Thứ Sáu, 12 tháng 10, 2018

MỘT CUỐN SÁCH RẤT NÊN CÓ TRONG TỦ SÁCH MỌI NHÀ


Phố Mã Mây

Lí Học
Hôm qua đọc quyển sách mới tinh của NXB Nxb Tri Thức Nguyễn Văn Vĩnh. Lời người man di hiện đại- Người yêu tiếng Việt trọn đời, thấy một chi tiết về phố Mã Mây rất thú vị nên viết mấy dòng.

1. Trong bài "Hội dịch sách Bắc Kỳ", cụ Nguyễn Văn Vĩnh có viết: "Ông nào muốn vào hạng nào xin ông ấy kí vào trường ấy, rồi nhờ ngài gửi cả về trước ngày 26 tháng ta này cho M. Vĩnh, 39, rue des Pavillons-noirs, hãy tạm nhận để trình Hội đồng" (trang 30). Người biên tập sách đã chú thích rất chính xác: rue des Pavillons-noirs "Nay là phố Mã Mây". 


2. Trang 10, có thêm một chú thích của người làm sách cũng rất đáng chú ý: "Phan Kế Bính (1875-1921), hiệu là Bưu Văn. Là nhà văn, nhà báo, thành viên tích cực của phong trào Đông Kinh nghĩa thục tại Hà Nội. Ông là trường hợp duy nhất mà Nguyễn Văn Vĩnh đã đứng ra viết đơn xin bảo lãnh để thoát án tử hình khi thực dân Pháp đàn áp, bắt bớ những người tham gia phong trào Đông Kinh nghĩa thục. (Theo lời kể của ông Lưu Văn Thành (cháu ngoại Phan Kế Bính), là người trông coi nhà thờ Phan Kế Bính, hiện ở 4/19, ngõ 123A, phố Thụy Khuê, Ba Đình, Hà Nội. Phát trên VTV2 - THVN năm 2006 trong chương trình "Danh nhân văn hóa" (trang 10).

3. Phố Mã Mây (rue des Pavillons-noirs) ở đâu, như thế nào? 

Theo cuốn Đường phố Hà Nội của Nguyễn Vinh Phúc, Trần Huy Bá. NXB HN 1978 (quyển này viết cẩn thận và sau này nhiều người âm thầm chép ra nhưng không ghi nguồn), từ trang 292 đến trang 293 cho biết như sau: "Phố Mã Mây dài 268 mét, đi từ phố Hàng Buồm đến phố Hàng Bạc. Đây nguyên là đất phường Hà Khẩu (đoạn đầu) và thông Dũng Hãn (đoạn cuối) đều thuộc tổng Hữu Túc (sau đổi là Đồng Thọ) huyện Thọ Xương cũ.

Phố này xưa gồm 2 phố: Phố Hàng Mây - là đoạn giáp Hàng Buồm, có những của hàng bán song và phố Hàng Mã là đoạn giáp Hàng Bạc, có những cửa hàng bán đồ mã như nhà táng, hình nhân, mũ ông Công, tiền giấy ... (Phố Hàng Mã này có trước phố Hàng Mã ở gần chợ Đồng Xuân, nên sau khi đã có 2 Hàng Mã thì người ta gọi phố Hàng Mã gần Hàng Bạc là phố Hàng Mã dưới để phân biệt với phố Hàng Mã trên chuyên bán những hoa giấy, tiền giấy.

Cho tới thời gian cách đây khoảng sáu, bảy chục năm mới có tên gọi gộp là phố Mã Mây. Đoạn giữa phố chố số nhà 64 là đền Hương Tượng, thuộc phường Hà Khẩu cũ, thờ Nguyễn Trung Ngạn (1289-1370).

Theo bia Hương Tượng giáp trùng tu dựng năm 1825 thì đề này được lập ngay thời Trần. 

Thời Pháp thuộc đây là phố Quân cờ đen (rue des Pavillons-noirs) vì trong thời gian Pháp rục rịch chiếm Hà Nội thì có một bộ phận quân Cờ đen của Lưu Vĩnh Phúc đóng ở đây và ở phố Hàng Buồm để phối hợp với quân ta chống Pháp". 

4. Trong một lần đến nhà thờ cụ Phan Kế Bính ở đúng địa chỉ mà cuốn sách nói ở trên, chúng tôi thấy có treo bức ảnh đen trắng Pháp chụp (xem ảnh dưới), hình một con phố và có cây nghiêng hẳn ra lòng đường, được ghi chú bên dưới là Phố Thụy Khuê. Tất nhiên là nhầm, vì đây chính là hình phố Mã Mây, chụp vào khoảng 1900- 1920.


5. PR thêm một chút về cuốn sách Nguyễn Văn Vĩnh. Lời người man di hiện đại- Người yêu tiếng Việt trọn đời: Đây là cuốn sách rất đáng có trong tủ sách của mỗi gia đình. Nguyễn Văn Vĩnh là một nhà báo - nhà văn hóa lớn, do vậy những trước tác của ông đều mang lại nhiều tri thức cho người đọc.

Hơn nữa, cuốn sách có thú vị ở chỗ, người soạn sách đã giữ nguyên chính tả thời kì đầu thế kỉ 20 để in sách chứ không biên tập lại theo chính tả thông dụng hiện nay. Cách làm đó cho người đọc sống lại không khí, diện mạo của tiếng Việt những năm đầu thế kỉ 20. Đây là cách làm rất tuyệt vời. 

Lí Học.

2 nhận xét :

  1. Nguyễn Văn Vĩnh,Trương Vĩnh Ký là những nhà văn hoá,trí thức lớn của dân tộc.
    Những đóng góp của họ cho việc khai dân trí,mở mang văn hoá cho đất nước là rất lớn.
    Nhưng dưới con mắt của các "đỉnh cao trí tuệ" thì họ là những "phần tử nguy hiểm".
    Đã có những chiến dịch quy mô để bôi nhọ,miệt thị,xuyên tạc họ một cách thô bỉ và hèn hạ.
    Cần phải trả lại cho họ vị trí của những nhà trí thức lớn,có tâm huyết với đất nước,với dân tộc.

    Trả lờiXóa
  2. Cổ nhân dậy rằng hãy xem anh ta thường chơi với ai thì sẽ biết được anh ta . Bây giờ suy rộng ra , hãy xem người ta tôn vinh ai , miệt thị ai , cũng là cách để hiểu bản chất của họ .

    Trả lờiXóa