Thứ Hai, 25 tháng 6, 2018

Chu Mộng Long: Á KHẨU VỚI ĐỀ VĂN 2018


Chu Mộng Long

Á KHẨU VỚI ĐỀ VĂN 2018

Mấy ông bà hiểu biết về văn chương đang á khẩu với câu 1 của phần Làm văn: “Từ nội dung đoạn trích phần Đọc hiểu, anh chị hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ về sứ mệnh đánh thức tiềm lực của mỗi cá nhân trong cuộc sống hiện nay”.

Anh Đỗ Ngọc Thống và chị Trịnh Thu Tuyết nói, nếu học sinh không bị nhồi sọ bởi sự quanh co dối trá, cứ luận thẳng tuột rằng, tiềm lực đã hết, chất xám bị chảy máu, tài nguyên bị xâm chiếm, tàn phá và vét sạch, còn đâu mà đánh thức, liệu có bị điểm liệt không?

Tôi nghĩ, không chỉ bị điểm liệt mà còn bị nghi ngờ, theo dõi, kết tội như là thù địch, phản động.

Có kết tội tôi thì tôi vẫn nói to: Chỉ có thể đánh thức tiềm lực rác thải!

Riêng tôi á khẩu luôn với câu 2: “Phân tích sự đối lập giữa vẻ đẹp của hình ảnh chiếc thuyền ngoài xa và cảnh bạo lực ở gia đình hàng chài (Chiếc thuyền ngoài xa – Nguyễn Minh Châu). Từ đó, anh chị hãy liên hệ với sự đối lập giữa cảnh phố huyện lúc đêm khuya và hình ảnh đoàn tàu (Hai đứa trẻ - Thạch Lam) để nhận xét về cách nhìn hiện thực của hai tác giả”.

Trước đấy, bà xã tôi có cho xem mấy đề thi thử trước khì thi. Đề ra theo dạng so sánh. Chẳng hạn, so sánh người đàn bà hàng chài trong Chiếc thuyền ngoài xa với Liên trong Hai đứa trẻ để thấy được cách nhìn hiện thực và nhân đạo của Nguyễn Minh Châu và Thạch Lam; hoặc so sánh bức tranh thiên nhiên trong Tây Tiến với thiên nhiên trong khổ thơ cuối của bài thơ Tràng giang để thấy được cái nhìn thẩm mỹ của Quang Dũng so với Huy Cận…
Lúc đó, tôi không á khẩu mà á đù. So sánh con bò với con vịt để thấy sự khác nhau, rằng thì là bò có bốn chân, còn vịt thì có hai chân?

Lại chợt nhớ có đề tài khóa luận cho sinh viên mà tôi từng ngồi hội đồng: So sánh những đứa trẻ trong Đội du kích thiếu niên Đình Bảng của Xuân Sách với chị em Liên trong Hai đứa trẻ của Thạch Lam. Tôi không thèm đọc. Khi ra hội đồng, tôi chỉ hỏi: có phải những đứa trẻ trong Đội du kích thiếu niên Đình Bảng đi theo cách mạng, còn chị em Liên trong Hai đứa trẻ chưa đi theo cách mạng không? Y chang. 

Năm trước lại có đề tài luận văn thạc sĩ: So sánh Cho một vé đi tuổi thơ của Nguyễn Nhật Ánh và Cuộc phiêu lưu của Tom Sawyer của Mark Twain. Tôi không ngồi trong hội đồng nhưng theo dõi từ đầu đến cuối trên màn trình chiếu. Rằng tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh viết bằng tiếng Việt, còn tác phẩm của Mark Twain viết bằng tiếng Anh. Nhân vật trẻ em của Nguyễn Nhật Ánh nói tiếng Việt và có tâm hồn Việt, còn nhân vật trẻ em của Mark Twain nói bằng tiếng Anh và có tâm hồn Mỹ. Sau đó tác giả có so sánh về hiện thực thế kỷ thứ 19 và hiện thực thế kỷ 20, 21, so sánh hai thể chế tư bản và xã hội chủ nghĩa. Y chang như dự đoán.

Tôi nói với bà xã: lẽ nào mấy ông bà ra đề làm sang đưa văn học so sánh vào đề thi với cách so sánh như trí tuệ của đứa trẻ bị đao? Bà xã nói, đó là chủ trương cải cách thi cử của Bộ đấy anh. Phải ra đề làm sao có sự so sánh giữa văn học cách mạng (phần văn học 12) với văn học trước cách mạng (phần văn học 11).

Nay tận mục sở thị cái đề thi này. Đúng là chủ trương cải cách thật. Có lẽ đáp án sẽ là: Hình ảnh chiếc thuyền ngoài xa với chân trời rực sáng là lý tưởng của đảng mở đường cho cả dân tộc có khả năng quét sạch mọi bạo lực, trong đó có bạo lực gia đình, tàn dư của chế độ cũ. Còn ánh sáng của đoàn tàu đi qua phố huyện là thứ ánh sáng viễn vông, vớ vẩn của bọn tư sản phản động không đủ sức xua tan đêm trường tăm tối với ngọn đèn leo lét nơi phố huyện nghèo. 

Á đù xong thì á khẩu luôn. Thảo nào từ khi lấy kết quả tốt nghiệp làm căn cứ tuyển sinh, các trường đại học thành các chuồng bò với biển quảng cáo sữa: chúng tôi là những con bò!

Với cách dạy học và thi văn như vậy, bỏ hẳn môn văn là phải. Ai yêu văn chương loại này chỉ có thể là những con bò!

2 nhận xét :