“Vụ án Ls Hải ‘trốn thuế’ chỉ là đòn triệt hạ”
Vụ án xử luật sư Trần Vũ Hải với tội danh trốn thuế, ở mức 280
triệu đồng, được mở ra từ ngày 13-11 ở Nha Trang, Việt Nam, dự kiến ban
đầu sẽ kéo dài đến 5 ngày. So với những vụ án xử đại tham nhũng ở mức
sai phạm hàng ngàn tỷ đồng đã diễn ra trong năm 2018-2019, sự căng thẳng
và phức tạp ở sân tòa Nha Trang, có những chi tiết nhìn thấy, còn
nghiêm trọng hơn.
Điều gì đem lại sự bất thường này, mà với hơn 60 luật sư tha thiết
đòi hỏi quyền được tham gia bào chữa? Từ Sài Gòn, luật sư Lê Công Định
đã có những lý giải thú vị, và cũng rất thẳng thắn, về vụ kết tội “trốn
thuế” đối với vợ chồng luật sư Trần Vũ Hải.
Tuấn Khanh: Phiên tòa xử ông Trần Vũ Hải với tội
danh trốn thuế - nhưng đã xáy ra nhiều hình ảnh kỳ lạ như luật sư phải
qua kiểm tra 3 vòng an ninh, bị tịch thu dụng cụ hành nghề, phá sóng
điện thoại… và công an đủ loại ngăn chận khắp nơi. Hành động này diễn ra
với một phiên tòa rất bình thường, với ông, là mang ý nghĩa như thế
nào?
LS. Lê Công Định: Những điều diễn ra như vậy, hoàn
toàn không nằm trong một quy định pháp lý nào cả. Máy tính, điện thoại…
của các luật sư là công cụ hành nghề, nhưng phía tòa án lại ra lệnh thu
giữ, nhằm gây khó cho việc bào chữa một cách hợp pháp và đầy đủ. Ngược
lại, phía công tố và hội đồng xét xử (HDXX) thì lại được cung cấp đầy đủ
các phương tiện đó. Rõ ràng, đó là một sự bất bình đẳng kỳ lạ trong các
phiên tòa chính trị hoặc có tính cách chính trị ở Việt Nam. Luật sư
muốn tham dự tòa thì phải qua ba vòng kiểm tra an ninh. Phóng viên nhà
nước cũng không được quyền vào tường trình. Ai cũng thấy đây không phải
là một vụ án xử trốn thuế bình thường, mà hoàn toàn là một cách tạo dựng
để nhằm triệt hạ một luật sư có uy tín. Chính những hành động ngăn cản
quái lạ này đã chứng minh đây không phải là một phiên tòa bình thường.
Mục tiêu của việc triệt hạ này, suy ra là chính quyền muốn ngăn không
cho luật sư Trần Vũ Hải tiếp tục hành nghề để bảo vệ công lý, hay tiếp
tục tham gia những vụ án gọi là “nhạy cảm” về chính trị.
Tuấn Khanh: Lâu nay, tòa án ở Việt Nam vẫn có một
chiêu trò là luật sư bào chữa cứ đặt vấn đề và yêu cầu tranh tụng,
nhưng HDXX thì cứ lờ đi và từ chối tranh tụng. Nay với đòi hỏi của hàng
chục luật sư tham gia bào chữa cho ông Trần Vũ Hải tuyên bố là tòa phải
ra tòa, phải tranh tụng cho tới nơi tới chốn, liệu vụ án này có mở ra
được một tiền lệ nào tiến bộ hơn không?
LS. Lê Công Định: Viện kiểm sát (VKS) lâu nay, trước
các phiên tòa như vậy, vẫn luôn đuối lý trước các luật sư, nên họ chọn
giải pháp là im lặng hoặc từ chối trả lời. Ngay điều này, cũng đã vi
phạm nghị quyết của Bộ chính trị Đảng cầm quyền từ nhiều năm trước, là
đòi hỏi các phiên tòa phải mang tính tranh tụng nhiều hơn. Nguyên tắc
của một tòa án văn minh là đại diện VKS không thể từ chối các câu hỏi
của luật sư. Tranh tụng là một phương tiện pháp lý để làm sáng tỏ tình
tiết của những vụ án. Từ chối tranh luận tại tòa, không chỉ là chuyện
đuối lý mà còn là vi phạm luật tố tụng. Trong những phiên tòa chính trị
hay có ý nghĩa chính trị gần đây, đại diện VKS thường im lặng hoặc từ
chối tranh luận, thì chính họ và cả phiên tòa đã vi phạm pháp luật, vi
phạm tố tụng.
Tuấn Khanh: Vụ khởi tố của ông Trần Vũ Hải với
nhiều chi tiết khác thường, có những nhận định nói rằng đây không phải
là chuyện công lý nhà nước, mà là một sự thao túng có tính cách “lợi ích
nhóm” với đối với luật pháp quốc gia?
LS. Lê Công Định: Thật sự là vậy. Chúng ta thấy
không chỉ từ chuyện liên quan vụ án của ông Trương Duy Nhất, mà còn
nhiều vụ án khác mà luật sư Trần Vũ Hải đã và đang tham gia. Khi khám
xét văn phòng làm việc của ông Hải, cơn quan an ninh đã cướp đi rất
nhiều hồ sơ, lên đến 20 thùng, mà hầu hết là những hồ sơ liên quan đến
các vụ án ông Trần Vũ Hải đảm nhận – không liên quan gì đến vụ “trốn
thuế” cả. Chúng ta có thể nhận thấy ngay là một thế lực nào đó, đang
muốn gạt ông Trần Vũ Hải ra khỏi các vụ án “nhạy cảm”, thậm chí có thể
liên quan đến phe phái đánh nhau, nạn nhân đấu đá nội bộ… Việc luật sư
Hải tham gia bị coi là có thể tạo ra những hệ quả bất thường mà họ không
kiểm soát được, nên suy ra, triệt hạ có thể là giải pháp tốt nhất.
Tuấn Khanh: Trong video ghi lại hình ảnh các luật
sư bị chặn trước sân tòa, người ta nhìn thấy sự bất mãn lan rộng trong
từng người, và cũng cho thấy sự bất cập của một nhà nước chỉ muốn dùng
luật pháp và luật sư như một công cụ cai trị. Trước đây, trong một
status của mình, ông có nói với luật sư Võ An Đôn (cũng là một nạn nhân
của một nền tư pháp giả hiệu) rằng sẽ có lúc một Hội luật sư độc lập ra
đời. Liệu điều đó có đang diễn ra từ con số 60 luật sư muốn bào chữa cho
đồng nghiệp và đòi ý nghĩa thật sự của công lý hay không?
LS. Lê Công Định: Điều đó hoàn toàn khả thi. Vì các
luật sư là những người làm việc tự do, dù họ là thành viên của các đoàn
luật sư. Việc gắn với luật sư đoàn vì đó là một tổ chức nghề nghiệp, họ
cần trao đổi, quan hệ… nhưng thực tế thì luật sư là những người làm việc
hoàn toàn độc lập và tự do. Đó là tiêu chí hàng đầu của các luật sư.
Nhưng trong một xã hội toàn trị như Việt Nam hiện nay, tổ chức nào thì
cũng là cánh tay nối dài của Đảng cộng sản. Các đoàn luật sư hay liên
đoàn luật sư đều bị đặt trong vị trí là thành viên của Mặt trận Tổ quốc,
nên công việc của các luật sư bị hạn chế rất nhiều.
Vì tinh thần nghề nghiệp cao quý đã có từ hàng trăm năm nay trên thế
giới, và cũng của Việt Nam, các luật sư luôn luôn hướng về sự độc lập.
Đó là lý do vì sao nhiều năm nay, giới luật sư đã dấn thân nhiều hơn
trong việc bảo vệ dân oan, bảo vệ những tù nhân chính trị, cùng tìm kiếm
công lý vốn đang ngày càng hiếm hoi trên đất nước này… thì khả năng họ
đoàn kết lại và lập thành Hội để bảo vệ nhau, đại diện… là hoàn toàn có
thể.
Con số 60 luật sư ghi danh tham gia bào chữa cho luật sư Trần Vũ Hải
cho thấy giới luật sư ý thức rõ, hôm nay là luật sư Trần Vũ Hải, ngày
mai có thể chính là họ. Sự tham gia này cũng có một ý nghĩa phản kháng
và đòi giá trị công lý đích thực, cũng như phản đối cách hình sự hóa của
cơ quan chính quyền đối với hoạt động nhận lời bào chữa hay tranh đấu
bằng pháp lý cho thân chủ. Giới luật sư đang muốn chứng minh rằng bằng
luật pháp, họ có thể dành lại sự công bằng và thay đổi xã hội một cách
hợp pháp.
Tuấn Khanh: Trở lại giả thuyết cho rằng, thế lực
nào đó muốn triệt hạ ông Trần Vũ Hải, không muốn ông nhận bào chữa cho
cựu tù nhân lương tâm Trương Duy Nhất. Nhưng thực tế, nếu không phải là
ông Hải, vẫn có 5 hay 3 luật sư khác nhận bào chữa. Tại sao việc khởi tố
rất rùm beng và gây tổn thương cho chính bộ mặt nhà nước về vụ “trốn
thuế” này phải nhằm cho được vào ông Hải mới được?
LS. Lê Công Định: Luật sư Trần Vũ Hải có quá trình
làm việc rất lâu với ông Trương Duy Nhất. 4 năm trước, ông Hải đã làm
luật sư bào chữa cho ông Nhất. Do đó, luật sư Trần Vũ Hải được coi là
người thấu hiểu, nắm nhiều tài liệu và vấn đề của ông Nhất. Mà vụ ông
Nhất bị giam giữ hiện nay cũng được coi là một vụ án tạo dựng để nhằm
loại bỏ việc ông Nhất – mà họ tin là – có thể cung cấp những hồ sơ mật
liên quan đến các quan chức cao cấp. Vụ án được dựng nên cũng có thể coi
là một cách trả thù. Tôi nghĩ sự có mặt của luật sư Trần Vũ Hải bị coi
là nhiều khả năng đưa vụ án đến những diễn biến bất ngờ, nên họ cần phải
chặn trước.
Ngoài ra, cần phải thấy con số 60 luật sư cả nước ghi danh bào chữa
cho ông Hải, cho thấy ông là một người uy tín và có vai trò nổi bật
trong giới. Sắp tới đây, Đoàn luật sư Hà Nội sẽ tổ chức bầu lại nhân sự
ban chủ nhiệm và người đứng đầu đoàn luật sư Hà Nội. Có tin đồn đoán
rằng phía cơ quan nội chính đang lo ngại cho các ứng viên mà họ chỉ định
có thể gặp khó khăn với luật sư Trần Vũ Hải được đề cử. Do vậy chuyện
loại bỏ ông Hải là cần thiết. Vụ án “trốn thuế” buồn cười này ra đời có
lẽ là vậy.
Tuấn Khanh: Xin cám ơn Luật sư Lê Công Định cho cuộc trò chuyện này.
CA (chính quyền) CHƠI ông Hải đấy thôi. Cũng có thể nói hơi khác: dằn mặt ông Hải.
Trả lờiXóaQua vụ án này , cái lá nho che mặt của nhà cầm quyền đã rơi rra rồi .
Trả lờiXóa