4-4-2019
Như chúng tôi đã bình luận trong bản tin Tiếng Dân ngày 19/3/2019, về việc báo chí trong nước dùng sai cụm từ “cưỡng hôn”, rồi nhiều người cũng lặp lại cái sai đó, như sau:
“Rất lạ là báo chí đồng loạt dùng cụm từ ‘cưỡng hôn’ trong trường
hợp này, trong khi hành động của người đàn ông là ‘cưỡng dâm’, vì
‘cưỡng hôn’ là cưỡng ép người nào đó lấy một người khác làm chồng hoặc
làm vợ. Còn ‘cưỡng dâm’ là dùng sức mạnh cưỡng ép người phụ nữ làm những
chuyện dâm ô để cho thỏa sự dâm dục của kẻ cưỡng dâm“.
Trang Cảnh Sát Chính Tả và nhà nghiên cứu Trương Nhân Tuấn cũng đã có bài viết, nói về việc sử dụng sai cụm từ này. Kính mời quý vị cùng đọc để biết sai mà sửa lại cho đúng.
____
Cảnh Sát Chính Tả: Để đánh dấu sự trở lại sau gần một năm im hơi lặng tiếng, lực lượng hôm nay sẽ bàn đến từ “cưỡng hôn.” Đây là một từ mà vì một lí do nào đó mắt thường không nhìn thấy được, các trang tin điện tử – nhất là các trang tin tào lao xịt bợp – rất sính dùng để chỉ việc một con người (cũng có khi là con vật) hôn hít một người khác mà không được sự đồng ý của đương sự. Chỉ cần dạo một vòng trên mạng, chúng ta có:
– Chú Tân giật thót người vì bị cưỡng hôn
– Cô Thi cưỡng hôn hàng loạt trai lạ trên phố
– Cưỡng hôn heo sữa trong thang máy, bác Hợi bị phạt 2 xu teng
– Xác minh clip anh Gà bị Alien cưỡng hôn trong khu pha chế bí mật
vân vân và vân vân.
Phải nói ngay, dùng từ “cưỡng hôn” trong những trường hợp này là sai hoàn toàn. “Cưỡng hôn” là một từ Việt gốc Hán, trong đó “cưỡng” có nghĩa là bắt ép, bức bách (cưỡng bức, cưỡng chế vườn rau Lộc Hưng), còn “hôn” nghĩa là lễ cưới hoặc việc cưới xin (hôn nhân, hôn lễ, thành hôn).
“Cưỡng hôn” vì thế nghĩa là “cưỡng ép phải lấy một người nào đó làm chồng hay làm vợ; ép duyên” (Từ điển tiếng Việt, Hoàng Phê chủ biên), chứ hoàn toàn không có nghĩa là “cố gắng hôn, hôn lấy hôn để hôn tới tấp, hôn bất kể phẩm hạnh đạo đức, hôn như một vì viện phó viện Kiểm sát Nhân dân” vân vân và vân vân.
Nhân tiện, chữ hôn (cưới) trong “hôn lễ” vốn là chữ hôn 昏 (tối) trong “hoàng hôn” 黃昏 vì ngày trước người ta chỉ đón dâu vào buổi tối, về sau mới đổi thành chữ hôn 婚 có bộ nữ 女 bên trái.
Lại nhân nhắc đến hoàng hôn, một bạn học cũ của một thành viên lực lượng đã từng bình câu Kiều “Nay hoàng hôn đã lại mai hôn hoàng” rất số dách như sau: “Chúng ta có thể thấy tên Hoàng là một tên rất dâm tiện, hôm nay hắn hôn Kiều cho đã rồi đến mai lại bắt Kiều hôn hắn.“
Người bạn này nghe nói hiện đang làm tổng biên tập một tờ báo mạng rất lớn ở nước ta, đại để quyền cao chức trọng vân vân và vân vân.
***
Trương Nhân Tuấn: Thấy báo chí cũng như nhiều người VN xài chữ “cưỡng hôn” cho các vụ “tấn công tình dục” và “sách nhiều tình dục”. Theo tôi, thiệt là tội nghiệp cho nụ hôn vô tội.
Không phải cái gì cũng lấy các xứ Âu, Mỹ… ra so sánh rồi áp dụng cho VN, nhưng trong các vụ “tội phạm”, nhứt là các thứ tội về “tình dục”, hầu hết các nước đều có quan điểm khá giống nhau về “hành vi phạm tội” cũng như các mức trừng phạt tội phạm.
Hành vi một người đàn ông đè một người đàn bà xuống hôn không phải là “cưỡng hôn”. Xài chữ “cưỡng hôn” trước hết sai về ngôn từ. Nào giờ người VN xài chữ “cưỡng hôn” cho các vụ cưỡng ép làm đám cưới, như bắt gả con mà không có sự đồng ý của nó. Người ta dùng chữ “hôn” cho “hôn nhân”, “hôn lễ”, “đính hôn”, “kết hôn”…
Thực tình thì người Việt không có động từ “baiser-kiss” như xã hội Tây phương. VN cũng không có tục “hôn môi”. Chỉ vài chục năm trở lại, khi phim ảnh Tây phương tràn ngập, các thế hệ sau này VN mới biết “hôn môi”. Tầm tuổi cha mẹ tôi, không ai biết “hôn môi” là gì! Thương nhau, đưa miệng vào má đối tượng hít hít vài ba cái, gọi đó là “hôn”.
Thứ hai, xài chữ “cưỡng hôn” là không nói hết bản chất dâm dục của hành vi. Cưỡng là bắt buộc. Hôn là… nụ hôn. Hôn bậy một cái, rõ ràng vô tội vạ. Các nước khác, như Mỹ, Pháp, hành vi đè người ta xuống, miệng thì hôn, tay sờ mó với mục đích thỏa mãn tính dâm dục, đó là hành vi “tấn công tình dục”.
Còn hành vi cứ theo đuổi tán tỉnh với lời lẽ mất dậy, chó đẻ, hay gởi hình dâm dục… đó là tội “quấy nhiễu tình dục”. Còn khi nào có “giao cấu”, nếu một bên không đồng ý, dó là tội “hiếp dâm”.
Mới đây đọc bản thông cáo chi đó của cơ quan chi đó ở Đà Nẵng. Nội dung văn bản cảnh cáo báo chí và bà con trên phây về vụ loan tin một người tên Linh bị thâu hình quả tang đang tấn công tình dục một bé gái khoảng 7 tuổi. Theo tôi, người ra bản thông cáo này cũng cần phải “còng đầu” cùng với tên Linh kia về tội “bao che và khuyến khích tội phạm”.
Đây không phải là chuyện “đời tư cá nhân” mà đám xàm lờ Đà Nẵng lên tiếng hăm dọa. Người dân thông tin với nhau là để bảo vệ an ninh cho các bé gái. Ở Mỹ, những người nào có tiền án “ấu dâm”, cảnh sát hay cơ quan hành chánh phải có nhiệm vụ công bố tất cả thông tin về tên này cho dân trong khu vực, nếu hắn ta đến khu vực này sinh sống. Đơn giản vì người ta muốn bảo vệ các bé gái. Bởi vì “ấu dâm” là một “bệnh” luôn tái phạm.
Tên chó đẻ tên Linh, ngay cả khi hắn là tổng bí thư, thì người dân ai cũng có quyền truyền bá thông tin về hắn. Vì đó là hình thức “tự vệ chính đáng” cho con gái, cháu gái của mình.
Bệnh “ấu dâm” không bao giờ chữa lành. Người ta có quyền đặt câu hỏi, trước vụ “tấn công tình dục” bé gái trong thang máy, tên Linh đã hãm hiếp hoặc rờ mó bao nhiêu bé gái rồi? Ngay cả trong gia đình tên Linh, con gái, cháu gái của tên này, cũng phải đề phòng cần thận.
Ngày xửa ngày xưa , báo nọ có chuyên mục " Dọn vườn " rất hay , rất bổ ích . Nay , nhiều khi xem báo , có câu tối nghĩa và hành văn lủng củng , phải " đọc " đi đọc lại và " đoán ý cho chuẩn vậy mà vẫn ...lăn tăn , tâm tư .
Trả lờiXóaVui mừng được tin Trang " Cảnh sát chính tả " tái ngộ độc giả , giúp cho việc truyền bá sự trong sáng của tiếng Việt .
Hoan nghênh trang " CẢNH SÁT CHÍNH TẢ " . Xin góp 1 ý kiến . Bây giờ tất cả các phương tiện truyền thông đều tuyên truyền cho cách mạng kĩ thuật 4.0 , có ai viết và đọc 4,0 như ngày xưa đâu . Vậy đề nghị nhà nước có sự chỉ đạo cho báo chí , truyền thông , giáo dục thống nhất dùng dấu chấm để đánh dấu hàng đơn vị thay vì dấu phẩy như ngày xưa .
Trả lờiXóa