Thứ Tư, 12 tháng 9, 2018

Nhà văn Dạ Ngân: SÁCH CÔNG NGHỆ GIÁO DỤC - MẤY LỜI GAN RUỘT


Sách Công nghệ Giáo dục: Mấy lời gan ruột

Dạ Ngân
10-9-2018

Thời điểm 1978, năm mà Công nghệ giáo dục (CNGD) có mảnh đất thực nghiệm ở Giảng Võ, đất nước mình như thế nào? Thê thảm. Cả nước ăn bo bo, nỗi nhục mà dân miền Nam không quên là miền Tây Nam bộ mà cũng phải ăn bo bo. Cả nước bị dựng ngược với “thay trời đổi đất sắp xếp lại giang sơn”, với “trăm phần trăm phải hợp tác hóa tập đoàn hóa”, với “phát huy quyền làm chủ tập thể” ra rả trên loa phường loa xã và hệ thống truyền thông độc quyền.


Rồi cuộc chiến ở hai đầu đất nước, phía Bắc và Tây Nam, cuộc chiến 10 năm trời, ngài TBT ngùn ngụt khát vọng thay trời đổi đất đã bộc lộ một sai lầm chết người (trong chuỗi sai lầm của ông và ê kíp) là ghi Trung Quốc – kẻ thù vĩnh viễn vào Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Ơi trời, có là thù truyền kiếp đi nữa thì cũng không được ghi vào như vậy, bởi đây là Hiến pháp của nước VN, kế thừa Hiến pháp 1946 kia mà.

Nhắc lại tí chút để thấy, không có chống lưng của TBT Lê Duẩn và cố vấn Trưởng Ban tổ chức Lê Đức Thọ thì có nằm mơ mà Công nghệ với thực nghiệm nhé. Chúng tôi hay đi lại với tiến sĩ Hồ Ngọc Đại từ không khí đổi mới sau khi CNGD vượt phạm vi thực nghiệm. Do anh Thân và anh Phạm Toàn là nhóm chí cốt với nhau hồi ở Hải Phòng mà anh Toàn giúp anh Đại rất nhiều ở thực nghiệm.

Nhiều lần chúng tôi hỏi vui “Ơi phò mã, học vị ấy, tư chất ấy, trình độ ấy sao không làm bộ trưởng bộ giáo dục cho dân nhờ?” (vì trong tình cảm của chúng tôi, chỉ có mấy vị không thể ai hơn: Tạ Quang Bửu, Nguyễn Văn Huyên), lứa anh Đại anh Toàn, chúng tôi ngưỡng mộ Hoàng Tụy và Phan Đình Diệu, riêng Kiến Giang thì không dám nghĩ đến vì anh ấy là nhân vật sốc với Đảng).

Hỏi cho vui chứ biết thừa, ông Duẩn cũng không để con rể mình làm chi cho chướng, bản thân anh Đại cũng thấy chướng và dĩ nhiên, dư luận sẽ thấy cực kỳ chướng. Anh Đại còn hay hỏi han chia sẻ với văn nghệ sĩ, trong văn giới tôi thấy anh quý thực lòng Dương Thu Hương, Nguyên Ngọc, Bùi Ngọc Tấn… (Khều chi tiết trên đây vào để nói, bảo anh Đại là phò mã mà không thèm chức bộ trưởng là không đúng, kiểu bênh ấy rất Việt Nam, rất châu Á, rất phương đông, kiếm mà dễ à, bố vợ thấy chướng mà được à? Và tội gì làm bộ trưởng chi cho vừa mang tiếng, vừa cực cái thân). Và bản thân anh Đại dễ gần, hay hay.

Nhân thân mình do mình chọn, sự phức tạp này liên quan tới vòng xoáy phán xét của lịch sử cũng không có gì lạ, kiểu lớn thuyền thì lớn sóng. Vì sao CNGD ra đời? Khát vọng cá nhân của người học tâm lý trẻ ở nước Nga Xô viết (nếu không chính xác, xin được thứ lỗi), cộng với bật đèn xanh của hai lãnh tụ họ Lê và bộ trưởng lúc đó, rằng phải thống nhất, phải có cái gì đó thống nhất cho cả hai miền, nền tảng cách mạng này bắt đầu từ lớp Một. Chủ trương thống nhất không sai nhưng như mọi thứ ngày càng hay bị phán xét là do bất cập từ hoặc duy ý chí, hoặc coi nhẹ đối tượng “được giải phóng”.

Hà Nội không tham chiếu những thành quả của miền Nam mà giáo dục là một đơn cử. Xóa hết vì con đường xã hội chủ nghĩa, xóa hết mô hình kinh tế, sách vở, nghệ thuật, giáo khoa, hệ thống tư thục từ cấp tiểu học đến đại học… để làm mới rập khuôn kiểu Bắc. Môt sự tổn thương tinh thần và tổn thương vật chất mà chừng như không nhiều người cảm nhận được hết, như những người trong cuộc. Nói tóm lại, hậu chiến bời bời, tan hoang, lòng người ly tán, có kết thúc chiến tranh nhưng chưa có hòa bình, vì hòa bình trong lòng người mới là mục đích tối thượng.

Người dân nào hay biết cái CNGD sau 2006, tức gần 30 năm thí điểm, đã nhân rộng ra bắt đầu ở Lào Cai, với học sinh dân tộc thiểu số. Bộ trưởng ưa cái gì mà chẳng suôn sẻ, nhất là chuyện bán sách và chia. Bây giờ, nhờ thông tin như vũ bão của Internet và mạng xã hội mà dân mới biết cách dạy lạ của CNGD. Dưới thời Bộ trưởng Nhạ, CNGD vừa được thẩm định 2 vòng và chính thức có 50% học sinh lớp 1 học kiểu nhìn các ô mà đọc thơ lục bát!

Vì sao có bão mạng? Sao bão mạng với BOT, bão mạng với Luật Đặc khu thì đồng thuận mà bão mạng về CNGD thì chia tuyến, trong đó trí thức, văn nghệ sĩ hai bên đều phừng phừng nổi nóng? Nguyên do khá nhiều, có những nguyên do nhạy cảm, tế nhị.

Nhưng xin đừng mạt sát dân đen, hàng chục triệu gia đình có con liên quan đến cách học lạ, hàng triệu dân thường có smartphone và fb, họ phản ứng tức thì, đồng loạt không phải từ những clip tình cờ hay bị ai xỏ mũi mà họ là những người ấm ức, thậm chí đã phẫn nộ triền miên với giáo dục mấy chục năm qua. Hàng triệu gia đình ấy không có tiền để cho con du học, tức là né nền giáo dục trầm ê này, tức là người ta không có điều kiện để tỵ nạn giáo dục!

Đã mấy lần cải cách kiểu chuột bạch, Nxb Giáo dục đã mang tiếng là Nxb ăn đủ, lần này, phát hiện về CNGD là giọt nước tràn ly. Tiếng Việt vẫn ổn, học đánh vần ráp chữ vài tháng xong, còn chính tả ư, hãy thay đổi cách học bằng thầy cô đọc và trò viết như cũ đi, vui và hiệu quả chứ, và bắt học sinh đọc nhiều sách đi, còn tái mù ư, phổ cập tiểu học mà trẻ tái mù thì nhất định không phải do hồi lớp Một chúng không học CNGD!

Những bài học không chuẩn của giáo khoa CNGD khiến người dân phát khùng thêm. Đọc thơ nhìn ô mới là học vẹt. Nhưng sao không là câu này, đại loại “Bầu ơi thương lấy bì cùng/Tuy là khác giống nhưng chung một giàn”. Vì sao phải là hai câu về Bác Hồ mà thực sự, như chúng ta từng than thở với nhau, đó là hai câu vè. Bác Hồ là danh xưng, là thương hiệu chứ tên bác là Hồ Chí Minh kia mà.

Thưa các anh, riêng hai câu này các anh biết không hay mà vẫn đưa vào sách, vậy thì hoặc các anh bộc lộ cái không chuẩn (nên mới có nhiều bài khác ít sức thuyết phục), và các anh làm cho giáo khoa thư của nền giáo dục VNCH có cơ sống lại với những lời được tôn vinh.

Từng giọt nước, dân thấy họ luôn bị hết vố này và vố khác, mất rừng, mất biển đảo, mất nhà mất đất, mất mạng do môi trường (ung thư cao nhất thế giới), và trên hết, hàng chục triệu gia đình đã ngậm đắng nuốt cay vì nạn thay sách giao khoa và cải cách liên miên của của các vị. Đang có 5 đầu mối làm sách giáo khoa mà Nxb độc quyền giấy phép vẫn chưa biết thương dân, vẫn ăn đủ. Dân phẩn uất vì người ta ngửi thấy cái mùi “làm cho khốc hại chẳng qua vì tiền”.

Là sản phẩm gọi trắng là hàng hóa, (tư nhân hóa thì SGK cũng sẽ là hàng hóa), hãy nên chấp nhận sự phán xét. Riêng tôi, tiếng Việt và người Việt cho dù i tờ trước hay a bờ cờ trước, hay e bờ be trước, khá ổn. Không việc gì bỏ cả đời ra làm phức tạp một chuyện đơn giản là chỉ cần một kỳ đánh vần và ráp vần là có thể đọc vanh vách thơ Quê Hương của Đỗ Trung Quân (sách Tiếng Việt truyền thống tôi vừa mua). Vì vậy, khi đã bị soi, đừng nóng, như chúng tôi, viết tiểu thuyết là phải bị khen và chê tơi bời, có người viết bài mạt sát hẳn hoi vốn là bạn thiết của mình.

Dĩ nhiên sách cho lớp 1 và giáo khoa thư quan trọng hơn tiểu thuyết của chúng tôi, quan trọng nhất ấy. Như đã nói, lớp 1 là thời trăng mật của đứa trẻ với học đường, lật đổ phương pháp truyền thống để cha mẹ chúng ra rìa (không giúp được), để mà chi? Những bài học trong SGK lớp 1 nhất định phải chuẩn, tuyệt đối, trong và tinh.

Bỗng thèm những kích cỡ như Hoàng Xuân Hãn, Trần Trọng Kim và bỗng nhớ GS TS Phan Đình Diệu dù như là lạc đề. Ông, PĐD ấy đã nói thẳng nhiều lần khi ông đương chức, rằng cần thay đổi thể chế chứ đừng cải đổi lòng vòng, nhưng ông vẫn kiên nhẫn lặng thầm đặt nền móng ngành Tin học cho đất nước VN. Và khi đã thấy không hợp tác với người đương quyền được nữa, ông “đi chỗ khác chơi”.

Giáo dục cần tư tưởng tổng thể trong triết lý. Sao cho không chỉ lớp 1 vui học mà sinh viên cũng vui học vì chúng không bị đại cương nắm đầu mãi với một thứ triết học hàng nửa thế kỷ qua vẫn thế? Nước Mỹ trên hết, Putin cũng bảo nước Nga trên hết, ông Tập của Trung Hoa cũng bảo nước Tàu trên hết. VN nhỏ xíu, người Việt thì quốc gia, đất đai, tổ quốc này đâu có là trên hết. Cái gì đang trên hết ở đây, dân dù có đen và có ngu, họ cũng thừa biết, lâu rồi.

Vì sao stt này dài thấy ghê? Vì tôi đứng về phe nước mắt.

Stt dài, một lần, và sẽ chấp nhận ném đá, mời các bạn. 

14 nhận xét :

  1. Rằng hay thì thật là hay / xem ra ngậm đắng nuốt cay thế nào

    Trả lờiXóa
  2. Sách CNGD + Cải cách chữ viết của ông Gs họ Bùi sẽ giúp ta nhảy nhanh trên " Con tàu bốn chấm không " ; Chẳng mấy chốc vượt Thái vượt Sing mà thành rồng thành hổ . Ha ha !

    Trả lờiXóa
  3. Lại nhớ đến vụ " cải cách chữ viết " những năm 60-70 của thế kỉ trước , gây khốn khổ cho mấy thế hệ học trò ... mà thấy rùng mình .

    Trả lờiXóa
  4. Chuyện đã lâu nhưng có thật ; Tại một phòng triển lãm tranh siêu thực ở nước Ý , có một " bức tranh " pha màu lòe loẹt , chả ai hiểu tác giả thể hiện điều gì nhưng ai cũng bắt chước nhau , khen lấy khen để vì không khen thì chứng tỏ anh kém cỏi , chả biết gì về nghệ thuật siêu thực ! . Chỉ đến khi ông họa sỹ , tác giả của " bức tranh " phát hiện ra là ban tổ chức đã treo nhầm cái bảng pha màu của mình , " bức tranh " mới được dỡ xuống ... Ngẫm mà thấy hay quá ta ! Chỉ có ngu dốt , không biết gì mới chê ... mấy cái cải cách khác đời .

    Trả lờiXóa
  5. Tôi nhất trí với chị Ngân.
    Tôi chỉ nghĩ đơn giản - Chỉ có thầy cô dạy mới biết cách đánh vần cho học sinh lớp 1 không thể tốt băng cách đánh vần theo truyền thống, khi mà về nhà bố mẹ và các anh chị có thể giúp cho các cháu thêm vào.

    Trả lờiXóa
  6. Dạ Ngân có vẻ đã bắt ra mạch vấn đề rồi. Chào Dạ Ngân

    Trả lờiXóa
  7. Quả là gan ruột. Xin chia buồn cùng nhà văn. Chúng tôi đau xót theo từng câu chữ của bà. Bà nói chuẩn: Hồ Ngọc Đại cũng chỉ là một sản phẩm hay nạn nhân của thực tế quái đản: Tổ quốc, tức Nhân Dân, tức Hiến pháp là thứ yếu...!...

    Trả lờiXóa
  8. Đọc bài viết này thấy thương cho con dân nước VIỆT..Mong làm một đấng Minh Quân,,,,,,........

    Trả lờiXóa
  9. Bài viết hay quá!

    Trả lờiXóa
  10. Cảm ơn bà Dạ Ngân! Bà đã viết rất thật lòng. Ý kiến của bà về CNGD của Hồ Ngọc Đại và những vấn đề liên quan là xác đáng! Ơn trời! Cầu mong cho những cơn "cải" cơn "cách" tai hại cho dân ta từ cái thủa ban đầu chua chát ấy qua mau! Mà còn nhiều người chưa rõ nguồn cơn!

    Trả lờiXóa
  11. Xót xa lắm chị Ngân ơi. Chúng nó ăn không từ thứ gì. Sách truyện, sách kỹ thuật in ra 2000 cuốn, bán được 1/2 là mừng ứa nước mắt. Còn SGK năm nào cũng in bán hết vèo. Tiền vào ngân sách bao nhiêu? vào túi nhóm lọi ích bao nhiêu? Trời không biết nhưng dân biết.

    Trả lờiXóa
  12. Thưa chị Dạ Ngân, quả "Văn là Người". Bài này của chị, làm tôi đã hiểu "Công nghệ giáo dục", hậu trường...Nhân đây, tôi có vài Bức xúc chia xẻ với chị: 1/ Tôi Căm Thù khi sách thì gọi là vở, để bắt bố mẹ các cháu phải mua, hằng năm (hệ quả của CNGD?); 2/Sau khi có bài của GS Hưng, bảo rằng, cái gọi là Toán học cao cấp của anh Đại, Tây "nó" bỏ từ lâu rồi, thì anh Đại "hùng hồn" (chung chung), đại ý rằng: Tôi có thể sai nhiều, nhưng sách Văn tiểu học, tôi Tuyệt đối đúng!!! (rồi chị xem chị chứng kiến, cuốn "để đời" này của anh Đại cũng sẽ là Thây ma, mà thôi); 3/ Mà cái trường Thực nghiệm của anh Dại, vốn dĩ chỉ ở bậc Tiểu học, mà nay đã "lên" đến cấp 2, cấp 3 rồi!!!???
    Tôi tin anh Đại mắc bệnh vĩ cuồng, và Tham đủ thứ, thưa chị Dạ Ngân.

    Trả lờiXóa
  13. Sách "giáo khoa" gì mà toàn là những từ mặt trái của xã hội. Nếu nhửng cái này mà dạy cho trẻ em. thì lớn lên chúng sẽ giết người, là kẻ thù của đồng loại. Các lối nói mất dạy, tiêu cực của xã hội (Bình chân như vại, Trái tai gai mắt, Nói sao nghe vậy..). Những cái này là hết sức tiêu cực cho tâm hồn trẻ thơ. Cực hình cho Thầy Cô giáo giải thích những cái này, cho trẻ con lớp mẫu giáo, lớp 1. Đưa những danh nhân thế giới: Balzac, Archemdes ..mà chưa chắc trẻ con đã biết hết. Trong khi Hai Bà Trưng, Bà Triệu thì đưa vào sơ sài..Tên Vua mà gọi trống không, không có chức danh gì. Trần Hưng Đạo thì nói trống không. Thoát Hoan thì xưng Thái tử Thoát Hoan. . 3 lần chiến thắng ỡ Bạch Đằng thì chỉ có nửa trang. Đồng bào phải đứng lên phản đối đến tận cùng mấy cái này. Con trẻ chúng ta sẽ là những kẻ thù, máu lạnh với nhau, với xã hội. Chúng ta phải nhất loạt lên tiếng, từ bỏ những cái này. Nên nhớ Hồ Ngọc Đaị có cái chức danh mà người ta gọi là "giáo sư" từ thời Sô viết.
    Quí vị theo dõi video cũa một cô giáo Việt tại đây
    https://www.youtube.com/watch?v=-IDMzulVlgI

    Trả lờiXóa
  14. Nhìn vào 6 hình tròn mầu đỏ giống hệt nhau mà đọc thành " trong đầm gì đẹp bằng sen " . Bước tiếp theo ,lại nhìn vào 6 hình vuông cũng giống hệt nhau ,mà cũng đọc thành "trong đầm gì đẹp bằng sen " . Thế mà gọi là dậy học à ? Đây là dậy kiểu ngu dân hóa , biến hàng triệu con em chúng ta thành lũ ngớ ngẩn , chỉ biết nhại theo người chỉ dẫn . Thôi ,các ngài giáo sư đừng lí luận rối rắm ,hù dọa , đánh lừa dân chúng nữa . Bỏ ngay cái lối dậy " ma giáo " này đi cho dân nhờ .

    Trả lờiXóa