Thứ Sáu, 18 tháng 5, 2018

Rất Thú vị: KHAI MẠC TRIỂN LÃM LOGO ĐẦU TIÊN TẠI VIỆT NAM (17h)

Logo du lịch VN 2011 - 2020 của tác giả Trần Hoài Đức trưng bày tại triển lãm  /// BTC
Logo du lịch VN 2011 - 2020 của tác giả Trần Hoài Đức trưng bày tại triển lãm

Triển lãm logo đầu tiên tại Việt Nam

Báo Thanh Niên
Ngọc An
15/05/2018

Lần đầu tiên, triển lãm chuyên đề logo được tổ chức tại VN, trưng bày 500 tác phẩm của 60 họa sĩ thiết kế chuyên nghiệp trên khắp cả nước. 


Triển lãm khai mạc vào lúc 17 giờ ngày 18.5, kéo dài đến
ngày 25.5 tại Nhà triển lãm, 16 Ngô Quyền (Hà Nội).

Dưới góc độ mỹ thuật, logo thể hiện vẻ đẹp của nghệ thuật đồ họa với ngôn ngữ tối giản về đường nét, hình, màu sắc. Những tác giả và tác phẩm trong triển lãm sẽ phần nào thể hiện diện mạo của một loại hình đồ họa nằm trong bức tranh tổng thể của nền mỹ thuật VN.

Lần đầu tiên, công chúng sẽ được gặp gỡ và trao đổi với các tác giả của những logo nổi tiếng như tác giả logo của Bộ Y tế, đường sắt VN, du lịch VN 2011 - 2020, Festival Huế 2018… Cũng trong khuôn khổ triển lãm, vào sáng 19.5 sẽ diễn ra buổi tọa đàm giúp công chúng hiểu rõ hơn về việc thiết kế logo và các vấn đề mà họa sĩ phải đối diện trong thời đại thông tin và xu thế toàn cầu hóa.
------------------------
Cuộc chơi lớn đầu tiên của “dân logo”

Tiền Phong

13/05/2018 15:00

TP - “Bao nhiêu người thấy chữ P ở các trạm xăng nhưng có mấy người biết tác giả của nó? Bao nhiêu người thấy logo đại diện các tỉnh nhưng mấy người biết cha đẻ nó là ai?... Thậm chí nhiều người còn lơ mơ về khái niệm “lô gô”, hay chả hiểu bản chất nó sinh ra để làm gì…”- Họa sĩ Lê Tiến Vượng, người đã 30 năm gắn bó với công việc thiết kế logo “ấm ức”. Cũng từ nỗi niềm đó, anh đã cùng các đồng nghiệp quyết định tổ chức một cuộc chơi thật hoành tráng cho “dân logo”. 

.
Những gương mặt nổi bật trong làng logo Việt tham gia triển lãm Logo Việt Nam 2018.
.
Logo - Không chỉ là ký hiệu

Một buổi chiều cuối năm 2017, nhóm 4 họa sĩ chuyên về thiết kế logo: Tiến Vượng, Hoài Đức, Trọng Minh, Đăng Phú ngồi với nhau, tự hỏi: sao không để công chúng hiểu hơn về thế giới của logo? Ý tưởng cho Triển lãm “Việt Nam Logo 2018” bắt đầu từ đó, để nửa năm sau thành hình hài, dưới sự “đỡ đầu” của Hội Mỹ thuật Việt Nam, Chi hội Đồ hoạ 2- Hà Nội.

Đây là cuộc triển lãm chuyên đề logo lớn đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam, với sự tham gia của 60 hoạ sĩ thiết kế logo chuyên nghiệp trong cả nước với gần 500 tác phẩm. Lần đầu tiên, công chúng sẽ được biết và gặp gỡ, trao đổi với các tác giả của những logo nổi tiếng như logo Petrolimex, Việt Nam Airlines, Đường sắt Việt Nam, Bộ Y tế, Thanh tra Việt Nam, Du lịch Việt Nam, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam, Đại học Mỹ thuật Việt Nam…

Tại triển lãm cũng sẽ có buổi tọa đàm giúp công chúng hiểu rõ hơn về logo và các vấn đề mà hoạ sĩ thiết kế phải đối diện trong thời đại thông tin và xu thế toàn cầu hoá. Trong xã hội hiện đại, mỗi ngày chúng ta đều tiếp xúc với hàng trăm biểu tượng, logo, nhãn hiệu… có xuất xứ từ khắp mọi miền đất nước và trên toàn thế giới. Có thể nói, đây là những tác phẩm đồ hoạ đặc sắc tham gia tích cực vào đời sống sinh hoạt và văn hoá của nhân loại. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết đến giá trị của logo và câu chuyện đằng sau nó.

“Nhiều ông vẫn nghĩ cần gì logo, mà quên rằng, ngay từ thủa sơ khai, loài người đã biết tạo sự khác biệt giữa các bộ tộc bằng trang phục, hoặc ký hiệu vẽ trên mặt, trên người… Để làm gì? Để lỡ đánh nhau còn biết đâu là ta, là địch. Rồi đến thời nhà nước, khi đi chinh phạt, các đạo quân đều có lá cờ riêng... Đó là manh nha của ngôn ngữ biểu tượng, của logo”- Họa sĩ Tiến Vượng nói về khởi nguồn của logo. Ông phân tích: “Nó xuất phát từ nhu cầu thực tế của con người. Sau này, khi các sản phẩm hàng hóa bắt đầu thừa thãi, cần phải lưu thông qua các nước, con người bắt đầu đánh dấu chúng bằng các hình ảnh đại diện cho doanh nghiệp, cho quốc gia. Bài học từ cà phê, nước mắm hay gạo Việt khi xuất ngoại vẫn còn đấy, nếu chúng ta không có hình ảnh đại diện thì sẽ bị các nước khác cướp mất thương hiệu”.

Cũng tại triển lãm lần này, ban tổ chức sẽ giới thiệu cuốn sách Logo Việt Nam 2018, qua đó mong muốn thể hiện được phần nào diện mạo của một loại hình đồ hoạ, góp phần tạo nên bức tranh tổng thể của nền mỹ thuật Việt Nam.

Làm giàu không khó

Thiết kế logo khó không? Khó. Liệu có sống được bằng nghề không? Nếu chuyên nghiệp thì cực ổn. Đó là nhận định chung của một số nghệ sĩ gắn bó với nghề thiết kế logo ở Việt Nam.

Khó ở đây không phải ở kỹ năng đồ hoạ mà là ở ý tưởng, linh hồn. Theo họa sĩ Tiến Vượng, dưới góc nhìn của tín hiệu học, logo là tín hiệu thị giác đại diện cho chủ thể như địa phương, tổ chức, doanh nghiệp dịch vụ… nhằm phân biệt các chủ thể với nhau. Với khía cạnh văn hoá, logo cần thể hiện được vẻ đẹp đặc trưng mang tính cốt lõi và mang những ước vọng thầm kín của chủ thể. Dưới góc độ mỹ thuật, logo cần thể hiện được vẻ đẹp của nghệ thuật đồ hoạ với ngôn ngữ tối giản về đường nét, hình, màu sắc sao cho vừa hài hoà vừa dễ nhận biết. Một logo được coi là đẹp cần bảo đảm tính đại diện, tính thẩm mỹ và tính nhận biết.

Chính vì tính chất đặc biệt của logo nên hoạ sĩ thiết kế cũng phải có những tố chất riêng. “Làm logo cũng giống như làm toán, cần phải hiểu rõ đầu bài, hiểu doanh nghiệp cần gì và tìm câu trả lời, sau đó biểu tượng hóa nó bằng ngôn ngữ của logo: thật đơn giản, khúc chiết, thông thái nhưng cũng bất ngờ”, hoạ sĩ Tiến Vượng ví von, “Làm logo còn giống chế tác kim cương, có khi từ một trái núi to nhưng chỉ lấy một viên đá nhỏ quý giá. Ngôn ngữ của logo cũng như ngôn ngữ của võ sĩ samurai, chỉ một nhát kiếm có thể hạ gục ngay đối thủ. Người thiết kế logo chuyên nghiệp cần phải có con mắt của người họa sĩ để luôn có cái nhìn về nghệ thuật thị giác, có cái đầu của một nhà khoa học, một nhà toán học, một nhà kinh tế học và có trái tim của một nhà văn hóa. Ngoài vấn đề kỹ thuật, người họa sĩ phải nhìn thấy góc độ thi vị nhất của sản phẩm, và làm thế nào để người xem cũng cảm nhận thấy sự thi vị đó. Đồ họa không phải là cái gì khô cứng, công nghiệp như người ta hay nghĩ. Nó phải rất sinh động, có hồn”.

Họa sĩ thiết kế còn phải có khả năng thuyết phục, khả năng chinh phục và khả năng từ chối. “Khó khăn nhất của nghệ sĩ khi làm logo là doanh nghiệp, đối tác không nói thật về mình, thậm chí giấu thông tin nên mình không nhìn thấy mục tiêu của họ, không hiểu họ. Điều này ảnh hưởng đến tiến độ và chất lượng của logo, nhiều dự án thậm chí phải huỷ bỏ vì điều này”- Họa sĩ Xuân Thủy, một gương mặt quen thuộc trong giới logo Hà thành chia sẻ. Anh bảo, đôi khi chỉ 5 phút là ra sản phẩm nhưng trước đó phải mất cả tuần để hiểu nhau.

Với nền kinh tế phát triển hiện nay, thiết kế logo đang trở thành một công việc thách thức nhưng cũng đầy thú vị đối với các hoạ sĩ trong quy trình xây dựng thương hiệu cho các địa phương, tổ chức và doanh nghiệp. Mỗi logo thường có giá từ vài chục triệu đến vài trăm triệu nên nói như hoạ sĩ Lê Tiến Vượng là “nếu làm nghề một cách nghiêm túc, chuyên nghiệp thì không bao giờ lo chết đói”, thậm chí, anh từng thú nhận chính đồ họa đã cho mình “nhà lầu xe hơi”.

THANH HƯƠNG

1 nhận xét :

  1. Logo của khu đô thị Ecopark thuê vẽ hết 600 triệu đồng đấy.

    Trả lờiXóa