Thứ Sáu, 4 tháng 5, 2018

TP HCM LẠI SẼ LẠI PHÁ DI TÍCH DINH THƯỢNG THƯ CỔ KÍNH


Dinh Thượng Thơ nay là trụ sở của 2 sở thuộc TP.HCM - Ảnh: Tự Trung

'Bảo tồn Dinh Thượng Thơ, 
vấn đề là thành phố có muốn hay không' 

Tuổi trẻ
03/05/2018 18:21 GMT+7

TTO - Một số trí thức, nhà chuyên môn đặt vấn đề TP.HCM nên làm hết trách nhiệm trong việc giữ gìn dinh Thượng Thơ như di sản văn hóa, chứ không chỉ căn cứ vào thủ tục kiểu 'chưa có trong danh mục kiểm kê di tích' thì có thể đập bỏ.

Trụ sở UBND TP.HCM và số phận dinh Thượng Thơ: ý kiến trái chiều
UBND TP.HCM và dinh Thượng Thơ: Sao 'người đi kẻ ở'?
Tòa nhà Dinh Thượng Thơ không phải là di tích

Sau khi thông tin tòa nhà dinh Thượng Thơ không nằm trong danh mục kiểm kê di tích của ngành văn hóa thành phố được vị giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc TP.HCM đưa ra tại cuộc họp hôm 2-5, câu chuyện bảo tồn dinh Thượng Thơ lại được công chúng đặc biệt chú ý.


Bà Lê Tú Cẩm - Chủ tịch Hội Di sản TP.HCM - cho rằng: "Tất cả thủ tục là do con người làm ra, khi xét thấy công trình kiến trúc này cổ, có giá trị văn hóa và nhất là gắn với nhiều công trình kiến trúc khác cũng có giá trị trong thành phố này, xứng đáng được giữ lại, thì thành phố ra một văn bản để đưa nó vào diện di tích cũng dễ thôi chứ đâu khó gì".

Mặc dù thừa nhận việc đề xuất công nhận di tích cấp quốc gia một công trình như dinh Thượng Thơ từ TP.HCM đến Bộ văn hóa Thể thao và Du lịch có thể mất nhiều thời gian, nhưng bà Tú Cẩm khẳng định: TP.HCM có đủ thẩm quyền đề giữ lại công trình này.

Đồng quan điểm với bà Tú Cẩm, TS Nguyễn Thị Hậu - Phó Tổng Thư ký Hội Khoa học lịch sử VN - bày tỏ sự bất bình: "Về những ý kiến của các nhà quản lý ở thành phố cho rằng, công trình dinh Thượng Thơ không phải là di tích đã được xếp hạng, cũng không nằm trong danh mục kiểm kê di tích của ngành văn hóa thể thao nên không thể bảo tồn mà sẽ phá đi để xây dựng công trình mới. Tôi cho rằng những ý kiến này chưa thể hiện hết trách nhiệm của chính quyền thành phố!".

Việc khẩn cấp xếp hạng một di tích, hay trước mắt đưa ngay vào danh mục kiểm kê di tích để sau đó đánh giá toàn diện giá trị của công trình, là việc làm không quá khó khăn và cần nhiều thời gian.

Tiến sĩ Nguyễn Thị Hậu
Vấn đề bảo tồn dinh Thượng Thơ lại gắn với việc quy hoạch khu trung tâm hiện hữu TP.HCM (930ha), mà UBND TP đã phê duyệt Quy chế quản lý không gian, kiến trúc cảnh quan đô thị khu trung tâm này từ năm 2013.

Ông Phúc Tiến - tác giả tập sách khảo cứu Sài Gòn không phải ngày hôm qua - đã tìm thấy thông tin quan trọng: tại bản Phụ lục của "Quy chế quản lý không gian, kiến trúc cảnh quan đô thị khu trung tâm hiện hữu TP.HCM (930ha)" nói trên, có kèm theo một "Danh sách vị trí các công trình kiến trúc có giá trị văn hóa lịch sử".

Trong danh sách đó, tòa nhà 59 Lý Tự Trọng (dinh Thượng Thơ đang đề cập) mang ký hiệu A-16, nằm trong Phân khu 2 (Khu Trung tâm văn hóa - lịch sử).

Từ thông tin này, ông Phúc Tiến cho rằng: tòa nhà dinh Thượng Thơ vốn thuộc danh sách cần bảo tồn, nhưng tại sao bây giờ tòa nhà này lại không được xem xét giữ gìn? Vậy từ lúc nào tòa nhà này lọt ra khỏi danh sách trên?

"Vấn đề này cần phải công khai, cả nội dung "Quy chế quản lý không gian, kiến trúc cảnh quan đô thị khu trung tâm hiện hữu TP.HCM (930ha)" và danh sách "các công trình kiến trúc có giá trị văn hóa lịch sử" đề cập trên đây cũng cần được phổ biến công khai minh bạch cho người dân TP biết và có ý kiến, không chỉ tòa nhà này mà còn các công trình kiến trúc khác nữa", ông Phúc Tiến đề nghị.

Còn trên thực tế về câu chuyện dinh Thượng Thơ, ông Tiến cho rằng hiện vẫn còn thời gian để công nhận di sản tòa nhà này.

"Vấn đề là TP có muốn không? Bây giờ hãy khoan đập, thay vào đó là tổ chức mời chuyên gia, báo chí, các cơ quan chức năng đến tham quan, khảo sát, tìm hiểu, và có một cuộc thảo luận trở lại. Tòa nhà này chưa được đưa vào danh sách kiểm kê để công nhận di tích là vì thủ tục, nay ta tiến hành thủ tục đó thôi, chứ không phải nhân khi chưa có thủ tục thì ta loại công trình này luôn".

Vào năm 1997-1998 bảo tàng lịch sử TP.HCM tổ chức khai quật di tích Lò gốm cổ Hưng Lợi (quận 8), đây là di tích thuộc "xóm lò gốm Sài Gòn xưa" duy nhất còn lại khá quy mô, tuy đã hư hỏng rất nhiều.

Đợt 1 vào cuối năm 1997, nhận thấy giá trị đặc biệt của di tích này, từ việc nhận được nhiều ý kiến của các nhà khoa học, các giáo sư đầu ngành về khảo cổ học, được chính quyền thành phố đồng ý, Sở Văn hóa thông tin lúc đó đã khẩn trương làm hồ sơ và trình Bộ Văn hóa thông tin, chỉ trong thời gian rất ngắn, vào tháng 4-1998 Bộ đã có quyết định công nhận Lò gốm cổ Hưng Lợi là di tích Khảo cổ học cấp quốc gia, cho phép Bảo tàng lịch sử tiếp tục khai quật đợt 2 để nghiên cứu bảo tồn tại chỗ, phát huy những giá trị lịch sử - văn hóa một di tích của "Sài Gòn 300 năm".

Vì vậy, đối với công trình dinh Thượng thơ hoàn toàn có thể tiến hành những thủ tục pháp lý theo cách thức như vậy! Trước hết cần đưa ngay công trình vào danh mục kiểm kê di tích của TP, tổ chức cho những nhà nghiên cứu lịch sử, bảo tồn di sản, kiến trúc và quy hoạch, quản lý văn hóa... tọa đàm, hội thảo khoa học về giá trị lịch sử, kiến trúc của công trình và cả cảnh quan khu vực công trình tọa lạc, vì di tích kiến trúc xưa cần được đặt trong cảnh quan và quy hoạch đô thị.

Đồng thời lấy ý kiến rộng rãi trong nhân dân vì "di sản là tài sản và ký ức" của nhiều thế hệ cộng đồng trong quá khứ và tương lai, di sản phải được bảo vệ và di truyền cho đời sau. Các cơ quan chức năng khẩn trương tiến hành làm hồ sơ xếp hạng di tích cấp thành phố cho công trình này. Cũng cần thấy rằng, di sản văn hóa Sài Gòn - TP.HCM không phải của riêng thành phố này mà là "tài sản văn hóa" chung của đất nước!

Tất cả những công việc trên sẽ làm được với một điều kiện quan trọng: chính quyền thành phố tôn trọng những di tích ít ỏi còn lại của Sài Gòn, nhất là ở khu vực trung tâm, cần thể hiện trách nhiệm của chính quyền một thành phố "văn minh, hiện đại, nghĩa tình" mà trước hết là văn minh trong ứng xử với di sản văn hóa, hiện đại theo xu hướng bảo vệ di sản văn hóa của thế giới và nghĩa tình với quá khứ của mảnh đất mình đang sinh sống!


TS. Nguyễn Thị Hậu

5 nhận xét :

  1. Cả một quần thể kiến trúc sẽ bị phá hủy. Dù không động đến trụ sở UBND hiện tại thì công trình kiến trúc đó cũng chẳng còn giá trị gì nếu không giữ được các kiến trúc phụ trợ xung quanh.
    Hy vọng anh Nguyễn Thiện Nhân - người đã từng học ở Tây, ở Mỹ sẽ hủy cái dự án phá hoại này.

    Trả lờiXóa
  2. Thành Ủy, UBND, HĐND, MTTQ tp HCM đang khai hỏa một loại đại bác 155 li bắn vào quá khứ . Bắn vào Nhà Thờ và Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm trên 150 năm tuổi . Bắn vào Dinh Thượng Thơ 130 năm tuổi . Tập thể Lãnh đạo tp HCM dưới sự chỉ đạo của BT Thành ủy Nguyễn thiện Nhân, một GSTS thứ thiệt, đồng loạt khai hỏa các khẩu đại bác cỡ lớn san phẳng quá khứ ! Lấy lí do các kiến trúc này không nằm trong di tích QG, không được bảo tồn, nên có quyền phá bất cứ lúc nào khi cần . Thử hỏi mồ ma mả mẹ của các vị này có nằm trong danh sách bảo tồn không mà được giữ kĩ thế ? Còn các công trình kiến trúc và cơ sở TG kia có tội tình gì mà quí vị bât chấp đạo lí, bất chấp tình người mà cố tình phá bỏ nó đi để phục vụ mục đích kinh tế chính trị ? Vậy ra kinh tế, chính trị là mục đích tối thượng của CNCS ? tất cả chỉ là công cụ sản xuất . Nhưng SX cho ai , nếu không phải là cho con người ? Các nhà LĐ csVN mới là con người . Còn các nữ tu MTG Thủ Thiêm, các GD Thủ Thiêm không phải là con người ? Không ! Họ là con người chứ ! Nhưng là con người có nhu cầu tâm linh, còn các CB Cs không có nhu cầu tâm linh . Trong mọi loài trên hành tinh chỉ có con người có nhu cầu tâm linh , còn các loài khác đều không có !
    CB cs chắc là người ngoài hành tinh ?

    Trả lờiXóa
  3. Người ta đang biến Sài Gòn trở thành
    TP. Hồ Chí Minh!

    Trả lờiXóa
  4. Bà Lê Tú Cẩm chủ tịch Hội Di sản nói rằng thủ tục là do con người làm ra, nếu cần giữ lại thì đưa vào danh sách di tích đâu phải khó.
    Ấy vậy mà khó đấy, thưa bà! Bởi vì đập bỏ cái cũ làm cái mới thì mới thành dự án! Mà có dự án thì thấy có thể xà xẻo, ăn được rồi đấy bà ạ! Ngoài ra đó là miếng đất vàng, cứ đập bỏ cái cũ, ngộ nhỡ có đại gia nào muốn mua miếng đất ấy thì nhượng lại, có sao đâu!

    Trả lờiXóa
  5. Tranh thủ vơ vét được chừng nào thì vơ vét cho hết kẻo sau này hết cơ hội thì hối hận.
    Còn văn hoá,lịch sử,kỉ niệm,kí ức... là những thứ vớ vẫn,không đẻ ra tiền được.
    Rứa mới đúng với câu "bao nhiêu lợi quyền sẽ qua tay mình".

    Trả lờiXóa