Thứ Tư, 19 tháng 5, 2021

NHỚ XƯA THEO BÀ LÊN CHÙA TẮM BỤT - Tùy bút của Phạm Xuân Thịnh


Hôm nay mùng Tám tháng Tư, là ngày Phật đản (Đức Phật giáng sinh:
 
MIỀN KÝ ỨC

 

Phạm Xuân Thịnh

Tôi bất chợ nhận ra đang là mùa Phật đản, hương sen từ hồ Tây theo gió đưa lên thơm ngào ngạt, ký ức về những ngày xưa lại lặng lẽ trở về.

Bà tôi hay đi chùa, nên ngày bé ở với bà tôi cũng nhiều lần được theo lên chùa. Bà dặn: lên chùa không được nói bậy, nói bậy là bị câm đấy, không được chỉ tay vào tượng, chỉ tay vào tượng là về ốm rụng ngón tay.

Nhớ có hôm bà bảo: mai là ngày tắm bụt đấy, lên chùa mà ăn cháo. Thế là tôi háo hức lắm, nằm cả đêm chả ngủ được, mong đến mai để được lên chùa xem tắm bụt.

Ngày xưa cứ đến 8.4 âm lịch là chùa làng lại làm lễ tắm bụt. Các cụ gọi là ngày bụt đẻ. Trước đó vài ngày kiểu gì trời cũng mưa, bà tôi bảo trời mưa để lấy nước tắm cho bụt. Mọi hôm đi câu tôm, câu cá không sao, nhưng đến 8.4 là phải kiêng kị. Ngày bụt đẻ nên không được sát sinh. Bà dặn thế.

Đến ngày tắm bụt, các cụ mang tượng bụt ra sân lau chùi cho sạch bụi, rồi thay áo mới cho bụt. Áo bụt là một miếng vải đỏ, choàng kín người bụt. Sau khi thay áo mới, áo cũ được cắt ra từng miếng nhỏ chia cho các cụ. Mỗi cụ một miếng và một phần chuối oản.

Bà về nhà lại chia nhỏ miếng vải áo bụt ra. Mỗi người một mảnh. Bà bảo: Đeo áo bụt lên người sẽ không bị ma dấu, không bị ốm, ngủ không mơ bóng đè, đêm đom đóm cũng không dám cõng ma bay vào nhà. Trong tâm trí tuổi thơ non nớt, miếng áo bụt giống như một lá bùa hộ mệnh. Ông anh cả thì mang treo lên cửa sổ ngay chỗ ngủ để đêm ma không vào được, anh thứ thì lấy kim khâu đính lên ngực áo, nhìn đỏ đỏ như đeo huy chương. Còn tôi thì được bà lấy sợi dây dù buộc thành cái vòng đeo vào cổ. Đi đâu cũng tung tẩy, thích lắm.


Mỗi khi bà lên chùa về, bao giờ trong túi cũng có một phần quà. Là một miếng oản và hai quả chuối chùa. Thứ oản làm bằng gạo nếp, đồ cho chín, rồi giã nhuyễn, đóng vào khuôn, ăn rắn rắn bùi bùi. Oản ăn kèm với chuối còn vương mùi hương nơi cửa phật thơm ngon lạ lùng.

Hơn hai mươi năm sau, chùa làng giờ được kiến thiết to rộng hơn. Xa quê nên cũng lâu rồi không còn gặp cảnh từng đoàn các cụ đi chùa về qua ngõ. Trẻ con bây giờ chắc chúng cũng chẳng con ăn oản chùa, chẳng còn tranh nhau miếng áo bụt như ngày nào.
.
Chiều mát, gió từ hồ Tây thổi lồng lộng. Lòng lại nhớ người bà quá cố. Tôi ngồi nhẩm đọc.

"Thuở nhỏ tôi ra cống Na câu cá
Níu váy bà đi chợ Bình Lâm
Bắt chim sẻ trong vành tai tượng phật
Và đôi khi ăn trộm nhãn chùa Trần

Thuở nhỏ tôi lên chơi đền cây thị
Chân đất đi đêm xem lễ đền Sòng
Mùi huệ trắng quện khói trầm thơm lắm
Điệu hát văn lảo đảo bóng cô đồng..."


Trong mỗi chúng ta, ai cũng đều có một khoảng trời ký ức đẹp đẽ. Đó có thể là những ngày cắp sách tới trường, cũng có thể là ký ức về mối tình đầu trong sáng. 

Với tôi, ký ức về những ngày ấu thơ sống bên cạnh bà là những ngày tươi đẹp như thế. Ở đó, có những kỷ niệm sáng lấp lánh, đẹp đến độ, mãi sau này, chỉ cần thoáng nhớ lại thôi, đã khiến tôi mỉm cười thư thái trong lòng! 

Tôi gọi đó là "miền ký ức". Và tôi biết, ký ức tươi đẹp đó sẽ theo tôi suốt cuộc đời này.


12 nhận xét :

  1. Ký ức tuổi thơ như thế này vẫn được tác giả (PXT) mang theo cho tới hôm nay thì quả ông là người có nhiều phước đức! Phải có nhiều lắm lắm ông mới không đánh rơi mất nó trên hành trình làm người tử tế này. Ta biết tắm cho Phật thực ra là đang tắm cho cái tâm ta đang bị cõi đời tham, sân, si này làm cho hoen ố đi. Người biết thì mang đi lau chùi cọ rửa, kẻ không biết thì chẳng bao giờ làm.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Chùa bây giờ là chùa quốc doanh, sư là sư quốc doanh...

      Xóa
  2. Ông làm tôi nhớ ca từ một bài hát tôi yêu:
    '' Qua nửa đời phiêu dạt,
    con lại về úp mặt vào sông quê.
    Ôi con sông dạt dào như lòng mẹ,
    chở che con qua sóng bể mưa nguồn.

    Từng hạt phù sa tháng ba, tháng bảy,
    từng vị heo may trên má em hồng
    Ơi con sông quê, con sông quê
    Sông còn nhớ chăng nơi ta ngồi ngóng mẹ
    Vời vợi tuổi thơ một xu bánh đa vừng.

    Con cá dưới sông, cây trồng trên bãi
    Lúa gặt rồi còn để lại hương thơm
    Cùng một bến sông con trâu đầm sông dưới
    Bầy trẻ thơ tắm mát phía thượng nguồn
    Một dòng sông xanh chảy mãi đến vô cùng."

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Xin sua : "lúa gặt rồi còn để lại rơm thơm"

      Xóa
  3. Ngày nay người đi lễ Chùa thì nhiều, sư sãi, tăng ni cũng nhiều , tiền vào Chùa càng nhiều hơn. Nhưng Tâm Phật lại quá nghèo nàn . Thấy trên TV, các PĐ Đ , NN, QH khoe quần khoe áo, khoe danh đi đến các LĐ PG mừng lễ Phật Đản nườm nượp . Nào hoa, nào phong bì . Vui quá !

    Trả lờiXóa
  4. Tấm hình vủa nhiếp ảnh gia nào mà xuất sắc thế!

    Trả lờiXóa
  5. Bài này hay không phải là tường thuật cảnh đi lễ chùa. Bài nay hay là về người bà, về tình bà cháu. Về cái hồi ức của cháu với bà. Tuyệt!

    Trả lờiXóa
  6. Trần Thị Thảolúc 18:43 29 tháng 5, 2018

    Chùa ngày xưa khác với chùa ngày nay các bạn ạ .

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Chùa ngày nay là doanh nghiệp TNHH dịch vụ thương mại tín ngưỡng!

      Xóa
  7. Ngày trước, hồi còn bé cách đây hơn 50 năm cứ đến ngày này gọi lầ Bụt sinh Bụt đẻ chứ chưa biết là ngày Phật Đản, buối tối bọn trẻ trong làng rủ nhau lên chùa "cướp cháo" thực ra là chờ xong lễ là bọn trẻ được chia bát cháo, ngày trước đói kém sao thấy bát cháo ngon thế! Nay không hiểu tục ấy còn không? thấm thoát đã già nửa thế kỷ rồi!

    Trả lờiXóa
  8. ảnh này rất ý nghĩa, nhưng nếu tác giả chụp ở đường làng thì tuyệt mới đúng là ký ức

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Đường làng thời xưa (phong kiến) nhỏ hẹp lắm. Đây chắc là đường làng xã văn hóa.

      Xóa