chiến, vậy chỉ có một trận chiến ở Quảng Ninh và hai tác giả Hà Văn Tấn – Phạm Thị Tâm vẫn đúng. Vậy thì nghe ai? Bãi cọc Thủy Nguyên là chướng ngại vật chặn giặc để chúng quy về trận thủy chiến Bạch Đằng, hay bãi cọc Thủy Nguyên cũng là một trận chiến để hợp với bãi cọc Quảng Ninh thành “Chiến dịch”?


- Thứ hai, bãi cọc đã tham gia vào sự kiện lịch sử thì nó không chỉ tham gia mỗi chuyện chọc thủng tàu địch. Nếu bãi cọc đó tham gia vào lịch sử Bạch Đằng thì nó còn được lịch sử ghi nhận sức lao động sáng tạo vĩ đại của nhân dân. Vậy, việc xây dựng bãi cọc để đưa vào chiến trận diễn ra như thế nào? Tại sao có cọc như được vót nhọn, lại có cọc cắt ngang đáy cắm xuống đất. Để đưa bãi cọc tham gia vào lịch sử thì việc đầu tiên các nhà khoa học phải minh xác công năng của các cọc này. Cọc nằm nghiêng 45 độ có công năng khác cọc thẳng đứng ra sao và vì sao nó được bố trí ngẫu nhiên như vậy. Vì sao cọc này được cắt bằng và cọc kia vót nhọn? Nó được khai thác ở đâu, vận chuyển cách nào để đưa đến đây tham gia vào sự kiện lịch sự. Bản thân quá trình lao động của nhân dân làm nên sự kiện và đóng góp vào chiến thắng thì đã có tài liệu nào mô tả chưa?

- Thứ ba, Tại sao bãi cọc “sạch” đến như vậy?. Các di tích được khảo cổ học phát lộ mà tôi đã đưa ví dụ trên kia chứa dựng cả vật chất công trình và vật chất sinh hoạt, nằm trong đất cả 5000 năm. Tại sao mới chỉ có 700 năm mà một công trình xây dựng phòng tuyến lớn như vậy không có dấu vết con người. Khảo cổ học VN đã từng phát hiện công cụ sơ kỳ thời đại kim khí có niên đại gấp 3 lần niên đại bãi cọc nhưng đồ đồng, đồ sắt vẫn còn. Vậy công cụ lao động để làm ra bãi cọc chạy đi đâu? Chẳng lẽ họ không vô tình, sơ ý đánh rơi xuống đáy sông để rồi trầm tích trong tầng văn hóa thời ấy? Và nữa, muốn đóng, chon bãi cọc thì thiết bị hỗ trợ (búa, đòn bẫy, giàn giáo…) phải tương tự cả độ lớn, độ bền và số lượng cũng tương đương. Vậy số công cụ lao động, công cụ hỗ trợ ấy đi đâu mà bãi cọc sạch đến vậy?

- Thứ tư, Trận thủy chiến này được mô tả là quân Nguyên thất bại nặng nề. Vậy khí cụ của địch, tàu thuyền của địch bị đánh chìm đã biến đi đâu, khi mà độ bền vật liệu của tàu thuyền cũng tương tự như độ bền của cọc. Vậy, di vật ấy biến đi đâu. Chẳng lẽ một trận chiến chỉ có cọc?

- Còn nhiều vấn đề về mặt phương pháp nghiên cứu chưa ổn.

Tôi muốn nói lời kết rằng, chỉ riêng công trình của hai tác giả Hà Văn Tấn và Phạm Thị Tâm đã đủ để khẳng định chiến thắng oanh liệt của vua tôi nhà Trần, của nhân dân ta trước quân Nguyên xâm lược. Điều đó thư tịch Trung Quốc cũng ghi đầy đủ, thư tịch thế giới cũng đã được viện dẫn. Có thêm cứ liệu bãi cọc sẽ làm sinh động thêm thực tiễn lịch sử, nhưng không có bãi cọc thì cũng không thể phủ nhận thất bại của quân Nguyên đã rõ ràng.

Nhưng nếu đưa một bãi cọc vào lịch sử không bằng một phương pháp luận vững chắc, sẽ tạo ra những hệ lụy phức tạp về độ tin của sự kiện.

Vậy nên, những phát ngôn có tính kết luận, định hướng là rất vội vàng. Xin hãy thận trọng.

24.12.2019

2 nhận xét :

  1. Liệu có cái cọc nào có rễ không?

    Trả lờiXóa
  2. Cọc 700 năm mà nhìn như mới, kể cả vỏ sắt bọc

    Trả lờiXóa