Chủ Nhật, 7 tháng 7, 2019

SÂN KHẤU CỦA MỘT LŨ HỀ


CƯỜNG HÀO LÝ DỊCH GIAN XẢO ĐIÊU NGOA

Công việc trong làng, trên thì tiên chỉ không muốn nhìn đến, dưới thì phường lý dịch chẳng qua cũng là con em đầy tớ các kỳ mục, há miệng mắc quai nón. Quyền hành của kỳ mục rất lớn, thế lực rất to. Mà trong hạng này, một hai người phi tay cường hào hách dịch, thì là tay gian xảo điêu ngoa. Còn nữa chẳng qua a dua với mấy người ấy mà thôi. Phần nhiều ích kỷ, họ có thiết gì đến vận dân, chỉ động có chút lợi lộc thì xâu xé nhau, hoặc dân đàn em hơi có chút gì lầm lỗi thì bới móc hạch lạc. Những người có kiến thức, cho việc hương thôn là việc nhỏ nhặt, không thèm tưởng đến, không mấy nơi cải lương được tục làng cho nên tục hay.


(Phan Kế Bính, Việt Nam phong tục, 1915)

SÂN KHẤU CỦA MỘT LŨ HỀ

Tiếng gọi rằng trào đình của một nước, song chính là sân khấu nhảy múa của một lũ hề.

Binh bộ thượng thư mà hỏi đến việc binh không biết một chút gì.

Học bộ thượng thư mà không biết đến việc học của dân.

Công bộ thượng thư mà quanh năm chỉ biết tu tạo mấy cái lâu đài và lăng miếu của nhà vua.

Lễ bộ thượng thư ba năm mới có một lần tế giao (1), cắm cúi vào những cái nghi tiết hão huyền, hủ lễ vô ích.

Lại bộ thượng thư, Hình bộ thượng thư cũng vậy, mấy ông cụ lớn ấy chỉ biết ngày hai buổi chầu quỳ lạy ở sân rồng, tan chầu trở về, quanh năm ngày tháng như một con lợn ỉ lẩn khuất ở trong chuồng không biết một chút gì cả.

Vua đè ép các quan lớn. Các quan lớn đè ép các quan nhỏ. Các quan nhỏ đè ép dân. Cái không khí áp chế chỗ nào cũng nồng nặc khó chịu, xuống đến bậc dân thì không còn dân đạo (2) dân quyền gì nữa.

Có miệng không được nói có tai không được nghe, phần nào sưu thuế nặng nề, phần nào quan lại sách nhiễu, biết chết mà không dám tránh, bị ép mà không dám than. Chốn thôn dã thì đường xá khuất lấp, trộm cướp nổi lung tung. Ngoài thành thị một bầy quỷ sống, đua nhau ăn thịt dân uống máu dân. Mỗi năm bão lụt, dân bị chết đói, mỗi năm tật dịch, dân bị đau chết, không biết chừng nào.
----------------

(1) lễ tế trời của nhà vua.
(2) đạo, nghĩa gốc là giáo lý, chủ thuyết; dân đạo có thể hiểu là một quan niệm về người dân trong xã hội

(Trần Huy Liệu, Một bầu tâm sự, 1927).

1 nhận xét :

  1. Ối các cụ Phan kế Bính và Trần huy Liệu ơi , Các cụ có sống dậy mà xem : Đất nước quê hương của các cụ ở đầu thế kỉ 21 này vẫn đầy dẫy những chuyện bi hài hơn cả thời các cụ . Thậm chí còn buồn đến nước các con chuyền nhau nỗi ước ao " bao giờ cho đến ngày xưa " .

    Trả lờiXóa