Thứ Bảy, 26 tháng 5, 2018

ĐIỀU 62 LUẬT ĐẤT ĐAI, TẬP ĐOÀN FLC VÀ NGUY CƠ MẤT NƯỚC

 Ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Tập đoàn FLC. Ảnh: internet

Điều 62 Luật đất đai, 
Tập đoàn FLC và nguy cơ mất nước!

Hoàng Hải Vân
25-5-2018

Quốc Hội Mỹ đã từng chặn một thương vụ Trung Quốc thâu tóm một cảng biển của Mỹ. Trong hồi ký của mình, cựu Chủ tịch FED Greenspan không tán thành việc ngăn cản trên, ông cho rằng làm như vậy là không cần thiết và có thể hạn chế tự do thương mại. Giữa Trung Quốc với Mỹ không có tranh chấp lãnh thổ, dù cho điều gì xảy ra thì Trung Quốc cũng không thể sử dụng phương tiện của họ trên đất Mỹ để gây hại cho an ninh quốc gia của Mỹ, nên có lẽ các chính trị gia Mỹ đã lo quá xa. Nhưng sự lo xa của họ không phải là không có lý do khi nhìn thấy Trung Quốc thâu tóm đất đai khắp nơi trên thế giới.

Nước Mỹ còn lo xa như thế, còn nước ta thì sao? Việt Nam và Trung Quốc đang tranh chấp lãnh thổ, nói trắng ra là Trung Quốc đang chiếm Hoàng Sa, một phần Trường Sa của Việt Nam và đang tiếp tục đe dọa chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông. Vì vậy, nước ta không những phải lo xa mà còn lo gần, vì nguy cơ mất đất mất biển đang hiện hữu.

Nỗi lo đó không phải thể hiện ở việc “vô cùng quan ngại” hay “cực lực lên án”, mà ở chiến lược phòng thủ và khả năng sẵn sàng chiến đấu. Đa phương hóa vấn đề Biển Đông, tranh thủ sự ủng hộ của quốc tế để kiềm chế tham vọng của Trung Quốc là một chuyện, nhưng chuyện quan trọng nhất là khả năng tự vệ, không những đối với thế hệ này mà phải bảo đảm khả năng tự vệ dài lâu cho con cháu, đến khi nào thế giới đại đồng thành một ngôi nhà hòa bình mới không còn nỗi lo đó nữa, nhưng chẳng bao giờ có một thế giới như vậy đâu.

Tôi không biết các nhà lãnh đạo đất nước và các nhà lãnh đạo quân sự chiến lược nước ta nghĩ gì khi nhìn thấy đất đai khu vực dọc bờ biển từ Bắc Trung bộ đến Nam Trung bộ, cả những vị trí phòng thủ chiến lược trọng yếu, đã và đang đẩy dân đi để giao cho doanh nghiệp làm dự án kinh tế mà không hề có một động thái gì cho thấy việc triển khai các dự án kia nằm ngoài vành đai phòng thủ chiến lược bờ biển quốc gia. Những địa điểm phòng thủ quan trọng nhất trên bờ biển Đà Nẵng thực sự đã bị các doanh nghiệp Trung Quốc chiếm giữ. Còn các nơi khác thì như thế nào ?

Xin dẫn trường hợp của FLC. Người ta không thể nào hình dung nổi tập đoàn bất động sản mới nổi này lấy tiền đâu mà chỉ trong một thời gian cực ngắn đã thâu tóm một diện tích đất đai khổng lồ dọc bờ biển từ Bắc Trung bộ đến Nam Trung bộ (chưa kể đất đai ở Quảng Ninh, Hải Phòng và các tỉnh khác). Thâu tóm thần tốc, thi công thần tốc, đó là những gì người ta nhìn thấy, kéo theo đó là những “công văn hỏa tốc” của chính quyền địa phương (như trường hợp của Quảng Ngãi) phục vụ cho sự “thần tốc” này. Tôi chưa nói đến những vi phạm pháp luật, chưa nói đến tình trạng dân oan ca thán khắp nơi xung quanh việc thu hồi đất, bài này chỉ giả định mọi thứ họ làm là hợp pháp.

Bạn hãy hình dung: FLC là một công ty đại chúng niêm yết trên thị trường chứng khoán. Dù công ty này chưa nằm trong số các công ty được mở room 100% cho nhà đầu tư nước ngoài, nhưng tại một cuộc hội thảo diễn ra ở Nhật vào năm ngoái, Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết tuyên bố, ngoài việc bán cổ phần, “FLC có thể chuyển nhượng cả dự án cho nhà đầu tư nước ngoài” (tinnhanhchungkhoan.vn, 7-9-2017). Nếu như các dự án của FLC được chuyển nhượng cho các nhà đầu tư Trung Quốc thì điều gì sẽ xảy ra? Trung Quốc, thông qua các doanh nghiệp của họ, sẽ khống chế toàn bộ bờ biển Việt Nam. Họ có thể ém quân, đưa vũ khí khí tài, tổ chức các hoạt động thu thập thông tin tình báo và bí mật huấn luyện quân sự tại những cơ sở của họ dọc theo bờ biển của ta, nếu như họ có ý đồ. Và nếu như Trung Quốc ngang nhiên sử dụng vũ lực để uy hiếp chủ quyền của ta trên Biển Đông, đương nhiên chúng ta phải dùng vũ lực để đáp trả nhằm bảo vệ chủ quyền, khi ấy chiến tranh có thể lan rộng, Trung Quốc có thể đem hải quân tấn công vào bờ biển của ta với sự tiếp ứng của lực lượng tại chỗ trên bờ biển của ta mà họ chuẩn bị sẵn. Chúng ta sẽ dựa vào đâu để phòng thủ?

Khi ấy, nước sẽ mất. Chúng ta sẽ rút lên rừng, mà rừng thì nhiều nơi Trung Quốc cũng chiếm giữ theo một cách tương tự. Chúng ta sẽ sống trong nô lệ và sẽ âm thầm truy ra nguyên nhân sâu xa của tình trạng mất nước chính là Điều 62 của Luật Đất đai cho phép chính quyền địa phương thu hồi đất của dân giao cho doanh nghiệp để doanh nghiệp giao lại cho doanh nghiệp Trung Quốc khi ấy đã thành giặc. Và khi ấy, những người xây dựng và duy trì điều luật này, có thể sẽ tiếp tục làm quan cho Trung Quốc hoặc đã đủ tiền để chạy ra nước ngoài.

Kịch bản trên có thể xảy ra không? Không gì là không thể.

Cách đây mấy ngày, cả Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị cùng ông Trịnh Văn Quyết đi khảo sát để chuẩn bị giao cho FLC 1000 ha khu vực bãi biển Cửa Việt của tỉnh này. Đây là thông tin mới nhất của quá trình thâu tóm thần tốc. Tại đây FLC dự kiến ngoài khu resort, sân golf, còn xây dựng một sân bay. Có khả năng Tập đoàn này sẽ lấp kín các bờ biển mà doanh nghiệp khác chưa chiếm cứ.

Điều 62 Luật Đất đai với quy định cho phép chính quyền địa phương lấy đất của dân giao cho các doanh nghiệp làm dự án, ngoài những tác hại như tôi đã nói ở các bài trước, còn có thể dẫn đến nguy cơ mất nước. Trước mắt, điều khoản này đang biến một số chính quyền địa phương cấp tỉnh và cấp huyện từ công cụ phục vụ lợi ích của nhân dân thành công cụ của doanh nghiệp. Và không chỉ có mỗi một FLC.

Điều nguy hiểm là, đã là luật rồi thì chính quyền địa phương cứ thế thi hành, không ai cản được. Cho dù Tổng Bí thư hay Thủ tướng có nhìn thấy nguy cơ cũng bó tay, nếu điều luật này không được sửa.

8 nhận xét :

  1. Những lo lắng của tác giả là có cơ sở và hoàn toàn đúng, việc Trịnh Văn Quyết vay tiền Trung Quốc để mua đất tại các khu vực trọng yếu về an ninh Quốc phòng để làm dự án bất động sản là thực tế và đang diễn ra cấp tập với sự trợ giúp Pháp lý của các quan tham. Ai giám bảo đảm là Trịnh Văn Quyết luôn luân "thắng quả" mà không bị thất bại?
    Nếu dự án BĐS kia bán ế thì khả năng thu hồi vốn của Quyết (FLC) sẽ không thể chứ nói gì đến lợi nhuận. Khi thua lỗ thì Quyết lấy đâu ra tiền trả cho Trung Quốc ? Chính phủ CHXHCN VN có tiền để trả nợ thay cho Trịnh Văn Quyết được không ?.
    Đương nhiên tài sản của FLC sẽ bị Trung Quốc xiết nợ.
    Việc lo lắng của tác giả khi Trung Quốc đưa người, vũ khí, phương tiện chiến tranh, huấn luyện chiến đấu và âm mưu làm nội phản giúp quân TQ xâm chiếm đất nước VN là lo hơi xa. Cá nhân tôi chỉ nêu ra 1 ý nhỏ: Trung Quốc xiết nợ nhà cửa đất đai của FLC rồi di dân vào ở, cho thanh niên Trung Quốc vào sinh sống lấy vợ sinh con...Như vậy thì lãnh thổ Việt Nam là của người Trung Quốc.
    Lúc đó ai là người có quyền đuổi chúng ra ?

    Trả lờiXóa
  2. Những vấn đề nêu ra trong bài này chắc chắn phải (đã) được quan tâm và có kế hoạch/chiến lược kiểm soát, quy hoạch, đối phó bởi những nhà chiến lược quốc phòng trong quân đội VN và trung ương đảng CS.
    Nếu những nhà chiến lược trong đảng cs và quân đội VN không quan tâm và không có kế hoạch gì thì rõ ràng là họ không yêu nước mà chỉ quan tâm đến bảo vệ đảng của họ và lo làm giàu cho gia đình họ.
    Cứ nhìn sự giàu có và hủ hóa của gia đình cựu BT Quốc phòng Phùng Q Thanh cũng như lối sống và phát biểu của Phùng thì cũng hiểu được trong thời gian ông ta làm BT QP các vấn đề trên được "quan tâm" thế nào rồi! Chẳng biết các ông đương kim BT là NX Lịch và thứ trưởng Nguyễn Chí Vịnh thì có khá hơn không.

    Trả lờiXóa
  3. Âm mưu chiếm đoạt VN.của giặc Tàu đã rõ ràng dần,thông qua
    những tên tay sai bản xứ mà chỉ người trí thức chân chính phát hiện được mà thôi và đó là lý do đại đa số dân chúng không biết gì về thủ đoạn thâm độc này của giặc Tàu !
    Rõ ràng là hiệp định Thàhh Đô đang được chứng minh trên
    thực tế qua nhiều sự việc liên quan đến vận mệnh đất nước và dân tộc.Những kẻ ủng hộ giặc Tàu thì nguỵ biện là làm
    gì mà dám bán nước vì họ không hiểu là bán nước là một tội
    nặng nhất cho nên không ai dám nhận mình bán nước cả !
    Xin hãy thức tỉnh đi trước khi quá muộn !

    Trả lờiXóa
  4. Có mắt nhưng mù hay là thông đồng với giặc Tầu ?

    Trả lờiXóa
  5. Có một bộ phận muốn Trung Quốc bảo vệ ghế và bảo vệ sinh mạng. Bộ phận này không nhỏ!

    Trả lờiXóa
  6. Tất cả Commen đều có chung suy nghĩ Giặc Tàu đang âm thầm gậm nhấm đất đai biển đảo của Việt Nam.
    Nếu Tàu dùng tiền mua đất đai của Việt Nam công khai minh bạch thì cố nội các quan tham Việt Nam có sống lại cũng không ai giám bán.
    Vậy nên Trung Quốc phải đưa tiền cho Trịnh Văn Quyết (một Hán Nô) đứng tên mua giúp.
    Sự thật bán nước rõ như ban ngày, đề nghị Thủ tướng và Bộ chính trị phải ngăn chặn kịp thời việc các quan chức đang bán từng phần Lãnh Thổ cho giặc.

    Trả lờiXóa
  7. Tất cả các mối họa trên là sản phẩm của một hệ thống cai trị độc ác do độc đảng của một số người vừa dốt, vừa ngu, vừa tham lam cầm cái gây nên. Nếu tình trạng hỗn độn này còn kéo dài thì chắc rằng biến cố lớn sẽ xẩy ra thôi - Lúc đó thì mới biết lòng dân Việt.

    Trả lờiXóa
  8. Vấn đề là trong đảng có nhiều người đâu xem tầu là giặc!

    Trả lờiXóa