Thứ Tư, 14 tháng 2, 2018

GS Nguyễn Đăng Hưng: NHỮNG CÁI TẾT THA HƯƠNG

GS. Nguyễn Đăng Hưng. Ảnh: Internet.

NHỮNG CÁI TẾT THA HƯƠNG

GS Nguyễn Đăng Hưng

Phải đi ra sống ở nước ngoài mới thấm thía cái Tết nó quan trọng thế nào đối với một người có tâm hồn Việt Nam. Tôi cảm nhận điều này trong suốt quảng đời 50 năm sống ở Châu Âu. Những ngày đầu tôi sang Liège, những thập niên sáu mươi, người Việt định cư chỉ lưa thưa vài gia đình, chẳng thấy ai chuẩn bị lo đón Tết âm lịch. Họ đã ăn Noel và Tết Tây rồi như người bản xứ. Tết âm lịch đến thường trong giai đoạn sau những ngày nghỉ Noel dài, phải cật lực trở lại với công việc bình thường. Đối với bọn sinh viên chúng tôi đây là giai đọan thi lục cá nguyệt, có ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả cuối năm…


TẾT TRONG KÝ ỨC

Nhưng với tôi, cái Tết như nằm trong huyết quản. Hễ được thư gia đình, bạn bè nói đến Tết là tôi mường tượng ra những ngày ấy, ngày gia đình hội ngộ, cúng giỗ ông bà, thăm viếng gia tộc. Thời trẻ những cái Tết đã để lại trong tâm khảm tôi những hình ảnh vô cùng êm đềm. Cứ phải trông mãi mà Tết không đến…Thế là những năm đầu sang Bỉ, tôi đã ăn Tết trong tưởng tượng!

ĂN TẾT Ở PARIS

Mấy năm sau đi tìm thực tế, tôi lần mò sang Paris, cách Liège gần 400 km có đông đảo người Việt định cư. Năm nào cũng vậy Tết Nguyên Đán ở Paris thật là hoành tráng! Có bao nhiêu xu hướng chính trị là có bấy nhiêu cái Tết. Nhưng dù là xu hướng nào, hương vị ngày Tết không bao giờ thiếu: báo xuân, bánh chưng, hạt dưa, hộp mứt, thẻ pháo, câu đối, sân khấu văn nghệ với nhũng tiết mục cổ truyền và đương đại : múa lân, sớ Táo Quân, bài chòi. Có thể nói tổ chức lễ hội Tết là sinh hoạt quan trọng bậc nhất của các thế lực chính tri có hoạt động tại Paris. Phần tôi, tôi thường cố tình lưu lại Paris ít ra ba ngày với nhã ý thăm viếng bè bạn, xông nhà, xông đất. Tôi cũng tranh thủ mua sắm những thức ăn ngày Tết có bán tại Paris quận 11 trong những siêu thị thực phẩm châu Á: Bánh chưng, dưa món, mứt gừng, mứt dừa, hạt dưa…

ĂN TẾT TẠI LIÈGE 

Sau năm 1968, những biến động chính trị tại Việt Nam, nhất là lập trường của Tổng Thống Pháp Charles de Gaule làm phật lòng chính quyền Sài Gòn, du học sinh không được sang Pháp nữa. Vì Liège là thành phố nói tiếng Pháp thứ hai tại Bỉ, du học sinhViệt Nam sang đây tăng vọt. Chúng tôi quyết định thành lập Hội sinh viên Việt Nam tại Liège, mà tôi được bầu là Hội Trưởng sáng lập. Nhiệm vụ đầu tiên của Ban Chấp Hành là tổ chức một buổi lễ Tết. Nhiệm vụ này thật phức tạp khi chúng tôi mong mỏi có được hương vị của ngày Tết Việt Nam. Việc đầu tiên là ra cho được một tờ báo Xuân… Thế là chúng tôi phải chia nhau viết bài với những chương mục không thể thiếu như sớ táo quân, câu đối ngày Tết, thi ca đón Xuân.. Thời ấy chưa có máy tính, máy in, cách duy nhất là dùng máy in ronéo của Hiệp hội sinh viên Bỉ. Tôi đã trở thành nhà điều hành, biên tập viên, họa sĩ thiết kế bìa, trang trí, thợ đánh máy chữ, thợ in… 

Ngày ra mắt báo Xuân cũng là ngày dạ tiệc mừng Xuân, không thể đúng là đêm giao thừa vì phải chọn ngày cuối tuần cho tiện việc đi lại của du học sinh từ các thành phố khác của nước Bỉ. Phòng lễ hội tràn đầy khách ngồi, du học sinh không thiếu một ai, có cả bè bạn người Bỉ và du học sinh quốc tế : Người Bắc Phi, người Trung Phi, người Trung và Viễn Đông châu Á… 

Các tiết mục văn nghệ, các món ăn dạ tiệc là những chi tiết khó gỉải quyết nhất của chúng tôi : Làm gì thì làm, phải thể hiện phong cách Việt Nam ở xứ lạ quê người. Thức ăn có thể qua Paris mua nhưng nhân sự văn nghệ thì phải dùng ngay cây nhà lá vườn. Phải nói chính trong hoàn cảnh hạn hẹp này mới thấy người Việt Nam có tinh thần văn nghệ cao: Người hát tân nhạc Xuân, người hát vọng cổ, người ngâm thơ, đọc sớ, người đánh Piano, người chơi Guitar, kịch bản tươi rói toàn là dân a ma tơ thể hiện… Thế mà Giáo sư thầy tôi Fraijs de Veubeke ngồi gần tôi trầm trồ khen hay và lạ !!!

ĂN TẾT CONGO 

Năm 1982, để tìm lại khí hậu nhiệt đới Việt Nam tôi quyết định ký hợp đồng với chính phủ Bỉ sang Congo Kinshasa (thuộc địa cũ của Bỉ) thỉnh giảng thường trực trong thời gian gần 4 năm (1982-1985).

Tại đây, tôi có dịp được làm quen với một số gia đình Việt Nam. Họ là những chuyên gia cấp cao rất cần cho sự phát triển của xứ này. Thí dụ anh C. từng là tốt nghiệp trường cầu đường (Ecole des ponts) Paris, từng làm Giám đốc nha kế hoạch thời TT Nguyễn Văn Thiệu, sang Thái Lan rồi qua Pháp định cư. Anh có hợp đồng lương ngất ngưởng với ngân hàng thế giới, được cử sang Congo tổ chức thiết kế hệ thống giao thông của Congo. Anh Ch. từng là hiệu trưởng trường Nông Lâm Thủ Đức, sang Mã Lai rồi định cư tại Nam California được Bộ hợp tác quốc tế Mỹ gởi sang làm cố vấn cho Bộ nông nghiệp chăn nuôi. Anh Th. từng là giám độc một ngân hàng tại Sài Gòn, định cư tại Thụy Sỹ nay qua Congo làm cố vấn cho bộ tài chính… Anh Q. là chuyên gia máy tinh IBM tại Sài Gòn nay là Giám đốc công ty IBM tại Kinshasa… Còn tôi là giáo sư đại học Liège nay sang Congo thỉnh giảng thường trực…

Chúng tôi mỗi người, mỗi gia đình đều có chính kiến riêng, quan điểm riêng, thay đổi tùy theo hoàn cảnh riêng của mỗi gia đình, đôi khi rất đậm nét, dấu vết của một giai đoạn gian truân và điêu linh của dân tộc. Tuy nhiên, một cách mặc nhiên chúng tôi tôn trọng nhau và khi trao đổi bàn bạc về tình hình đất nước, chúng tôi tìm ra được cái chung, những bài học lịch sử đã trải nghiệm, những đau thương mất mát đã phải nhận lãnh, những hướng đi cần thiết cho một ngày mai phát triển ấm no. Và chúng tôi ai nấy đều ngậm ngùi cho thân phận người Việt của mình: Phải qua cái xứ Congo xa xôi này mới có điều kiện ngồi sát lại gần nhau trong tình tự dân tộc. Phải đến xứ Congo mới có điều kiện thi thố được tài năng và trình độ của người chuyên gia, kẻ trí thức, thành phần đã dày công học hỏi rèn luyện từ những giảng đường, những phòng thí nghiệm của những trường đại học hiện đại và tiếng tăm trên thế giới.

Chúng tôi nhanh chóng trở thành những người bạn gần gũi, thân tình và gần như cuối tuần nào chúng tôi cũng tạo điều kiện gặp gỡ để các bà nội trợ lần lượt thi thố tài năng nấu nướng. Cũng như ở khắp nơi trên thế giới, người Việt chúng tôi tại Congo cũng lấy ẩm thực làm nền tảng cho văn hóa Việt, một phong cách ẩm thực phong phú, đa dạng và hiện đại. Các thức ăn của người Việt luôn luôn hấp dẫn bạn bè quốc tế bốn phương.

Là những chuyên gia cao cấp, chúng tôi hay giao lưu với nhân sự các tổ chức quốc tế, các đại diện ngoại giao, các quan chức cao cấp sở tại. Chúng tôi được tiếng lành là một cộng đồng nhỏ nhưng năng động và hữu hiệu trong công việc.

Rồi Đông tàn Xuân đến, ngày Tết cận kề, chúng tôi cùng nhau lên kế hoạch tổ chức một tiệc Tết Nguyên Đán linh đình tại Kinshasa. Chúng tôi liên lạc với các bạn bè Đông Nam Á như người Mã Lai, người Singapore mở rộng ban tổ chức. Và năm ấy tại Kinshasa đã có một Tết Âm lịch hoành tráng qui mô, không thiếu một thứ gì gọi là truyền thống Viễn Đông có cả phần trình diễn văn nghệ.

Riêng người Việt Nam chúng tôi, Tết Congo như vậy đã trở thành một cái Tết đầy màu sắc Việt Nam, một cái Tết tha hương ấn tượng.


Tết Congo đối với tôi không phải là sự kiện không hề xảy ra như ngôn ngữ mỉa mai của người Việt mà là một cái Tết có thật, đầy hương vị Việt Nam !




3 nhận xét :

  1. Ai người Việt dù xa dù gần mà không nhớ, không nghĩ đến Tết Việt là loại vong ân với Tiên Tổ.
    Thế mà có kẻ còn định/muốn bỏ Tết Việt !

    Trả lờiXóa
  2. Tôi rất cảm phục những người Việt xa xứ như GS Nguyễn đăng Hưng không bao giờ quên nguồn cội , lại còn phát huy nó xứ người . Đi đâu, ở nơi đâu cũng vẫn là người Việt . Là người Việt không thể quên ngày Tết  L . Có điều kiện một chút , dù rất nhỏ bé như số người Việt Kiều rất ít, nhưng vẫn cố gắng khơi dậy tinh thần người Việt trong dịp Tết để nhớ tới quê nhà , để không quên mình là người Việt . Muốn như thế thì ngay khi ở quê hương đã thấm nhuần tinh thần quê hương, đã từng hoạt động cho những sinh hoạt Xuân như gói Bánh chưng, bánh tét, ra báo xuân , thuộc một số bài hát Xuân có chút tài năng và nhật là tinh thần hăng hái, không ngại khó để tổ chức ra buổi Họp Mặt Mừng Xuân với món đã được chuẩn bị . Nhất là giới nữ phải có được những tà áo dài, con trẻ và người lớn bận quốc phục khăn đống áo dài đủ mầu sắc thì quá tuyệt ! Hoan hô GS Nguyễn đăng Hưng ! Con người Việt Nam bất tuyệt !

    Trả lờiXóa
  3. Tết này người dân oan mất đất tha hương ngay chính nơi chôn nhau cắt rốn của mình.

    Trả lờiXóa