Thứ Sáu, 20 tháng 7, 2018

GIÁO DỤC Ở VIỆT NAM: PHẢI "XÓA BÀI LÀM LẠI" !




Giáo dục ở Việt Nam: Phải “xoá bài làm lại”!

Nguyễn Thị Oanh
20-7-2018

Cả nước đang xôn xao, tập trung phẫn nộ về vụ nâng điểm thi tốt nghiệp PTTH ở Hà Giang. Riêng tôi, khi đọc tin về vụ này, cảm giác thấy thật bình thường, không hề bất ngờ hay ngạc nhiên! Hình như tôi, cũng như nhiều người khác, sau rất nhiều những đau đáu góp ý và mong chờ, nay đã trở nên vô cảm với mọi chuyện đang diễn ra trong nền giáo dục nước nhà.


Mà rõ ràng đấy thôi, để thấy không có gì phải choáng váng: Đâu chỉ mỗi Hà Giang, người ta đang tiếp tục phanh phui thêm những trường hợp gian lận điểm thi ở Lạng Sơn, Sơn La, Hoà Bình. Còn bao nhiêu tỉnh, thành nữa sẽ “tiếp bước” các tỉnh trên? Và có phải chỉ năm nay mới phát hiện gian lận hay là việc gian lận đã có từ đời tám hoánh nào rồi nhưng bây giờ chắc “ăn không đồng, chia không đủ” nên mới bị lộ?

Nhiều người đổ lỗi nguyên nhân gây ra những tiêu cực đó là do phương thức thi cử. Nhưng nên nhớ rằng trên thế giới hiện nay vẫn còn nhiều nước duy trì kỳ thi tốt nghiệp quốc gia. Vấn đề là bộ máy của người ta không hỏng hóc nghiêm trọng như của mình! Cứ thử hình dung: Nếu bỏ kỳ thi tốt nghiệp quốc gia thì cũng phải có hình thức xét tốt nghiệp kiểu khác. Và ai dám đảm bảo sẽ không tiếp tục phát sinh các tiêu cực mới khi thay đổi?

Ở Ontario (Canada), người ta tách riêng việc đánh giá trình độ học sinh cho một cơ quan khác ngoài bộ giáo dục. Để được tốt nghiệp trung học, từ lớp 9 đến lớp 12, một học sinh Ontario phải thoả ba điều kiện: 1/ Lấy đủ 30 tín chỉ (credits) của các môn học (trong đó có 18 tín chỉ bắt buộc và 12 tín chỉ tự chọn). 2/ Đạt 40 giờ tình nguyện Phục vụ cộng đồng (Community Service Hours). 3/ Thi đậu kỳ thi Kiểm tra trình độ ngôn ngữ theo tiêu chuẩn tỉnh bang (Ontario Secondary School Literacy Test – viết tắt là OSSLT).

Hai điều kiện đầu do giáo viên trực tiếp đánh giá học sinh trong quá trình học tập, rèn luyện tại trường. Riêng với điều kiện thứ ba, học sinh phải tham dự kỳ thi viết có tính quốc gia và phải đạt tối thiểu 300/400 điểm mới đủ để được xét tốt nghiệp. Điểm đặc biệt của kỳ thi OSSLT là việc ra đề và chấm thi không phải do ngành giáo dục thực hiện mà là do EQAO (viết tắt của Education Quality and Accountability Office – tạm dịch: Văn phòng Trách nhiệm giải trình và Chất lượng giáo dục). Đây là một tổ chức có nhiệm vụ chuyên đánh giá sự phát triển về kỹ năng đọc, viết và làm toán của học sinh trong hệ thống giáo dục công lập.

Vì là “đánh giá chất lượng”, nên EQAO hoạt động hoàn toàn độc lập với bộ giáo dục để tránh tình trạng “vừa đá bóng vừa làm trọng tài”. Hàng năm, EQAO thực hiện việc ra các đề thi OSSLT và Toán gửi cho các trường. Ngay sau kỳ thi chung, các bài làm của học sinh được gửi lại cho EQAO để tổ chức này trực tiếp chấm điểm. Các trường sẽ đọc được kết quả thi của từng học sinh bằng cách đăng nhập vào trang web của EQAO với mã số riêng của mỗi trường. Còn các hội đồng/sở giáo dục địa phương (district school board) sẽ nhận được bản đánh giá xếp hạng các trường công lập thuộc khu vực của mình từ EQAO, căn cứ trên kết quả thi OSSLT mỗi năm.

Tôi thật thích cách làm này của họ vì nó “đâu ra đấy” để đảm bảo tính khách quan và hoàn toàn độc lập khi đánh giá chất lượng giáo dục. Như vậy, bộ giáo dục chỉ làm nhiệm vụ lo giảng dạy và không thể tự mình tổ chức đánh giá chất lượng đào tạo của chính mình!

Nhưng giả sử nếu đem mô hình này vận dụng cho VN, câu hỏi lại đặt ra là: Liệu rồi một tổ chức đánh giá độc lập kiểu đó vẫn có thể đảm bảo việc ra đề cũng như chấm thi sẽ là nghiêm túc và không còn tiêu cực?

Nên mấu chốt ở đây vẫn là câu chuyện về con người. Đó là một cái vòng luẩn quẩn. Nền giáo dục bẩn sẽ cung cấp cho xã hội những con người không thể sạch. Và những con người này lại góp phần làm cho xã hội bẩn hơn bằng sự dốt nát, méo mó về tri thức cũng như nhân cách ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.

Tất nhiên, hầu hết những đối tượng đó đều thuộc các gia đình hoặc có quyền, hoặc có tiền, bởi dân thường cô thế làm sao có đủ khả năng để “nâng đỡ” con cái theo cách như vậy? Cứ xem thông tin sơ bộ về các HS được nâng điểm ở Hà Giang trên báo chí chính thống thì rõ: Trong 114 thí sinh được sửa điểm thấp thành cao, ngoài một số là con em của các “đại gia”, đa phần còn lại đều thuộc diện “con ông cháu cha”, từ con ruột của bí thư tỉnh ủy đến các con, cháu của lãnh đạo huyện, tỉnh và nhiều sở, ngành khác nhau (Nguồn: Bao nhiêu trường hợp nâng điểm ở Hà Giang là ‘con ông cháu cha’?).

Điều đáng sợ ở đây là: Sau khi “hoàn tất” lộ trình học hành (bằng điểm mua hoặc tặng thêm theo cách như vậy), những thí sinh này hoàn toàn có khả năng lại được sắp xếp vào bộ máy công quyền để trở thành lãnh đạo, theo đúng quy trình dành cho các “hồng phúc của dân tộc”. Đừng ngạc nhiên hỏi vì sao quan chức bây giờ càng ngày càng lắm kẻ ngu dốt! Đừng phẫn nộ khi thấy nhiều chính sách được ban hành một cách tào lao bởi những người đang ở trên mây! Đừng bực bội khi thấy hết “đầy tớ” này đến “công bộc” nọ phát ngôn ngớ ngẩn như các chú hề! Bởi cần nhận thức rõ rằng: Với nền giáo dục dối trá toàn diện này, nếu không sản sinh ra một tầng lớp lãnh đạo ngu ngơ như thế, thì đó mới là chuyện lạ!

Tôi không miệt thị ông Nhạ, vì tôi nghĩ bất kỳ ai lên thay ông làm bộ trưởng lúc này cũng chẳng thể xoay chuyển gì nổi để giáo dục VN khá hơn. Ông Nhạ phải thừa kế một di sản giáo dục đã nát bét và “vỡ trận” từ lâu. Nếu ông giỏi thì còn có thể đắp đập be bờ đôi chỗ. Huống chi ông cũng chẳng hơn gì người tiền nhiệm! Thế nên căn bệnh ung thư của ngành giáo dục vẫn không có dấu hiệu suy giảm, mà trái lại còn tiếp tục di căn nặng nề hơn.

Giải pháp tốt nhất là phải “xoá bài làm lại”, giống như đập bỏ một căn nhà cũ mục nát để xây dựng một căn nhà mới hoàn toàn. Nhưng ai có thể cho phép làm vậy khi nền giáo dục của đất nước này còn bị buộc phải gắn liền với yêu cầu định hướng tư tưởng và đảm bảo thực hiện các mục tiêu chính trị của thể chế lãnh đạo hiện hành?

Tôi vốn là người ghét sự đa nghi nên trước giờ chẳng bao giờ thích suy luận theo thuyết Âm mưu. Nhưng cho tới nay, trước thực trạng ngày càng âm u của giáo dục VN, nhiều khi cứ phải tự hỏi: Hay bọn phản động nào, hoặc là quân gián điệp Hoa Nam đã được cài cắm từ lâu trong bộ máy của chúng ta để cố tình phá hoại giáo dục, nhằm thực hiện mưu đồ đen tối của chúng? Bởi ai cũng hiểu một nguyên lý: Giáo dục là chìa khoá để phát triển, vì chỉ giáo dục mới có thể cung cấp nguồn nhân lực cho việc kiến thiết đất nước. Do vậy, một quốc gia có nền giáo dục tệ hại sẽ chỉ là một quốc gia lụn bại và luôn mang thân phận “nhược tiểu”, nếu chưa muốn nói là còn có thể biến mất trên bản đồ thế giới vì bị thôn tính vào một ngày nào đó trong tương lai.

____

Chú thích: Ảnh minh hoạ dưới đây được chụp lại từ một tin nhắn rác rất thường thấy trên điện thoại của chính tôi. Tuy không liên quan đến vụ nâng điểm đang ồn ào, nhưng nó cho thấy thị trường mua bán bằng cấp ở VN hiện nay hoạt động nhộn nhịp và táo tợn tới mức nào! Cả xã hội cứ quay cuồng với các thể loại: Học giả bằng thật, học thật bằng giả và cả học giả bằng giả như thế này, vậy thì đất nước còn hy vọng gì để có thể “sánh vai các cường quốc năm châu”? 
.

1 nhận xét :

  1. Hãy mạnh dạn, đau một lần để khỏi bênh! Toàn quốc nên có giải pháp chấm lại kỳ thi này để rach ròi trắng đen, đào tận gốc trốc tận rễ những hiện tượng sai trái tiềm ẩn này!
    Các tỉnh tráo nhau chấm lại một lượt, tuy có tốn kém nhưng bệnh sẽ mau lành!

    Trả lờiXóa