Dự luật An ninh mạng được đại biểu Quốc hội góp ý như thế nào?
VNE
Thứ hai, 11/6/2018, 11:01 (GMT+7)
Theo nghị trình, dự thảo Luật An ninh mạng với 7 chương, 47 điều sẽ được Quốc hội biểu quyết thông qua vào sáng mai 12/6.
'Đảm bảo an ninh mạng nhưng không được hạn chế quyền công dân'
Chính phủ trình dự án Luật An ninh mạng ở kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa 14. Trong lần thảo luận đầu tiên ở hội trường (ngày 23/11/2017), nhiều đại biểu đã góp ý vào quy định buộc các doanh nghiệp nước ngoài khi cung cấp dịch vụ viễn thông, Internet tại Việt Nam, phải đặt máy chủ quản lý dữ liệu người sử dụng ở Việt Nam.
Bên cạnh các đại biểu ủng hộ trong đó có lãnh đạo Công an Nghệ An và Bạc Liệu, một số ý kiến chia sẻ băn khoăn. Bà Nguyễn Thị Kim Thúy - Thường trực Uỷ ban các vấn đề xã hội, cho rằng quy định trên là trái với cam kết của Việt Nam khi gia nhập WTO và Hiệp định thương mại tự do EU - Việt Nam.
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thuý góp ý dự Luật an ninh mạng tháng 11/2017. Ảnh: QH
Theo bà Thuý, trong cam kết với WTO, dịch vụ viễn thông cung cấp qua biên giới không hạn chế tiếp cận thị trường, trừ một số trường hợp cụ thể, nhưng trong các trường hợp loại trừ đó không quy định phải có cơ quan đại diện trên lãnh thổ Việt Nam; cam kết của Hiệp định thương mại tự do EU - Việt Nam cũng nêu tương tự.
Ngoài ra, đại biểu Thuý cũng cho biết Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP 12) mà Việt Nam từng ký kết, đã quy định "không bên nào được sử dụng hoặc lựa chọn địa điểm lắp đặt các cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin trong phạm vi lãnh thổ của mình, để xem đó như điều kiện triển khai công việc kinh doanh trong lãnh thổ đó".
Nữ đại biểu cho rằng, Việt Nam đang trong quá trình đàm phán TPP 11 (thời điểm tháng 11/2017), do đó dự Luật không nên đặt ra những quy định trái với quy định mà Việt Nam từng thống nhất.
"Việc bảo vệ an ninh quốc gia rất quan trọng, nên Quốc hội đã ban hành Luật An ninh quốc gia, Luật An toàn thông tin mạng. Có thể coi 2 luật như hai cái khóa rất chắc chắn. Nay thêm Luật An ninh mạng không khác gì thêm cái khóa thứ ba", bà Thúy nói.
Thời điểm đó, ngoài hội trường Quốc hội, giới chuyên gia, doanh nghiệp cũng có những góp ý vào dự Luật trên. Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thậm chí còn khuyến cáo, một số nhà cung cấp dịch vụ thà bỏ thị trường Việt Nam chứ không chấp nhận đặt máy chủ ở nước sở tại. Họ lo lắng người dân không còn được sử dụng dịch vụ tiện ích như: Gmail, Facebook, Youtube….
Dự thảo Luật An ninh mạng dự kiến được Quốc hội thông qua vào sáng 12/6. Ảnh: QH
Đến ngày 26/3, có 58 đoàn đại biểu Quốc hội và 11 bộ, ngành gửi ý kiến tham gia đối với dự án Luật An ninh mạng. Trên cơ sở ý kiến góp ý, Thường trực Ủy ban Quốc phòng An ninh đã tổ chức cuộc họp với Thường trực Ban soạn thảo để nghiên cứu, tiếp thu, hoàn thiện bước đầu đối với dự thảo luật và dự thảo báo cáo giải trình.
Tháng 4/2018, Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách đã dành thời gian xem xét, thảo luận về dự Luật này.
Tranh luận trên nghị trường
Tại kỳ họp thứ 5 đang diễn ra, báo cáo của Uỷ ban thường vụ Quốc hội cho hay, tiếp thu ý kiến của đại biểu, dự thảo Luật đã không quy định yêu cầu đặt máy chủ quản lý dữ liệu trên lãnh thổ Việt Nam. Song điều 26 dự Luật lại quy định các tổ chức, doanh nghiệp nước ngoài cung cấp dịch vụ mạng viễn thông, internet phải lưu trữ dữ liệu người dùng, đặt văn phòng đại diện, trụ sở tại Việt Nam. Quy định này cũng áp dụng tương tự với doanh nghiệp trong nước.
Uỷ ban thường vụ Quốc hội lý giải, quy định trên đáp ứng được yêu cầu bảo vệ chủ quyền quốc gia đối với dữ liệu điện tử và xử lý các tình huống, hành vi trên không gian mạng xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội; gắn nghĩa vụ, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong và ngoài nước trong việc cung cấp thông tin, dữ liệu phục vụ điều tra, xác minh, xử lý vi phạm và ngăn chặn, gỡ bỏ thông tin chống Đảng, Nhà nước trên không gian mạng...
Dù đã chỉnh lý, nhưng quy định yêu cầu đặt cơ quan đại diện và lưu trữ dữ liệu người sử dụng Việt Nam trên lãnh thổ Việt Nam vẫn gặp ý kiến phản đối. Sáng 29/5, khi Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự luật này, 18 đại biểu đăng đàn trong đó có nhiều ý kiến băn khoăn về quy định trên.
Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu, Phó Giám đốc bệnh viện Đại học Y cho rằng An ninh mạng là một luật mới không chỉ ở Việt Nam mà trên thế giới và khi trình Quốc hội ở kỳ trước thì còn nhiều ý kiến tranh luận, trong dư luận xã hội cũng có nhiều ý kiến trái chiều. Vì vậy, ông mong Quốc hội "thận trọng xem xét trước khi quyết định thông qua tại kỳ họp này".
Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu. Ảnh: QH
Một trong những vấn đề đại biểu Hiếu đặt ra liên quan đến điều 15 của dự Luật, quy định về "Phòng ngừa, xử lý thông tin trên không gian mạng có nội dung tuyên truyền chống Nhà nước; kích động gây bạo loạn, phá rối an ninh, gây rối trật tự công cộng; làm nhục, vu khống; xâm phạm trật tự quản lý kinh tế".
Theo ông, mặc dù điều luật trên liệt kê đủ những thông tin xấu cần ngăn chặn, gỡ bỏ, tuy nhiên trong cuộc sống hàng ngày ranh giới đúng, sai nhiều khi rất mong manh. "Vậy ai là người quy định, đánh giá nội dung thông tin được coi là vi phạm? Một cá nhân, một phòng ban hay một cục, vụ của Bộ Thông tin và Truyền thông hay Bộ Công an?", ông Hiếu nêu câu hỏi và cho hay, kinh nghiệm của Indonesia khi sửa đổi Luật vào năm 2017 đã quy định rất rõ ràng "người đưa ra phán xét thông tin xấu là tòa án".
Bấm nút tranh luận, Đại tá Nguyễn Hữu Cầu – Giám đốc Công an Nghệ An nói, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu "phân vân rất có lý", tuy nhiên, trong thực tiễn những thông tin quy định tại điều 15 đều được cơ quan chức năng thông qua một cơ chế, đó là trưng cầu giám định.
"Chúng tôi đã làm rất nhiều vụ án về tuyên truyền chống Nhà nước hoặc lợi dụng quyền tự do dân chủ để xâm hại lợi ích Nhà nước, tổ chức và lợi ích hợp pháp của công dân. Tất cả những tài liệu trên mạng khi cơ quan điều tra thu thập được đều phải trưng cầu giám định", ông Cầu nói. Cụ thể, nếu tài liệu liên quan đến văn hóa thì Bộ Văn hóa giám định, liên quan đến Sở Thông tin Truyền thông thì Sở giám định và trả lời bằng văn bản. Trên cơ sở giám định đó, cơ quan chức năng kết luận những tài liệu nào tương ứng với quy định trong Điều 15.
Một quy định khác của dự thảo Luật gây nhiều tranh luận tại buổi thảo luận là việc kiểm tra an ninh mạng với hệ thống thông tin của các cơ quan, tổ chức (điều 24)
Khoản 2 điều này quy định, lực lượng chuyên trách thuộc Bộ Công an tiến hành kiểm tra an ninh mạng đối với hệ thống thông tin của cơ quan, tổ chức khi có hành vi vi phạm pháp luật về an ninh mạng hoặc khi có yêu cầu quản lý nhà nước liên quan.
Đại biểu Tạ Văn Hạ đề nghị cân nhắc nội dung trên vì nếu không quy định chặt chẽ thì sẽ nảy sinh tiêu cực, lạm dụng quyền hạn ảnh hưởng tới hoạt động của cơ quan, tổ chức.
Mặc dù còn nhiều ý kiến khác nhau, giải trình cuối phiên họp, Thượng tướng Võ Trọng Việt, Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng An ninh, ba lần đề nghị Quốc hội "cho giữ như dự thảo Luật".
Xem thêm: Đại biểu Quốc hội tranh luận về dự thảo Luật An ninh mạng Bảo Hà
Không có nhận xét nào :
Đăng nhận xét