Thứ Bảy, 21 tháng 7, 2018

CỘNG HÒA SÉC NGƯNG CẤP VISA CHO VIỆT NAM


Thông báo của Đại sứ quán Czech tại Hà Nội về việc ngừng cấp visa dài hạn cho người Việt. Động thái này diễn ra vài ngày sau khi Nguyễn Hải Long, một người Việt sinh sống ở Czech, thú tội trước tòa án Đức về vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh cách đây 1 năm. 

Czech ngừng cấp visa cho Việt Nam 
sau vụ thú nhận mật vụ Việt bắt cóc Trịnh Xuân Thanh

 

VOA Tiếng Việt
20/07/2018  

Chỉ một ngày sau khi một người Việt thú nhận tại tòa án Đức rằng đã giúp mật vụ Việt Nam bắt cóc Trịnh Xuân Thanh, chính phủ Cộng hòa Czech tuyên bố ngừng cấp visa dài hạn cho người Việt Nam.


“Chính phủ Cộng hòa Czech đã quyết định tạm ngừng tiếp nhận đơn xin thị thực dài hạn cho mục đích lao động và kinh doanh đối với công dân Việt Nam,” theo thông cáo đăng trên trang web của Đại sứ quán Cộng hòa Czech tại Hà Nội ra ngày 20/7. Thông cáo cho biết Bộ Ngoại giao Czech đã triển khai các biện pháp thích hợp có hiệu lực kể từ ngày 18/7/2018.

Hôm 17/7, Nguyễn Hải Long, một người Việt sinh sống ở Czech, đã thú nhận trước tòa thượng thẩm Berlin rằng ông tham gia vào vụ bắt cóc cựu lãnh đạo ngành dầu khí Việt Nam, Trịnh Xuân Thanh, mà Hà Nội lúc đó đang truy nã.
.

Bị cáo Nguyễn Hải Long ngồi trong phòng kính chống đạn tại tòa Thượng thẩm Berlin. 
(Ảnh chụp màn hình Thoibao.de)

Trong thông cáo của sứ quán Czech ở Hà Nội, Bộ trưởng Nội vụ Jan Hamacek cho biết lý do đưa ra biện pháp trên là vì hiện nay cơ quan ngoại giao này đang “quá tải về số lượng đơn xin cấp thẻ lao động và thị thực dài hạn theo mục đích không kinh doanh.”

Tuy nhiên một lý do khác mà vị bộ trưởng này đưa ra liên quan đến quyết định ngừng cấp visa cho người Việt Nam là vì “Hội đồng An ninh Quốc gia Cộng hòa Czech đã đề cập tới những lo ngại về các nguy cơ khác.”

Radio Praha trích lời Bộ trưởng Hamacek nói Việt Nam đã trở thành một mối nguy an ninh trong lĩnh vực xuất khẩu tội phạm có tổ chức.

Tháng trước, nguyên Ngoại trưởng Czech Lubomir Zaoralek cáo buộc “Việt Nam là tội phạm có tổ chức và trở thành mối đe dọa an ninh quốc gia hàng đầu" của nước ông.

Đầu tháng này Bộ Ngoại giao Việt Nam đã lên tiếng chỉ trích và phủ nhận tuyên bố của ông Zaoralek, hiện đang là Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Cộng hòa Czech.

Chủ tịch Zaoralek còn cho rằng “chính thị thực du học là công cụ tối ưu nhất để đưa tội phạm vào Czech” khi đề cập đến các vấn đề liên quan đến những khó khăn trong việc người Việt xin thị thực nhập cảnh vào nước này, bao gồm cả thị thực du học.


Czech có số người Việt đang sinh sống đông nhất so với ở các nước châu Âu khác. Có khoảng 100.000 người Việt ở đây và là cộng đồng người thiểu số lớn thứ 3 ở quốc gia trung Âu này, chỉ sau người gốc Ukraine và người gốc Slovakia.

Làn sóng người Việt tới Czech ban đầu để làm công nhân và đã ở lại đó sau khi chủ nghĩa cộng sản sụp đổ ở Đông Âu vào cuối những năm 1980 và đầu những năm 1990. Họ bỏ việc tại các doanh nghiệp nhà nước và chuyển sang làm việc trong các nhà hàng ăn uống và bán hàng trên phố. Cả hai ngành nghề này đều có liên quan tới các tội phạm có tổ chức, theo tờ báo có trụ sở tại Hong Kong, South China Morning Post.

Nhiều người Việt trước đây cũng từng bị bắt giữ ở Czech do liên quan đến buôn bán ma túy.
____________

Séc ngưng cấp thị thực cho VN vì lo ngại an ninh

RFA
2018-07-20

Đại sứ quán Séc tại Việt Nam vào ngày 20 tháng 7 ra thông báo tạm ngừng tiếp nhận hồ sơ xin thị thực dài hạn đối với đương đơn Việt Nam.

Thông báo nêu rõ thị thực dài hạn theo mục đích lao động và kinh doanh đối với công dân Việt Nam bị tạm dừng và Bộ Ngoại giao Cộng Hòa Séc đã triển khai các biện pháp thích hợp có hiệu lực từ ngày 18 tháng 7 năm 2018.

Theo thông báo thì trong cuộc họp diễn ra vào ngày 18 tháng 7, Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Chính phủ Cộng hòa Séc, ông Jan Hamacek nêu lên lý do của quyết định vừa nêu là bởi Đại sứ Quán Séc ở Hà Nội quá tải về số lượng đơn. Song song đó theo Hội Đồng An Ninh Quốc Gia Cộng Hòa Séc thì có những lo ngại về những nguy cơ khác.

Thông báo vừa nêu được đưa ra chỉ vài ngày sau khi một nghi can trong vụ bắt cóc cựu quan chức dầu khí Trịnh Xuân Thanh bị buộc tội tham nhũng từ Đức đưa về Việt Nam nhận tội có tham gia vào vụ bắt cóc xảy ra hồi tháng 7 năm ngoái. Đó là nghi can Nguyễn Hải Long cư ngụ tại Séc. Trong phiên xử diễn ra vào ngày 17/07/18 ở Berlin, Nguyễn Hải Long thú nhận có biết vụ việc ngay từ đầu. Ngoài ra còn giúp một người bà con có tên Đào Quốc Oai thuê lần lượt 3 chiếc xe ở Cộng hòa Czech để chạy sang Đức. Trong những chuyến đi như thế, Nguyễn Hải Long có gặp mặt Trung tướng Công an Việt Nam Đường Minh Hưng và biết ông này sang Đức để bắt một nhân vật quan trọng đưa về Việt Nam xét xử.

Hôm 21/6/2018, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Cộng hòa Séc nói rằng “Việt Nam là tội phạm có tổ chức và trở thành mối đe dọa an ninh quốc gia hàng đầu”. Theo ông Zaoralek, visa cho sinh viên Việt Nam vào Séc là công cụ để đưa tội phạm vào nước này.

Ngày 24/6, ông Hồ Minh Tuấn, Đại sứ Việt Nam tại Séc lên tiếng phản bác lời của ông Zaoralek, gọi phát biểu này là “hoàn toàn không phù hợp với sự phát triển tốt đẹp của mối quan hệ hữu nghị và hợp tác truyền thống giữa hai nước những năm qua.”
 

4 nhận xét :

  1. Lợi bất cập hại và Cái giá phải trả .

    Trả lờiXóa
  2. Bắt cóc người ở thủ đô của người ta(Việt nam);Ám sát anh em cùng cha khác mẹ ngay tại phi trường quốc tế Kuala Lumpur (Kim Jong Un); Ám sát cựu cán bộ KGB công dân Anh (Putin). Tất cả đều là sự lộng quyến coi thường pháp luật quốc tế và trong nước, cua các chính quyền cộng sản.

    Trả lờiXóa