Thứ Ba, 28 tháng 8, 2018

MỘT CUỐN SÁCH SẼ GÂY SỐC VỪA RA LÒ


Góc khuất của kẻ sĩ

Trần Bảo Hưng
Người Đại biểu Nhân dân
08:40 | 28/08/2018
 

Tập truyện ngắn “Đạo sắc màu máu” của tác giả Từ Khôi do NXB Thanh Niên vừa xuất bản gồm 7 truyện viết về 5 nhân vật lịch sử. Mỗi tác phẩm đều có những chi tiết tạo nên dư ba. Những chi tiết này có thể rất ít người biết.

Tác giả dành hai truyện cho nhân vật Lê Văn Thịnh: Hồ Tây có còn sương mù giăng Nỗi đau rồng. Sự thật lịch sử và chất hư cấu nghệ thuật đã nêu bật phẩm chất vì dân vì nước của Thái sư Lê Văn Thịnh, cùng nỗi oan khuất ngút trời của ông trong lịch sử Việt Nam. Khúc ngâm viết dưới hầm thờ tổMối tình oan nghiệt của ông già lười viết về hai mối tình chung thủy và đẫm nước mắt của Đặng Trần Côn và Lãn Ông Lê Hữu Trác. Chính mối tình say đắm và có phần tuyệt vọng của Đặng Trần Côn với Đoàn Thị Điểm khiến cho hậu thế được thưởng thức các tuyệt tác “Chinh phụ ngâm” và “Bích Câu kỳ ngộ”. Trong Mối tình oan nghiệt của ông già lười, Lê Hữu Trác vì không hiểu hết, hiểu đúng mối tình của sư cô Đàm Liên nên đã yên tâm đi lấy vợ và lo sự nghiệp y học. Khi gặp lại ở kinh thành, Lê Hữu Trác lại không hiểu được ước muốn cuối cùng của Đàm Liên là được nằm trong chiếc áo quan mà ông sắm cho. Cuối đời, bà chính là người đã thuê khắc “Lãn Ông Tâm lĩnh” lưu truyền cho hậu thế.

Tả thanh thiênGió đổi chiều viết về Nguyễn Siêu và Cao Bá Quát - người từng được suy tôn là Thần Siêu, Thánh Quát trong giới tinh hoa của đất nước thời bấy giờ. Ở hai nhân vật này, Từ Khôi không nói nhiều đến công trạng của họ mà chủ yếu qua đó đề cập, phê phán sự thối nát của chế độ phong kiến đương thời: Không biết dùng người tài, ưa kẻ xu nịnh, dồn dân đen vào đường cùng. Đến nỗi Nguyễn Siêu phải lánh quan trường, về dạy học, dựng nên Tháp Bút, Đà Nghiên, đình Trấn Ba… nổi tiếng, còn Cao Bá Quát phải đứng lên khởi nghĩa, cuối cùng rơi đầu trước lưỡi gươm oan nghiệt của triều đình. Đây cũng là những trang viết đẫm nước mắt của tác giả về một thời kỳ bi tráng của dân tộc nói chung và thời kỳ bĩ cực của những kẻ sĩ chân chính.
Sắc phong ngày 23 tháng Giêng năm Dương Hòa thứ 6 (1640) nhuận
Không phải ngẫu nhiên Từ Khôi lại dùng tên của truyện ngắn Đạo sắc màu máu để đặt tên cho tập sách. Bởi đây không chỉ nói về cuộc đời bi phẫn của kẻ sĩ Nguyễn Duy Hiểu, mà còn cho thấy sự bi phẫn, day dứt trước số phận của cả dân tộc. Trước nay, người ta chỉ biết Giang Văn Minh đi sứ và bị nhà Minh giết hại, ít biết Nguyễn Duy Hiểu, một chánh sứ, cũng bị nhà Minh sát hại. Cuộc thi tài đối đáp giữa Giang Văn Minh, Nguyễn Duy Hiểu với bọn quan lại nhà Minh đã khiến các ông bị rơi đầu. Việc thất bại trước cuộc đối đáp chỉ là cái cớ, điều khiến triều đình phương Bắc phải giết các ông chính là nỗi nhục “Đằng Giang tự cổ huyết do hồng”, cho dù chém sứ là điều chưa từng xảy ra trong bang giao giữa các nước trong lịch sử nhân loại.

Có thể nói Từ Khôi khá thành công khi mỗi truyện đều đan cài những chi tiết ít người biết, có thể do hư cấu một cách hợp lý. Như Đạo sắc phong năm Dương Hòa thứ 6 (1640) liên quan đến sự hy sinh của Nguyễn Duy Hiểu, tác giả đã “giấu” chi tiết này đến cùng, mặc dù đây là nguyên cớ để anh viết truyện và giải mã sự hy sinh “không làm nhục mệnh Vua” của vị Chánh sứ. Hay trong Nỗi đau rồng, đó là chi tiết Nguyễn Trãi cung tiến pho tượng rồng, chỉ đục lỗ tai bên trái, ngụ ý nhà vua chỉ biết nghe điều trái mà không nghe, không nhìn những lời nói phải, những việc làm phải. Ở truyện Khúc ngâm viết dưới hầm thờ tổ, là 28 chữ Đoàn Thị Điểm xin được sửa khi dịch bản “Chinh phụ ngâm” ra chữ Nôm. Các chữ này rất bình thường, nhưng xếp thành một bài thơ tứ tuyệt thì lại là tuyệt tác, song bị thất truyền. Cũng như vậy trong Tả thanh thiên, một ông già gày gò, hậu duệ đời thứ 4 của Nguyễn Siêu đã đọc một bài thơ tri âm Thánh Quát của Thần Siêu mà rất ít người biết… Những chi tiết này hoặc được lấy trong tư liệu lịch sử, hoặc hư cấu có chủ đích một cách hợp lý, đã làm sáng lên một cuộc đời, tạo nên dư ba của tác phẩm mà không cần nhiều lời.

Điểm mạnh của Từ Khôi là am hiểu lịch sử, tư liệu lịch sử và từ sự phong phú này mà hư cấu, tưởng tượng. Nhưng thế mạnh này cũng là điểm yếu khi anh không biết tiết chế, khiến cho tư liệu cứ ùa vào trang viết, khiến cho một vài truyện có dáng dấp là truyện danh nhân, truyện lịch sử hơn là truyện ngắn. Nhưng đây chỉ là những nhược điểm nhỏ, cái chính vẫn là tấm lòng với lịch sử, với kẻ sĩ được anh khắc họa sâu sắc.

Nhà văn Trần Bảo Hưng

______________

Cuốn truyện ngắn khai thác từ tư liệu lịch sử xác thực, cho biết trong chuyến đi cống nhà Minh, không chỉ một mình Chánh sứ Giang Văn Minh bị vua quan nhà Minh giết mà còn có 2 người nữa bị giết chết tại Yên Kinh (Trung Quốc). Đoàn sứ trở về Đại Việt với 3 cỗ quan tài.

1 nhận xét :

  1. Theo tôi đọc sách thì thời Lê Văn Thịnh chưa xuất hiện danh Trạng nguyên, vậy không thể gọi cụ Lê Văn Thịnh là Trạng nguyên ạ. Thời Trần mới có danh Trạng nguyên...

    Trả lờiXóa