Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng một số ưu đãi về thuế và đất đai
đang trở nên thừa thãi, nếu xét trong bối cảnh phát triển chung.
Bà Phạm Chi Lan: Đất đặc khu thuê 99 năm sẽ ra sao nếu 10 năm doanh nghiệp đã phá sản?
VNEThứ năm, 24/5/2018, 08:10 (GMT+7)
Chuyên gia cho rằng cơ chế cho thuê đất tối đa 99 năm là không cần thiết khi chu kỳ sản xuất, kinh doanh có thể diễn ra nhanh hơn.
Đầu tư đặc khu kinh tế là 'sự đặt cược lớn' / Giảm ưu đãi thuế tại các đặc khu / Ông Trương Trọng Nghĩa: 'Thiết kế đặc khu ưu đãi quá nhiều cho nhà đầu tư'
Chính sách ưu đãi thuế và cho thuê đất tại các đặc khu tiếp tục là vấn đề gây nhiều tranh cãi tại sự kiện do Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) tổ chức. Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan đã đưa ra nhiều phản biện về hai nội dung này, khi cho rằng cơ chế ưu đãi thuế và cho thuê đất tối đa 99 năm không thực sự cần thiết.
"Thử hỏi trong thời buổi công nghệ thay đổi tính bằng ngày, có ai dám đảm bảo sẽ chỉ kinh doanh ngành đó, nghề đó, lĩnh vực đó trong thời hạn dài 90 năm hay thậm chí 70 năm", bà Lan nói và đặt câu hỏi nếu có rủi ro doanh nghiệp phá sản trong thời hạn 10 hoặc 20 năm, ai sẽ quản lý việc chuyển nhượng, chuyển đổi mục đích sử dụng. Chuyên gia này nhấn mạnh cần có tầm nhìn dài hơn, phải đi trước nhiều năm về mặt chính sách, để tránh xảy ra tình trạng lúng túng trong quản lý khi "doanh nghiệp thuê đất 99 năm nhưng 10 năm đã phá sản và chuyển nhượng cho đối tác khác".
Bên cạnh đó, bà Phạm Chi Lan cũng đánh giá, ưu đãi cho thuê đất tối đa 99 năm như dự thảo Luật đặc khu, thực tế chỉ có lợi cho các đại gia bất động sản. Trong khi các lĩnh vực sản xuất khác, vòng đời sản phẩm, chu kỳ sản xuất có thể ngắn hơn rất nhiều.
"Thời hạn cho thuê đất tối đa 99 năm được đưa vào chính sách có bóng dáng ưu đãi cho những doanh nghiệp bất động sản, du lịch, nghỉ dưỡng. Tuy nhiên, không đất nước nào giàu lên chỉ bằng bất động sản", bà Lan nói.
Theo bà Lan, lấy ưu đãi thuế làm tiền đề thu hút nhà đầu tư và lấy thời hạn cho thuê đất tối đa 99 năm làm cơ sở để các doanh nghiệp lớn yên tâm làm ăn, là hai quan điểm đã lỗi thời, nếu xét đến bài học sau 30 năm thu hút FDI tại Việt Nam. "Việt Nam được coi là thành công khi nhìn lại 30 năm thu hút FDI, nhưng chúng ta còn nhiều hệ quả khi chưa đánh giá hết, như ưu đãi chính sách khiến xảy ra tình trạng chuyển giá, trốn thuế, phân mảnh đầu tư", chuyên gia này đánh giá, đồng thời tỏ ra nghi ngại trong vấn đề quản lý khi máy móc thay thế con người ở những việc đơn giản như may mặc, lắp ráp điện tử, những ngành này sẽ trở lại các quốc gia phát triển. Nếu Việt Nam không thấy rõ tuổi thọ của các ngành đến đâu trong thời đại mở hiện nay thì là việc đưa ra ưu đãi lớn, thời gian thuê đất quá lâu sẽ thừa thãi.
Trở lại với những vấn đề của dự thảo Luật đặc khu kinh tế, bà Lan đặt câu hỏi: Tại sao lại xây dựng cơ chế ưu đãi dàn trải với những yếu tố không thực sự cần thiết như vậy?
"Tôi không hiểu tại sao dự thảo Luật đặc khu xây dựng danh sách ngành nghề ưu đãi thuế nhiều đến vậy. Lúc đầu ưu đãi đến 134 ngành, sau đó rút xuống còn 120 ngành và hiện nay vẫn còn hơn 100 ngành", bà Lan nói và cho rằng ưu đãi quá dàn trải cho các ngành sẽ tạo ra khó khăn trong việc quản lý. Trong khi bài học từ các nước cho thấy những đặc khu chỉ nên ưu đãi vào những ngành nghề khuyến khích phát triển.
Ngoài ra, các chính sách ưu đãi thuế quá mức cũng có thể tạo ra sự bất bình đẳng giữa các doanh nghiệp nước ngoài tại đặc khu và khối doanh nghiệp tư nhân trong nước. Cùng với đó là tình trạng chuyển giá, trốn thuế, vốn từng là điểm yếu trong chính sách thu hút FDI.
"Những năm trước ngành thuế cho biết 70% doanh nghiệp FDI báo cáo lỗ nhưng vẫn xin mở rộng đầu tư, mở rộng phát triển. Sau này khi cơ quan thuế vào cuộc thì mới kiểm soát được, mỗi năm truy thu hàng nghìn tỷ đồng từ chuyển giá. Nếu tiếp tục lấy ưu đãi thuế là điểm thu hút với đặc khu, liệu chúng ta quản lý được hay không?", bà Lan nêu câu hỏi.
Minh Sơn
Rất came ơn Bà Chi Lan đã chỉ ra những bất cập trong chính sách lập đặc khu kinh tế! Nhưng chắc các chuyên gia kinh tế họ vẫn biết những bất cập ấy, nhưng vụ lợi cho nhóm lợi ích Bất động sản, bởi tiếc là 99 năm với BĐS chỉ làm giầu nhiều cho ông chủ mà ít cho quốc gia?
Trả lờiXóaĐặc khu kinh tế thật ra là một dạng "loạn 12 sứ quân"!
Trả lờiXóaBà Chi Lan có tầm nhìn của một nhà hoạch định chính sách, một nhà kinh tế. Tiếc rằng Quốc hội, chính phủ có xem xét, có hiểu cái tầm chiến lược đó không ?
Trả lờiXóaCám ơn chị Lan thông thái!
Trả lờiXóaCó lẽ ta lo có thừa không? Tất cả đã có đảng chỉ đạo bằng lý luận dẫn đường mà. Sau 50 năm từ 1960, GDP Việt đã nghèo hơn Singapore 21 lần! Có sao đâu! Huy hiệu 50 năm tuổi đảng, các loại huân chương, các loại danh hiệu Nhân dân... vẫn bội thu, nước chưa bao giờ tốt như bây giờ mà!?
Lạ thiệt, nước Nam này không thiếu Người hội tự được cả tâm và tài giống hoặc tương tự như Bà Chi Lan nhưng hầu như không được đảng chọn vào hàng ngũ lãnh đạo... để dẫn đến hậu quả của đất nước ngày hôm nay. Cám ơn Bà Chi Lan cho những đóng góp tuy gần như đơn độc nhưng vô giá. Kính chúc Bà có nhiều sức khỏe tốt để còn tiếp tục cống hiến cho đất nước với hy vọng Việt nam ta không dễ dàng bị lũ lưu manh cướp chiếm.
Trả lờiXóaCác nước làm đặc khu trong điều kiện an ninh lãnh thổ của nước họ được bảo đảm, không có nguy cơ bị xâm lấn bờ cõi. Còn nước ta thì không được như vậy. Nếu không cảnh giác, rồi những khu đất 70 năm, 90 năm biến thành tô giới hay nhượng địa cho Trung Quốc hết.
Trả lờiXóaBà Phạm Chi Lan làm sáng tỏ sự đúng đắn của cảnh báo mà ông Trương Trọng Nghĩa dõng dạc, không chỉ với quốc hội. Bài học xương máu là tự lực tự cường. Dựa dẫm người khác thực chất là lười biếng, hạ thấp bản thân, tham bát bỏ mâm. Mâm đây có thể là sự tồn vong của Đất nước...
Trả lờiXóa