Thứ Tư, 14 tháng 2, 2018

Thảo luận: TẾT VIỆT - GIỮ TRUYỀN THỐNG TRONG HỘI NHẬP RA SAO?



Tết Việt theo kiểu hội nhập?

Hoài Hương

Tết Nguyên Đán với người Việt từ thời lập quốc mấy ngàn năm nay đã trở thành một nghi lễ đầu năm mới mang nhiều ý nghĩa cho sự trường tồn, phồn thịnh, quốc thái dân an. Đặc biệt, những phong tục trong “ba ngày Tết” đã như một di sản văn hóa truyền thống dân tộc, là một trong những cái gốc rễ để giữ được bản sắc Việt. Nhưng hình như mỗi năm mới ở thế kỷ 21, Tết Việt càng có nhiều biến tấu, truyền thống cứ xa dần, Tết được “công nghiệp hóa”, và phải chăng đó gọi là hội nhập?


Tết Nguyên Đán là khâu đầu tiên và quan trọng nhất trong hệ thống lễ hội Việt Nam, nó mang đậm nét văn hóa dân tộc sâu sắc và độc đáo, phản ánh tinh thần hòa điệu giữa con người và thiên nhiên theo chu kỳ vận hành của vũ trụ. Tết cũng là dịp để gia đình, họ hàng, làng xóm, người thân xa gần sum họp, đoàn tụ thăm hỏi, cầu chúc nhau và tưởng nhớ, tri ân ông bà tổ tiên.

Những phong tục tập quán, các nghi lễ trong “ba ngày Tết” tưởng như khó bị bào mòn bởi cơn lốc xóay tân thời thuộc thế kỷ 21, nhưng khi các khái niệm “Tòan cầu hóa”, “Thế giới phẳng”, “Công nghệ cao”, “Kinh tế thị trừơng”… bao trùm lên mọi mặt cuộc sống xã hội, thì những gì thuộc về “truyền thống”, “di sản”, “văn hóa dân tộc”, “bản sắc Việt”… cũng bị “lây nhiễm” làm cho phai nhạt, mất màu, lai tạp và thậm chí biến chất hòan tòan. Nhiều phong tục Tết đã bị “công nghiệp hóa”, và thay đổi theo chiều hướng hội nhập với thế giới.

Tết Việt và một số phong tục truyền thống

Tết Việt là một dịp sum họp gia đình, để cho những người đi làm ăn xa được về với ngôi nhà của mình, tìm sự ấm áp trong tình cảm với những người thân yêu. Nó là một hình thức “uống nước nhớ nguồn”, tìm về nguồn cội tổ tiên để giữ “nếp nhà” truyền thống của người Việt. Ba ngày Tết với những ý nghĩa khác nhau: Mùng một Tết Cha, mùng hai Tết Mẹ, mùng ba Tết Thầy, có thể hiểu đơn giản, là đi chúc Tết các bậc cao niên sinh thành, họ hàng, bạn bè thân quyến. Lễ rước vong linh Ông Bà Tổ tiên vào ngày 30 tháng Chạp, các thức ăn và trái cây được xếp thành cỗ bàn để dâng lên bàn thờ ông bà, tổ tiên. Đây là dịp cả gia đình quây quần trước vong linh cửu huyền thất tổ, ôn cố tri tân, cầu cho một năm mới như ý tốt lành.



Kể từ cái bánh chưng Lang Liêu thời Vua Hùng Vương thứ 6, thì những phong tục trong “ba ngày Tết” truyền thống dân tộc Việt đã trở thành một mặc định của nền văn hóa Việt, được giữ gìn, lưu truyền và như một di sản văn hóa của cha ông để lại cho muôn đời sau, để như một cái gốc rễ tạo nên bản sắc Việt, không để bất kỳ thế lực nào đồng hóa, thay đổi hay phá hủy. Bánh chưng hình vuông, màu xanh, tượng trưng trái Đất- âm; bánh dầy hình tròn, màu trắng, tượng trưng Trời- dương. Bánh chưng, biểu tượng cho Mẹ, bánh dầy biểu tượng Cha. Bánh chưng, bánh dầy là thức ăn trang trọng, cao quí nhất để cúng Tổ tiên, thể hiện tấm lòng uống nước nhớ nguồn, nhớ công ơn sinh thành dưỡng dục to lớn, bao la như trời đất của cha mẹ.

Ba ngày Tết chưa phải là hết Tết, mà còn là những lễ hội tiếp theo từ các ngày mùng 4 đến rằm Nguyên Tiêu, và kéo dài triền miên tạo nên một “Tháng Giêng là tháng ăn chơi”, cùng với nhiều lễ hội mùa xuân kéo dài suốt chiều dài đất nước như một phong tục không thể thiếu với người Việt.

Nhưng khi bước vào thế kỷ 21, phong tục truyền thống đã dần biến đổi, nhất là khi phạm trù “hội nhập” là xu thế chung toàn cầu, các yếu tố “ngoại” chen vào ảnh hưởng, và nhiều “di sản” phong tục Tết Việt truyền thống đều bị gia giảm, thậm chí biến mất.

Món ăn truyền thống Tết được “công nghiệp hóa”.

Ở một góc độ nào đó, Tết Việt đã dần mất đi phong cách truyền thống xưa, không những thế, nhiều phong tục cũng dần biến đổi theo sự phát triển của nền kinh tế thị trường. Riêng mâm cỗ ngày Tết cho dù vẫn giữ nguyên phong tục truyền thống thì đã rất khác xưa, không chỉ là “công nghiệp hóa” từng món ăn, mà trong thực đơn mâm cỗ đã có nhiều món sơn hào hải vị mới lạ của các quốc gia lân bang.

Bánh chưng Lang Liêu giờ ít nhà gói, nấu…, cứ ra siêu thị hay các cửa hàng mà đặt, bao nhiêu cũng có, đủ cỡ to, nhỏ. Bánh chưng bây giờ được sản xuất như một món hàng thực phẩm đóng gói ăn liền, bày bán đại trà trong siêu thị với những công nghệ làm bánh được “tự động hóa”. Vẫn là lá dong gói bên trong, nhưng mỗi cái bánh được ép chân không trong một lớp nhựa polimer trong để tránh bị hư khi vận chuyển.

Giò chả cũng tình trạng y như thế, không phải là lá chuối truyền thống, mà được gói bằng một lớp nhựa polimer trong, bọc ngòai một lớp polimer nhuộm màu xanh tạo hình như lá chuối. Giò chả không phải giã thịt bằng chày trong cối đá, mà được xay nhuyễn trong một cối máy công nghiệp, mỗi mẻ giò đưôc tính hàng tấn thịt, chứ không phải vài chục kg. Rồi thì bánh mứt các lọai, ê hề tràn lan, thậm chí ở dọc vỉa hè cũng bày bán mứt.. Ai cần gì những bàn tay khéo của các cô gái, các bà nội trợ cắt cắt, gọt gọt, tỉ mẩn bên những khay bí, gừng, quất, dừa…. Ra chợ, “trong vòng một nốt nhạc”, mứt gì cũng có, vừa đẹp vừa không tốn công.


Những món ăn truyền thống trên mâm cỗ theo tục lệ “bốn bát, sáu đĩa” hay “sáu bát, tám đĩa”, theo càn khôn trời đất đúng phép: Âm- Dương hòa hợp, Thiên- Địa- Nhân kết giao, Ngũ hành Kim- Mộc- Thủy- Hỏa- Thổ tương sinh…, ngày trước có khi phải chuẩn bị cả tháng, hay chí ít cũng phải vào bếp vài ngày trước, nay đều được “công nghệ thực phẩm” theo chuẩn chế biến sẵn, chỉ mất vài phút cho vào lò vi sóng là có đủ “mâm cao, cỗ đầy”, bày biện lên mâm, khỏi lôi thôi bếp núc, lại còn không sợ lỡ vụng tay làm hỏng món nấu.

Sự hội nhập có lẽ rõ ràng nhất được thể hiện ở lễ vật bày trên bàn thờ Ông Bà. Gần như bàn thơ nhà nào cũng có ít nhất một vật phẩm có xuất xứ “ngoại” như bánh mứt, rượu, trái cây…, Một số gia đình dư giả, có khi chỉ có cành đào cành mai là “của nội”, còn không có thứ gì “made in Vietnam”, thậm chí còn toàn những loại vật phẩm “đặc sản” của các quốc gia tụ hội. Ở chừng mực nào đó, có thể nói nhìn lễ vật trên bàn thờ có thể biết gia chủ làm ăn năm cũ thế nào và ước vọng năm mới ra sao.

Nhưng chính cái sự “công nghiệp hóa”, hay “hội nhập” đó đã làm hỏng tính chất đẹp đẽ thi vị nhiều ý nghĩa của các món ăn truyền thống trong ngày Tết.

Phong tục truyền thống bị biến chất

Phong tục ngày Tết xuất phát từ ước nguyện một năm mới mưa thuận gió hòa, ấm no, hạnh phúc, an lạc, thái bình, thịnh vượng, trừơng tồn cho bản thân, gia tộc, đồng bào, đất nước… Nhưng rồi, do những xô đẩy du nhập của nhiều luồng văn hóa khác nhau, không có chọn lọc, lại thêm chính sự tha hóa của con người, không đủ kiến văn để cho bản thân một cái “font” đạo đức , đã tạo nên sự “dị dạng”, biến chất của những tập tục văn hóa truyền thống tốt đẹp trong “ba ngày Tết”.

Hái lộc đầu xuân, hay “tống cựu nghênh tân”, là một phong tục đẹp mang ý nghĩa một sự mới mẻ, thanh tân, một niềm tin vào sự sinh sôi nảy nở phát đạt trong năm mới. Nhưng vài năm trở lại đây, phong tục này bị biến tướng thành một trò phá họai đêm giao thừa của những người thừa học vấn mà thiếu văn hóa. Qua một đêm, cây cối xơ xác, các cây hoa trong công viên trơ trụi, những cây non bị bẻ cành gãy gục chết yểu ngay trong mùa xuân.…

Tục “lì xì” chúc thọ ông bà, hay mừng tuổi con cháu, món tiền chỉ là tượng trưng, không nặng về vật chất, miễn sao đồng tiền mới, phẳng phiu, không dùng tiền cũ nát... Ngày nay, đây có lẽ là phong tục bị "thương mại hóa" nhiều nhất, biến tướng thành phong bao cho các sếp lớn với giá trị “không đếm được”, lì xì biến thành một thứ hối lộ công khai, tạo tiền đề cho sự tham nhũng trong năm mới.

Rồi những phong tục đi lễ Chùa đầu năm, hay các lễ hội xuân, thì biến thành những hủ tục mê tín dị đoan, buôn Thần bán Thánh, phô bày các kiểu thiếu văn minh, văn hóa. Những chốn thiền tự linh thiêng, người ta vẫn giết thịt “sát sinh” và ăn uống “mặn” chẳng kiêng gì, mâm lễ các thần linh cũng mang cả rượu ngoại, thịt gia cầm gia súc vào lễ… Chất linh thiêng đã bị “trần tục” hóa.

Tục xin chữ, cho chữ đầu năm dù được phục hồi lại và có chiều ngày càng phát triền, nhưng lại bị “thương mại hóa” trờ thành mua bán chữ trong ngày Tết, thậm chí ở ngay “cửa” Khổng, chưa kể nhiều kẻ trục lợi chữ Thánh hiền, kém hiều biết văn hóa của phong tục, xem đây như một nghề kinh doanh, nên bất chấp “văn hóa cho chữ” ngày Tết, làm xấu đi một phong tục đẹp.

Tuyền thống hay hiện đại?

Câu hỏi tưởng chừng rất dễ để trả lời, vì hiện thực xã hội đã thấy “Tây hóa” khá nhiều. Như một nghịch lý, trên truyền thông hàng ngày thừờng có những chuyên mục để hướng mọi người hãy luôn giữ gìn bản sắc truyền thống dân tộc, quảng bá những tinh hoa của văn hóa dân tộc cả vật thể- phi vật thể… Nhưng có lẽ chỉ có cộng đồng người Việt ở nước ngòai thì mới chú tâm, và luôn có ý thức về vốn di sản văn hóa truyền thống. Họ tìm về nguồn cội, trân trọng từng tập tục, nghi lễ… Trong khi người Việt tại Việt Nam thì cứ muốn lai tạp mọi thứ, biến dạng nhiều thứ, làm cho những phong tực Tết truyền thống càng ngày càng biến tướng, mất đi ý nghĩa linh thiêng.

Đã có nhiều ý kiến của các nhà văn hóa học, dân tộc học… cho rằng Tết Việt chỉ nên như một ngày lể cổ truyền, như các ngày lễ dân gian khác, không nên rình rang, kéo dài, lãng phí “tòan tập”. Hãy noi gương một số quôc gia châu Á lân bang, họ đã “tòan cầu hóa” ăn Tết dương lịch như Tây. Ở các thành phố lớn, Tết Việt bây giờ cũng đã có nhiều thay đổi theo chiều hướng “Tây hóa”. Đặc biệt ở TP.HCM, có lẽ do vị trí địa, lịch sử nên là nơi du nhập nhiều luồng văn hóa khác nhau, bản chất có sự phóng khoáng và ít bị ảnh hưởng bởi các phong tục truyền thống Việt, nên Tết là một dịp để nghỉ ngơi, thư giãn, đi du lịch. Và không lấy làm lạ, mỗi khi sắp vào Tết, các tour du lịch lữ hành ở Miền Nam làm ăn khấm khá, vì đây là dịp “hốt bạc” của khách Sài Gòn đi du lịch trong Nam ngoài Băc, ra nước ngoài…

Nhưng cũng có nhiều ý kiến phản bác, Tết Việt là một truyền thống, một nghi lễ linh thiêng của dân tộc Việt mang nhiều ý nghĩa, như linh hồn Việt của cha ông xưa truyền lại cho các thế hệ, để mãi mãi một nứơc Việt độc lập, tự do, hòa bình, hạnh phúc, vững mạnh, trừong tồn. Không thể bỏ!

Nhưng, nếu muốn giữ truyền thống thì có nên “công nghiệp hóa” Tết Việt như hiện tại theo kiểu “hội nhập” lai tạp? Nếu Tết Việt cứ dần phai sắc, nhạt màu truyền thống, chỉ như một showbiz mang tính toàn quốc như “đến hẹn lại lên” thì Tết Việt trong tương lai sẽ ra sao? Truyền thống hay không còn mang bản sắc nguyên thủy của Tết Việt?

Và lúc đó có còn là Tết Việt?

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét