Xây chùa thu tiền ‘khủng’ là kinh doanh tài sản quốc gia
Liên quan đến những dự án xây chùa khủng trong khu du lịch tâm linh trên những vùng diện tích rộng lớn hàng ngàn héc ta, GS. TS Trần Ngọc Vương nói “đất đai là xương máu của nhân dân khai phá và bảo vệ, tuyệt đối không thể hứng lên thì giao bừa cho ai đó”.
Ông cũng nói, du lịch tâm linh chỉ là một khái niệm “tự sướng”, việc xây chùa lớn mới tinh rồi “thổi” tâm linh vào đó để bán vé thu tiền khủng chính là kinh doanh tâm linh, buôn thần bán Phật, kinh doanh tài sản quốc gia, và có thể băng hoại đời sống tinh thần xã hội.
* Trong Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030 do Thủ tướng chính phủ ký năm 2013 đã xác định Khu du lịch Bái Đính và khu du lịch Tam Chúc - Ba Sao là 2 trong số 46 khu du lịch trọng điểm quốc gia, giáo sư nghĩ sao về điều này?
Trong quản lý nhà nước phải đảm bảo sự bình đằng giữa các tôn giáo được thừa nhận và các nhóm tín đồ khác nhau của các tôn giáo khác nhau. Không vì bất kỳ một lý do nào, nhất là vì tín ngưỡng hay tôn giáo cá nhân những người, lực lượng có thế lực mà làm ảnh hưởng đến nguồn lực xã hội và nhà nước.
Trên thực tế, những khu vực hiện đang được coi là những địa điểm quy hoạch “du lịch tâm linh” đã từng được “xí” theo các “sáng kiến” hoặc theo các nguyện vọng thậm chí mưu đồ của các cá nhân.
Các bậc thầy tu hành của Phật giáo không thừa nhận những khái niệm như phúc địa, ngày lành tháng tốt, bởi với họ không - thời gian nào cũng có ý nghĩa, giá trị bình đẳng. Việc coi những điểm không - thời gian ấy là thiêng là tốt lành để “xí” đất xây chùa khủng, để quy hoạch “du lịch tâm linh” chỉ là những hư cấu của các chủ thể có ý đồ riêng đối với các khoảng không- thời gian ấy. Nhiều điểm gọi là quy hoạch “du lịch tâm linh”, trên thực tế không được thực thi ở trên những vùng mà truyền thống từng coi là linh địa.
Nếu vì lợi ích quốc gia, bảo vệ và gìn giữ tính chất bất khả xâm phạm của lãnh thổ, thì những quy hoạch du lịch tâm linh và cả quy hoạch giúp làm phát triển phong phú phú đời sống tinh thần xã hội thì nên được ưu tiên lựa chọn ở những vùng đất đặc biệt như biên giới, hải đảo, vùng sâu vùng xa mà không phải là những vùng đất thuận lợi cho việc phát triển, tăng trưởng của nền sản xuất xã hội.
Nếu quan niệm rằng quy hoạch có giá trị kinh tế thì đương nhiên những quy hoạch đó phải nằm trong quy hoạch nhà nước và ngay từ đầu đã thuộc về nhà nước, phải được sự cân nhắc tính toán của nhiều bộ, ban ngành và nằm trong kế hoạch của ngân sách. Nếu đó là những hoạt động nhà nước và nhân dân cùng làm thì với tư cách là người chủ tối cao của đất đai, ít nhất nhà nước phải có tiếng nói nhất định trong những quy hoạch.
Nếu như hoạt động ở quy mô chính phủ và nhà nước không được triển khai đầy đủ trong quy hoạch này thì chắc chắn có những rối loạn, lộn xộn, sự tùy tiện, và thậm chí lũng đoạn, ảnh hưởng rất lớn đến đời sống dân sinh và an toàn an ninh, trật tự xã hội.
* Nhưng du lịch tâm linh là một xu hướng đang được nhiều nước khai thác về giá trị kinh tế thưa giáo sư.
Tất cả các công trình ở phương Tây, đặc biệt là các công trình văn hóa tôn giáo thì về cơ bản không thể trở thành điểm kinh doanh.
Du lịch tâm linh là khái niệm bịa đặt không chuẩn về mặt ý nghĩa, một khái niệm “tự sướng”. Trong tiếng Việt, tâm linh gần tương đương với nghĩa tinh thần, cao cả và huyền bí, nên tâm linh là một khái niệm không thể gắn với du lịch vốn mang nghĩa trải nghiệm cái mới lạ, một trải nghiệm thể chất chứ không phải tinh thần.
Trên thế giới chỉ có khái niệm “du lịch tôn giáo - religious tourism”. Nó bắt nguồn từ những chuyến hành hương từ hàng ngàn năm qua của các tín đồ tôn giáo đến những điểm tôn giáo linh thiêng cổ xưa để cầu nguyện, hành lễ, một hoạt động hoằng pháp của tôn giáo, chứ không ai đến một cơ sở mới tinh để du lịch tôn giáo.
Nếu các ngôi chùa ấy là khu du lịch thì nhất thiết cảnh quan phải có những điểm nhấn, có ý nghĩa thực sự, chứ anh không thể lừa đảo người ta bằng khái niệm du lịch tâm linh. Còn nếu coi chúng là công trình tôn giáo, tâm linh thì nó phải gắn với những nguồn gốc lịch sử và văn hóa được xã hội đồng thuận công nhận. Một ngôi chùa không xây trên cơ sở của ngôi chùa cũ, không có gì liên quan đến bối cảnh, không gian, không gắn với lịch sử văn hóa như chùa Bái Đính hay Tam chúc thì không thể gọi nó là công trình tôn giáo, tâm linh. Chúng là những kiến tạo mới hoàn toàn và không liên quan gì đến tâm linh.
* Những công trình này cũng không được xây từ nhu cầu của giới tu hành thưa giáo sư?
Đúng vậy. Chùa Bái Đính với quy mô như thế có thể đủ chỗ cho hàng ngàn người tu tập, nhưng chùa này hiện chỉ có vài nhà sư ở. Nó không được xây lên để nhà tu hành tu tập và hoằng dương Phật pháp. Chúng được hình thành một cách phi tự nhiên, không gắn với quá trình tất yếu khách quan nào đó.
Trong Phật giáo hay trong Thiên chúa giáo cũng đều có những thành ngữ tương tự nói rằng “Chiếc áo cà sa không làm lên thầy tu”, “Tấm áo chùng không làm nên vị linh mục”. Những xây dựng hoành tráng này chẳng làm nên được chùa chiền linh thiêng.
Tôi vẫn về thăm ngôi chùa Bái Đính cũ trên núi, nhưng không bao giờ bước chân vào ngôi chùa Bái Đính mới.
* Nhưng công chúng lại kéo đến các ngôi chùa này rất đông.
Gustave Le Bon, trong cuốn Tâm lý học đám đông có nói đám đông vừa nông nổi, nhẹ dạ, cảm tính vừa rất thường xuyên bị lôi cuốn bằng ám ảnh và ảo ảnh. Đám đông khi là đám đông thì rất thiếu sự phản tư, thiếu lý trí nên dễ a dua, thiếu ý tưởng chủ đạo và kiên định. Trong tâm lý tôn giáo và tâm lý tín ngưỡng, thường xuất hiện tình trạng mà quần chúng biến thành đám đông như vậy.
Chỉ khi đám đông có đủ phản tư và ý chí chủ đạo thì mới biến thành một tập thể được hướng dẫn và có lý trí.
* Một số người gọi hoạt động kinh doanh du lịch tâm linh ở các khu du lịch là buôn tăng bán Phật, giáo sư có đồng ý quan điểm này?
Nó chính xác là việc kinh doanh tâm linh, buôn Thần bán Phật. Người ta tin đạo chứ không tin người theo đạo, nhất là cái lần vỏ hình thức chỉ mang ý nghĩa tiếp xúc và giao đãi xã hội, chỉ có ý nghĩa danh xưng. Tự dưng trong lĩnh vực này tôi hay nghĩ đến một loại hoạt động xã hội cũng rất tiềm tàng cơ hội để làm kinh doanh đó là việc khai thác các loại mốt và giới showbiz. Đến một anh chàng hoàn toàn không có khả năng theo chuẩn mực dù là thấp mà cũng trở thành một hiện tượng như chàng ca sĩ Lệ Rơi. Sự a dua của đám đông đi theo nó.
Nhưng câu chuyện liên quan đến đất đai, tài sản quốc gia đến quy hoạch lãnh thổ và những điều tương tự thì không thể nào tặc lưỡi một cách đơn giản như vậy được. Càng không thể nói nó là hiện tượng vô thưởng vô phạt.
* Vậy việc kinh doanh tâm linh này sẽ gây hại lớn cho xã hội?
Đương nhiên. Nó tạo ra một quán tính, một thói quen dễ dãi và hời hợt trong ứng xử văn hóa, trong đời sống tinh thần và kiến tạo những giá trị. Đơn giản là những điều không thiêng, chốn không thiêng thì sẽ làm giảm giá hoặc mất thiêng những chốn thiêng khác.
Không nói góc độ tôn giáo mà nói góc độ xã hội, góc độ nhà nước, thì nó là kinh doanh tài sản quốc gia. Trong một ý nghĩa nào đó làm phá hoại đời sống tinh thần xã hội.
* Nhưng những khu du lịch này cũng mang lại lợi ích kinh tế cho đất nước, đặc biệt là cho người dân địa phương các vùng này thưa ông?
Nếu tính trong phạm vi cục hạn thì tổng tài sản xã hội và việc đầu tư vào những công trình xã hội có giá trị và có ý nghĩa đích thực, tạo điều kiện cho nhân dân được hưởng thụ về mặt văn hóa hay về lợi ích kinh tế, thì những công trình kiểu như vậy theo tôi chỉ có ý nghĩa hớt váng, thiếu bền vững và phần bổ ích thật sự sẽ là không nhiều.
Điều quan trọng là những lợi ích của người này, vùng này, nhóm lợi ích này sẽ xâm hại lợi ích của người khác, vùng khác, và nhóm lợi ích khác. Nếu xét ý nghĩa kiến tạo những giá trị xã hội, hoàn toàn có thể phải nghi ngờ về những dự án này.
Cần lưu ý rằng, đất đai, diện tích lãnh thổ là những thứ không đẻ thêm được. Nhưng chúng ta lại đang có những quy hoạch du lịch tâm linh chiếm giữ vùng diện tích đất đai rộng lớn.
* Một số người cho rằng ít nhất những dự án du lịch tâm linh này sẽ để lại cho đời sau những công trình di sản lớn thưa giáo sư.
Thế nào là di sản? Những chùa chiền “công nghiệp” này có thể trở thành công trình kiến trúc cảnh quan để lại cho mai sau, nhưng ngay cả như vậy thì không có nghĩa rằng nhân dân phải biết ơn doanh nghiệp xây chùa đó. Đấy là một dự án kinh doanh thì sau một thời hạn quy định, doanh nghiệp phải trả lại mặt bằng là đương nhiên.
Nước Anh sau 100 năm đã biến một làng chài toàn đá và cát thành Hongkong - một thành phố phát triển, trung tâm tài chính thế giới - trả lại cho Trung Quốc và vẫn phải trả tiền thuê đất, mà người Trung Quốc không có câu biết ơn nào dành cho người Anh, huống nữa là mấy công trình ba lăng nhằng kiểu Bái Đính.
* Trong chuyện này, trách nhiệm của Giáo hội Phật giáo đến đâu thưa ông?
(không trả lời)
* Còn trách nhiệm của nhà nước trong việc quản lý đất đai như là tài sản quốc gia với các khu du lịch tâm linh này thì sao thưa ông?
Chuyện giao đất ở các khu “du lịch tâm linh” này có rất nhiều câu hỏi được đặt ra.
Quản lý đất đai trên cả nước là theo vùng lãnh thổ, cấp chính quyền. người quản lý phải là cấp chính quyền cụ thể. Một khu du lịch tâm linh liên quan đến 2-3 huyện thì có phải là chính quyền phối hợp với nhau giao đất cho doanh nghiệp hay cấp tỉnh có quyết định? Nếu dự án liên quan đến vài ba huyện, hay lấn sang vùng lãnh thổ của tỉnh khác thì phải có sự bàn bạc liên tỉnh để quyết định cấp đất. Cuối cùng chủ thể quản lý và sử dụng đất đai phải là chính quyền cụ thể cấp huyện, tỉnh hoặc liên tỉnh (liên tỉnh chưa có cơ chế thì phải nhà nước). Chuyện khai thác, sử dụng, nộp thuế, tỉnh nào, huyện nào sẽ kiểm toán tất cả những thứ đó?
Rồi chuyện thuế sử dụng đất ở các khu “du lịch tâm linh” này ra sao? Từ xưa tới nay các diện tích thuộc về sở hữu của tôn giáo đều có tên các thửa đã có từ xưa. Đất tôn giáo vẫn có sổ đỏ nhưng không phải đóng thuế.
Với những chùa như Bái Đính, Tam Chúc, Giáo hội có quyền nhận sở hữu không, đó có phải đất tôn giáo để không phải chịu thuế không? Muốn được công nhận quyền sở hữu thì Giáo hội phải chứng minh quyền sở hữu của mình từ xưa với mảnh đất đó.
Đất đai là xương máu của nhân dân khai phá và bảo vệ, tuyệt đối không thể hứng lên thì giao bừa cho ai đó.
Thiên Điểu (thực hiện)
Báo Người Đô Thị
"Khái niệm tung ra không biết lối thu về" (Nguyễn Duy). Tư duy Việt là vậy, mù mù mờ mờ để thủ lợi. "Làm chủ tập thể", "Kinh tế thị trường XHCN", "Tam giáo đồng nguyên", "Quyền sử dụng đất", "Văn hóa tâm linh"... đều được dùng theo kiểu như vậy cả. Tôi làm văn hóa, tra hết từ điển Đông Tây, từ đó, đã 20 năm nay, tôi chưa bao giờ dùng 4 chữ "văn hóa tâm linh" trong bài viết của mình. Đừng hòng.
Trả lờiXóaChúng nó kinh doanh Tín ngưỡng đấy.
Trả lờiXóaVN đang ở giai đoạn Chủ nghĩa tư bản độc quyền nhà nước và chủ nghĩa tư bản thân hữu. Bọn tài phiệt dựa vào quyền lực nhà nước để làm giầu trên xương máu và sự ngu dốt của người dân.
Trả lờiXóaĐó là ý tưởng đầu tiên của người Ninh Bình.
Trả lờiXóaTôi có ông bạn học người Ninh Bình. Lần lớp tụ tập ở hồ Núi Cốc hắn kể cho tôi chuyện dân gian đồn ở quê hắn.
Có thầy phong thủy phán, phải nạo vét sông Sào Khê xây chùa thật to thì Ninh Bình phát vương. Thế là dự án Sào Khê từ 72 tỷ của Xuân Trường cứ lầm lũi tăng đến hơn 2 ngàn rưỡi tỷ mà chẳng theo quy trình nào cả. Chẳng biết 2 ngàn rười đó vào túi Xuân Trường bao nhiêu nhưng Bái Đính cũng được hình thành. Kết quả Ninh Bình phát vương.
Xong ở Ninh Bình, người Ninh Bình lại kéo lên Thái Nguyên lập dự án 15 ngàn tỷ xây tháp Phật ở Núi Cốc. Không biết ngẫu nhiên hay sắp đặt emvương cũng về làm đầu tỉnh này?
Nay nghe đâu do nhập nhèm tiền Dân cho các hạng mục thuộc dự án tháp Phạt và cả đất đai nữa mà hình như tắt điện, dù khi khởi công rầm rộ lắm. Em vương cũng từ giã nơi đây như mọi người biết.
Không phải tự dưng chùa được xây nhiều như vậy, to như thế nếu không có sự tác động của người ngoại đạo có quyền thế. Thời mạt mà.