Thứ Tư, 3 tháng 4, 2019

TỰ LẤY ĐÁ GHÈ CHÂN MÌNH


Tự lấy đá ghè chân mình

Chu Mộng Long
2-4-2019

Tôi hiểu vì sao Bộ Công an, Bộ Giáo dục và Đào tạo khó khăn trong việc công khai danh tính thí sinh được chữa điểm trong kì thi tốt nghiệp và tuyển sinh năm vừa rồi.

Giả định, nếu đó là con em dân thường thì chắc chắn chẳng có gì khó khăn. Quy chế quy định rõ ràng hình thức kỉ luật kết hợp với công khai minh bạch để răn đe giáo dục. Kẻ nào nhân danh đạo đức hay nhân văn, rằng “sợ gây tổn thương cho học sinh” hay “tác động tiêu cực xã hội” là đạo đức giả, dối trá!


Sự bật mí của cơ quan chức năng và báo chí về số thí sinh được chữa điểm cao chất ngất chủ yếu là thi vào ngành công an. Vậy thì đủ biết đó chỉ có thể là con em lãnh đạo. Hóa ra cái sự khó khăn trên là do sợ mất uy tín lãnh đạo?

Ngày xưa thời phong kiến, uy tín cỡ Lê Quý Đôn, Cao Bá Quát còn bị xử phạt lưu đày khi Lê Quý Đôn đánh tráo bài thi của người khác cho con mình, Cao Bá Quát chữa bài thi cho học trò mà mình cho là tài giỏi. Uy tín cá nhân mà không giữ được thì phải chấp nhận mất tất cả chứ ai giữ cho?

Việc chữa điểm cho con em lãnh đạo thời nay có gốc sâu xa của nó. Ngày xưa hổ phụ sinh hổ tử, cha ông giỏi thì con cháu cũng giỏi nên sự gian lận sửa điểm thi cho con em như trường hợp Lê Quý Đôn, Cao Bá Quát là hiếm. Ngày nay, chuột cha sinh chuột con thì ắt sửa điểm tràn lan, không chỉ Hà Giang mà còn Sơn La, không chỉ Lạng Sơn mà còn Hòa Bình…, để biến cả đàn chuột thành hổ. Nhưng quan trọng hơn là cái cơ chế nó đẻ ra sự vụ.


Thời tôi đi học, con ông cháu cha vào đại học có khi được cộng đến trên 10 điểm. Riêng ngành công an thì gần như là đặc tuyển về lý lịch. Xét đến cùng cũng là chữa điểm nhưng chữa hợp pháp. Nay bất ngờ thay đổi quy chế ưu tiên, chuột lại hoàn chuột. Phải tính làm sao? Thì chữa điểm bất hợp pháp vậy!

Khổ thân cho giới cầm quyền tham lam vô độ. Tưởng thay đổi quy chế để vươn đến sự bình đẳng cho dân chúng vui, không ngờ tự lấy đá ghè chân mình. Theo tôi, đằng nào ngành công an cũng chỉ đặc tuyển con em lãnh đạo, sao không quay trở lại quy chế ngày xưa để được cộng điểm hợp pháp? Cứ theo quy chế cũ mà làm có hơn không?

Bọn thù địch có chỉ trích về sự bất bình đẳng thì cứ theo triết lý của nhà văn Anh, George Orwell, mà biện bạch, rằng tất cả các con vật đều sinh ra bình đẳng, nhưng có những con vật bình đẳng hơn những con vật khác vậy???

3 nhận xét :

  1. Tôi đồng ý với thầy Long: Nói không công khai danh tính thí sinh nâng điểm là nhân văn là nói dối, đạo đức giả! Nếu không công khai chỉ đích danh, xử lý đến nơi đến chốn, thì làm sao đủ sức răn đe? Có ai sợ để không tiếp tục nhúng tràm? Danh tính rõ ràng nhất là con bí thư tỉnh ủy Hà Giang triệu Tài Vinh được nâng hay bị nâng ( lời ông Vinh) tới 6 điểm, vẫn không hề hấn gì, vẫn vào đại học. Ông bố vẫn chễm chệ trên ghế bí thư tỉnh và tiếp tục ra giảng đạo đức cách mạng. Xin hỏi các ngành chức năng đang bảo vệ ai??

    Trả lờiXóa
  2. Thế giới xử hình sự vị thành niên là xử kín mà Việt Nam không những đưa ra xử công khai mà còn đưa ra xử di động cho toàn dân xem (ngoài bãi rộng) thì đúng là con dân thường nên các vị trong nghạch tố tụng như công an chẳng chẳng vướng mắc gì nên làm được! Còn nay là con quan chức (biết bao cú điện thoại đến các cấp dân không hề biết, chưa kể còn nhiều chuyên viếng thăm bí mật?!) nên có lẽ nguyên tắc „dao sắc không cắt được chuôi“ đã thể hiện rõ ràng! Và nguyên tắc đó cũng cũng sinh ra thêm nguyên tắc bất thành văn vẫn còn hoành hoành ở VN: LUẬT CHO DÂN VÀ LỆ CHO QUAN.

    Trả lờiXóa
  3. Một lớp tư duy cận huyết thống sẽ ra đời nay mai như ta được biết rất đúng quy trình.

    Trả lờiXóa