Thứ Bảy, 13 tháng 10, 2018

Dấu lặng cuối tuần: NGƯỜI GÁC CÔNG VIÊN


Người gác công viên

Tho Nguyen
7 - 10 - 2018

Hàng ngày tiều phu hay chạy trong công viên gần làng, sau giờ làm việc buổi chiều. Giữa tháng bảy, ngày nào tôi cũng thấy một ông già Đức ngồi ủ rũ trên chiếc ghế đá. Bên cạnh ông, luôn là một cái đài nhỏ chạy pin, lúc thì phát nhạc, lúc thì tin. Mỗi lần vậy, chúng tôi gật đầu chào nhau.

Sau vài ngày, tôi cảm thấy bất an vì tóc tai và quần áo của ông ta ngày càng xuống mã. Tôi dừng lại và ngửi ngay thấy mùi mồ hôi của người lâu ngày không tắm. Tôi hỏi thăm và biết ông ta ngủ trên chiếc ghế này từ hôm đó đến nay. May là hồi đó, trời khô hạn, không mưa nên ông ta yên tâm ngủ. Còn vệ sinh thì kiểu “quận công” ở cánh rừng phía sau.


Biết ông ta đang rơi vào cảnh vô gia cư, tôi nói sẽ gọi cho cô bạn làm ở cơ quan Caritas thành phố để xếp cho ông một chỗ trong nhà “Làm phúc”. Ông ta từ chối:

-Tôi không phải kẻ ăn mày, để chỗ đó cho người khác. Tôi vẫn đủ tiền để mua đồ ăn uống hàng ngày và pin cho cái đài. Nó là cô bạn gái của tôi.
.
 Ảnh chụp hôm mùa hè. Cái nấm bê tông chỉ che mưa, nếu có gió tạtj ngang là ướt hết. May mắn hè năm nay ít mưa.
 
Cái đài chạy pin là cô bạn gái thân thiết nhất. Hans bảo thà nhịn ăn uống 
chứ không để cô bạn thiếu pin. May mà gã chưa phải nhịn đói bữa nào.

Hôm sau tôi mang cho ông ta một ít bánh ngọt và chai nước lấy từ tủ lạnh. Giữa ngày hè nóng 39 độ, chai nước lạnh làm ông ta tỉnh người và chúng tôi bắt đầu nói chuyện với nhau nhiều hơn.

Thì ra gã chưa đến 60, trẻ hơn tôi gần chục tuổi, tên là Hans. Cuộc đời Hans có nhiều uẩn khúc mà gã không kể hết. Tôi cũng chẳng ép. Chỉ cần biết rằng giờ đây Hans thất nghiệp, trắng tay, không trả được được tiền thuê nhà, bị chủ nhà đuổi ra đường. Sốc, rồi suy sụp, gã ngồi ở bờ sông Rhein hai tuần, nay về công viên làng tôi ngồi tránh nắng. Cánh rừng nhỏ ở đây quả là thiên đường trong những ngày đó. Ngày trời mưa, Hans chạy đến trú dưới một cái nấm tròn bằng bê-tông. Đương nhiên gã “quận công” chiếm mất cái ghế băng của khách đi dạo trong công viên khi cần trú mưa. Nhìn thấy một gã lang thang nằm đó, chẳng ai muốn vào.

Hans mừng rỡ ra mặt mỗi buổi chiều gặp tôi. Gã cũng từng làm thợ điện như tôi, cũng biết về chiến tranh Việt Nam. Chuyện gì tôi nói, gã cũng đàm đạo được. Hans là một kẻ tự trọng. Gã không uống rượu bia, không xin tiền ai bao giờ và cũng không chịu về nhà ai để tắm rửa. Hans bảo, dù có thiếu ăn thì vẫn phải mua pin cho cái đài. Không có nó, cô đơn không chịu được. Tôi đưa số điện thoại, để lỡ có sự cố thì gọi, Hans bảo không có máy di động. Tôi gặp tay quản lý bãi bóng đá trong công viên xin cho Hans vào đây tắm rửa. Cậu người Thổ vui vẻ nói: Bác cứ bảo ông ta vào đây, nhưng ở đây không có nước nóng.

Dần dần có nhiều người bắt chuyện với Hans và cùng giúp gã, khi thì cái Pizza, khi thì cái bánh mỳ ăn sáng hay bình cà-phê. Có lần đang nói chuyện thì một bà già dắt con chó bông đi qua, chúng tôi chào nhau. Hans cười, chỉ vào tôi nói: Đấy, ông này là Vietnamese chứ không phải Chinese đâu nhé. Bà chụp cho chúng tôi cái ảnh kỷ niệm được không?

Để cho Hans khỏi bội thực hoặc đói, chúng tôi tuy không quen nhau, nhưng cũng phối hợp. Ngày người này, mai nguời khác quyên chút đồ ăn uống. Có người gom mấy quyển sách, có người đọc báo xong, đi dạo mang cho gã. Hans bắt đầu cảm thấy không bị bỏ rơi. Gã bảo: Cái công viên này thành nhà tôi rồi!

Tất cả chúng tôi xúm lại khuyên Hans đến sở Lao động đăng ký tiền thất nghiệp và đến sở Xã hội xin trợ cấp tiền nhà. Nước Đức chẳng bao giờ để công dân mình phải vô gia cư như Hans. Giờ thì tôi hiểu tại sao có người lang thang: Họ sụp đổ tinh thần, mặc cảm rồi mất phương hướng. Sống lang thang lâu sẽ không quay lại đời sống bình thường được nữa.

Chúng tôi bắt đầu vực lại tâm lý cho Hans. Mọi người giúp gã đường đi nước bước để được nhận các khoản trợ cấp “đúng quy trình”. Mỗi buổi chiều gặp tôi, Hans đều kể về những thủ tục hôm nay đã hoàn tất, hoặc khoe là được ăn nóng, được cắt tóc ở nhà làm phúc của giáo phận.

Cuối tháng 9, Hans báo tin vui là đầu tháng 10 sẽ được về căn hộ cũ. Sở xã hội sẽ phụ thêm tiền nhà, sở Lao động sẽ cấp tiền thất nghiệp từ tháng 10. Tôi bảo: vậy mà cậu bỏ phí 3 tháng tiền trợ cấp, ăn hết vốn liếng it ỏi của mình.


Cuối tháng 9 trời đã trở lạnh. May là Hans sắp có nhà.

Hans bảo: Nhưng cũng nhờ ba tháng màn trời chiếu đất này mà tôi hiểu được, thế nào là tình người. Không có nó, tôi đã chìm trong tuyệt vọng. Hơn nữa tôi được sống trong thiên nhiên tuyệt vời, tập tắm nước lạnh, tập tiết kiệm thực phẩm.

Tôi chúc Hans kiếm được việc làm mới để còn cầm cự đến khi 67 tuổi, tuổi về hưu . Gã xin tôi số điện thoại để khi nào quay lại đây sẽ gọi trước để hai thằng gặp nhau.

.
Hai tay thợ điện trước giờ chia tay nhau.

Chiều nay, tôi chạy qua cái nấm bằng bê tông, lại gặp bà già với con chó bông. Bà bảo:

Không có thằng “Gác công viên” cũng thấy nhớ nó, phải không ông?

Köln 06.10.2018

6 nhận xét :

  1. Bài hay . Đầy tính nhân văn , tình người ấm áp . Qua bài , có lẽ mỗi người cảm nhận được cái gì đó ,thú vị .

    Trả lờiXóa
  2. Đọc “Người gác công viên” của Tho Nguyen mình mới hiểu thêm cuộc sống của những người dân xứ tư bản.
    Mình yêu thương “Người gác công viên”, yêu xã hội Đức, yêu thương nước Đức, yêu xứ tư bản văn minh, xứ mà nghe nói về mặt dân chủ chúng nó thua xa Viêt Nam ta, thua xa “vạn lần”.

    Trả lờiXóa
  3. Người Dân VN trong nước đã tìm ra câu trả lời " Tại sao bọn Tư bản chúng rẫy mãi mà không chết " chưa ???

    Trả lờiXóa
  4. Đãy lý do chính mà Trinh Xuân Thanh đã bỏ nước bỏ Đảng ra đi !!!

    Trả lờiXóa
  5. Đâu là thiên đường hả bà con ?

    Trả lờiXóa