Thứ Tư, 28 tháng 2, 2018

TRẠM BOT Ở KHU DI TÍCH CHÙA YÊN TỬ


Trạm BOT ở chùa Yên Tử

Đỗ Duy Ngọc
27-2-2018

Trên đường vào chùa Yên Tử năm nay xuất hiện những trạm BOT lưu động. Chúng xuất hiện khắp nơi trên các ngả đường vào chùa, kể cả những con đường mòn trong rừng.

Chẳng khác gì tiền mãi lộ. Giá 40.000 đ một đầu người, được gọi là thu vé tham quan. Và đó là quyết định của UBND có giấy tờ và chữ ký đàng hoàng.

Chưa bao giờ ở xứ này mà đi vào chùa phải mua vé. Đồng tiền đã thọc sâu vào lòng tin tâm linh và cũng chính đồng tiền làm tha hoá tôn giáo, trong đó có cả những bậc tu hành. Cảnh nhét tiền vào tay các tượng Phật phản cảm khủng khiếp thế nhưng vẫn tiếp tục xảy ra.

Trong những ngày lễ hội ở các chùa ở miền Bắc, tiền bay rợp trời, thả đầy như rác khắp nơi. Người ta đang hối lộ chư Phật. Năm trước báo chí phản ánh là sau các lễ hội, nhà chùa cho nhiều xe tải chở các bao tiền lẻ từ các thùng công đức đến ngân hàng để đổi. Chưa thoả mãn với thu nhập ấy, năm nay bày thêm cái thuế tham quan!

Người đi chùa bây giờ chỉ để cầu danh, cầu lợi. Quan chức đi chùa để mong giữ ghế hay tiến lên cái ghế cao hơn, hầu vơ vét nhiều hơn.

Bởi thế, những người có trách nhiệm cũng hết sức tìm mọi cách để kiếm lợi. Chốn tôn nghiêm mà ở đây là Yên Tử trở thành cái máy in bạc khổng lồ.

Người ta đã biến nơi chốn linh thiêng này thành khách sạn với giá cắt cổ với cái áo khoác là văn hoá tâm linh. Chưa bao giờ kinh doanh tôn giáo lại có lãi kinh khủng như hôm nay. Và cửa chùa lại là sân sau thu lợi cho các kẻ có quyền lực. Đáng sợ thật.

____

Trí thức VN
 
‘BOT cửa chùa’: Khi ‘thương mại tâm linh’ trên đà nở rộ

Tuệ Minh
26-2-2018

Mùng 10 tháng Giêng năm Mậu Tuất, Yên Tử khai hội. Dòng người từ khắp nơi đổ về khu du lịch tâm linh khiến giao thông tắc nghẽn vài cây số. Khác với mọi năm, từ ngày 1/1 năm nay, tỉnh Quảng Ninh bắt đầu tiến hành thu phí tham quan với mức 40.000 đồng/lần/người lớn và 20.000 đồng/lần/trẻ em.
 
  
Quần thể Trung tâm Văn hoá trúc Lâm Yên Tử (Ảnh: Facebook Hạ Long thả gió)

Theo Phó Chủ tịch UBND TP Uông Bí Phạm Tuấn Đạt, để thực hiện việc thu phí tham quan Di tích Yên Tử, thành phố đã tổ chức một hội nghị lấy ý kiến với sự tham gia của hơn 300 đại biểu gồm lãnh đạo HĐND, UBND, các ban, ngành, lãnh đạo các xã phường, đại diện Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Quảng Ninh; lãnh đạo Công ty CP Phát triển Tùng Lâm. Trong đó, đa số đại biểu nhất trí với việc thu phí, đạt đồng thuận hơn 90%.

Năm 2017, lượng khách đến Yên Tử đạt 1,5 triệu lượt. Dự tính trong năm 2018, con số này sẽ tăng lên tới 1,8 triệu lượt.

Với mức phí được áp dụng, dự tính số tiền thu được từ phí tham quan trong năm 2018 có thể đạt tới 70 tỷ đồng. Số tiền này được cho là sẽ dùng vào việc bù đắp chi phí quản lý, an ninh, bảo vệ môi trường, trùng tu tôn tạo di tích.

Tuy vậy, phần đông người đi lễ hàng năm đều đã đóng góp công đức cho mục đích này. Chưa kể, du khách hành hương đã phải trả phí gửi xe, phí cáp treo, xe điện. Đã có nhiều ý kiến cho rằng việc thu phí tham quan sẽ dẫn đến hiện tượng phí chồng phí, cũng như can thiệp vào việc thực hành tín ngưỡng, tâm linh của người dân.

Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký khẳng định việc thu phí tham quan Yên Tử được thực hiện đúng luật bởi đây không phải phí đi lễ chùa mà là phí tham quan, được dựa trên quy định của Luật phí và lệ phí. Nhưng khi chùa nằm trong khu di tích thắng cảnh, người dân muốn đi vào chùa không còn cách nào khác là phải vào khu di tích và sẽ phải trả phí tham quan.
  
Ảnh chụp bảng thông báo thu phí của tỉnh Quảng Ninh. 
Nguồn: FB Điệp Hương

Khi luật được đưa ra để hợp thức hoá các khoản thu, ngay cả với một nơi thuộc về tâm linh tín ngưỡng, nhiều người đã chua xót thấy dường như chốn linh thiêng cũng không thoát khỏi vòng xoáy “thương mại.” Muốn đến nơi cửa Phật giờ đây không chỉ đơn thuần có cái tâm là đủ, mà phải có tiền. Những trạm “BOT cửa chùa” như thế giờ đây sừng sững mọc lên với lý do “chính đáng”, trở thành công cụ để tận thu tiền từ người dân.

Chưa dừng lại ở đó, để khai thác tối đa “tiềm năng” nơi này, người ta đã xây một quần thể Trung tâm Văn hoá trúc Lâm Yên Tử, chính thức đi vào hoạt động trong năm nay. Với kinh phí đầu tư hơn 2.000 tỷ đồng, quần thể kiến trúc này được thiết kế vô cùng quy mô, hoành tráng, được quảng bá sẽ thỏa mãn nhu cầu của các du khách dù khó tính nhất, gồm các hạng mục khu lưu trú, giải trí thuộc phân khúc cao cấp, trị giá ước tính lên đến cả ngàn đô la/đêm tại khu 5 sao với tên gọi “Dưỡng chân tâm.”

Năm xưa vua Trần Nhân Tông trên con đường tìm đạo, đã từ bỏ ngai vàng, châu báu của cải lên núi tu hành. Sau, tương truyền Ông còn nhiều lần vân du, đi khắp nơi giáo hoá dân chúng, dạy dân bài trừ các tập tục mê tín dị đoan và tu dưỡng đức hạnh.

Vậy mà ngày nay, còn mấy người gìn giữ ngọn núi đó để lưu lại con đường tìm đạo cho chúng sinh, để người dân được cảm hoá theo những giáo lý mà vua Trần để lại? Giờ đây, người ta thấy những đám đông là những cơ hội kiếm tiền, mà kiếm tiền từ tâm linh thì còn “siêu lợi nhuận”. Khi ngay cả vị trụ trì khu di tích cũng ủng hộ chủ trương thu phí tham quan danh lam Yên Tử, thì sự “linh thiêng” của nơi này chắc chỉ còn lại trong lịch sử mà thôi.

Chưa bao giờ “thương mại” tâm linh lại phát triển “rực rỡ” như ngày nay. Không chỉ Yên Tử, còn có rất nhiều nơi chốn tâm linh khác ngày càng mạnh dạn “làm kinh tế”. Những hòm công đức, những hạng mục tu sửa, mở rộng ngày một nhiều hơn, kéo theo các loại phí cũng ngày một tăng. Còn nếu xây mới, thì dường như dân chúng đang được xem một cuộc ganh đua danh hiệu khốc liệt. Chùa nào cũng muốn phải có cái gì đấy đạt “kỷ lục” hoặc “nhất” để làm nổi bật mình, cho dù sẵn sàng xẻ núi, chặt cây, phá rừng để xây dựng.

Liệu Thần Phật, những bậc Giác ngộ dạy chúng sinh buông bỏ nhân tâm, dục vọng; hướng chúng sinh đến sự thiện lương, chính trực trên con đường phản bổn quy chân, khai sáng trí huệ có đến phù hộ cho những ngôi chùa đã không còn mang mục đích tu hành chân chính, có độ cho những người chỉ biết cầu xin nhằm thoả mãn dục vọng cá nhân? Câu hỏi này có lẽ không khó để trả lời.

Đó là chưa kể đến một loạt các hình thức tín ngưỡng biến thành nhu cầu tâm linh như cúng sao giải hạn, mua vàng ngày Thần Tài – nơi người dân “tự nguyện” chi tiền để mong cầu giải vận đen, mong cầu tiền tài đến. Sự mơ hồ của người dân với ý nghĩa thật sự của các tập tục, quan niệm tín ngưỡng, cộng thêm tâm lý cảm tính, hành động theo số đông chính là cơ hội để nhiều kẻ trục lợi mặc sức kiếm tiền.

Những “lỗ hổng” tâm linh ấy dường như có một phần căn nguyên từ khoảng trống trong tín ngưỡng tâm linh hàng chục năm qua. Đặc biệt sau những đợt cải cách với hàng loạt chùa chiền, miếu mạo bị phá bỏ khiến Đức tin chân chính bị tổn hại sâu sắc, giá trị đạo đức văn hóa ngày càng bị xói mòn. Trong sự trượt dốc đó, tín ngưỡng tâm linh dần càng bị làm cho biến đổi, bị biến thành nhiều dạng thức mang nặng màu sắc mê tín dị đoan.

Thiết nghĩ, nếu mỗi người chúng ta có thể tìm hiểu kỹ và tự trang bị cho bản thân mình những tri thức đúng đắn về tín ngưỡng, tâm linh, thì những biến tướng trên đã không trên đà nở rộ như hiện nay. Việc nâng cao dân trí, lấp “lỗ hổng” về tín ngưỡng, tâm linh do đó đã và đang trở nên vô cùng cấp bách đối với cá nhân và cộng đồng để có thể duy trì được một xã hội phát triển lành mạnh, văn minh và có chính tín.
 
 

7 nhận xét :

  1. Chúa Chổm bắt đầu vào cuộc.

    Trả lờiXóa
  2. Không có xứ sở nào khốn nạn bằng

    Trả lờiXóa
  3. Ngày xưa thì phá đền,chùa để "bài trừ mê tín dị đoan".
    Ngày nay thì xây chùa để thu phí.
    Như rứa là đồ khốn nạn chứ còn gì nữa.

    Trả lờiXóa
  4. Xưa trẻ em được dạy rằng không được chỉ ngón tay lên bàn thờ và lên tượng thờ, vì làm như vậy là bất kính và phải tội.
    Mà nay sao người ta dám sờ mó cả vào tượng Phật và nhét tiền lẻ vào cả miệng tượng phật.
    Làm vậy không sợ tội chết hay sao.

    Trả lờiXóa
  5. Thế mới thấy sức mạnh của đồng tiền . " Hơi tiền " đã cuốn phăng tất cả những gì là chân giá trị đạo đức ; Nay chùa chiền , chốn từ bi cũng đã ngập ngụa các phương thức moi tiền khách hành hương thì ...thôi rồi Lượm ơi !

    Trả lờiXóa
  6. Xem ra quy mô xây dựng cũng đáng đồng tiền bát gạo thật;nhưng chắc chắn là trước khi xây đã có tính toán kinh doanh lỗ lãi rồi ! Nay dân tình phản đối việc thu tiền tham quan công trình thì nên đem công trình đi nơi khác,ai muốn tham quan công trình thì trả tiền,còn dân đi vãn cảnh chùa cùng danh lam thắng cảnh Yên Tử do tổ tiên để lại là quyền của dân vẫn thụ hưởng từ xưa đến nay,không ai được ngăn cản. Chắn đường thu tiền như hiện nay là một việc làm tuỳ tiện,nên nhớ rằng Yên Tử là non thiêng của cả nước chứ không phải của riêng thành phố Uông Bí cũng như tỉnh Quảng Ninh !

    Trả lờiXóa
  7. Phuo5ng châm của Phật Giáo Việt Nam: Đạo Pháp - Dân Tộc - Chủ nghĩa xã hội, thì thành quả đúng như ngày nay.

    Trả lờiXóa