Thứ Năm, 21 tháng 11, 2019

Nguyễn Xuân Diện: VÌ SAO NHẠC VÀNG LẠI ĐƯỢC YÊU THÍCH?


VÌ SAO NHẠC VÀNG LẠI ĐƯỢC YÊU THÍCH

Nguyễn Xuân Diện

"Nhạc Vàng" là tên thường gọi của thể loại nhạc được sáng tác và trình diễn dưới thời Việt Nam Cộng hòa. Lâu nay, nhiều người đã bàn về giá trị nghệ thuật và sức sống của nhạc vàng thời Viêt Nam Cộng Hòa (VNCH). Đã có rất nhiều người chỉ ra lý do Nhạc vàng nhanh chóng tiến ra Bắc, trở thành một món ăn tinh thần không thể thiếu của các tầng lớp nhân dân ở Miền Bắc, đồng thời có sức sống rất mãnh liệt tại hải ngoại.

Theo tôi, Nhạc vàng được yêu thích và có sức sống ấy là do các nguyên nhân sau đây:

1. Nhạc vàng có ca từ đề cập đến cái Buồn.

Bất cứ nền văn nghệ nào, khi đề cập đến số phận con người, đến cái Buồn, cũng sẽ được nhớ mãi. Âm hưởng buồn (có khi bi thương, bi tráng, bi hùng, có khi chút thoáng) chiếm phần lớn trong nhạc vàng VNCH. Cái Buồn luôn chạm đến trái tim của mọi người, ở mọi thời điểm và hoàn cảnh.

Tình yêu, sự nhớ nhung và niềm đau của các cuộc tình tan vỡ; nỗi nhớ thương người yêu bé nhỏ nơi quê nhà bùng lên trong bước quân hành hay giữa vùng biên thùy trong phiên gác đêm xuân. Ước vọng đoàn tụ dưới mái tranh nghèo khi Tết đến không thành; Người bạn chiến đấu nằm phơi xác sau một lần xuất kích, hay những dải khăn xô của mẹ già và thiếu phụ mất con mất chồng… Tất cả gợi lên những nỗi buồn với nhiều cung bậc khác nhau, chạm đến trái tim của mọi người. Đó là lý do Nhạc vàng VNCH nhanh chóng tìm được sự đồng cảm, sự chia sẻ, sự hô ứng.

2. Nhạc vàng VNCH khi hát lên, đều tròn vành rõ chữ, đúng theo truyền thống âm nhạc Việt Nam.

Đây chính là lý do Nhạc vàng ra Bắc, nó như được trở về với cội nguồn Văn hóa Việt, từ những người con xưa từng “mang gươm đi mở cõi”.

Chính vì điểm này, mà nó gần gũi với con người và nó trở thành quen thuộc với bất cứ ai. Giống như Thơ Lục bát (ai cũng có thể làm và có thể làm hay), ai cũng có thể hát nhạc vàng, ai cũng có thể hát đúng và có thể có nhiều người hát hay. Sự lan tỏa và chiếm lĩnh của nhạc vàng sâu rộng như vậy chính là nhờ điểm này.

Đặc điểm này đem lại các hệ quả là: 1- Nhạc vàng quen thuộc mà không xa lạ; 2- Nhạc vàng dễ phổ biến vì ai cũng có thể hát. Đây là một dấu son của di sản Văn Nghệ VNCH: Sản sinh thể loại âm nhạc không bị thất cước với quá khứ cha ông và nằm trong mạch ngầm của văn hóa Việt.

3. Nhạc vàng có ca từ sang trọng và ẩn dụ.

Nhạc vàng có ca từ sang trọng là bởi sử dụng nhiều từ Hán Việt, vì từ Hán Việt cô đọng và hàm ẩn nghĩa và giàu sức gợi mà ít phải dùng nhiều chữ. Thí dụ: “..thì gót liễu mong manh, làm sao bước song hành”. Thì gót liễusong hành là những từ rất gợi, để nói đến người con gái bé nhỏ, liễu yếu đào tơ làm sao bước song hành cùng chàng trai nơi bưng biền, chiến địa. Chữ “gót liễu” rất gợi, gợi lên hình ảnh mảnh mai và xinh đẹp của người con gái, đồng thời trong đó cho thấy chàng trai ý thức được mình là trang nam nhi, dấn thân nơi chiến trường và luôn yêu thương người yêu bé bỏng.

4. Nhạc vàng VNCH được phối âm phối khí tốt nhất

Nhạc vàng VNCH được ưa chuộng và rất thịnh hành trong đời sống âm nhạc đô thị Miền Nam. Thị trường âm nhạc của Nhạc vàng VNCH đem lại lợi nhuận lớn qua phát hành băng đĩa, sự nổ rộ của các phòng trà âm nhạc, các buổi biểu diễn ngoài trời, các sân khấu lớn. Vì vậy, Nhạc vàng VNCH đã được phối âm phối khí với tất cả các phương tiện và dàn nhạc hiện đại nhất lúc đương thời. Sự sang trọng và ẩn dụ của ca từ, những thanh âm da diết của giai điệu, lối hát tròn vành rõ chữ của nghệ sĩ, trên nền phối khí đầy đủ và hiệu quả, tạo cho Nhạc vàng VNCH được hoàn thiện. Nhạc vàng đi ra Bắc và lan tỏa là chủ yếu bởi qua băng đĩa cattsetes, CD, VCD, DVD...

Tóm lại, Nhạc vàng VNCH là một di sản nghệ thuật nằm trong nguồn mạch của văn hóa dân tộc. Nó được sinh ra từ tâm hồn người nghệ sĩ yêu tiếng Việt và con người. Nhạc vàng đi từ trái tim và chạm đến trái tim. Ca từ sang trọng và mang tính ẩn dụ khiến cho Nhạc vàng VNCH vượt qua những cái hữu hạn cụ thể (không có trong đó ta – địch, không tuyên truyền, xóa nhòa những hữu hạn) để hướng tới sự trường tồn của văn nghệ.

Đây cũng là lý do Nhạc vàng có ảnh hưởng càng ngày càng lớn. Và lý do Nhạc vàng VNCH không còn bị cấm đoán là vì “Nhạc Vàng hiện nay ‘không còn là mối đe dọa chính trị’ đối với chính quyền trong nước”, đúng như Ông Vinh Phạm, nghiên cứu sinh Tiến sỹ về Văn học đối chiếu tại Đại học Cornell, nhận định tại hội thảo về nền Cộng hòa và các giá trị Cộng hòa Việt Nam tại Đại học Oregon, Eugene, hôm 15/10.

20.11.2019
______________

Một số lời bình về bài viết:

Phương Thụ Rất thích nghe nhạc vàng vì tự nhiên gần gũi, dễ đồng cảm, giai điệu và ca từ đẹp như thơ, người nhạc sĩ sáng tác bằng cảm xúc thật, rung động tận đáy lòng và con tim gửi gắm cho đời. Bởi vậy nên nhạc vàng sẽ sống mãi, không như nhạc của ai kia chỉ viết theo tuyên truyền hô hào một thời nay đã ngủm củ tỏi không biết có tủi thân không nữa... Cảm ơn bài viết của TS Nguyễn Xuân Diện.

Hoài Nam Phí Lần đầu tiên được đọc một bài phân tích về nhạc vàng thấu đáo hay như thế, qua đây hiểu rõ hơn vì sao nhạc vàng được nhiều người thích!

Lý Văn Đức Em là thế hệ 8x nhưng lại nhớ nhiều lời và giai điệu nhạc Vàng hơn nhạc trẻ đương thời.

Luongvan Luongvan "Tất cả những gì con người từng nghĩ ra và được lưu truyền đều là văn hóa "(Lương Văn) những bản nhạc này đã dệt vào Ký ức quá khứ và tương lai.

Hoàng Linh TS nói rất đúng, nhạc vàng (hay còn gọi là Bolero) có sức sống mãnh liệt và trường tồn, bởi những giá trị mà TS Nguyễn Xuân Diện đã nhìn ra. Cảm ơn TS vì những nhận định đó!

Nguyễn Đình Tùng Bình hay sắc sảo logist ...hay.


Bốn Bộ Nhạc vàng có nhiều bài triết lý lẽ sống, dạy cách làm người, cách ứng xử với nhau rất hay như bài Thói Đời, bài Tuý Ca...Chính vì thế mà nhạc vàng đã và sẽ còn mãi mãi không thể nào mất đượct. Chỉ có nhạc đỏ là mất...

Đặng Quốc Biên Hay quá anh, anh nhận xét rất đúng, cái mà nhạc Vàng có là biểu đạt những cảm xúc, rung động tự nhiên và nhân ái anh à.

Đặng Hữu Phúc Nên làm 1 thống kê xã hội học: ai nghe nhạc vàng? Tầng lớp nào? Văn hóa của họ cao hay thấp?


Hoặc thử thống kê theo những dạng người cũng sẽ rất thú vị.
Ví dụ những dạng sau tôi nghĩ sẽ rất thích nhạc vàng:
1/Trong 1k tội phạm bị hình sự đã từng bị đi tù.
2/ Trong 1k người xăm trổ đầy người.
3/ Trong 1k kẻ thất học, chỉ có đk học hết cấp 1
4/ Trong 1k dân buôn bán nhỏ lẻ, chạy chợ.
5/ Trong 1k người chạy xe ôm.

Vv...
trong 1k dạng người đó có bao nhiêu người nghe nhạc vàng?
tôi nghĩ nó là món ăn tinh thần của tầng lớp văn hóa thấp, số đông, chiếm 90% dân số.

Thanh Chuong  nói với Đặng Hữu Phúc
Tôi cũng thích nghe nhạc vàng .
Cái gì cũng có cái hay của nó ông ạ

Phan Tộc
nói với Đặng Hữu Phúc Hehe còn lại 4% là dạng có thẻ đỏ , 4 % là đang oe oe mếu máo ,2 % là dạng đầu ngô mình sở nửa dơi nửa chuột gọi là lều nọ lều kia ...!. 

Đặng Phương Mai Nhạc vàng nó chạm đến tận cùng trái tim, làm lay động đến miền linh thiêng nhất của đời người, nó sang trọng bởi xuất phát từ những cảm xúc đẹp, tinh túy của tâm hồn... Nên nó có chỗ đứng trong lòng nhiều thế hệ. 

Phương Hoàng Cao Nhạc vàng tồn tai vì có hàng ngàn những bài hát tuyệt vời , đủ thể loại từ tình yêu trai gái đến tình cha con , mẹ con , tình yêu quê hương không đượm mùi chính trị không đòi nợ máu ...cho nên nó tồn tại. 

Có nhiều nhạc sĩ cho rằng giai điệu bolero khi sáng tác thì dễ đi vào lòng người vì ca từ quá bình dân và rất tầm thường.

Tôi thách ông nhạc sĩ nào mà viết vài ca khúc ca ngợi đảng cộng sản,ca ngợi ông Hồ bằng giai điệu bolero để nghe thử có lọt tai không?

Phạm Ngọc Điệp Em thích dòng nhạc này vì ca từ rất ý nghĩa.

Đỗ Việt Khoa Lời thơ trong các ca khúc nhạc vàng rất sâu lắng, trữ tình. Nhiều lời bài hát nhạc đỏ khiên cưỡng, thô, giả tạo.

Ngochuyen Le Ngày bé được nghe trong băng cối, ngấm vào lòng từ lúc đó.

Lê Nguyễn: Phần lớn nhạc vàng nói đến cái buồn của sự chia cách, nhớ nhung, nhưng không phải là cái buồn vay mượn, kiểu cách, mà là cái buồn gắn liền với khung cảnh một cuộc nội chiến, con xa cha, vợ xa chồng. Một đặc điểm nữa của nhạc vàng nói riêng và âm nhạc miền Nam trước 1975 nói chung là vẫn luôn đề cao tình tự dân tộc, không kêu gọi hận thù, chém giết, cho dù đó là một cuộc chiến đấu tự vệ

Thêm một điểm: người viết nhạc tại miền Nam trước 1975 được tự do thể hiện tình cảm (trường hợp Ca khúc Da vàng của TCS), không bị định hướng theo chính sách của nhà cầm quyền.
 

Dung Do Nhạc vàng có mấy loại, tình ca, nhạc sến và loại gọi là tiền chiến nhưng sáng tác thời nước VN bị chia cắt. Người yêu thích mấy loại đó cũng khác nhau. 

Xuân Nam Dương Là nhạc của hồn người ...giai điệu tâm hồn nên sống mãi...

Trần Quang Nhạc vàng có sức lan tỏa và trường tồn một phần do nước Việt có quá nhiều đau thương. Giờ đây đã có điều gì nói hộ nỗi lòng thân phận con người đâu. Vì thế mới tìm đến nhạc vàng để soa dịu và giải tỏa những day dứt và trắc ẩn trong cõi lòng mình

Trần Quang Thương người Việt lắm khi họ yêu thích nhạc vàng. Âu cũng có điều an ủi vì nó chứa chấp nội tâm !

Minh Thuy Nhạc Vàng theo em lời ca của nó rất thực với tâm tư và cuộc sống con người.

Trương Lợi Bài viết rất hay. Và phải khẳng định rằng nhạc vàng với ca từ sang trọng chứ không hoàn toàn mang định kiến áp đặt là “sến”

Thật vây, trước đây ở phía Bắc được nghe đài phía nam hay dài Việt ngữ hải ngoại chắc còn nhớ cái cảm giác sướng tê người khi nghe giọng hát cất lên từ ca sĩ miền nam… đó là điều khỏi bàn cãi!

Ca từ nó sang trong bởi nó mang vẻ đẹp hơi thở của sự phóng khoáng và tự do… cánh rừng tự nhiên luôn quyến rũ!

Tran Chan Uy Nhạc vàng sẽ bất tử với thời gian trong khi nhạc đỏ sẽ có sự hữu hạn của nó, trừ những ca khúc nhạc đỏ trữ tình, không hô khẩu hiệu, lên gân.

Nguyễn Xuân Tuấn ...từ lâu rồi, trong chiến tranh, dân Việt đi theo hướng Nam tránh bom đạn, trốn sự cai trị độc ác, trốn đói rét, ...chỉ âm nhạc là đi theo hướng ngược lại....ra Bắc....!

Nguyễn Nguyên Bình Nhạc vàng là kể cả các ca khúc thời tiền chiến ở miền Bắc như của các tác giả Đoàn Chuẩn, Nguyễn Văn Thương, Dương Thiệu Tước.. kể cả Văn Cao chứ nhỉ?

Hoàng Minh Hưng Vì sao vì sao không hiểu vì sao. Phải có nền giáo dục tốt mới có những ca từ không thể nào hay hơn được

Khánh Trần Tks bài viết của người miền ngoài về nhạc trong nam truoc 75, xin được share để giới thiệu cho các bạn bè cùng biết cảm nhận của bạn nhé

Le Canh Hai Hiểu đúng và sâu!

Quóc Tuan Rất đồng cảm với anh.

Nguyễn Cảnh Thuỵ Không biết ông Trần Long Ẩn có cho đây là di sản, đóng góp cho nền văn hóa Việt không?

Ngo Hoang An Em nghĩ cái gì nói về người vs người phi chính trị Sẽ tồn tại lâu . Như nhạc đỏ thì ít nữa thôi sẽ cực kỳ kén vì lớp người nghe nằm xuống vì già

Quang Minh Hà Anh Diện phân tích có nhiều ý hay.Tuy nhiên,tôi muốn góp thêm vài ý như sau:. *Định nghĩa nhạc vàng: Thuật ngữ nhạc vàng có từ khá lâu.Ít ra là từ sau Hiệp định Giơ ne vơ về HB ở Đông Dương 1954.

Nó không chỉ là những nhạc phẩm được sáng tác dưới thời VNCH mà ban đầu nó ám chỉ loại nhạc phẩm lãng mạn được sáng tác trước CM 1945, ví dụ các sáng tác của Nguyễn Thế Phong(Buồn tàn thu), của Văn Cao (Bến xuân,Thiên Thai,Thu cô liêu...) và nhiều tác phẩm của các nhạc sĩ khác hoặc đã di cư vào Nam,hoặc vẫn còn ở miền Bắc.Đó là những nhạc phẩm ghi lại được những cung bậc tình cảm, những rung động của những con tim yêu thương, mong nhớ khắc khoải hay thất vọng đau buồn... Nghĩa là những tình cảm thật, những rung động thật của con người bình thường trước tình yêu, tình bạn,trước cái đẹp nhiều mặt... Cũng như thơ văn lãng mạn,nó đi sâu, ghi nhận mọi cung bậc tình cảm thật của con người.Nó rất Người,trái với loại nhạc cổ vũ tinh thần CM gọi là nhạc đỏ.Tôi nhớ vào năm 1962 đã có vụ án Toán xồm.Đó là vụ án xét xử nhóm nhạc do anh Toán râu ria xồm xoàm đứng đầu.Nhóm này hay hát nhạc lãng mạn trước CMTT,tức là nhạc vàng.Họ phải nhận những bản án tù hàng chục năm.Anh Toán ra tù thì không còn điều kiện sống (nhà ở, việc làm, cơm ăn...) nên đã chết bên đường. Anh Lộc Vàng (vì say mê hát nhạc vàng nên được ghép chữ Vàng cạnh tên anh là Lộc) mấy mắn còn sống.Sau 1975 anh được ra tù ở trại giam trên Lào Cai.Khi ra ga để về HN, anh rất ngạc nhiên nghe thấy những bài hát nhạc vàng phát ra từ những cái cát xét, máy quay băng.. ở các quán cà phê,quán ăn uống... Những bài hát mà vì hát nó mà anh phải đi tù 13 năm, để lại tuổi thanh xuân trong trại giam nơi rừng thiêng nước độc.Anh hiện nay vẫn hát trong quán cà phê mang tên anh bên bờ hồ Tây ở phố Trích Sài.

Nói thêm chút về sức sống của nhạc vàng.Vì nó ghi lại những tình cảm thật, tình người thật, gần gũi với quần chúng,chứ nó không phải là những thứ vay mượn, những thứ từ bên ngoài tác động,lôi cuốn...Cái gì thuộc về cuộc sống thì nó cứ sống thôi,cấm cũng chẳng được. Cái gì là bên ngoài là nhất thời thì đương nhiên sẽ bị thải loại,chẳng chóng thì chầy. Những nhạc phẩm thời VNCH cũng gọi là nhạc vàng, như anh Diện phân tích. Hình như bây giờ người ta gọi là nhạc Bô lê rô thì phải.Loại nhạc này bây giờ ở miền Nam phát triển mạnh lắm, tràn ngập, được mọi tầng lớp quần chúng đón nhận, tham gia.Nó như tiếp bước với nhạc Hải ngoại,kế thừa nền âm nhạc thời VNCH.Đã có nhiều cố gắng nhằm loại bỏ, hạn chế loại nhạc này nhưng không được.Như ca sĩ Thanh Lam chẳng hạn.Cô này đã có lần dại dột chê bai nhạc Bô lê rô là sến súa; chê các ca sĩ miền Nam không được đào tạo học hành bài bản như mình. Cô ta đã hứng nhiều " gạch đá" dư luận. Cái danh "đi va" của cô ta bây giờ xem ra tụt giá, trong khi đó nhiều ca sĩ Bô lê rô lại thành danh rực rỡ. Tôi muốn gửi cho những ai còn có ý đồ muốn đánh vào những giá trị đời sống,giá trị nhân bản,nhân văn rằng: Đừng có dại.Sẽ chỉ thất bại thôi. Sẽ thân bại danh liệt,sẽ thành trò cười cho thiên hạ mà thôi.

Đặng Hữu Phúc Dòng ca khúc quần chúng mà trước nay ta vẫn gọi là : Tân nhạc, nhạc tiền chiến... sau đó là nhạc Vàng, nhạc sến, bolero....vv...theo tôi nên gọi là:

“Ca khúc phòng trà viết theo kiểu tây”

kiểu Tây mà ta tưởng là mới, nên gọi là “Tân nhạc” ( Tân tức là mới) là do xử dụng gam 7 cung đã rất nhàm chán với phương Tây, nên Tây chuyên nghiệp đã thoát ra và tạo nên gam toàn cung, tìm về gam ngũ cung của phương Đông , gam 12 âm từ đầu thế kỷ 20.

Những ca khúc phòng trà này, cách tiến hành giai điệu hoàn toàn theo cảm hứng, không có bất cứ ý thức sáng tạo nào, chủ yếu bám vào gam rải hợp âm ba trưởng, ba thứ rất ấu trĩ. Đặc biệt là hay sử dụng nốt sensible (nốt đa cảm) rất dễ rẻ tiền.

Cấu trúc các bài hát này chủ yếu chỉ là 1 đoạn đơn. Đơn giản nhất về hình thức âm nhạc.
Thường kết hợp hai gam trưởng thứ song song (ví dụ Đô Trưởng + La thứ / hay Mi thứ + sol trưởng vv... ) chỉ có thế thôi, cũng đơn giản nhất về hoà thanh.

Tác giả những ca khúc này hầu hết tự học, amateur, hoặc xuất thân là nhạc công chơi nhạc trong các phòng trà, hoạt động nghiệp dư.

Đơn giản là nếu học chuyên nghiệp thực sự, tiếp xúc với các tác giả lớn của thế giới, họ sẽ không có nhu cầu về ca khúc quần chúng, không quan tâm.

Khi cái cao hơn được đạt tới, cái thấp hơn là không cần thiết.

Trong khi đó, kho tàng dân ca của ta, ví dụ Quan họ Bắc Ninh, có những bài đỉnh cao, mà bất cứ nhạc sỹ ca khúc nào trên thế giới cũng phải ngả mũ, như : Ngồi tựa mạn thuyền, Mười nhớ, Ra ngó vào trông, Hoa thơm bướm lượn... vv và rất nhiều bài dân ca các vùng miền khác nữa.

Đặc điểm là cách tiến hành giai điệu trong dân ca hoàn toàn độc đáo, độc nhất, hồn nhiên, rất nhiều quãng 2, quãng 4, quãng 5 và quãng 7, Chứ không bắt chước theo cái lối tiến hành hợp âm ba, đã rất nhàm chán của Tây trong cái gọi là Tân nhạc.

Khổ nỗi, bắt chước cái mà người ta đã bỏ đi rồi lại cứ tưởng là hay, đi nhặt mấy viên sỏi màu, mấy viên bi ve mà tưởng là mới, trong khi có kim cương lại không biết giá trị của nó...

Điều mọi người vẫn bàn luận chỉ là về phần lời ca của cái gọi là Tân nhạc, tuy vậy lời ca vẫn chưa phải là thơ.

Còn phần nhạc thì chả có gì mà nghiên cứu vì nó quá sơ giản, như phân tích ở trên.

Đặng Hữu Phúc Tôi tin rằng: khi xã hội phát triển cao dần lên cả về vật chất và tinh thần, cái gì nhảm nhí sẽ tự rơi rụng.

Thật buồn là Đặng Thái Sơn hàng năm biểu diễn rất nhiều ở Nhật, Hàn, Đài Loan, Singapor, Trung Quốc,
Người bên ấy xem rất đông.

Vd ở Đài Loan, ĐTS diễn, phòng hoà nhạc 2000 chỗ bán hết vé trước cả tháng, (nhà hát lớn của ta có 600 chỗ)

Nhưng phải 2, đến 3 năm anh mới có diễn ở Việt Nam.

Mà dăm bẩy năm nay, anh không diễn trọn vẹn 1 đêm ở Việt Nam nữa (recital) mà chỉ chơi 1 phần, chủ yếu vì nể nang nên nhận lời và cũng tiện thể thăm mẹ đã trăm tuổi.

Trong khi đó, các ca sỹ hải ngoại biểu diễn ở nước ngoài không ai nghe, đua nhau về Việt Nam diễn hốt bạc tỷ.

Cách đây 10, tôi đã viết bài báo “ Khi Đặng Thái Sơn ra đi và Hương Lan, Tuấn Vũ trở về”

Tôi có dịp đi diễn ở Seoul, Bắc Kinh, Nam Ninh, tôi thấy họ rất hâm mộ ĐTS, mình cũng tự hào lây, trong khi đó, ở Việt Nam hiện nay, tuổi trẻ, kể cả sinh viên, không biết ĐTS là ai.

Bây giờ suốt ngày trên thông tin đưa tin: con giết cha, mẹ, anh em chém nhau vv... là có liên quan đến văn hoá, liên quan đến âm nhạc......

Người ta vẫn mang rác rưởi đến các xứ nghèo.
Mà nhiều khi lại tự hào vì cái rác thải đấy mới khổ.
Vv... vv.

Long Xu Ngo Khái niệm nhạc vàng ,nhạc đỏ chỉ xuất hiện sau 30/4/75 nhằm phân biệt và bài trừ cái gọi là văn hoá đồi truỵ..kể cả đốt sách bất kể ..
Trước ngày đó,miền nam chỉ phân dòng nhạc tiền chiến,nhạc trẻ,thậm chí còn có nhạc phản chiến..v.v.
Đơn giả là:
Nghệ thuật vị nhân sinh..
nên sống mãi trong lòng quần chúng và lan toả ra cả ĐỒNG BÀO phía bắc !
Thế thôi !

Nam Nguyen Vì nó là hơi thở của tự do.

Nguyễn Quang Vọng Âm nhạc là tâm hồn của con người là món ăn tinh thần không thể nào thiếu được khi con người bắt đầu tiến hóa và ngày càng phát triển theo thời gian dù nhạc gì đi chăng nữa cũng là để phục vụ cho đời sống con người nên moi người nên trân trọng và gìn giữ

Nguyễn Cảnh Thuỵ Đời sống tâm hồn con người luôn có đủ cung bậc ái, ố, hỉ, nộ. Nhưng tại sao nhạc vàng chỉ có thể ra đời ở Việt Nam cộng hòa? Bởi đó là vùng đất diễn cuộc chia ly, loạn lạc nhiều nhất, là mảnh đất cho tâm trạng buồn phát sinh. Trên cái nền tảng đó, lại gặp điều kiện thuận lợi là đời sông tinh thần và văn hóa được tự do, cởi mở hơn, lại trong bối cảnh kinh tế thị trường phát triển sớm, dòng nhạc vàng thu hút khách từ sân khấu biểu diễn cho đến thị trường băng đĩa. Đó là lý do miền Nam trước 1975 là cái nôi và mảnh đất cho nhạc vàng phát triển. Thời chiến tranh, nhạc vàng không có đất sống ở miền Bắc, có ca sĩ chỉ vì hát vụng trộm mà thân bại danh liệt và chết thảm, nói gì đến sáng tác và trình diễn công khai? Nhạc vàng cùng với văn học hiện sinh ở miền Nam VN trước 75 là chỉ dấu cho tính đa dạng, tính hiện đại và nhân văn của nền văn nghệ dân tộc mà lịch sử nghệ thuật sau này cần ghi nhận.

Lê Phú Khải Nhạc vàng chạm vào CHỖ DA NON NHẤT CỦA LÒNG NGƯỜI nên nó dễ đạt được cảm xúc. NXD đã viết một bài tầm vóc tiến sĩ.
 

6 nhận xét :

  1. Xin trân trọng cảm ơn Tiến sỹ Hán-Nôn Nguyễn Xuân Diện !
    Xin được chia sẻ bài viết của Tiến sỹ và những lời bình luận của khách thăm trang !

    Trả lờiXóa
  2. Không chỉ có "buồn", nhạc bây giờ cung khóc lóc thảm thiết vậy.
    Tôi nghe nhạc đa dạng, không phân biệt thể loại. Nhưng điêu chinh là nó sâu săc, cảm xuc thật, thưa tiên sĩ.

    Trả lờiXóa
  3. Theo tôi biết thì nhạc vàng đã có từ thời trước 1954 ,nghĩa là có trước thời VNCH . ( Tôi chỉ là kẻ ngoại đạo mạo nuội lạm bàn , mong được Ts NXD và các vị quan tâm rộng lòng Xem Xét .)

    Trả lờiXóa
  4. Mọi người đã nhận xét và bình luận rất nhiều, sâu sắc, phong phú! Tôi xin dẫn chứng thêm : Những năm 60 đầu những năm 70 thế kỷ trước, trong trào lưu nghe radio cấm có hiện tượng phổ biến là rất nhiều sỹ quan, binh sỹ, cán bộ trên miền Bắc thường xuyên nghe lén, nghe trộm NHẠC VÀNG từ đài phát thanh Sài gòn với một tình cảm tò mò, nhưng rất hâm mộ! Càng bị cấm, họ càng khao khát và yêu mến nó gấp nhiều lần. Chính cái giá phải trả vì bị kỷ luật do nghe nhạc Vàng càng làm nó chiếm được tình cảm chân thực rung động nhất trong lòng người miền Bắc ngày đó!

    Trả lờiXóa
  5. anh Diện sai trong định nghĩa nhạc vàng là " thể loại nhạc được sáng tác và trình diễn dưới thời Việt Nam Cộng hòa." Ở ngoài Bắc chúng tôi cũng đã lén lút và nghêu ngao hát nhạc vàng..Toán xồm và Lộc vàng đi tù cũng chỉ vì hát nhạc vàng những năm 1960.Tôi được nghe anh Lộc vàng kể, trong vụ án xét xử nhóm Toán xồm, ông Đỗ Nhuận có phát biểu đại ý, " các anh hát nhạc vàng, vậy các anh biết màu vàng là màu của bệnh hoạn, màu của dịch hạch, khi người ta chở những người bị dịch hạch trên thuyền đem họ đi cách ly thì người ta treo cờ vàng...các anh biết không? " Lập tức Lộc vàng đứng dạy hỏi : Thưa ông màu sao trên lá cờ của nước chúng ta có màu gì ạ"...Bài viết của Quang Minh Hà rất chuẩn.

    Trả lờiXóa
  6. Càng bị cấm, họ càng khao khát và yêu mến nó gấp nhiều lần. Chính cái giá phải trả vì bị kỷ luật do nghe nhạc Vàng càng làm nó chiếm được tình cảm chân thực rung động nhất trong lòng người miền Bắc ngày đó!

    Trả lờiXóa