Thứ Bảy, 8 tháng 6, 2019

Dấu lặng cuối tuần: KỂ LẠI MỘT CUỘC ĐẤU TỐ


Nguyễn Thúy Hạnh

KỂ LẠI MỘT CUỘC ĐẤU TỐ

Trưa nay có một người hỏi tôi đã từng bị làm nhục chỗ đông người bao giờ chưa, tôi bỗng nhớ lại mồn một câu chuyện ấy.

Cuối tháng 1/2016, một hôm Lã Việt Dũng nhắn tin:

- Em thấy chị đủ điều kiện, chị nên ứng cử đại biểu Quốc hội.

- Điên à? Chị thà đi tù còn hơn!

Tôi giãy nảy, vô cùng tức giận, nghĩ sao cậu ta lại xui dại mình như thế. Thú thật điểm yếu nhất của tôi là quá nhạy cảm nên rất dễ bị tổn thương, nhất là bị vu khống, bôi nhọ trước đông người mà lại toàn là những người dân nơi mình sinh sống, thì thà chết còn hơn. Mà nói đến những người bất đồng chính kiến như tôi tự ứng cử thì người ta nghĩ ngay đến màn đấu tố, ném đá ở cái gọi là “hiệp thương” tại tổ dân phố.

Nhưng rồi tôi nghĩ lại. Mình vẫn tố cáo trò dân chủ giả hiệu trong bầu cử ở Việt Nam, nhưng chỉ tố cáo suông. Nếu ở chính trong cuộc bầu cử đó mà vạch trần qua những điều chính mình gặp phải, thì sẽ thực tế hơn nhiều, “phải vào hang mới bắt được cọp”. Thế là bỗng chốc tôi vụt quyết định: Ứng cử Quốc hội.

Và cũng ngay lúc đó trong đầu tôi hình thành ý định sẽ một mình chiến đấu tại cái buổi đấu tố ấy chứ ko huy động bạn bè đến ủng hộ.

Nhưng 5 ngày trước khi buổi đấu tố diễn ra thì tôi đến Mặt trận tổ quốc gửi văn bản tẩy chay buổi hiệp thương, bởi họ ko đáp ứng yêu cầu của tôi về buổi hiệp thương là: Phải có mặt báo chí; Mọi cử tri trong khu vực có quyền tự do tham gia buổi hiệp thương chứ ko chỉ cử tri mà chính quyền chọn ra; Và tôi phải có quyền phát biểu hết ý của mình chứ ko chỉ hạn chế trong 5 phút...vv..

Thế nhưng họ vẫn tổ chức. Tất nhiên tôi ko tham dự, bởi đã tuyên bố tẩy chay nó.

Khoảng 30’ sau khi bắt đầu cuộc hiệp thương, tôi đang lau nhà thì chuông cửa vang lên. Tôi ra mở cửa, thấy một đoàn, nào là tổ dân phố, CA khu vực, mặt trận tổ quốc, hội phụ nữ... Họ tươi cười mời tôi ra dự, rằng mọi người đã tập trung đông đủ và đang đợi tôi. 

Một ý nghĩ chạy nhanh trong đầu tôi, cứ ra xem họ làm trò gì. Thế là tôi thay nhanh quần áo và bước ra. Chồng tôi định đi cùng, còn họ thì sẵn sàng tư thế ngăn anh ấy lại. Nhưng chắc hẳn họ đã rất ngạc nhiên khi tôi nói chắc nịch với chồng: “Anh cứ ở nhà!”.

Tôi theo họ xuống dưới thì thấy một chiếc ô tô đã đợi sẵn. Trời, từ R6 nhà tôi sang chỗ hiệp thương ở R1 chỉ một quãng ngắn mà đưa cả ô tô sang rước tôi, tôi biết sẽ có chuyện.

Xe dừng lại ở sảnh R1. Một quang cảnh mà dẫu giàu trí tưởng tượng, tôi cũng ko thể hình dung ra trước đó. Đèn điện sáng trưng, lực lượng an ninh chìm nổi, dân phòng, bảo vệ, thanh niên tự quản hay gì đó đứng tràn từ trong ra ngoài sảnh, dễ đến trăm tên. Chắc hẳn họ chưng hửng khi huy động một lực lượng hùng hậu như vậy chỉ để đối phó với một người phụ nữ bé nhỏ như tôi. Bởi những buổi hiệp thương của các bạn tôi đều có đông đảo anh em trong phong trào đến ủng hộ, nên họ cho rằng hiệp thương của tôi có khi còn đông hơn thế. Họ ko nghĩ tôi sẵn sàng một mình đối mặt.

Đoàn người kèm tôi từ trên xe, đi hai bên tôi, giữa lúc nhúc lực lượng búa liềm còn đảng còn mình mặt mũi phấn khích, hung tợn, tôi cảm giác như đang bước ra pháp trường. 

“Không được run”, tôi tự nhủ và bước vào “phòng xử án”, chắp tay mỉm cười thật tươi chào mọi người. Hội trường chật ních người, trăm con mắt đổ dồn vào tôi, nửa tò mò, nửa căm ghét.

Buổi hiệp thương hôm đó lấy ý kiến cho 2 người, tôi và một ông ứng cử Hội đồng nhân dân, ông ta được lấy ý kiến trước. Chao ôi là lên đồng, người ta tranh nhau, say sưa ca tụng công đức của ông ta. Một cựu chiến binh còn hăng hái xin thêm 5 phút để ca ngợi nốt đạo đức của ông ấy. Và rồi phiếu bầu 100% đồng ý.

Đến lượt tôi, không khí bỗng chùng xuống, ngột ngạt như sắp có bom nổ. Và để minh hoạ cho điều khủng khiếp ấy nhằm uy hiếp tinh thần của mọi người và tôi, cuộc đấu tố mở màn bằng 3 cái đơn TỐ CÁO có tên người và địa chỉ hẳn hoi, tuy nhiên tôi ko hề biết những người đó.

Đơn đầu tố cáo tôi cầm cái biểu ngữ: “TÔI GHÉT ĐỘC TÀI NÊN KHÔNG ƯA CỘNG SẢN”. Và hai đơn kia tố cáo tôi thường xuyên tham gia biểu tình gây rối ở Bờ Hồ, tụ tập giương biểu ngữ trước cổng toà án đòi tự do cho anh Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh.

Tiếp theo lại là màn lên đồng những xỉa xói, chỉ trích, đả kích. Một bà hưu trí (mà sau này tôi mới biết là tổ trưởng dân phố của toà R6 nhà tôi) còn rít răng xin thêm 5 phút để dạy bảo tôi, rằng là chống cộng sản thì anh linh các liệt sĩ sẽ đội mồ lên chửi cho. Ông tổ trưởng dân phố R1 thì tố cáo rằng ở tổ dân phố cũ người ta bảo là tôi ra đường không chịu chào hỏi ai, không đóng góp tiền mỗi đợt quyên góp. Rồi là chắc sống ở cơ quan không ra gì nên hôm nay công ty mới ko cử người đến dự. Rồi là hiệp thương mà đến muộn để mọi người chờ đợi, chứng tỏ con người sống ko có nguyên tắc..vv..

Suốt cuộc đấu tố tôi bình thản nhìn họ, mỉm cười. Lòng tôi trào dâng một nỗi thích thú. Tôi như mê đi trong niềm hân hoan vui sướng vì được sống những giây phút ông bà, bố và cô tôi năm xưa bị đấu tố ở cải cách ruộng đất, những điều tôi chỉ được nghe kể lại, giờ đây chính tôi được sống ở trong đó. “Vậy là con không phải cố hình dung ra nữa rồi, ông bà ơi, bố ơi! Và con cũng đã có được bằng chứng đây rồi”!

Rồi cũng đến 5 phút dành cho tôi. Tôi đứng dậy, nhìn xuống hội trường...

”Kính thưa Quý vị!

Trước tiên tôi cám ơn quý vị đã vì tôi mà có mặt ở đây. Còn việc tôi đến muộn là vì tôi đã tuyên bố tẩy chay buổi hiệp thương này, nhưng Mặt trận Tổ quốc đã cố tình ko giải thích nhằm để mọi người ngay từ đầu đã có ấn tượng xấu về tôi. Và cũng chính vì tôi tẩy chay buổi hiệp thương nên công ty tôi ko cử người đến dự. 

Công ty của tôi uy tín hàng đầu trong ngành, có cả ngàn công nhân, và 100% đồng nghiệp đã bỏ phiếu cho tôi, tư cách của tôi như thế nào thì nó thể hiện ở chỗ đó đấy.

Các vị có biết tôi xuống đường vì cái gì không? Vì phản đối Trung quốc cướp đảo của ta, bắn giết ngư dân ta trên chính vùng biển của ta. Tôi xuống đường phản đối chặt hạ cây xanh, thử hỏi không có những cuộc biểu tình đó thì cây xanh Hà Nội giờ có còn không, các vị giờ đây có còn được đi dưới bóng cây không?

Thế mà người ta vu cho tôi là nhận tiền để đi biểu tình, là phản động, người ta bắt bớ cấm đoán tôi, rồi còn đem tôi ra đấu tố như hôm nay đây, thì thử hỏi tôi còn có thể yêu được độc tài không? Cái biểu ngữ “không ưa cộng sản” là vì thế đấy! 

Tôi ra đường ko chào hỏi ai ư, ko đóng góp tiền bạc ư? Mỗi khi có quyên góp tôi đều hỏi rằng người góp cao nhất hiện nay là bao nhiêu để tôi góp với mức đó. Hãy mời tổ trưởng dân phố cũ đến đây đối chất với tôi!

Tôi ứng cử Quốc hội với hi vọng cống hiến được nhiều hơn cho nhân dân, nhưng qua đây tôi đã hiểu bầu cử chỉ là cái trò mèo, và Quốc hội gồm những thành phần nào.

Thưa quý vị!

Cải cách ruộng đất là một vết nhơ, một tội ác của đảng cộng sản. Hơn nửa thế kỷ đã trôi qua, những tưởng họ đang cố lấp liếm nó đi, thì không ngờ giờ đây nó vẫn được tái hiện qua những cuộc đấu tố như thế này, và vẫn có những kẻ như các vị tiếp tay cho cái trò ô nhục, tội lỗi đó. Tuy vậy tôi không trách giận, tôi chỉ thấy thương cho các vị!

Giờ thì tôi đã phát biểu xong, và bởi tôi đã tẩy chay buổi hiệp thương nên tôi ko quan tâm màn bỏ phiếu. Chào các vị!”.


Tôi ngẩng đầu bước ra khỏi hội trường trong tiếng ơ ơ.. của những người ngồi lại.

Một cậu bảo vệ của Vinhome rảo bước theo tôi, mắt như có lệ. Tôi bảo:

- Em thấy không, cái gọi là bầu cử dân chủ nó thế đấy!

- Em hiểu rồi ạ, nãy giờ em đứng ngoài xem, thật không ngờ. Khi được bố trí canh ở đây em tưởng chị là đối tượng xấu. Giờ thì em hiểu rồi, để em đưa chị về kẻo chị đi một mình trời tối thế này nhỡ có bọn nó hành hung chị.

Cậu ta đưa tôi về đến tận lễ tân nhà R6 rồi mới quay ra.

5 nhận xét :

  1. Anh thư nước Việt.

    Trả lờiXóa
  2. Tuyệt vời chị Hạnh! Phải nói được một lần như chị mới đã, lại có đông đủ người nghe... Tuyệt vời!

    Trả lờiXóa
  3. Lão đã ở tuổi bát thập nhưng tự thấy hèn , không làm được những gì vì dân vì nước như cháu Hạnh đã làm ; Xin nghiêng mình nể phục một cháu gái xứng danh anh thư đất Bắc Hà .

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Tôi cũng như bác ... nhưng tôi đã giáo dục con , cháu cho chúng làm thay tôi và cho cả chúng nữa , một xã hội vì dân , do dân , tự do , dân ( làm ) chủ là của chúng , đừng thấy mình già yếu mà nản . Tháng trước tôi có ông anh rể ra đi về với các cụ tổ tiên ở tuổi gần 90 vậy mà vẫn còn giậy bảo con cháu đến ngày cuối đời .

      Xóa
  4. Nguyễn Thúy Hạnh , tuổi trẻ mà chí lớn . Người đã đẹp mà Nết còn đẹp hơn . Cảm phục cháu đã nêu một tấm gương sáng về lòng yêu nước và tinh thần dũng cảm .

    Trả lờiXóa