Thứ Ba, 13 tháng 8, 2019

HONGKONG: SÂN BAY ĐÓNG CỬA NGÀY THỨ 2 VÌ BIỂU TÌNH


Sân bay Hong Kong đóng cửa ngày thứ hai do biểu tình

BBC
Tối 13.8.2019

Việc làm thủ tục lên máy bay bị dừng toàn bộ tại Sân bay Quốc tế Hong Kong liên tiếp qua ngày thứ hai , do tình trạng biểu tình chống chính quyền.

Là một trong những sân bay bận rộn nhất thế giới, nơi đây đã trở thành địa điểm biểu tình trong suốt năm ngày qua.

Hong Kong hủy hơn 160 chuyến bay do có biểu tình
Biểu tình Hong Kong: Cảnh sát thừa nhận sử dụng lực lượng 'cải trang'
Hong Kong: Vì sao có tin đồn Joshua Wong là người 'gốc Việt'?

Các video trên mạng xã hội cho thấy cảnh hành khách rất vất vả mới đi qua được những người biểu tình đang ngồi chặn bên trong khu vực khởi hành.

Lãnh đạo thành phố, bà Carrie Lam, trước đó ra lời cảnh báo mới đối với người biểu tình.

Bà Lam nói rằng Hong Kong đã "đi đến tình thế nguy hiểm" và rằng tình trạng bạo lực trong các cuộc biểu tình có thể đẩy nơi này "xuống lối đi không thể quay trở lại".

Trong lúc nhiều đám đông tiếp tục tụ tập, giới chức Hong Kong thông báo việc làm thủ tục lên máy bay của tất cả các chuyến đều bị dừng kể từ 16:30 giờ địa phương (10:30 GMT) hôm thứ Ba.

Hiện chưa rõ các chuyến bay đến Hong Kong bị ảnh hưởng tới mức nào.

Một số hình ảnh từ bên trong sân bay dường như cho thấy người biểu tình dùng các xe đẩy hành lý làm rào chắn, và một số hành khách cảm thấy căng thẳng, khó chịu.


"Các hoạt động ở nhà ga của Sân bay Quốc tế Hong Kong đã bị gián đoạn nghiêm trọng do tình trạng nhiều người dân tụ tập tại sân bay trong hôm nay," Cơ quan Quản lý Sân bay (AA) nói trong một tuyên bố.

Tình trạng gián đoạn hôm thứ Hai đã khiến hàng trăm chuyến bay tại sân bay này bị hủy.

Tình trạng hỗn loạn rộng khắp đã làm rung chuyển Hong Kong trong 10 tuần qua và chưa có dấu hiệu dừng lại.

Các cuộc biểu tình lớn nổ ra ban đầu nhằm phản đối dự luật dẫn độ, là đề án nay đã bị dừng, nhưng sau tiếp tục phát triển thành phong trào đòi phải có thêm dân chủ cho Hong Kong.

Các cuộc biểu tình bùng lên từ nỗi lo là những quyền tự do mà Hong Kong được hưởng kèm theo quy chế vùng đặc khu hành chính của Trung Quốc đang bị bào mòn.

Hôm thứ Ba, Trưởng Cao ủy Nhân quyền của Liên Hiệp Quốc, Michelle Bachelet đã thúc giục giới chức kiềm chế trong lúc đối phó với người biểu tình.
 
Phóng viên Vincent Ni, BBC Tiếng Trung, bình luận

Các diễn biến tại Hong Kong đã lên tới mức cả hai bên đều cảm thấy mình không thể nhân nhượng.

Người biểu tình bị kích động bởi cách thức lực lượng cảnh sát Hong Kong đối phó biểu tình trong dịp cuối tuần rồi. Tuyên bố của Bắc Kinh ngày hôm nay về "những dấu hiệu khủng bố" nhiều khả năng sẽ khiến cho cơn tức giận của người biểu tình càng tăng thêm; một số người đã bắt đầu cảm thấy là họ không còn gì để mất.

Từ quan điểm của Bắc Kinh, những gì đang diễn ra ở vùng đặc khu hành chính là một dấu hiệu đáng ngại, có thể dẫn đến cơn ác mộng cho Đảng Cộng sản Trung Quốc, đó là việc người biểu tình kêu gọi độc lập cho Hong Kong.

Gửi quân đội tới vùng lãnh thổ này về mặt lý thuyết tất nhiên là một khả năng. Tuy nhiên, đây sẽ là biện pháp cuối cùng cho giới lãnh đạo ở Bắc Kinh, khi không còn cách nào khác, mà họ thì vẫn rất muốn duy trì hình ảnh "một quốc gia, hai chế độ".

Nếu như Bắc Kinh sử dụng vũ lực, các tác động ảnh hưởng tới Trung Quốc sẽ là rất đáng kể. Hong Kong là điểm để rất nhiều mối làm ăn của Trung Quốc được kết nối với thế giới bên ngoài. Nếu như Hong Kong sụp đổ, kinh tế Trung Quốc cũng sẽ bị ảnh hưởng.

Tuy nhiên, có lẽ điều quan trọng nhất với Bắc Kinh là nếu như cách tiếp cận "một quốc gia hai chế độ" tại Hong Kong kết thúc bằng một cuộc trấn áp bạo lực gợi nhớ tới sự kiện Thiên An Môn 1989, thì điều đó sẽ khiến công thức này trở nên kém hấp dẫn hơn nhiều đối với Đài Loan, nơi mà Trung Quốc coi là một tỉnh ly khai của mình.

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét