Học giả Lê Nguyễn bên tượng đài Phan Bội Châu ở Huế. Ảnh: FB Lê Nguyễn.
NỖI BI AI VÀ LÒNG MONG MỎI CỦA MỘT THẾ HỆ
Lê Nguyễn
Cái thế hệ mà tôi muốn đến nói là thế hệ 4x, 5x, ra đời tại miền đất dưới vĩ tuyến 17, lớn lên trong cuộc chiến tàn khốc vào thập niên 1960 và nửa đầu thập niên 1970. Thế hệ đó đã được đào tạo trong một nền giáo dục khai phóng, tự do, để có thể suy nghĩ, hành xử theo đúng sự mách bảo của lương tri. Nếu coi việc cầm súng bảo vệ mảnh đất mình đang sống là một nghĩa vụ thiêng liêng, họ đi vào quân ngũ; còn nếu không đồng tình với chính sách của chính quyền đương thời, họ đi vào chiến khu, theo hàng ngũ những người Cộng sản.
Thế hệ của tôi như thế đó! Nửa sau thập niên 1960, họ vừa đủ trưởng thành để chọn cho mình một hướng đi phù hợp với nhận thức riêng về cuộc chiến đang diễn ra ngày càng khốc liệt, với sự hiện diện của nửa triệu quân Mỹ và hàng triệu binh sĩ miền Bắc trên khắp chiến trường miền Nam. Nhiều người bạn học từng cùng mài đũng quần trên ghế học đường, cùng sẻ chia với nhau từng miếng bánh, từng viên kẹo, đã bỗng nhiên trở thành kẻ thù của nhau, chĩa súng vào nhau, hay chí ít cũng nói với nhau những lời cay độc.
Thế hệ của tôi là sự phân ly cùng cực của tình dân tộc, nghĩa đồng bào. Sau ngày 30.4.1975, khi người cha tập kết trở về, vai gắn đầy sao, thì đứa con mà ông từng bồng ẳm, ứa nước mắt khi xuống tàu ra Bắc, cũng lầm lũi bước vào trại cải tạo theo lệnh những người đồng chí của ông, để rồi sau 5 năm, 10 năm, 15 năm, người con trai đó đã trở thành một gã trung niên sống bên lề xã hội, nghĩa cha con mơ hồ như khói, như sương.
Thế hệ của tôi, sau những năm tháng trải qua bao nhiêu thăng trầm cay đắng, ngày hôm nay vẫn đau lòng nhìn thấy hàng triệu đồng bào của mình cơm chẳng đủ no, áo chẳng đủ ấm! Sao mà những gì mình đã chịu đựng vẫn không bù đắp được cho cuộc sống của thế hệ con cháu mình? Nỗi đau này biết bao giờ cho nguôi?
Thế hệ của tôi không ít người có cảm giác mình đã lầm đường, dấn thân vào những bi kịch không có hồi kết, chiến tranh tàn rồi, đã bốn mươi mấy năm qua, sao lý tưởng mà mình đã hi sinh cả thời tuổi trẻ để mong biến thành hiện thực vẫn còn quá mơ hồ, khoảng cách địa lý Hà Nội-Sài Gòn đã lấp đầy từ gần nửa thế kỷ rồi, mà sao khoảng cách lòng người vẫn xa vời vợi?
Thế hệ của tôi, có những người trước khi nhắm mắt lìa đời, kịp nhìn lại con đường mình đã đi qua, nói lên lời trối trăng đầy những chân tình, mỉm một nụ cười trước khi bước vào giấc ngủ thiên thu.
Nhưng thế hệ của tôi cũng có những người cam lòng sống mãi trong sự vong thân, ngoảnh mặt lại những đau đớn về tinh thần và thể xác mà hàng triệu người sống quanh họ đang phải trải qua, để thốt lên những lời khó nghe nhất. Anh nhạc sĩ kia tuổi đời đã trên dưới 80, mà vẫn còn đủ sự trâng tráo để hành xử như một kẻ đê tiện nhất và phản ứng dữ dội mà cộng đồng mạng xã hội dành cho anh ta là bài học mà anh ta – và những người như anh ta – phải nhớ đời.
Qua những gì diễn ra vừa rồi, thế hệ của tôi, trong quãng đường đời còn lại của mình, vẫn còn hi vọng ở thế hệ trẻ hôm nay sẽ học được bài học của gã nhạc sĩ nọ để rút tỉa kinh nghiệm cho cuộc sống hiện tại của mình. Một niềm hi vọng khác đã nhen nhúm và nay đang lớn mạnh trong tôi, đó là trong khi cái gọi là “hòa hợp, hòa giải dân tộc” của người làm ra chính sách đã không đáp ứng được sự mong đợi mỏi mòn của hàng triệu người, thì trong đời sống thường nhật, sự hòa hợp đã trở nên có ý nghĩa hơn giữa những thế hệ từng sinh ra, lớn lên ở hai bờ con sông Bến Hải. Nay họ đủ trưởng thành, nhờ sự phát triển của công nghệ thông tin, họ nhận thức đâu là nhu cầu và ý nghĩa đích thực của sự tìm đến nhau với lòng chân thành, vì quyền lợi chung của cộng đồng dân tộc.
Các công trình biên khảo của học giả Lê Nguyễn. Ảnh: FB Lê Nguyễn.
Nhiều tháng qua, chúng ta đọc được nhiều trang Facebook của những trí thức trẻ từng trải qua cả quãng đời học sinh, sinh viên dưới mái trường XHCN. Chúng ta vui mừng nhận thấy bên cạnh những gì đã được học hỏi, họ còn biết tìm tòi từ sách báo những gì là sự thật còn ẩn khuất đàng sau những mưu định chính trị chỉ làm lợi cho một số người.
Và sẽ cảm kích hơn nữa, khi chúng ta đọc những dòng tin nhắn công khai của một bạn Facebook trung niên thay mặt thế hệ trí thức trẻ miền Bắc của anh, ngỏ lời muốn tìm hiểu những sự thật với đầy đủ tính khách quan và trung thực trên dải đất miền Nam trước năm 1975, nơi mà thế hệ cha anh của anh từng cầm súng chiến đấu.
“Tôi trân trọng đề nghị anh chị em, nhất là các văn nghệ sĩ, trí thức, học giả, nhà nghiên cứu sống tại Saigon từ trước 1975 tích cực - âm thầm - bền bỉ CÔNG BỐ CÁC DI SẢN VĂN HÓA - NGHỆ THUẬT - GIÁO DỤC THỜI VIỆT NAM CỘNG HÒA để anh em người Bắc chúng tôi sinh sau đẻ muộn được biết, được hưởng thụ và có đánh giá khách quan. Tôi nghĩ đó là một phần của kho báu tinh hoa dân tộc đã bị phủ kín, bị giấu diếm, bị xóa bỏ, bị thành kiến, bị bẻ cong do tuyên truyền dối trá. Nay, dưới thời đại internet, tất cả cần được phát lộ, phủi bụi, khai quật, nhắc lại, đánh giá, tưởng niệm... Từng bài báo, từng bản nhạc, từng sự kiện, từng tác phẩm (văn, thơ, nhạc, họa, kiến trúc...), từng kỷ vật được nhắc lại, sẽ bổ sung cho hiểu biết của chúng tôi. Xin đa tạ anh chị em! AI đồng ý, xin share và cho 1 like để động viên nhau trong công cuộc này!” (hết trích)
Thế thì tại sao chúng ta chẳng vui lên, bạn nhỉ?
Lê Nguyễn
17.11.2019
Không có nhận xét nào :
Đăng nhận xét