Thứ Sáu, 11 tháng 5, 2018

BI KỊCH CỦA MỘT NGƯỜI YÊU NƯỚC MÌNH

Nhà thơ Trần Vàng Sao. Ảnh: Trần Bá Đại Dương.

Trần Tuấn

BI KỊCH CỦA MỘT NGƯỜI YÊU NƯỚC MÌNH

Tháng 12/1967, trên chiến khu Thừa Thiên – Huế, nhà thơ Nguyễn Đính – Trần Vàng Sao viết “BÀI THƠ CỦA MỘT NGƯỜI YÊU NƯỚC MÌNH”. Lúc này ông mới 26 tuổi

“Buổi sáng tôi mặc áo đi giày/ ra đứng ngoài đường /Gió thổi những bông nứa trắng bên sông/ Mùi toóc khô còn thơm lúa mùa qua/ Bầy chim sẻ đậu trước sân nhà/ Những đứa trẻ đứng nhìn ngấp nghé/Tôi yêu đất nước này như thế”

Cứ thế, “điệp khúc tôi yêu đất nước này” dài ra mãi. Những câu thơ mang chất trường ca bồi hồi xúc động từ đáy tâm can của một chàng trai trẻ sống yêu thương, đầy trách nhiệm, luôn da diết với cội nguồn. Với mẹ già, em thơ, với căn nhà, chái bếp... Với nỗi khát khao hai chữ Hòa Bình…

“Tôi yêu đất nước này xót xa/ Mẹ tôi nuôi tôi mười mấy năm không lấy chồng”

“Tôi yêu đất nước này cay đắng/ Những năm dài thắp đuốc đi đêm”

“Tôi yêu đất nước này khôn nguôi/ Tôi yêu mẹ tôi áo rách”

“Tôi yêu đất nước này áo rách/ Căn nhà dột phên không ngăn nổi gió/Vẫn yêu nhau trong từng hơi thở/ Lòng vẫn thương cây nhớ cội hoài/ Thắp đèn đêm ngồi đợi mặt trời mai/ Tôi yêu đất nước này như thế/ Như yêu cây cỏ ở trong vườn”

“Tôi yêu đất nước này rau cháo/ Bốn ngàn năm cuốc bẫm cày sâu”

“Tôi yêu đất nước này lầm than/ Mẹ đốt củi trên rừng cha làm cá ngoài biển/ Ăn rau rìu rau éo rau trai/ Đất nước này còn chua xót/ Nên trông ngày thống nhất/ Cho bên kia không gọi bên này là người miền Nam/ Cho bên này không gọi bên kia là người miền Bắc/ Lòng vui hôm nay không thấy chật”

Hai năm sau, 1969, Trần Vàng Sao được đưa ra Bắc “chữa bệnh”. Để rồi cuộc đời ông trải qua những bước ngoặt dữ dội. Liên tục là những tháng năm bị “an trí” hết tại K65 ở Sơn Tây đến K100 ở Phú Thọ, kèm theo là những cuộc thẩm vấn, những bản kiểm điểm trường kỳ… Bởi tổ chức quy ông là “tên phản động chống Đảng, chống chế độ, làm thơ nói xấu Bác Hồ”...

Toàn bộ câu chuyện này được Trần Vàng Sao viết thành hồi ký “TÔI BỊ BẮT/ Nhớ lại những năm tháng tôi bị bắt rồi được thả ra và sống như tù” được ông viết trong nhiều năm và hoàn thành ngày 1/9/1993.

Để rồi năm 1984, ở tuổi 43, tại Huế, Trần Vàng Sao viết “NGƯỜI ĐÀN ÔNG BỐN BA TUỔI NÓI VỀ MÌNH”

Lúc này, người đàn ông ấy không còn “mặc áo đi giày/ ra đứng ngoài đường nghe gió thổi” nữa

Mà: “tôi thấy tôi như người tù được thả rông/ lang thang giữa đường giữa phố nhìn hết mọi người/xem mình lâu ngày mặt mũi có khác người không/ tôi đi lui tôi đi tới/ phố phường đông chật/ tiếng cười tiếng la tiếng nói tiếng xe cộ/ chẳng có ai quen thử nói chào tôi một tiếng/ tôi đưa hai tay lên đầu vuốt tóc lấy chân hất một hòn đá/ cúi xuống nhìn mấy bao thuốc không bên lề đường rồi đi về/qua cầu dép sút một quai/ tôi không muốn nhớ gì hết”

Đó là “những ngày hết gạo hết tiền hết củi/ muối sống không còn một hột của tôi/ những trách canh rau khoai tháng năm không có bột ngọt"

"hai mắt tôi mở to
đầu tôi cúi thấp
miệng tôi há ra
những lá khoai nhám và rít mắc vài hột cơm
dồn cứng chật cuống họng
nói thật lúc này tôi muốn được say rượu
họa may thấy một đồng thành ba bốn đồng…”.

Khiến Trần Vàng Sao cay đắng thốt lên: “mả cha cuộc đời quá vô hậu/ cơm không có mà ăn/ ngó lui ngó tới không biết thù ai/ những thằng có thịt ăn thì chẳng bao giờ ỉa vất”.

Thật xót xa khi đọc lại những dòng nhật ký của Trần Vàng Sao (trong hồi ký Tôi Bị Bắt)

Thứ Hai, ngày 2.1.1978

”Con tôi đau và hết gạo. Một ngày đầu năm, trời không nắng, trời không mưa, trời không biết được buổi mai, buổi chiều…”

Thứ tư, ngày 4.1.1978

"Câu chuyện được kể như thế này, không phải, một thằng bé bảy tám tuổi kể thế này: lâu nay con không có bữa mô ăn no hết, có ngày con chỉ được một chén cơm, mấy anh và em con cũng rứa. Cả nhà cứ bị say sắn hoài. Đứa em út 2 tuổi khi mô cũng được ăn nhiều hơn, nhưng ăn rồi em con nó cũng cứ khóc. Mạ con chết rồi, mạ uống thuốc chuột mạ chết. Và mấy ngày ni, con và anh em con được ăn no, ăn bữa mô cũng còn dư cơm bắt nhiều, lại có thịt gà, thịt heo nữa, mỡ loạn lắm. Mai thì đưa đám mạ con".

Thứ Ba, ngày 31.10.1978

”Mong có một bữa cơm không, ăn với cá, cá vụn, với muối và một chút ớt…”

Hai đứa con nhỏ đói khát ấy của Trần Vàng Sao, là con bé Bồ Câu sinh năm 1976, và thằng Bờm sinh năm 1977…

Vì quá cơ cực, đầu năm 1980, vợ ông là bà Nguyễn Thị Hay – y sĩ làm ở xã Vĩnh Lợi đã bỏ việc nhà nước để về nhà chạy chợ.

Đến tháng 6/1981, đến lượt Trần Vàng Sao xin nghỉ việc. Công việc cuối cùng của ông trong bộ máy nhà nước là chân “liên lạc” cho ủy ban xã Hương Lưu (phường Vỹ Dạ bây giờ), tức là ai cũng có thể sai vặt đưa thư từ, công văn đi quanh xã. “Nói thiệt bà con ai cũng cám cảnh cho tôi. “Tưởng anh đi bao nhiêu năm về bà con nhờ, té ai từng đời…”, “Ai ngờ thằng Đính con mệ Đính bây giờ như rứa…”, Trần Vàng Sao kể lại trong hồi ký.

Nhưng đau xót chất ngất trong thơ Trần Vàng Sao không phải (chỉ) vì miếng cơm manh áo, mà là nỗi thất vọng tràn trề.

“NGƯỜI ĐÀN ÔNG BỐN BA TUỔI NÓI VỀ MÌNH” đã gây chấn động xứ Huế những năm tháng ấy. Năm 1986, thời sinh viên của tôi ở Huế, vẫn cảm nhận rất rõ những dư chấn, qua những cuộc hội thảo, những bài báo, lời phát biểu “đánh” bài thơ này cùng tác giả của nó.

Tháng 6/1997, Trần Vàng Sao viết bài thơ “TAU CHƯỞI”. Nỗi đau xót, uất ức dồn nén bật ra dữ dội:

“bây ỉ thế ỉ thần/ cậy nhà cao cửa rộng/ cậy tiền rương bạc đống/ bây ăn tai nói ngược/ ăn hô nói thừa…”

"bỏ tên bỏ họ cha mẹ sinh ra/ bây mang bí danh/ anh hùng dũng cảm vĩ đại kiên cường/ lúc bây thật lúc bây giả/ khi bây ẩn khi bây hiện/ lúc người lúc ma/ lúc lên tay múa ngón sủi bọt mép gào thét/ lúc trợn mắt khua môi múa mỏ đả đảo muôn năm”.

“tụi bây thằng nào cũng híp mắt hai cằm/ bây ăn chi mà ăn đoản hậu/ ăn quá dã man/ bây ăn tươi nuốt sống/ mà miệng không dính máu/ người chết bây cũng không chừa…/ bao nhiêu người chết diều tha quạ rứt xương/ khô cốt tàn dọc bờ dọc bụi giữa núi giữa rừng/ để bây xây lăng đắp mộ dựng tượng dựng đài cho cha mẹ cố tổ bây”

Trước đó một năm, năm 1996, ông viết bài thơ dài “GỌI TÌM XÁC ĐỒNG ĐỘI (Nxb Hội Nhà văn và Công ty Văn hóa Phương Nam ấn hành tháng 12/2012)

Những câu thơ ngơ ngác, uất nghẹn:

“ngày mai có hòa bình/ tôi nói với anh em bè bạn/ có anh em như có tôi hôm nay/ ngày mai có hòa bình/ thôi em đừng ngơ ngác/ hai cánh tay tôi bơ vơ suốt đời tôi rồi/ tả tơi và đau lắm em ơi/ ngày mai có hòa bình/ có thấy nhớ nhau mà về không”

”mùa thu qua rồi/ trời ở Huế tháng mười một tháng chạp nắng còn to/ nhớ làm chi tôi/ nhớ làm chi thơ tôi/ cuộc đời này rồi cũng tan nát/ phiêu bồng bao nhiêu năm con làm kẻ chống đối/ mẹ ơi…

Một điều khá lạ. Đó là Trần Vàng Sao ngoài đời thực có vẻ không “gân guốc” như Hữu Loan, Nguyên Hồng, Trần Dần…, dẫu cuộc đời họ đặc biệt giống nhau bởi sự trầm luân của những nhà văn không khuất phục. Thậm chí nhiều khi tôi chứng kiến một Trần Vàng Sao rụt rè sợ những ai nói “lời to tiếng lớn”, như con chim sợ cành cong. Nhưng trong thơ, có lẽ rất hiếm nhà nhà thơ nào dữ dội, thẳng băng, không chút e ngại như ông. Với một giọng thơ pha trộn biết bao cung bậc cảm xúc. Hào hoa, hảo sảng, triết lý diệu vợi thâm trầm, nhưng cũng rát như lửa cháy và nhức thấu tâm can…

Trần Vàng Sao là một trong những NGƯỜI YÊU NƯỚC CHÂN CHÍNH NHẤT mà tôi biết. Một tâm can chữ nghĩa, lẽ đời mà nay có lẽ gần như “tuyệt chủng” trong đội ngũ hàng ngàn nhà văn hiện thời…

Như chính bút danh mà ông đã quyết chọn: TRẦN VÀNG SAO. Nói “Quyết”, bởi như ông kể trong Hồi ký: Năm 1976 “Ban vận động thành lập Hội Văn nghệ Thừa Thiên chuẩn bị in tập thơ “Huế từ ấy”, ông Tường (Hoàng Phủ Ngọc Tường) nói tôi chép bài “Bài thơ của một người yêu nước mình” của tôi để in vào tuyển tập này. Khi tôi đưa bài thơ cho ông Tường ở 26 Lê Lợi, ông nói: “Đính ơi, tao nghĩ mi đừng để tên Trần Vàng Sao nữa mà để tên Nguyễn Đính. Nguyễn Đính thì ai cũng biết”. “Anh nói chi lạ rứa? Anh mà còn sợ à?”. “Ý của ông Trần Hoàn như thế?”. “Đăng hay không là quyền anh, đổi tên tác giả là quyền tôi. Tôi không bao giờ đổi tên Trần Vàng Sao hết. Nếu đăng anh không được quyền đổi tên tác giả. Tôi sẽ kiện có một tên Nguyễn Đính ăn cắp thơ Trần Vàng Sao”. Một hôm tan buổi họp gì đó ở ty văn hóa thông tin, ông Trần Hoàn, trưởng ty, gặp tôi trên thang gác đi xuống nói: “Nhân, Nhân ơi (tên gọi thời hoạt động của Trần Vàng Sao), thôi được rồi, cứ để tên Trần Vàng Sao trong bài thơ của anh. Vừa rồi tờ Văn nghệ Giải phóng ở Sài gòn đã đăng lại bài thơ đó và để tên Trần Vàng Sao”. Thằng cha quá khôi hài”.

Giờ thì thi sĩ Trần Vàng Sao đã ngủ yên không còn bao giờ tỉnh dậy để “mặc áo đi giày/ ra đứng ngoài đường nghe gió thổi” nữa.

Cũng không còn là “người tù được thả rông/ lang thang giữa đường giữa phố… /qua cầu dép sút một quai”, để “không muốn nhớ gì hết”.

Khi “GỌI TÌM XÁC ĐỒNG ĐỘI”, ông đã như trăn trối rồi:

a ha hãy lấy thơ tôi đắp mặt cho tôi
đừng tìm tôi
đừng tìm tôi
đừng tìm tôi nữa


đà nẵng, 10.5.2018
Trần Tuấn

6 nhận xét :

  1. Nhà thơ Vàng Sao chỉ có một sai lầm nhỏ trong khi làm thơ mà thành ra cuộc đời ông bi kịch.
    Tại vì ông yêu mẹ, yêu cha, yêu mái tranh gia đình, yêu quê hương xứ sở thành ra ông phải ở tù.
    Nếu ông nói ông yêu những trận pháo kích, ông yêu những phố phường tan hoang, người người hoảng loạn sau đợt đặt chất nổ, ông yên trận pháo kích vào trường học ở Cai Lậy....thì ông đã đâu phải vào tù! Và nếu ông nói rằng những người miền nam chết vì chiến tranh là nguỵ thì ông được gắn huân chương rồi.
    Nói chung, thơ ông sai lòng với đảng thì ông khổ. Thôi kệ khổ nhưng thanh thản.
    Cầu chúc cho ông đang dạo chơi thanh thản trên trời!

    Trả lờiXóa
  2. Không phải bông nứa trắng mô. Mà là bông toóc trắng, cụ ạ.

    Trả lờiXóa
  3. Rồi đây lịch sử sẽ lựa chọn và lưu giữ mãi Trần Vàng Sao!

    Trả lờiXóa
  4. Cảnh sát tư tưởng kiển soát xã hội, hiện nay các nhà hoạt động như các ông Trần Huỳnh Duy Thức, Nguyễn Văn Đài, và các chị Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, Nguyễn Thị Nga bị kết án nặng nề chỉ vì biểu đạt tư tưởng của mình.

    Trả lờiXóa
  5. Chẳng lẽ không còn tên gì đặt cho con nữa sao mà phải đặt là Trần Vàng Sao! Cả một sự oái ăm của một kiếp người.

    Trả lờiXóa
  6. Nhà thơ hay nhà văn VN nào đó đã nói một câu thấm thía : Lũ chúng ta sinh nhầm thế kỷ !

    Trả lờiXóa