Hà Hương
13-3-2018
Tháng 3/1988, biển động. Sau một lần phải trở về do gặp bão, đêm
11/3, tàu HQ 604 lặng lẽ ra khơi. Trước đó mấy hôm, trung sĩ Nguyễn Văn
Lanh viết thư cho người yêu, trong đó có những dòng đầy dự cảm: “Khi vào
lính anh hái hoa sim, hoa mua tặng em, nhưng giờ chỉ có máu anh tô thắm
biển khơi”. Những đồng đội của Lanh cũng ít nhiều chộn rộn, cảm giác về
một chuyến đi lành ít, dữ nhiều.
Đảo và máu
Đêm 11/3/1988, tàu HQ 604 vượt sóng ra khơi. Bản tin dự báo thời tiết
cho thấy biển động, có gió mạnh. Trên tàu chủ yếu là lính công binh đi
làm nhiệm vụ. Chiều 13/3, tàu ra đến đảo. Thiếu úy Trần Văn Phương, Phó
chỉ huy trưởng đảo Gạc Ma (thuộc cụm đảo Sinh Tồn – quần đảo Trường Sa),
cắm cờ Tổ quốc trên đảo. “Lúc đó, tàu Trung Quốc vẫn chưa có động tĩnh
gì, chỉ lặng lẽ bám theo”, ông Nguyễn Văn Lanh kể lại.
“Chuyến đó đi ai cũng biết sẽ gặp nguy hiểm. Bởi
vì, từ cuối năm 1987, một vài cuộc đụng độ, tranh chấp đã xảy ra. Tình
hình đã bắt đầu nóng lên, Trung Quốc kéo xuống ngày càng đông”, cựu binh
Nguyễn Hữu Thảo chia sẻ.
Gạc Ma là một rạn đá ngầm được bao quanh bởi vành
đai san hô trắng. Khi nước triều xuống, hòn đảo như một vệt đá trải dài
giữa biển. Rạng sáng ngày 14/3, ba tàu Trung Quốc đến đòi phía Việt Nam
hạ cờ. “Không, dĩ nhiên mình không hạ”, mọi người đều nói.
“Đồng chí nào biết bơi, bơi ngay vào đảo hỗ trợ các
đồng chí trên đảo bảo vệ cờ”, mệnh lệnh của chỉ huy cụm đảo Trần Đức
Thông được truyền đi ngay lập tức. Nguyễn Văn Lanh cùng 11 đồng đội nhảy
xuống biển rồi bơi vào đảo.
“Lúc đó, quân Trung Quốc tràn lên dàn hàng ngang,
lính công binh chỉ có cuốc chim và xẻng, phía bên kia là AK và lưỡi lê.
Tình thế giáp lá cà lúc đó, chúng tôi vẫn không nghĩ rằng Trung Quốc sẽ
bắn vào mình”, ông Lanh nói.
Nhưng phía Trung Quốc đã bắn. Ông Lanh có lẽ không bao giờ quên giây
phút từng làn đạn cắm vào đầu đồng đội Nguyễn Văn Phương, người đang giữ
lá cờ đỏ sao vàng giữa đảo. “Cho đến giờ những lời cuối cùng của Phương
trong buổi sáng hôm ấy vẫn còn vẳng bên tai. Phương nói: Tất cả chúng
mình quyết giữ lấy hòn đảo này, dù có phải hy sinh, máu chúng mình sẽ tô
thắm lá cờ Việt Nam”.
Chiến sĩ Nguyễn Văn Phương ngã xuống, Nguyễn Văn Lanh đứng cạnh tiếp
tục lãnh nhiệm vụ giữ cờ. Trên đảo Gạc Ma buổi sáng ngày 14/3 hôm đó,
cuộc chiến đấu giữa cuốc chim và lưỡi lê, giữa xẻng và AK vẫn tiếp tục.
Không ai có ý định lùi bước.
Nguyễn Văn Lanh bị lưỡi lê đâm xuyên bả vai, mũi súng hướng vào ngực
nổ rát nhưng bàn tay vẫn giữ chặt lá cờ đỏ thấm máu và nước biển mặn.
Những động đội khác lao vào, tiếp tục trân mình giữa làn đạn, giương cao
lá cờ Tổ quốc. Vòng tròn bất khuất ấy, hàng chục năm sau vẫn làm nhức
nhối trái tim người Việt.
Mãi sau này, Nguyễn Văn Lanh mới biết rằng trong trận chiến đẫm máu
hôm đó, đồng đội đưa Lanh lên một tấm ván, rồi đưa lên tàu về đảo Sinh
Tồn. Từ đảo Sinh Tồn, trực thăng đưa Nguyễn Văn Lanh về bệnh viện ở đất
liền. 3 năm tiếp theo, Nguyễn Văn Lanh trải qua nhiều cuộc điều trị từ
các bệnh viện trong Nam, ngoài Bắc.
Khác với nhiều đồng đội, Nguyễn Văn Lanh tiếp tục theo nghiệp hải
quân cho đến ngày về hưu năm 2017. Ông Lanh luôn tự nhận mình là người
may mắn sống sót. Những đồng đội khác đã vĩnh viễn nằm lại biển khơi mà
ước vọng quy tập hài cốt của thân nhân gia đình mãi mãi chỉ là ước vọng.
Người yêu ở quê nhà Quảng Bình của Nguyễn Văn Lanh nhận được thư đúng
vào ngày bản tin trên Đài Tiếng nói Việt Nam phát đi thông tin những
người lính trên tàu 604 đã hy sinh trong trận chiến Gạc Ma.
Giữ Cô Lin và Len Đao
Sau khi tàu HQ 604 bị bắn chìm, những người còn
sống, người bị thương cố bơi về phía tàu HQ 505 của thuyền trưởng Vũ Huy
Lễ. 9 người bị Trung Quốc bắt giữ, 64 người hy sinh, nhiều người khác
bị thương trong cuộc thảm sát đẫm máu ngày 14/3.
Nhưng không chỉ dừng lại ở đó, 3 tàu chiến Trung
Quốc liên tục nã pháo vào HQ 505. Tàu của thuyền trưởng Vũ Huy Lễ bị
trúng đạn vào buồng máy bên phải, hỏng máy trôi ra xa đảo Cô Lin gần 1
hải lý. Các khoang máy đều bốc cháy dữ dội, điện tắt tối om, nước tràn,
dầu lênh láng. Những người sống sót sau cuộc thảm sát đứng trước một
nguy cơ mới: tàu có thể bị chìm xuống mực nước 1.000 m.
Trong thời khắc sinh tử đó, ông Lễ quyết định bằng mọi giá phải giữ
được tàu. Khi tàu vừa được sửa, HQ 505 hướng về đảo Cô Lin. Gần đến đảo,
thuyền trưởng hạ lệnh mở hết tốc lực, cho tàu phi thẳng. Lúc này tàu HQ
505 nằm gác 1/3 thân trên đảo và trở thành pháo đài kiên cố giữ đảo. Họ
đã bám trụ ở đó cho đến tháng 6/1988 khi Trung Quốc từ bỏ các hành động
khiêu khích.
Quyết định dùng chính con tàu dài gần 100 m, rộng 38 m làm pháo đài
giữ đảo Cô Lin sau này được đánh giá là trọng đại, táo bạo và chính xác
của thuyền trưởng Vũ Huy Lễ. Năm 1989, Tập thể tàu HQ 505 và thuyền
trưởng Lễ được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang
nhân. Nhiều chiến sĩ khác được thưởng huân chương chiến công các hạng.
Và đối với thuyền trưởng con tàu anh hùng HQ 505, hàng chục năm qua,
Gạc Ma vẫn như một vết dằm đau nhói trong tim. “Chúng tôi muốn các thế
hệ mai sau không bao giờ quên ngày 14/3/1988, không bao giờ quên những
người đã ngã xuống vì quê hương, không bao giờ quên Gạc Ma, một phần máu
thịt của Tổ quốc”, thuyền trưởng Vũ Huy Lễ nói.
Chỉ ước được trở về Tổ Quốc
Trong buổi sáng định mệnh đó, ông Nguyễn Văn Thống
(quê Bố Trạch, Quảng Bình) đang làm nhiệm vụ trên tàu HQ 604. Tàu bị
Trung Quốc bắn chìm, ông Thống bị thương ở một bên mắt, ở tay và ở chân
nhưng vẫn cố bám lấy miếng gỗ.
“Cứ thế, tôi cứ trôi trên biến từ sáng đến chiều.
Giữa biển khơi mênh mông, tôi nghĩ trước sau gì mình cũng chết. Lúc đó
chỉ ước ai đưa lên khỏi mặt biển, có chết cũng cam lòng”, ông Thống nhớ
lại.
Giải thích về ý nghĩ có phần kỳ lạ đó của mình, ông
Thống bảo vì xưa kia, người đi biển luôn kể về những con cá mập hung
dữ. Lúc đó, một mình lênh đênh với miếng ván gỗ, nghĩ thà chết ngay sau
một phát súng còn hơn bị cá mập kéo đi. “Giờ sống dở thế này, bị cá kéo
đi thì chết oan ức quá”, ông Thống rưng rưng.
Đến chiều ngày 14/3, tàu Trung Quốc bắt được Nguyễn Văn Thống, khi đó
gần như bất tỉnh, tay vẫn bám chặt vào miếng ván gỗ. Khi tỉnh dậy, ông
Thống đã thấy mình nằm trong bệnh viện. Một người lính phiên dịch cho
ông biết đó là một bệnh viện Trung Quốc.
Sau mấy tháng điều trị, ông Thống hội ngộ với 8 đồng đội của mình
trong nhà tù. Cứ hai người bị giam chung một phòng, cơm được mang đến
phòng giam. “Sau một năm, khi có tổ chức nhân đạo quốc tế đến thăm,
chúng tôi mới được ra ngoài, đi xuống nhà ăn”, ông Thống kể.
Nhưng trong suốt hơn 1.200 ngày trong nhà tù Trung Quốc, những người
lính Gạc Ma chỉ đau đáu ước mong trở về Tổ quốc. Họ chỉ biết về lệnh
trao trả trước hai ngày. “Anh em mừng lắm. Đêm đó chúng tôi không ngủ,
chỉ mong trời sáng để trở về”, ông Thống kể. Đó là ngày 29/8/1991. Ông
Thống cũng như 8 đồng đội của mình không hề biết rằng ở quê nhà cha mẹ
và người thân đã nhận được giấy báo tử.
Cùng thời điểm đó, Nguyễn Văn Lanh trải qua 3 năm ròng rã khắp các
bệnh viện quân y và dân sự để điều trị vết thương. Sức khoẻ tổn hại đến
71%, cánh tay phải mất cảm giác và không thể hoạt động được.
Đêm nằm mơ thấy Gạc Ma
30 năm đã qua, Gạc Ma vẫn là nỗi đau đáu đối với
những người còn sống. Chuẩn đô đốc Lê Kế Lâm nói: “Trận Gạc Ma theo tôi
không phải là một trận hải chiến. Hải quân Việt Nam có bắn lại hải quân
Trung Quốc phát súng nào đâu. Mà Việt Nam lên đảo trước vào ban đêm. Đến
sáng hôm sau Trung Quốc mới lên. Thấy người lính Việt Nam cắm cờ rồi
đến nhổ cờ đi, một bên bảo vệ cờ, một bên nhổ cờ”.
“Tôi gọi trận Gạc Ma là một trận thảm sát của hải
quân Trung Quốc với hải quân Việt Nam. Có thể do họ manh động cho nên
gây vụ thảm sát này. Vụ Gạc Ma phải nói thẳng cho thế giới biết rằng đó
là một cuộc thảm sát. Không có một trận hải chiến nào ở đây cả”, chuẩn
đô đốc Lê Kế Lâm khẳng định.
Còn với riêng ông Nguyễn Văn Lanh, ông nói suốt 30 năm qua, cứ đêm
13/3, những giấc mơ đưa ông trở về với đồng đội, với Gạc Ma. “Chúng tôi
trở về với tuổi đôi mươi, chia nhau điếu thuốc lá cuốn, cùng nhau đi
kiếm củi về nấu cơm. Đứa nào ốm thì thay nhau lên nhà bếp xin tý gạo nấu
riêng, còn mình ăn gì cũng được”.
Cho đến bây giờ, ước vọng trở lại Gạc Ma, thả cho đồng đội một vòng
qua tưởng niệm vẫn luôn đau đáu trong lòng ông Lanh. Chuyến đi biển
nhiều ngày để trở về Gạc Ma quá sức đối với cơ thể luôn phải chịu những
cơn đau hành hạ do di chứng của thương tích. Có những đồng đội của ông
ngã xuống khi chưa kịp nắm tay một người bạn gái, cũng không để lại một
bức ảnh cho người thân.
Nhưng trên hết, đó vẫn là nỗi đau khi phải nhìn Gạc Ma từ cách xa.
“Tôi nghĩ nhiều lắm chứ. Gạc Ma vẫn do Trung Quốc xâm chiếm dù cho đó là
đảo của mình, đất của mình. Đó là sự mất mát quá lớn”, ông Lanh trầm
ngâm.
Cùng nỗi niềm đó, ông Lê Hữu Thảo luôn mong ngóng ngày tàu HQ 604
được trục vớt để tìm lại hài cốt đồng đội đang bị chôn vùi giữa biển
khơi. “Mong ước của tôi là đưa các anh về đất liền mai táng. Nếu có cơ
hội nào đó, tôi cũng mong được trở lại chiến trường xưa để thả một vòng
hoa tưởng niệm cho đồng đội của mình”.
Đồ họa: Như Ý
đọc mà rơi nước mắt , nguyền rủa thằng chó đẻ nào ra lệnh không cho quân nhân ta nổ súng chống lại kẻ thù ngàn năm phương bắc !!!!!!
Trả lờiXóaQuân đội, dù là công binh, đi công tác phải mang súng chứ, Sao lại mất cảnh giác như thế. lỗi tại chỉ huy, nếu không làm sao ta mất đảo được.
XóaViệc này cần phải đặt thành vấn đề với các nhà lãnh đạo đảng và nhà nước Việt Nam.
Trả lờiXóaCác nhà lãnh đạo Việt Nam nên có câu trả lời khả dĩ chấp nhận được trong thời gian sớm nhất có thể!
Đã đến lúc chúng ta nên trục vớt tàu chìm, đưa hài cốt những liệt sỹ hy sinh ngày 14/3/1988 về với đất mẹ. Không thể vô trách nhiệm như một lãnh đạo khi nghe đề nghị trục vớt tàu tìm thi thể anh em hy sinh.
Trả lờiXóaNgười nói: Cứ để các liệt sỹ nằm yên dưới biển là ông Nông đức Mạnh- Nguyên TBT.
Xóa