Thứ Sáu, 23 tháng 11, 2018

Luân Lê: NHỮNG CÁI TÁT VÀO NỀN GIÁO DỤC


Luân Lê

NHỮNG CÁI TÁT VÀO NỀN GIÁO DỤC

Hôm qua tôi có đọc được một bài báo của một tiến sỹ kinh tế đã từng học Havard và hiện đang làm cho chương trình đại học Fulbright tại Việt Nam, một bài viết về giáo dục. Nói chung là, vị tiến sỹ nói rằng nền giáo dục của ta không quá tệ vì đã đạt những thành công nhất định, và nó đã bị truyền thông thổi phồng quá lên so với thực chất của nó.

Đọc vào bài viết, với vài nhận định và dẫn chứng, tôi không hiểu cớ lý làm sao mà tư duy đó lại có thể học ở nước ngoài và ở một ngôi trường khá danh tiếng và cũng lại đang làm trong ngành giáo dục?

Trong đó nổi lên các dẫn chứng như sau:

Thứ nhất, vị này nói, nếu tra kết quả trên google về tiêu cực và các vấn đề bất cập trong giáo dục thì đối với Mỹ hay một số quốc gia Tây phương có đến 600 triệu kết quả. Với Nhật hay Hàn cũng có tới 200 triệu kết quả và Việt Nam chỉ có khoảng 9.2 triệu kết quả. Đây là một con số mà vị này đưa ra làm dẫn chứng, trong khi bỏ qua những vấn đề cực kỳ quan trọng như: số lượng báo chí ở phương Tây và Mỹ hay Nhật, Hàn là bao nhiêu và nó thực sự là báo chí tự do (thuộc hoàn toàn tư nhân) hay không - đây là yếu tố quyết định đến lượng bài có thể xuất hiện (và bao lâu, bao nhiêu vấn đề) trên báo chí, truyền thông); tiếp theo là vấn đề là những quốc gia này họ có tự do ngôn luận và tự do học thuật nên có thể họ đã nhiệt thành bàn thảo, phê phán bất cứ thứ gì mà họ cho là bất ổn. Họ, cũng với một nền tảng giáo dục khác hẳn và cao hơn chúng ta rất nhiều bậc, nên cái họ gặp phải chưa chắc đã phải là vấn đề của Việt Nam hoặc dù chỉ là tương tự; cái quan trọng hơn là, không thể sử dụng một thống kê bằng từ khoá trên hệ thống tìm kiếm để làm cơ sở khoa học cho quan điểm của mình. Điều đó là cực kỳ phản khoa học và phản giáo dục.

Thứ hai, nền giáo dục của chúng ta bị định hướng và chi phối hoàn toàn bởi chính trị chính là cái bất cập lớn nhất và tạo nên những sự trục trặc hệ thống mà những hậu quả như một lẽ tất yếu đến mức phổ biến và không thể sửa chữa hay khắc phục được. Chính nguyên nhân gốc rễ này thì vị tiến sỹ kia lại hoàn toàn lảng tránh mà không đề cập gì tới trong các lập luận của mình.

Thứ ba, vị tiến sỹ này không phân biệt được tình trạng thầy và thợ là như thế nào. Khi vị này dẫn chứng rằng Việt Nam mới chỉ có khoảng 30% dân số là học đại học, còn ở Singapore hay Anh những tỷ lệ này là 80% thậm chí 100%, nên cho rằng Việt Nam không rơi vào tình trạng thừa thầy thiếu thợ như nhiều người ta thán bấy lâu nay. Rõ ràng là trong việc tỷ lệ học đại học so với số dân trong một nước không quyết định gì đến số lượng thầy và thợ. Vì rằng, việc học đại học để làm thầy hay làm thợ hoặc không làm cả hai là điều không phụ thuộc vào tỷ lệ cơ học và bề mặt đó. Vậy nhưng nó vẫn được dùng để tiến sỹ Havard này dùng làm căn cứ cho mình.

Song song với đó, vị này cũng đã nhắc đến một loạt các sự kiện tiêu cực như chạy chọt biên chế giáo viên, gian lận thi cử, bạo lực học đường, tình trạng cử nhân thạc sỹ thất nghiệp (hàng trăm ngàn, nhưng vị này chỉ nói hàng chục ngàn đã là một sự cố ý làm sai khác đi sự thật), bệnh thành tích...nhưng lại liền lập tức nói rằng không thể dựa vào những sự kiện đơn lẻ, cá biệt như thế để phủ nhận những thành quả đã đạt được của giáo dục Việt Nam trong thời gian qua. Nhưng để hỏi thành quả mà nền giáo dục này đem lại và đã đạt được thực sự là gì thì không thấy vị này nhắc đến.

Tôi không dám lạc quan tếu, cũng không quá mức tiêu cực cho các vấn đề hệ trọng nhất của quốc gia, đó là giáo dục. Nhưng bản thân nó đang gặp trục trặc vô cùng lớn mà nó bị quyết định bởi hệ thống chính trị nên không thể nào vượt thoát ra được khỏi tình trạng ngày càng cùng quẫn của giáo dục trong hầu hết mọi mặt của nó: lương bổng quá thấp; đạo đức và trình độ nhà giáo; thất nghiệp; bằng cấp giả; thu phí vô tội vạ; bệnh thành tích; nạn học thêm và thi cử; bệnh dối trá; nạn bạo hành học sinh; tệ hành chính trong giáo dục; đại học đào tạo tràn lan; nền tảng học thuật rất thấp; kiến thức đào tạo lạc hậu so với thế giới hơn nửa thế kỷ; cải cách chương trình từng năm; sách giáo khoa độc quyền; các chương trình đào tạo quá nặng nề và không khoa học; sự thiếu thốn về cơ sở vật chất, không có thực nghiệm, chảy máu chất xám...

Vì vậy, nếu có thành quả nào đáng kể, thì chỉ là trên giấy và trong các báo cáo của bọn dối trá làm trong ngành giáo dục để loè bịp thiên hạ để hưởng lợi mà thôi.

Nên xin hãy thôi vẽ vời và ca tụng mình thêm nữa. Đó chính là cách tự huỷ hoại và làm mình suy vong, một cách nhanh nhất.

Chú thích: Loại giáo viên khốn nạn này không chỉ tàn ác với một người mà dùng chính các học sinh, những đứa trẻ, thực hiện tội ác của mình. Và đội cờ đỏ trong các trường học không khác gì là một thiết chế kiểu mật vụ của cảnh sát với mục đích để rình rập, thu thập, giám sát các hoạt động và đấu tố những học sinh trong các ngôi trường. Nó chính là sự giáo dục tàn ác nhất mà xã hội này có thể tạo ra và đày đoạ con người, ngay từ khi còn là một đứa trẻ.

https://motthegioi.vn/…/co-giao-bat-ca-lop-tat-ban-231-cai-…
 
 

2 nhận xét :

  1. Bạo lực cách mạng chưa đủ sao ??? Nay lại muốn thêm bạo lực học đường . Đúng là cha nào con nấy.

    Trả lờiXóa
  2. Luật sư Lê Luân quan tâm sâu sắc đến giáo dục là điều rất đáng quý . Tiếc rằng " cái nước mình nó thế " . Mọi người không nên bắt chước cái lối lươn lẹo , né tránh của ai đó khi dùng xảo ngữ " bệnh thành tích " . ĐỀ NGHỊ GỌI NÓ LÀ BỆNH NÓI DỐI .

    Trả lờiXóa