Thứ Ba, 1 tháng 5, 2018

Dạ Ngân: NGÀY KẾT THÚC

Hai vợ chồng đi với đại gia đình năm 2005.

Dạ Ngân
29-4-2018 ·

Ba tôi Lê văn Triêm, tù nhân án khổ sai 20 năm Côn Đảo. Số tù của Ông 14.455, chết trong xà lim ngày 28 tháng 7 năm 1962, thụ án mới 6 năm. Bia mộ nhà nước sau này khắc sai tên, mãi năm 1997 cả gia đình cất công đi và tìm thấy nhờ BQLkhi ấy đã vi tính hóa chi mộ.

Năm 2005 lần đầu tiên con rể Nguyễn Quang Thân ra với mộ Ông.

Và đây, bài viết cho một tờ báo ở HN về ngày triệu vui thì cũng có triệu buồn.


Ngày kết thúc

Dạ Ngân

Bốn mươi ba năm đã trôi qua. 43 năm so với đời người, nó dài không các bạn? Dài chứ, quá dài. Nó dài đến mức, một thanh niên ở thời điểm 1975 thì nay đã lên lão.

Chắc chắn không người trong cuộc nào quên khoảnh khắc của tháng Tư năm 1975 đó. Mỗi người một góc ghi nhận và ghi nhớ dù cùng một phía, một hội, hay một nhúm cũng không ai giống ai. Đơn giản vì mỗi người một hoàn cảnh, một độ tuổi, một nhãn quan, một ký ức riêng, thậm chí lâu ngày chày tháng nó đã trở thành riêng tư một cách sâu sắc.

Tôi đơn cử chính mình. Tham chiến từ năm 14 tuổi, giờ có rất nhiều người hỏi, sao đi sớm vậy, trẻ con biết gì, đi để làm gì? Người hỏi không biết ba tôi là Việt Minh, bị bắt đày đi Côn Đảo và chết trong tù. Người ta không hình dung chiến tuyến ở quê tôi là thực sự chứ không là một cách nói: cuối giang đồng bên kia sông là đối phương súng đạn tận răng – bên này sông cũng có một giang đồng để đối phương trút bom trút pháo và đi càn dày đến mức thây người của hai bên nếu dựng lên thì hẳn sẽ đông như cây lúa. Vậy đó, tôi phải đi, ở nhà cũng có thể chết, đi con đường của Việt Minh vạch sẵn, có chết là “chết cho quê hương”.
.
Ông là Lê Văn Triêm, trụ đá hoa cương bia mộ khắc là Lê văn Thêm. Nép bên cạnh bia mộ hoa cương ấy là bia đá thấp lè tè của bạn tù làm cho Ông, khắc cả số tù, tên cha má và quê quán nữa. Đó là khoảnh khắc đoàn viên rên xiết giữa vợ và chồng, cha và các con, năm 1997 ấy. Khi đó chưa có đường bay du lịch SG- CĐ, gia đình thuê nguyên chiếc trực thăng ra, chao ơi, có bề gì...nhưng mọi thứ đều trọn vẹn.

Chín năm bưng biền đủ thấm câu “Hòa bình rồi ăn cháo cũng cam, lạy trời cho mọi thứ kết thúc đi, lạy trời!” Không ngày nào sánh bằng ngày 30 tháng Tư năm đó, nên đừng so sánh. Bên chiến thắng vui ư, vui mà vẫn khóc. Bên thua cuộc buồn ư, trong buồn có vui, rằng từ nay là buông súng, trở lại, bình an rồi sẽ bình thường. Bên nào cũng có người âm thầm tổng kết, mất mát này nên làm tính chia, hay tính cộng, hay là phép tính nhân, thậm chí phép đại số, lũy thừa? Càng ngày càng nhiều tổng kết không thể cất lên thành lời, bởi con số chưa nói lên được gì.

Ở một miền đất từng có cuộc chiến xôi đậu, không bao lâu sau, người của hai phía đã phải ngồi lại với nhau. Bà con họ hàng, bạn học cũ, dân cùng xóm, thậm chí từng là người trong tim của nhau… Ký ức khóa lại, để cho ngôn từ được tự nhiên, dễ nghe. Không hề có cảnh chửi nguội, chém nguội như chuyện đâm chém vô cớ diễn ra hàng ngày hiện nay. Một thời kỳ con người nhìn thẳng mà bước bất kể sau lưng là gánh nặng oan hồn của phía nào.

Bắt đầu những quan hệ đời thường không có quy luật và né tránh. Trai của bên này yêu gái của bên kia. Nhà ấy có người vượt biên, chết chết, lũ phản quốc phản động con ơi, chết chết. Có tự vẫn, có tâm thần chứ không chết, nhưng sống cũng bằng chết vì hai đứa trẻ không đến được với nhau. Tôi đánh bạn bất chấp, bạn văn chương bạn thầy cô đại học bạn viết lách, rất nhiều những người đi cải tạo về, đơn giản vì nhà họ có tủ sách quý, trong đầu họ có kho kiến văn thừa hưởng từ nền giáo dục khai mở và…quan trọng hơn cả, họ cùng yêu nước như mình, muốn xây dựng và cống hiến, như mình.

Nhờ những người bạn mới này mà tôi thấy mình bao quát hơn, hiểu biết hơn, nhân văn hơn. Hai chục năm trôi vèo. Rồi một thập kỷ nữa. Bây giờ thì người này đã thuộc lai lịch của người kia, có thể thù tạc thoải mái với ký ức ùng oàng, không sợ tổn thương nhau. Hỏi han san sẻ cảnh sống, sinh kế, con cái và mọi ưu tư trên đời. Bỗng gặp nhau ở điểm đầu tiên: “Lạy các ông các bà truyền thông, đừng công thức vậy, đừng kể chuyện chiến công hoài vậy, nghe nổi cả da gà”. Đúng rồi, thành tích gì cũng bóp cò đâm lê và thây người đổ xuống. Bỗng gặp nhau ở từng chuyện hot của hôm nay như giáo dục, y tế, giao thông, thuế má, tham nhũng, tan nát…Các công dân bình đẳng trong bức xúc từ ánh mắt đến ngôn từ, không gì khác cả.

Rồi nửa thế kỷ sẽ trôi qua, năm 2025, thời gian vùn vụt đến. Khi ấy không biết các vị thích chiến công sẽ kể gì, còn ngồi được để kể không nữa. Sao không nghĩ thời gian khôn ngoan hơn chúng ta nghĩ, thời gian nhiệm mầu thực sự và thời gian bao dung, thời gian khỏa lấp, thời gian lấp lánh tương lai. Rất nên cùng chung một cách gọi cho quá khứ, ví như ngày 30 tháng Tư là “Ngày kết thúc” - kết thúc một cuộc chiến, phải, có bắt đầu thì phải có kết thúc, ai kết thúc được đều đáng tôn vinh. Nhưng tôn vinh thái quá, tôn vinh mãi lại giống như ta đang đứng trên núi xương sông máu mà vỗ ngực xưng danh trong khi lịch sử cần những bài học đích thực.

Vì sao người ta tìm đến Đức Phật nhiều như vậy. Lời thứ 12 trong 14 lời răn của Đấng từ bị dạy rằng “Lễ vật lớn nhất của đời người là khoan dung”. Những cựu binh hai bên đã lên lão, đã sắp cạn đời, họ đã khoan dung cho nhau mà không cần ai hô hào cả. Nam mô a di đà, xin đừng trống giong cờ mở tưng bừng mãi mà hãy thực sự nối vòng tay lớn đi. Như tác giả Quốc ca VN đã hoan ca (dù những lời hát tự đáy lòng ấy mãi 1995, tức 20 năm sau mới được công khai xuất hiện): Từ đây người biết quê người. Từ đây người biết thương người. Từ đây người biết yêu người./.

2 nhận xét :

  1. Bây giờ thì vẫn còn kẻ thù chung của dân tộc: bán nước, tham nhũng, lạm quyền!

    Trả lờiXóa
  2. Những kẻ đến giờ này vẫn tụng ca chiến thắng lại chính là những kẻ thời đó chưa bao giờ cầm súng ra trận.

    Trả lờiXóa