Thứ Ba, 24 tháng 7, 2018

HÀ NỘI - SAU MƯỜI NĂM MỞ RỘNG


Hà Nội sau 10 năm mở rộng

VNE 

Thứ ba, 24/7/2018, 00:10 (GMT+7) 

Sau cuộc đại điều chỉnh địa giới hành chính thủ đô, nhiều câu hỏi vẫn bỏ ngỏ cho cả chính quyền, các chuyên gia quy hoạch và người dân.
.



Năm 2008, Đề án mở rộng địa giới hành chính thủ đô được đặt lên bàn Quốc hội. Lý do mà Chính phủ đưa ra là “hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội hiện hữu của Hà Nội không thể đáp ứng được tốc độ đô thị hóa, sức hút đầu tư ngày càng lớn và sự gia tăng dân số ngày càng cao”.

Mười năm sau mở rộng, các đầu mối quản lý đã được tinh giản, nhiều trục giao thông cửa ngõ đã thành hình, hạ tầng nông thôn được hiện đại hoá. Song, nhiều dự tính từ năm 2008 vẫn nằm trên giấy. Quy hoạch Hà Nội đến 2030 đứng trước nguy cơ lùi tiến độ.

Cuộc mở rộng lịch sử

Tháng 5/2008, Kỳ họp thứ ba Quốc hội khóa 12 đã thông qua một quyết tâm chính trị cao trong việc mở rộng Hà Nội. Dù có những tranh luận gay gắt về lý do cũng như hiệu quả, nhưng cùng với việc quán triệt nghị quyết của Bộ Chính trị, Hà Nội được quyết định mở rộng với 92,9% số phiếu đồng ý.

Trong 5 phương án mở rộng Bộ Xây dựng trình, phương án sáp nhập tỉnh Hà Tây, một phần của tỉnh Vĩnh Phúc và tỉnh Hòa Bình được chọn.

Ngày 1/8/2008, Hà Nội chính thức mở rộng, trở thành thủ đô có diện tích lớn thứ 17 thế giới với hơn 3.300 km2 (gấp 3,6 lần trước đó), số dân tăng 80% từ 3,4 lên 6,2 triệu người.

Hàng loạt dự án giao thông lớn được thực hiện kết nối trung tâm với các vùng ngoại vi như: Đại lộ Thăng Long, cầu Nhật Tân, đường Võ Nguyên Giáp, dự án đường sắt trên cao Hà Nội Metro… Riêng 8 tuyến đường bộ lớn, tổng mức đầu tư đã lên tới hơn 2 tỷ USD, một con số tương đương 70% thu ngân sách trong năm 2007 của Hà Nội.
Một góc quận Nam Từ Liêm, Hà Nội. Ảnh: Giang Huy.

Hạ tầng nông thôn cũng được cải thiện. Đường bê tông chạy tới những xã nghèo nhất ở cực Tây thành phố, nơi sinh sống của đồng bào Mường trước thuộc tỉnh Hòa Bình. Hạ tầng y tế và trường học được đầu tư đồng đều theo mặt bằng thủ đô. Đời sống người dân nhiều nơi được cải thiện.

Viễn cảnh về một đại đô thị trải dài từ tả ngạn sông Hồng đến cận vùng trung du phía Bắc đồng thời cũng tạo ra cơn sốt đất ở nhiều nơi. Giá đất thổ cư tại một số phường của Hà Đông từ quãng 5-7 triệu đồng lên tới 35-40 triệu đồng/m2. Một làn sóng đầu tư bất động sản lớn chưa từng có về các vùng Hà Nội mở rộng được kích hoạt.

Hơn 700 dự án bất động sản được đầu tư, hàng trăm nghìn hecta đất được thu hồi, 180.000 nông hộ bị ảnh hưởng.

Trong hai năm 2011-2012, hàng trăm dự án khắp các vùng Hà Tây và Vĩnh Phúc cũ trở thành dự án treo. Cư dân nhiều địa phương mất đi sinh kế cùng đất nông nghiệp.
 
“Quy hoạch Hà Nội nói chung, kể cả quy hoạch lõi có những vấn đề đang chệch hướng” - Chủ tịch thành phố Nguyễn Đức Chung phát biểu trong một hội thảo tháng 1/2017, chín năm sau ngày mở rộng. 

Áp lực giao thông và mật độ dân cư vùng lõi thủ đô có chiều hướng gia tăng 
sau 10 năm mở rộng. Ảnh: Bá Đô.

Tương lai chưa rõ nét

Mười năm sau ngày sáp nhập, bên cạnh những điểm sáng, Hà Nội vẫn đang phải rà soát các dự án đầu tư có thu hồi đất, đồng thời hoàn thiện các bản quy hoạch để thực hiện “mục tiêu giãn dân”.

Xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất là một trong những địa phương tiêu biểu cho cuộc mở rộng. Mảnh đất bán sơn địa nằm ở cực Tây Hà Nội, trước thuộc Hòa Bình, từng nổi tiếng vì đói nghèo và lạc hậu, nơi các thày cô chỉ ao ước một ngôi trường có sân gạch và tường bao; cán bộ y tế mong có tủ bảo quản vắc xin riêng.

Công cuộc mở rộng thủ đô đã mang đến cho vùng nông thôn này một hệ thống điện-đường-trường-trạm khang trang. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 40% xuống chỉ còn hơn 2%.
Nhiều dự án dang dở tại vùng Hà Tây cũ trở thành bãi chăn trâu. Ảnh: Đỗ Mạnh Cường.

Nhưng cuộc sáp nhập cũng mang đến cho Tiến Xuân một trong những khu đô thị treo lớn nhất miền Bắc. Dự án khu đô thị Tiến Xuân với 1.200 hecta đất được thu hồi, nay vẫn nằm trên giấy như rất nhiều dự án lớn khác ở phía Tây Hà Nội.

Sơn Tây, với quy hoạch đến 2030 trở thành một “đô thị văn hóa lịch sử du lịch sinh thái, phát triển tiểu thủ công nghiệp, nông nghiệp” nay gặp bế tắc trong việc làm du lịch; không phát triển được làng nghề có thương hiệu và giá trị sản xuất nông nghiệp không tăng đáng kể.

Công cuộc xây dựng các đô thị vệ tinh vẫn ngổn ngang. Thậm chí với Hòa Lạc, tiến trình này gần như chưa bắt đầu vì “chưa phê duyệt quy hoạch”. Các tuyến đường kết nối khu đô thị vệ tinh Phú Xuyên, Sơn Tây, Xuân Mai, Sóc Sơn vẫn chưa hoàn thiện.

Trong khi đó, các vùng đất nông nghiệp trù phú thuộc Hà Tây cũ bị xé nhỏ bởi hàng trăm đại dự án bất động sản.
10 năm qua, cùng với việc đầu tư cho nông thôn, Hà Nội tiếp tục khắc phục các điểm yếu trong quy hoạch và thu hồi nhiều dự án chậm triển khai. Tuy nhiên, các nhà quy hoạch chưa thống nhất về triết lý phát triển Hà Nội trong tương lai: xây dựng “đô thị nén” - tập trung phát triển hạ tầng trung tâm để tăng tải; hay theo đuổi mô hình “đô thị vệ tinh”, giãn dân từ nội đô ra bên ngoài.

Thực tế này khiến không ít người nhớ lại tháng 5/2008, thời điểm Quốc hội thông qua Nghị quyết mở rộng Hà Nội với nhiều kịch tích bất ngờ.

Ban Thời sự
Mời độc giả đón đọc: Mở rộng Hà Nội, thảo luận kịch tích trong lịch sử Quốc hội

VnExpress thực hiện chuyên đề “Hà Nội 10 năm mở rộng” để nhìn nhận các mặt tích cực và còn thiếu của thủ đô sau một thập niên mở rộng địa giới hành chính. Nhiều khía cạnh của tiến trình sáp nhập, các hoài bão của chính quyền 10 năm trước, hiện trạng phát triển ở năm 2018 sẽ được đưa tới bạn đọc, nhằm hình thành một bức tranh toàn cảnh về vùng thủ đô.

8 nhận xét :

  1. Tôi nhớ ông Nguyên CT Quốc Hội Nguyến Sinh chém gió trong dịp tổng kết 5 năm mở rộng HN “thành tích nổi bật là xây dựng nông thôn mới”. Nếu là mục tiêu xây dưng nông thôn mới thì nên chuyển Thủ Đô về quê hương 5 tấn Thái Bình.
    Siêu hài

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Chúng ta tự hào có thủ đô to nhất thế giới, không cần ăn uống gì vẫn cảm thấy sướng lắm. Đề nghị Cuốc hội lần sau mở rộng Hà nội vào đến Đèo ngang cho bọn Tư bản biết tay.

      Xóa
  2. Diện tích lớn . Dân số tăng không ngừng . Hà Nội to quá !

    Trả lờiXóa
  3. Lào vỡ đập thủy điện rồi

    Trả lờiXóa
  4. Mở rộng để cướp đất.

    Trả lờiXóa
  5. Có bài 'điếu Hà Tây', xin được đăng tải để góp vào việc hiểu việc này.

    Trả lờiXóa
  6. Những đại dự án được tạo ra từ những cánh đồng bát ngát phì nhiêu mỗi năm ba vụ thành những cánh đồng hoang làm nơi chăn nuôi gia súc thả trâu bò...Làm cho hàng triệu Nông dân mất đất, thất nghiệp, ra thành phố làm xe lai, cửu vạn, gái điếm ca ve...
    Tôi có bài thơ góp thêm tiếng nói cùng tác giả.

    BẠC TÌNH VỚI ĐẤT

    Đất than số phận bẽ bàng
    Vườn tươi ruộng tốt, dễ dàng đổi trao
    Đất này riêng của ai nào?
    Người ta lách luật ào ào chia ra.
    Bán hết đất bán luôn nhà
    Bỏ quê ra phố lê la kiếm tiền
    Chẳng ai gợn chút ưu phiền
    Đất từng nuôi lớn người lên mỗi ngày.
    Không thương tiếc, cứ thẳng tay
    Biến đất ba vụ cấy cày hàng năm
    Thành bãi sỏi đá khô cằn
    Đợi chờ dự án, đang nằm vô tri.
    Tấc vàng tấc đất bỏ đi
    Chỉ vì cái lợi tức thì hỡi ai?
    Còn bao cuộc sống lâu dài
    Bạc tình với đất lấy ai nuôi người?

    GIÓ LÀO - VŨ HUYÊN
    2011

    Trả lờiXóa
  7. Một sự lãng phí tột cùng tài nguyên đất đai, huỷ hoại môi trường môi sinh, gây ra bao nhiêu thảm cảnh cho nhân dân. Không ai chịu trách nhiệm. Không Lãnh đạo, không có cán bộ đảng viên nào bị kỷ luật.
    Một chính quyền của dân do dân vì dân là thế này sao?
    Cần phải có cuộc hồi tố, quy trách nhiệm, xử lý nghiêm những kẻ đã gây ra tội cá này...
    Đề nghị các nhà báo, các nhà khoa học và các luật sư lên tiếng.

    Trả lờiXóa