Thứ Tư, 2 tháng 5, 2018

GS. Nguyễn Đăng Hưng: VỀ THĂM CÁI NÔI CỦA CHỮ QUỐC NGỮ

 Nhà thờ Chân phước André Phú Yên ở Thanh Chiêm.

VỀ THĂM CÁI NÔI CỦA CHỮ QUỐC NGỮ 

Nguyễn Đăng Hưng

Khởi đầu cho đợt vinh danh chữ Quốc Ngữ và tri ân những bậc tiền bối đã sáng tạo và phổ biến cách phiên âm tiếng Việt bằng mẫu tự La Tinh, nay dã nhập vào hồn dân tộc Việt, tôi quyết định nhân những ngày lễ cuối tháng Tư đầu tháng Năm về thăm cái nôi của chữ Quốc Ngữ.

Rất may tôi được TS Nam Hiếu, một nhà sử học trẻ, giảng viên Đại học Huế am hiểu vấn đề, có nhiều thông tin đồng ý tháp tùng.


Trước tiên, chúng tôi đến thăm nhà thờ Hội An là nơi các giáo sĩ phương Tây lần đầu tiên đến và cư ngụ (năm 1615). Nhà thờ nguyên thủy xa xưa không phải là cái này. Ta có thể đọc theo thông tin chính thức về nhà thơ của Quản xứ Hội An (https://nhathoconggiao.com/danh-sach-nha-t…/…/nha-tho-hoi-an) : «Năm 1914, một số giáo dân đã sửa và xây dựng lại nhà thờ mới bằng tranh, gỗ. Năm 1935, nhà thờ được thay thế bằng ngôi nhà thờ kiên cố theo kiểu kiến trúc Gothic. Năm 1965, ngôi nhà thờ này bị gỡ bỏ và thay vào đó là ngôi nhà thờ mới với kiểu dáng như hiện nay».

Cha trụ trì nhà nhờ Đoàn Minh đã rút ngắn hành lễ, chân tình tiếp chúng tôi ! 

Sau khi nghe chúng tôi trình bày lý do của đợt vinh danh chữ Quốc Ngữ, cha Minh nói : «Một nhà khoa học về chuyên ngành hàng không - không gian mà nay quan tâm về chủ đề này hẳn sẽ bảo đảm được tính khoa học, khách quan vô tư!».

Được lời như cởi tấm lòng, chúng tôi rất vui có sự đồng cảm. Chúng tôi còn được cha Minh giới thiệu khá nhiều sách vở, tài liệu mà cha đã lưu trữ về chữ Quốc Ngữ.

Từ giã cha Minh, chúng tôi tìm đường đến Thanh Chiêm (xã Điện Phương, huyện Điện Bàn, Quảng Nam) được các thức giả coi như là cái nôi của chữ Quốc Ngữ. Thật vậy, năm 1617 cha Francisco de Pina người Bồ Đào Nha (1585-1625) của Dòng Tên đã đến Dinh Trấn Thanh Chiêm, nghiên cứu âm ngữ và tìm cách dùng ký tự La Tinh để viết tiếng Việt…

Chúng tôi lần mò tìm nhà thờ Phước Kiều nay có tên là nhà thờ Chân phước André Phú Yên, tên người trợ lý của cha Alexandre de Rhodes tử vì đạo khi mới 19 tuổi. Điều đáng chú ý là trong khuôn viên nhà thờ Phước Kiều có 3 ngôi mộ trong đó có giả thuyết cho rằng ngôi mộ tách biệt là của cha Francisco de Pina?

Chúng tôi ngậm ngùi ngồi bên chân mộ với ao ước một ngày không xa sẽ xác định được chỗ chôn cất ngài Francisco de Pina một trong những ân nhân hàng đầu của dân tộc Việt Nam.

Trời đã xế chiều, chúng tôi lần mò ra quốc lộ 1 tìm về Đà Nẵng. Đi chưa đến 5 phút là ngang qua khu nghĩa địa gia tộc Nguyễn Đăng của chúng tôi. Tôi quyết định dừng lại thắp một nén hương lên các phần mộ trong gia tộc…

Tôi khấn vái rồi miên man tâm trạng của kẻ hậu sinh : Không ngờ những sự kiện văn hóa tầm cỡ quốc gia và quốc tế trong thế kỷ thứ 17, đã khai sinh tại mảnh đất cách nơi chôn nhau cắt rốn của tôi chỉ vài cây số!

Nguyễn Đăng Hưng, 
29/4/2018
_________
.
Chùm ảnh về chuyến thăm:

 Nhà thờ Chân phước André Phú Yên ở Thanh Chiêm

 Cổng vào nhà thờ Hội An, ghi rõ năm xây đầu tiên 1615.

 Tưọng Chân phước André Phú Yên.


 Các ngôi mộ các vị giáo sỹ.

 Chúng tôi ngậm ngùi ngồi bên chân mộ với ao ước một ngày không xa 
sẽ xác định được chỗ chôn cất ngài Francisco de Pina một trong những ân nhân 
hàng đầu của dân tộc Việt Nam.







6 nhận xét :

  1. Để tạo ra chữ quốc ngữ cho một dân tộc, phải là bộ óc bác học và hơn thế nữa. Họ không chỉ là một nhà văn hóa lớn, hiểu cặn kẽ văn hóa của dân tộc đó, mà còn là một nhà biểu tượng học, ngôn ngữ học xuất chúng,...Quan trọng hơn, người đó phải là người có tinh thần cống hiến trong sáng, một sự tìm tòi đam mê đến quên mình và hơn thế nữa mới có thể "đẻ" ra hệ thống chữ viết với đầy đủ diện mạo, cấu trúc, đặc trưng cho dân tộc đó được. Ngài là một người như thế. Lậy Chúa

    Trả lờiXóa
  2. XIn thành kính tri ân các linh mục đã đạo ra chữ viết quốc ngữ cho dân tộc Việt chúng ta

    Trả lờiXóa
  3. NGÔN NGỮ - VĂN HÓA
    Ban đầu, đây là cách phiên âm tiếng Việt thời đó sang mẫu tự Latinh để cho những người truyền đạo dễ đọc. Sau đó, người Việt lấy cách phiên âm này làm Quốc ngữ của VN.
    Tại sao các nước Đông Nam Á cũng có loại phiên âm này, nhưng không có nước nào sử dụng cách phiên âm này làm quốc ngữ của nước họ? Họ lạc hậu hơn VN sao?

    Trả lờiXóa
  4. Nhân loại được như hôm nay, công lao chủ yếu là của các nhà tri thức đích thực nói chung và các nhà khoa học kiệt xuất nói riêng. Thế nhưng, ở nơi người ta hầu chẳng đóng góp được gì cho khoa học kỹ thuật, ngược lại được thoải mái thụ hưởng những thành quả của họ, họ lại bị khinh rẻ và đày đọa tận cùng...Cảm ơn GS Nguyễn Đăng Hưng và nhà khoa học trẻ Nam Hiếu....

    Trả lờiXóa
  5. Thật vinh dự cho dân tộc VN được thừa hưởng công trình khoa học vĩ đại của các vị Thừa sai. Nhờ công trình này mà người Việt đã thoát khỏi sự lệ thuộc vào chữ Tàu hàng ngàn năm nay. Phải suy nghĩ rằng, trước đây khi chưa có chữ Quốc ngữ, cha ông ta viết những gì, đến nay đa số con cháu không đọc được. Nhiều bản gia phả của một số dòng họ phải nhờ người thông Nho phiên dịch mới biết nguồn gốc của dòng họ mình. Một số quốc gia đã đã mất hàng trăm năm để sáng chế như chữ Việt mà chưa làm được. Vậy mà có những kẻ bại não, muốn "sáng tạo" ra kiểu chữ viết mới? Họ có âm mưu gì đây?

    Trả lờiXóa
  6. Nếu như những người sáng tạo ra chữ Quốc ngữ không phải là các vị Thừa sai Công giáo, mà là ông ông Tàu hay một vị người Việt thông thái nào đó, chắc là họ đã được đúc tượng dựng khắp trong Nam ngoài Bắc, và tên họ sẽ được đặt cho một số công trình quan trọng, công lao của họ sẽ được bốc lên tận mây xanh. vậy mà... Nói thật là người ta cố tình không muốn nhắc đến danh tính, và hạ thấp công lao của những vị này. Nhưng nhân dân ta, trong đó các nhân sĩ trí thức rất công bằng. Truyền thống người Việt là uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ kẻ trồng cây. Cám ơn GS Nguyễn Đăng Hưng và những người khơi nguồn cho việc tưởng nhớ này.

    Trả lờiXóa