Thứ Bảy, 29 tháng 9, 2018

VÌ SAO HÀ NỘI QUYẾT XÂY CUNG THIẾU NHI MỚI?


HÀ NỘI KHÔNG NÊN XÂY DỰNG CUNG THIẾU NHI MỚI

Nguyễn Tiến Dũng

Vào giữa tháng 8/2018, sau phản ứng của nhiều người Hà Nội về việc Uỷ Ban TP thu hồi ngôi biệt thự cổ của Cung Thiếu nhi. Lãnh đạo TP Hà Nội đã ngừng lại việc này. Và để trấn an dư luận, Thành đoàn HN đã gửi công văn cho một số báo chí, trong đó có nội dung:

• Không có việc thu hẹp diện tích của Cung Thiếu nhi HN.

.• Thành phố sẽ quan tâm đẩy nhanh tiến độ để đầu tư Cung Thiếu nhi mới xứng tầm Thủ đô.

Như vậy, phải hiểu rằng: Thành phố sẽ xây Cung Thiếu nhi mới. Cung TN mới sẽ không bị hẹp hơn mà chắc sẽ rộng hơn so với hiện nay. Tất nhiên, lúc ấy Cung Thiếu nhi sẽ di dời và không phải chỉ ngôi biệt thự cổ mà toàn bộ diện tích của Cung Thiếu nhi hiện nay sẽ được chuyển đổi mục đích sử dụng. Vì trong công văn có nói là không thu hồi ngôi biệt thự đâu? Chỉ nói là không thu hẹp diện tích sử dụng thôi mà. Một kiểu chơi chữ.


Thực ra, chủ trương đầu tư xây dựng Cung Thiếu nhi mới của lãnh đạo Thành phố đã có từ lâu. Ít nhất là từ thời ông Nguyễn Quốc Triệu. Năm 2014, ông Nguyễn Thế Thảo và ông Phạm Quang Nghị đã cho triển khai dự án xây dựng Cung Thiếu nhi mới ở trung tâm quận Cầu Giấy với quy mô khá lớn. Phương án thiết kế đã được duyệt. Nhưng vì lý do nào đấy, dự án đã bị bỏ, đất đã được chuyển cho mục đích sử dụng khác. Giờ phải tìm địa điểm mới.

Việc di dời và xây Cung mới này cũng xuất phát từ một thực tế là trong khoảng 10 năm về trước, Cung Thiếu nhi rất đông học sinh và luôn quá tải vào dịp hè. Cao điểm có năm tới hơn 30.000 lượt em (cộng của cả 3 kỳ học) đến tham gia sinh hoạt. Bởi Cung Thiếu nhi đã có được "thương hiệu" trong giáo dục đào tạo một số lĩnh vực mà các nhà trường phổ thông còn thiếu hoặc yếu.(Chứ không phải vui chơi giải trí đơn thuần). Ngày ấy, mọi vị trí trong Cung đều được tận dụng để làm phòng học. Nhiều khoa phải tổ chức học 5 ca trong một ngày. Nên TP phải tính đến việc tìm cho Cung một vị trí rộng rãi hơn.

Nhưng tình hình hiện nay đã thay đổi. Từ khoảng 10 năm trở lại đây, số lượng các em đến Cung sinh hoạt giảm dần. Năm 2017 vừa qua chỉ có khoảng 14.000 lượt em. Tức chỉ còn non một nửa so với lúc đông nhất. Tình trạng sụt giảm học sinh này rất khó có thể khắc phục. Nó có nguyên nhân chủ quan và nguyên nhân khách quan. Về nguyên nhân chủ quan, tôi xin sẽ đề cập đến trong một bài viết khác. Còn trong bài này, tôi chỉ xin nêu nguyên nhân khách quan:

Hiện tại, dân số cơ học của Thủ đô không ngừng tăng, trẻ em cũng tăng theo. Nhu cầu được sinh hoạt và giáo dục nghệ thuật của trẻ em cũng rất lớn. Nhưng khối lượng và thời lượng dành cho bài học trong nhà trường phổ thông của các em cũng ngày một nặng lên. Các em phải học rất nhiều nên không còn nhiều thời gian cho vui chơi hay có thể đến Cung Thiếu nhi sinh hoạt. Điều kiện giao thông cũng ngày một khó khăn. Ngoài chuyện lo kẹt xe, ách tắc giao thông, thì phụ huynh học sinh còn lo về sự an toàn cho các em nên không thể để các em tự đi như ngày trước. Đồng thời, theo quy luật cung cầu, các lớp, các câu lạc bộ năng khiếu của các nhà trường, các trung tâm thiếu nhi của tư nhân ngày được mở ra nhiều hơn ở khắp nơi. Các em có được chỗ học gần nhà hơn đến Cung. Tuy chất lượng hoạt động của một số CLB còn hạn chế, nhưng nhìn chung là tốt. Đây là hiện tượng tích cực đối với đời sống xã hội. Nhiều giáo viên, phụ trách ở các CLB, trung tâm thiếu nhi cũng đã từng tham gia giảng dạy hoặc công tác tại Cung Thiếu nhi. Sự phát triển các trung tâm tư nhân này giống với ở các nước phát triển. (Các CLB, trung tâm thiếu nhi ở Nhật hay châu Âu đều do tư nhân tổ chức, nhà nước không làm. Bên cạnh đấy, những nội dung hoạt động như ở Cung Thiếu nhi thường đã được triển khai rất tốt trong nhà trường của họ. Mô hình Cung Thiếu nhi chỉ có ở các nước XHCN). 

Những yếu tố trên đã xác định một điều: không còn chuyện quá tải ở Cung Thiếu nhi HN hay có thể nói: chưa phát huy hết cơ sở vật chất của Cung. Điều này, đồng nghĩa với việc không cần phải xây một Cung Thiếu nhi lớn hơn nữa.

Cung Thiếu nhi hiện đang ở quận Hoàn Kiếm với mật độ dân cư vào loại cao nhất Hà Nội mà nay chỉ được 14000 lượt em một năm. Trừ 3 tháng hè, 9 tháng còn lại hầu như chỉ có học sinh vào thứ 7, cn. Vậy nếu chuyển ra ngoài khu vực nội đô, liệu được bao nhiêu em đến? Mà trong tình hình giao thông hiện nay, chắc chỉ trẻ em trong bán kính 4-5km trở lại mới có thể tiếp cận. Chưa kể, đặc điểm của Cung Thiếu nhi là có bộ máy cán bộ không lớn, chủ yếu làm công tác quản lý và tổ chức hoạt động chuyên môn. Không có đội ngũ giáo viên cơ hữu đông đảo như ở các nhà trường. Tham gia giảng dạy chủ yếu là các thầy cô giáo, các trí thức, nghệ sỹ ở bên ngoài Cung được mời dạy theo chế độ cộng tác viên mà phần lớn sống ở nội đô. Nếu Cung TN chuyển ra ngoại đô, không ai bảo đảm được là họ sẽ đi theo để giảng dạy. Lúc ấy, có lẽ chỉ mời được những giáo viên dạy vẽ, nhạc của các trường phổ thông trong địa bàn đến dạy mà thôi. Các em sẽ chẳng đến vì không hơn gì nhà trường. Rạp Khăn Quàng Đỏ của Cung TN có 500 chỗ ngồi, nhưng một năm chưa được 50 buổi sáng đèn cho phục vụ thiếu nhi vì các em không còn nhu cầu đến rạp như xưa. Thì xây thêm một cái rạp 1000 chỗ ngồi liệu có cần thiết? 

Tôi cũng được biết: một số trung tâm thiếu nhi mở trên khu vực các quận mới cũng không được thuận lợi trong khâu chiêu sinh.

Do vậy, việc xây dựng một Cung Thiếu nhi mới hoành tráng, tiêu tốn hàng ngàn tỷ đồng sẽ là một sự lãng phí ghê gớm. Khi mà xã hội đã có thể đáp ứng tương đối tốt mảng hoạt động này cùng với xu thế phát triển của ngành Giáo dục.

Chắc chắn, chỉ những người, hay đơn vị, hay nhóm lợi ích nào được triển khai dự án này là vui mừng và đại gia nào đang nhòm ngó mảnh đất vàng của Cung Thiếu nhi hiện nay là muốn Cung phải di dời. 

Nhưng rồi sẽ giống như Cung Trí thức, như Bảo tàng Hà Nội, Cung Thiếu nhi mới sẽ không có học sinh và là sự lãng phí khủng khiếp tiền thuế của dân.

Kinh phí để xây Cung Thiếu nhi mới này xin đề nghị chuyển đổi cho mục đích khác:

1. Đầu tư nâng cao điều kiện học tập cho trẻ em miền núi, vùng sâu, vùng xa.

2. Xây dựng những điểm vui chơi cho trẻ em Hà Nội, vì trẻ em Hà Nội đang rất thiếu chỗ vui chơi, giải trí.

3. Chỉnh trang lại Cung Thiếu nhi HN hiện tại để làm đẹp hơn bằng trang trí cho kiến trúc với những hạng mục mỹ thuật như thêm các mảng tranh gốm, tranh tường, phù điêu, tượng tròn... để đúng với một công trình văn hoá, một không gian mỹ thuật cho thiếu nhi. (Hiện tại, Cung Thiếu nhi HN trông không khác mấy một cơ quan, công sở của nhà nước, khá là khô khan. Những đợt chỉnh trang trước kia chủ yếu theo kiểu cạy ra lát lại, tốn kém nhưng hiệu quả thấp. Nghe đâu cuộc chỉnh trang gần đây ngốn hết 46 tỷ).

Là một người đã làm việc lâu năm ở Cung Thiếu nhi và ít nhiều hiểu biết về hoạt động giáo dục ngoài nhà trường cho thiếu nhi. Tôi chắc chắn rằng, việc xây mới Cung Thiếu nhi là không nên và rất lãng phí, cũng như không phù hợp với xu thế giáo dục tiên tiến trên thế giới. Mong các lãnh đạo Tp Hà Nội nghiên cứu, suy xét.

Ảnh 1: phương án Cung Thiếu nhi ở Cầu Giấy năm 2014 đã được duyệt nhưng bị bỏ.
 Ảnh 2: lễ khai giảng của một trường miền núi.

3 nhận xét :

  1. Mục tiêu cuối cùng là phải cướp cho bằng được mảnh đất vàng đó.

    Trả lờiXóa
  2. 1) https://vnexpress.net/tin-tuc/thoi-su/ngan-can-du-an-khai-thac-da-nam-nguoi-dan-bi-thuong-3816279.html

    2)https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=101774727465319&id=100028983753005

    3)https://www.facebook.com/profile.php?id=100009685117080

    Trả lờiXóa
  3. Không làm lấy gì mà đớp?

    Trả lờiXóa