Thứ Hai, 11 tháng 6, 2018

LUẬT AN NINH MẠNG - BƯỚC LÙI VỀ GÂY DỰNG LÒNG TIN


Lòng tin (về Luật An Ninh Mạng)

Phan Dương Hiệu
9 - 6 - 2018

Lòng tin.

Trong một thế giới nhiều biến động, thì « lòng tin » là một yếu tố vô cùng quan trọng, là cơ sở thiết yếu cho sự phát triển. Chính phủ cần gây lòng tin cho người dân, cho doanh nghiệp, cho các đối tác nước ngoài để tạo một môi trường phát triển lành mạnh.

Luật An Ninh Mạng nếu được ban hành sẽ là một bước lùi lớn của chính phủ trong việc gây dựng lòng tin. Lấy những lý do như « chống nói xấu nhà nước » để can thiệp sâu vào dữ liệu riêng tư của người dân và doanh nghiệp chỉ làm người dân bất an, doanh nghiệp lo lắng và tốn kém, đối tác nước ngoài nản lòng. Một nhà nước vững mạnh và tự tin không cần quá lo lắng với việc bị nói xấu. Để vững mạnh hơn thì cần theo hướng củng cố và gây dựng lòng tin hơn là những bước đi ngược lại. 

An ninh (public safety) và quyền riêng tư (privacy).

Sự đảm bảo an ninh (public safety) và sự tôn trọng quyền riêng tư (privacy) luôn đều cần được tính đến, và đôi khi nó đối trọng nhau. Cách đơn giản và thủ công nhất để tăng an ninh là can thiệp sâu vào quyền riêng tư. Điều quan trọng là liệu ta phải hy sinh quá nhiều lợi ích của dân và doanh nghiệp (hạ quá thấp quyền riêng tư) để nhằm đạt mục đích an ninh ? 

Sự cân bằng giữa an ninh và tôn trọng quyền riêng tư cần được thực hiện bằng biện pháp kỹ thuật hơn là pháp lý. Tôi đồng ý với bài phân tích của bạn Dương Ngọc Thái – một chuyên gia về an ninh mạng ở Mỹ - gửi Quốc Hội, đã phân tích điều này:

Mức độ tối đa của việc giảm quyền riêng tư để đảm bảo an ninh là trong những trường hợp tối cần thiết : đối với những tội phạm đặc biệt nguy hiểm, thì việc truy xuất dữ liệu là có thể, nhưng cần được thực hiện theo đúng quy tắc rõ ràng (phải là do yêu cầu bằng văn bản từ toà án, chẳng hạn) chứ không phải theo một cách tuỳ tiện và thiếu sự tường minh. 

Xu hướng của thế giới văn minh : tăng mức độ quyền riêng tư. 

Ngay tại Mỹ, nơi nguy cơ khủng bố rình rập, đã có những chuyển biến tích cực để tăng quyền riêng tư. Sau vụ khủng bố năm 2001, cơ quan an ninh quốc gia Mỹ (NSA) đã có quyền thu thập dữ liệu các cuộc điện đàm. Tuy nhiên, đến năm 2015, luật này đã bị bãi bỏ nhằm trả lại quyền riêng tư cho người dân, và mọi sự theo dõi cần được thực hiện dựa trên quyết định của toà án. Tham khảo tại : https://eu.usatoday.com/story/news/politics/2015/06/02/patriot-act-usa-freedom-act-senate-vote/28345747/

Tại châu Âu, những chuẩn bảo mật mới được ban hành để đảm bảo tốt hơn quyền riêng tư của dân, thậm chí các công ty còn phải cam kết xoá bỏ mọi thông tin về người dùng nếu người dùng yêu cầu. Các quy định để bảo vệ dữ liệu ở Pháp có thể tham khảo công khai tại trang web của CNIL (National Commission on Informatics and Liberty): https://www.cnil.fr/fr
Trong quan hệ xuyên lục địa Âu – Mỹ, uỷ ban Châu Âu đánh giá là « US Privacy Act » của Mỹ không đủ điều kiện để bảo vệ dữ liệu riêng của công dân châu Âu. Do đó, Châu Âu và Mỹ đã thống nhất đưa ra « Privacy Shield » yêu cầu tất cả các doanh nghiệp cần tuân thủ các yêu cầu bảo mật ở mực độ rất cao để bảo vệ dữ liệu riêng tư của người dùng. Privacy Shield có thể tham khảo tại đây : 

Đó là những bước đi mà các chính phủ châu Âu làm để bảo vệ dữ liệu riêng tư cho công dân, và từ đó tạo lòng tin cho dân.

Xu hướng thế giới văn minh đang cố gắng nâng mức độ quyền riêng tư cho dân, củng cố các biện pháp kỹ thuật để đảm bảo an ninh mạng. Chúng ta cần đi theo xu thế đó hơn là những bước đi ngược, lạc hậu như thông qua Luật An Ninh Mạng. 

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét