Chủ Nhật, 1 tháng 4, 2018

DÂN CHUNG CƯ HÀ NỘI BIỂU TÌNH ĐÒI ĐƯỢC AN TOÀN PCCC


Cư dân tòa Sông Đà (Hà Đông) căng băng rôn gây sức ép để chủ đầu tư giải quyết dứt điểm các vấn đề về an toàn cháy nổ. Ảnh: Cư dân chung cư.

Dân chung cư Hà Nội cảnh báo công tác phòng cháy sau hỏa hoạn Carina

VNE
 
Chủ nhật, 1/4/2018 | 02:40 GMT+7
Trước những bất cập của hệ thống phòng cháy, cư dân nhiều toà nhà liên tục căng băng rôn để gây sức ép với chủ đầu tư.

'Chủ đầu tư mua bảo hiểm cho cư dân Carina quá thấp' 
5 áp lực đè nặng thị trường căn hộ sau vụ cháy chung cư Carina

Liên tiếp trong hai ngày qua, cư dân tòa cao cấp Hei Tower (số 1, Ngụy Như Kon Tum, Thanh Xuân, Hà Nội) căng băng rôn phản đối chủ đầu tư, trong đó nhiều nội dung liên quan tình trạng an toàn phòng cháy chữa cháy của tòa nhà.


Theo cư dân sinh sống tại đây, tầng mái vốn là khu vực cộng đồng nhưng chủ đầu tư không bàn giao cho cư dân mà cho đơn vị khác kinh doanh nhà hàng. Cư dân cho rằng điều đó ảnh hưởng đến an toàn cháy nổ.

Sau sự cố cháy tại tòa nhà Carina Plaza, TP HCM xảy ra mới đây khiến 13 người thiệt mạng, cư dân cùng ban quản trị dự án đi kiểm tra cửa thoát hiểm và hệ thống phòng cháy chữa cháy thì thấy có một số vấn đề không đảm bảo như hệ thống báo cháy bị lỗi, không hoạt động, cửa thoát hiểm cũng gặp sự cố... Những vấn đề này đã được phản ánh nhưng chủ đầu tư lại phản hồi chậm trễ khiến người dân bức xúc và lo lắng.
Tương tự, ngày 31/3, cư dân toà nhà Sông Đà (Hà Đông) cũng xuống đường biểu tình trước những bất cập của hệ thống phòng cháy chữa cháy.

Trước đó, ngày 25/3, tại tòa nhà Capital Garden 102 Trường Chinh, nhiều hộ dân tập trung dưới tầng sảnh của tòa nhà, căng băng rôn, biểu ngữ yêu cầu chủ đầu tư nghiệm thu phòng cháy chữa cháy. Dự án được bàn giao từ cuối năm 2017 nhưng đến nay vẫn chưa nghiệm thu phòng cháy chữa cháy.

Trong khi đó, từ khi bàn giao, tại đây từng xảy ra hỏa hoạn ở tầng 15 của tòa nhà mà hệ thống báo cháy của tòa nhà không hoạt động. Cư dân nhiều lần căng băng rôn gây sức ép chủ đầu tư nhưng mọi việc vẫn chưa được giải quyết.

Tại dự án Golden West (Nhân Chính, Thanh Xuân) ngày 27/3, cư dân cũng tập trung phản ảnh tình trạng nhiều hạng mục phòng cháy chữa cháy còn dở dang, trong khi 400 hộ dân đã chuyển vào ở. Một số bộ phận phòng cháy chữa cháy chưa hoàn thiện: họng cứu hỏa không có nước, máy bơm không hoạt động... Dự án được bàn giao từ cuối năm 2016 nhưng hệ thống phòng cháy chữa cháy vẫn chưa được nghiệm thu. Trong khi đó, chủ đầu tư là Công ty cổ phần Thương mại và Phát triển Việt Nam (Vietradico) còn cho thuê mặt bằng hầm B1 làm rạp chiếu phim, nhà hàng ăn uống.

Gửi kiến nghị đến các cơ quan chức năng vài ngày trước, đại diện cư dân Chung cư Tràng An Complex (Phùng Chí Kiên, Cầu Giấy) cũng cho hay từ khi bàn giao nhà là cuối năm 2016, cư dân đã nhiều lần yêu cầu phải minh bạch về hệ thống phòng cháy chữa cháy và phải cho cư dân diễn tập, nhưng phía chủ đầu tư không đáp ứng. Hậu quả là đã có 4 vụ cháy lớn nhỏ xảy ra.

Gần đây nhất là một vụ cháy kéo dài 5 phút vào ngày 20/3. Tuy nhiên, theo các cư dân, từ lúc ngọn lửa bùng phát đến khi được dập tắt hoàn toàn, cư dân không hề nghe thấy chuông báo cháy.

"Điều này đã khiến người dân sống trong chung cư Tràng An Complex lo lắng, thắc mắc và nghi ngờ về hiệu quả hoạt động của hệ thống phòng cháy chữa cháy đang sử dụng trong chung cư", đại diện cư dân cho biết.

Tuy nhiên, chủ đầu tư dự án là Công ty TNHH Đầu tư Toàn cầu Tràng An lý giải nguyên lý hoạt động của hệ thống phòng cháy chữa cháy tại đây là nhận tín hiệu báo cháy trên hệ thống tại tủ trung tâm trước, theo đó, nhân viên trực phòng điều khiển trung tâm dễ dàng nhận biết vị trí cháy.

Theo chủ đầu tư, khi sự cố xảy ra ngày 20/3 tại một căn hộ, đám cháy được dập tắt bằng đầu chữa cháy tự động đã kích hoạt, nhân viên trực phòng trung tâm đã cô lập tín hiệu chuông báo cháy, cô lập tín hiệu liên động tăng áp buồng thang… nhằm mục đích tránh gây hoang mang, xáo trộn sinh hoạt của cư dân.

"Trong khoảng 3 phút, nếu không xử lý được thì chuông báo cháy sẽ kích hoạt toàn bộ tòa nhà, khi đó hệ thống âm thanh sẽ phát loa sơ tán. Tuy nhiên, trong vụ cháy ngày 20/3, đám cháy được hệ thống phòng cháy chữa cháy tự động dập tắt trong chưa đầy một phút".

Trước vụ việc trên, ngày 25/3, chủ đầu tư đã tổ chức cuộc gặp mặt đối thoại giữa đại diện cư dân và ban quản lý tòa nhà.

Nguyễn Hà
-------------------------

Hoảng sợ sống cùng thảm họa, 
dân Hà Nội đồng loạt đi phản đối
 

Sau vụ cháy Carina, hàng nghìn cư dân đang sống trong các chung cư lo lắng khi thiết bị phòng cháy tại tòa nhà chưa đảm bảo, hoặc tòa nhà chưa được nghiệm thu phòng cháy chữa cháy.

 
Ngày 25/3, dân cư sống tại chung cư Capital Garden (ngõ 102, phố Trường Chinh, Đống Đa, Hà Nội) đồng loạt căng băng rôn, khẩu hiệu yêu cầu chủ đầu tư dự án là Công ty TNHH Khách sạn Kinh Đô nghiệm thu an toàn PCCC theo đúng quy định của cơ quan thẩm quyền.

Đại diện người dân phản ánh, chung cư Capital Garden được bàn giao, đưa vào sử dụng từ tháng 6/2016, nhưng đến nay chưa được nghiệm thu về PCCC. Ngày 11/5/2017, tại căn hộ 1115 chung cư Capital Garden khi đang sửa chữa đã xảy ra cháy nhưng hệ thống PCCC khi đó cũng hoàn toàn “bất động”.

cháy chung cư,chung cư caria,cháy chung cư caria
Cư dân bức xúc vì PCCC 

Rất nhiều lần cư dân của tòa nhà này đã gửi đơn kiến nghị lên chủ đầu tư nhưng không nhận được bất cứ phản hồi nào. Trước đó, ngày 28/10/2017, cư dân tại đây cũng phản ứng tương tự vì bị đe dọa cắt điện do chủ đầu tư chưa bàn giao lưới điện cho Điện lực Đống Đa.

Tại dự án Tràng An Complex, cư dân cũng hốt hoảng sau khi một căn hộ xảy ra cháy nhưng chuông báo cháy không hề phát ra âm thanh cảnh báo để sơ tán. Điều này khiến hàng nghìn hộ dân đang sinh sống tại đây vô cùng bức xúc. Họ nghi ngờ về hiệu quả hoạt động của hệ thống phòng cháy chữa cháy mà chủ đầu tư đang sử dụng trong chung cư.

Cư dân tại tòa chung cư này cho biết sẽ tiếp tục treo băng rôn nhiều hơn để yêu cầu câu trả lời thỏa đáng của chủ đầu tư và đơn vị quản lý, đề phòng vụ cháy tiếp theo có thể xảy ra.

Cư dân tại tòa nhà Hei Tower cũng đang lo lắng về an toàn phòng cháy chữa cháy. Qua kiểm tra tại tầng 26, một cửa thoát hiểm bị chặn, cửa thoát hiểm mở thông lên tầng mái tại vị trí đối diện quầy lễ tân Trill Café. Một cửa khác bị tháo bỏ tại tầng kỹ thuật ngay dưới tầng 26. Do nghi ngờ có sử dụng bếp gas để đun nấu, ban quản trị và đại diện cư dân đề nghị được kiểm tra phòng bếp nhưng không nhận được sự hợp tác từ phía quán café.

Tại tầng B1, tủ báo cháy trung tâm đặt ở chế độ không hoạt động. Nhiều đầu báo cháy tại một số tầng cũng bất động. Bên cạnh đó, chung cư còn thiếu hệ thống đèn báo thoát hiểm ở tầng 1, khu vực cầu thang bộ.

cháy chung cư,chung cư caria,cháy chung cư caria
Dân chung cư phập phồng lo 

Cư dân chung cư Goldsilk Complex cũng đang bức xúc về phòng cháy chữa cháy. Theo phản ánh, hiện tượng báo cháy giả nhiều lần khiến người dân bất an. Điều cư dân tại chung cư này lo lắng là sau nhiều lần báo cháy giả, đến khi có cháy thật, người dân lại tưởng vẫn là sự cố báo cháy, nên mất phản xạ lo chạy thoát thân. Gần đây nhất, từ 12-15/3 lại tiếp tục có chuông báo cháy, nhưng nhiều cư dân mất phản xạ... chạy.

Ai chịu trách nhiệm?

Thực tế, sau nhiều vụ cháy lớn và cơ quan quan chức năng kiểm tra tại các dự án chung cư nhưng tình trạng vi phạm phòng cháy chữa cháy vẫn chưa được giải quyết. Một số nơi còn buông lỏng, một số công trình chưa được nghiệm thu phòng cháy, chữa cháy đã đưa vào sử dụng.

Theo thống kê, Hà Nội 17 công trình nhà chung cư cao tầng đã xây dựng xong và đưa vào sử dụng có vi phạm các quy định về phòng cháy chữa cháy, không có khả năng khắc phục theo yêu cầu của quy chuẩn PCCC hiện hành.

Trong đó, có 8 dự án do tư nhân bỏ tiền đầu tư gồm: Chung cư mini Bồ Đề, ngõ 193 Bồ Đề; khu nhà ở nhiều hộ gia đình số 76 Cự Lộc; tòa nhà văn phòng cho thuê và để ở số 88 Tô Vĩnh Diện; tòa nhà chung cư cao tầng số 46/230 Lạc Trung; tòa nhà chung cư 89 Phùng Hưng - Phúc La, Hà Đông; nhà chung cư 30 tầng BMM, khu đô thị Xa La; trung tâm thương mại nhà ở cao tầng số 29 Lạc Trung; tháp B văn phòng thuộc tòa nhà hỗn hợp HH1 ngõ 102 Trường Chinh.

Hà Nội hiện có khoảng 1.100 công trình nhà cao tầng đã đưa vào sử dụng. Các tòa nhà cao từ 20 đến 30 tầng, thậm chí trên 40 tầng đang mọc khắp các quận như Hoàng Mai, Thanh Xuân, Cầu Giấy, Nam Từ Liêm,...

cháy chung cư,chung cư caria,cháy chung cư caria
Sau sự cố cháy Caria, dân chung cư lo sợ

Ông Lê Tiến Dũng - Tổng Giám đốc Tập đoàn Vimedimex, nhận định, nhiều khu chung cư hay tòa nhà đã bàn giao cho người sử dụng mà vẫn chưa được lắp đặt, hoàn thiện hoặc chưa được nghiệm thu, thẩm duyệt về hệ thống PCCC tòa nhà hoặc tồn tại nhiều lỗi vi phạm như: chưa có máy phát điện dự phòng và thiết bị báo khói, báo nhiệt ở hành lang các tầng; không có phòng điều khiển trung tâm cho hệ thống báo cháy; chưa có trạm bơm chữa cháy bằng điện và dầu diezen, chưa lắp đặt hệ thống đèn chiếu sáng khẩn cấp và đèn hướng dẫn thoát nạn ở các tầng,...

Các hạng mục về giải pháp ngăn cháy, lối thoát nạn, hệ thống kỹ thuật PCCC trong công trình chưa hoàn thiện vẫn đưa cư dân vào ở. Thậm chí, nhiều công trình thiếu kinh phí nên chủ đầu tư cố tình bỏ qua hệ thống an toàn cháy nổ.

Bên cạnh đó, các sai lầm khi thiết kế, thi công hệ thống PCCC cho nhà cao tầng là vấn đề ít được nhắc tới song tồn tại khá phổ biến. Nhiều dự án đã chú trọng tới việc xây dựng hệ thống PCCC xong không ý thức về việc bảo trì hệ thống dẫn đến tình trạng khi có sự cố xảy ra đèn báo hiệu không hoạt động, ống chữa cháy bị bục, không có nước,...

Việc diễn tập PCCC cũng không được duy trì thường xuyên, cư dân không kịp phối hợp trong các tình huống khẩn, không nắm được hệ thống chống cháy cũng như hệ thống thoát hiểm.

Một số chung cư cao tầng chưa thành lập lực lượng PCCC tại chỗ hoặc có thành lập nhưng không duy trì hoạt động, không có người chịu trách nhiệm tổ chức và vận hành hoạt động PCCC một cách chuyên nghiệp, tiếp nhận hồ sơ thiết kế, gây khó khăn cho công tác kiểm tra, bảo trì, bảo dưỡng công trình. Đây là vấn đề khó tránh khỏi nếu các khu chung cư cao tầng không có được sự quản lý, vận hành từ các đơn vị chuyên nghiệp.

Ông Dũng cho rằng, PCCC đang trở nên rất nóng, nhận được sự quan tâm của đông đảo các cơ quan chức năng, song ông e ngại theo thời gian vấn đề sẽ lại lắng xuống và tiếp tục bị bỏ ngỏ như thực trạng từ nhiều năm nay.
 Duy Anh

3 nhận xét :

  1. Thì lại quả cho mỗi dự án quá lớn nên chủ đầu tư bắt buộc phải rút ruột công trình để chung chi thì làm gì còn tiền để thiết kế phương án phòng cháy? Đó là chưa nói tuổi thọ công trình có bền vững được bao lâu thì chưa biết! Biết đâu rồi chẳng có cao ốc tự dưng đổ sụp vì không đứng vững do thi công kém chất lượng! Thà rằng ở nhà lá cho chắc ăn!

    Trả lờiXóa
  2. Nếu đúng luật, tòa chung cư nào không bảo đảm điều kiện phòng cháy chữa cháy thì ngoài chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm chính thì công an PCCC khu vực cũng phải liên đới chịu trách nhiệm. Lâu nay công an PCCC chỉ đi kiểm tra mà không có biện pháp cứng rắn với chủ đầu tư nên mới để xẩy ra nhiều vụ cháy nổ thảm khốc như vừa qua.

    Trả lờiXóa
  3. Trần Thị Thảolúc 07:25 4 tháng 4, 2018

    " Mất bò mới lo làm chuồng", sau vụ chết 13 người và hàng trăm người bị thương do cháy chung cư ở Sài Gòn thì dân chung cư mới mở mắt ra .

    Trả lờiXóa