Chủ Nhật, 25 tháng 2, 2018

ĐỐT VÀNG MÃ VÔ TỘI VẠ, VÌ MÊ MUỘI CUỒNG TÍN VÀ GANH ĐUA


Chuyên gia Hán Nôm:
'Đốt vàng mã vô tội vạ vì mê muội cuồng tín, ganh đua'


VTC
Chủ nhật , 25/02/2018 08:09 AM GMT+7

(VTC News) - Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện cho rằng, người dân hoặc là vì mê muội cuồng tín, hoặc vì ganh đua, nên đốt vàng mã vô tội vạ trong các cuộc lễ bái, cầu cúng, hầu đồng.


Mới đây, Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam có công văn đề nghị chư tôn đức tăng ni trên cả nước nêu cao tinh thần Bồ tát đạo, hướng dẫn đồng bào Phật tử và bà con loại bỏ mê tín dị đoan, đốt vàng mã tại các cơ sở thờ tự Phật giáo và các hình thức khác trái với thuần phong mỹ tục, văn hóa dân tộc và văn hóa Phật giáo Việt Nam.

Chỉ đạo là như vậy, thế nhưng liệu việc thực hiện công văn trên có phải là đơn giản khi việc đốt vàng mã đã ăn sâu tiềm thức tín ngưỡng của nhiều người dân Việt Nam?

Trả lời VTC News về vấn đề này, tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện - Viện nghiên cứu Hán Nôm Việt Nam cho rằng, công văn này được ban hành lúc này là quá muộn. Nhưng muộn còn hơn không. Bên cạnh đó, ông cũng đưa ra những phân tích cụ thể để thấy rằng việc thực hiện "lệnh" cấm đốt vàng mã của Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam sẽ gặp nhiều khó khăn

- Theo ông, tục đốt vàng mã của người Việt bắt nguồn từ đâu?
 
Theo khảo cứu của Hòa thượng Tố Liên, cũng như của nhiều học giả xưa nay, nguồn gốc đốt vàng mã là từ Trung Hoa.

Theo đó, thời thượng cổ tục tuẫn táng (chôn người sống theo người chết) rất phổ biến ở Trung Quốc. Sau thấy việc này đau thương quá, nên người ta làm ra các hình nhân bằng giấy để thay thế, lâu dần thành ra tục lệ trong dân gian.

Ngoài tục tuẫn táng, còn chôn theo nhiều đồ quý như vàng bạc, ngọc lụa, voi ngựa… Sau đó người ta cũng làm các đồ bằng giấy thay thế cho vật thật. Đó là nguồn gốc tục đốt vàng mã. Tục này lưu truyền rộng khắp Trung Hoa và truyền đến nước ta đã từ lâu.

- Mới đây, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã có công văn cấm những cơ sở thờ tự của Phật giáo ở Việt Nam đốt vàng mã. Ông đánh giá như thế nào về chủ trương này của Giáo hội?

Tôi hoan nghênh chủ trương của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, và tôi nghĩ công văn này được ban hành lúc này là quá muộn. Nhưng muộn còn hơn không. Phật giáo không chủ trương đốt vàng mã.

Tuy nhiên, tôi không nghĩ là công văn này sẽ được thực hiện nghiêm bởi hai lẽ:

Thứ nhất, việc cấm đốt vàng mã này chỉ áp dụng đối với các cơ sở thờ tự thuộc quản lý của Giáo hội Phật giáo VN, chứ không phải là cấm đối với tư gia các Phật tử, các đền, miếu, đình, quán… Vì thế, Phật tử vẫn cứ đốt vàng mã ở nhà, ở đình đền.

Thứ hai, ngay trong khuôn viên chùa, phía sau thường có điện thờ Mẫu, còn gọi là nhà Mẫu, là nơi thờ Tam tòa Tứ Phủ của tín ngưỡng thờ Mẫu. Và nơi thờ Mẫu vẫn thực hành nghi lễ lên đồng, hầu đồng. Hầu đồng thường vẫn có dâng mã, đốt vàng mã. Vậy thì, việc đó thực hiện thế nào, tôi không thấy công văn nhắc đến.

Việc cấm đốt vàng mã ở chùa Phật là đáng hoan nghênh và Phật tử cùng Chư tôn hòa thượng, đại đức, tăng ni nên chấp hành để việc thờ Phật được trang nghiêm, đúng nghi lễ. Nhưng tôi e rằng việc thực hiện sẽ rất khó khăn.
.

 
Tiến sĩ Hán Nôm lo ngại việc cấm đốt vàng mã sẽ không được thực hiện nghiêm. 

- Nhiều người cho rằng, đốt vàng mã thể hiện tình nghĩa sâu nặng của người còn sống với người đã khuất, giữa con người với thần linh, ông có suy nghĩ gì về quan điểm này?


Nói đốt vàng mã là thể hiện tình nghĩa sâu nặng đối với người đã quá cố và thần linh chỉ là cách biện hộ mà thôi. Việc đốt vàng mã cúng thần linh và tổ tiên chỉ mang lại cho chút an tâm trong lòng người cúng mà thôi.

Trong truyền thống, người dân nước ta bao đời nay vẫn đốt vàng mã khi cúng tế, nhưng dân gian thường nói “lễ bạc lòng thành”, sách cổ dạy “thần hưởng vu thành”, tức là thần thánh hưởng nhận cái thành tâm của người dâng cúng chứ không ở lễ vật.

Gần đây, hoặc là vì mê muội cuồng tín, hoặc vì ganh đua, người ta đốt vàng mã vô tội vạ trong các cuộc lễ bái, cầu cúng, hầu đồng. Chính tâm lý này khiến cho việc đốt vàng mã đã vượt khỏi giới hạn thông thường của truyền thống, gây nên lãng phí lớn và tạo ra trào lưu trong những người có tín ngưỡng.

- Theo ông, có nên cấm đốt vàng mã đối với tư gia các Phật tử, các đền, miếu, đình, quán…?

Cấm tuyệt đối một phong tục bằng các biện pháp và chỉ thị hành chính chắc chắn là một sai lầm. Vì phong tục có từ lâu đời, ăn sâu vào tiềm thức người dân, nếu áp dụng cấm đoán cứng nhắc là rất khó, sẽ sinh ra việc lén lút làm và đốt vàng mã.

Đó là chưa kể đến việc cấm đoán sẽ là vi phạm vào quyền tự do tôn giáo, tự do tín ngưỡng của người dân.

Nhà nước, mà cơ quan quản lý việc này là Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch muốn làm việc này phải thực hiện một cuộc vận động lớn. Trong cuộc vận động đó, cần cho người dân biết thật đầy đủ tác hại cũng như hệ quả của việc này.

Cũng phải nói rằng, tục đốt vàng mã cũng có nhiều nét văn hóa đẹp ngưng kết, trong đó: Sự phát triển của nghề thủ công mỹ nghệ, tạo ra nhiều sản phẩm ngày càng đẹp và sáng tạo với sự tạo hình và màu sắc đẹp; giải quyết công ăn việc làm cho nhiều người; góp phần gìn giữ các di sản văn hóa phi vật thể (lên đồng, các nghi lễ cúng, các cổ tục); ...

Bên cạnh những nét đẹp văn hóa, thì tục đốt vàng mã cũng có những hạn chế đáng phê phán như: Tâm lý càng đốt nhiều càng thành tâm, đua đòi cùng sắm vàng và mã đắt tiền; hàng năm đốt hàng chục ngàn tấn giấy, gây hỏa hoạn cháy nổ, gây ô nhiễm môi trường sống...

- Xin cảm ơn ông!

.


KIM THƯỢC thực hiện

6 nhận xét :

  1. Trên thế giới không hề thấy có một quốc gia nào mà các lễ hội lại nhốn nháo, vô văn hóa, lãng phí như ở VN dưới thời CS.

    Trả lờiXóa
  2. Mê tín là tâm lý ăn sâu vào đầu óc 1 số người. Không thể nào tẩy rữa được bằng văn bản, nghị quyết. Mê tín còn khó gọt bỏ hơn khi nó gắn liền với lợi lộc (nhiều người nghĩ rằng làm hành động mê tín thì sẽ được lợi vật chất, quyền lực, sức khỏe).

    Nhưng các tổ chức tôn giáo và ban ngành nhà nước có ý muốn bài trừ mê tín thì đó là những việc nên làm. Giáo hội PGVN có văn bản cấm đốt vàng mã trong các chùa là chủ trương đúng. Còn dân chúng ở nhà đốt thì chẳng ai cấm được. Chỉ có sự giáo dục lâu dài thì mới có thể giảm bớt theo thời gian.

    Vấn đề là không biết ông nhà nước có thật sự muốn bài trừ mê tín không!

    Trả lờiXóa
  3. Nếu vàng mã, tiền âm phủ và các sản phẩm hàng mả có giá đắt tương đương vàng, tiền, hàng thật... có lẽ tệ đốt vàng mả, hàng mả sẽ giảm mạnh.

    Trả lờiXóa
  4. Vàng mã đã thành cuộc chiến . Cuộc chiến vàng mã ! Chết là đi về thế giới bên kia . Thế giới âm . Cuộc sống trên đời là thế giới dương gian . Chết là cách biệt ngàn thu, cách biệt mãi mãi với người sống . Hai con mắt nhắm, trái tim ngùng đập, hai tay buông xuôi, thân thể người chết sau mấy ngày bắt đầu phân hủy để trở về cát bụi . Thế thì lúc sống đã hưởng gì thì hưởng hết rồi. Chết còn gì nữa để hưởng . Vàng mã nhà lầu xe hơi, bạc tiền nào có mang theo được mà dùng ở thế giới bên kia ? Tùy từng tôn giáo mà cảm thông với người chết . Người theo TCG thì cầu nguyện cho Linh Hồn người quá cố . Người Phật thì mong cho LH người chết vào cõi Niết Bàn, không phải đầu thai làm kiếp trâu ngựa khổ sở. Người Hồi giáo thì về với Đức Allah . Còn người CS như Bác Hồ đi gặp Các Mác Lê Nin ! Vàng mã liệu có ích gì ?

    Trả lờiXóa
  5. Tôi không có điều kiện được ra nước ngoài nên không được chứng kiến người nước ngoài thể hiện tình cảm của mình với người chết.
    Qua phim ảnh tôi thấy Trung Quốc và Việt Nam có nhiều nét tương đồng vì cả 2 Quốc gia đều chung tín ngưỡng cùng tôn thờ đạo phật.
    Đối với các nước phương Tây và Mỹ theo đạo Thiên chúa và một số Quốc gia theo đạo Hồi, vậy nên tín ngưỡng của họ có khác, ngoài việc các con chiến đến cầu nguyện ở nhà thờ(thắp nến, không thấy họ thắp hương, đốt vàng mã) chắc chắn là họ không có cảnh lễ hội, đi chùa triền, cầu an giải hạn như Việt Nam. Thế mà họ vẫn bình yên hạnh phúc và giàu có hơn ta.
    Đã đến lúc ta phải học tập họ, không nên đốt vàng mã hàng và tiền âm phủ, không nên quá mê tín dị đoan cầu siêu, giải hạn, thờ cúng linh đình để giảm bớt tốn kém về vật chất và thì giờ tiền bạc của nhân dân như di chúc Bác Hồ đã căn dặn.

    Trả lờiXóa
  6. Người Phương Tây theo Thiên Chúa giáo, họ chỉ đi cầu nguyện ở nhà thờ, không có Hoa quả bánh trái, vàng hương hàng mã, chỉ có dăm cây nến (còn gọi đèn cày)...Không có cảnh chen chúc đi lễ hội đền chùa câu siêu giải hạn, cướp lộc cướp ấn, thế nhưng họ vẫn giàu có thành đạt, ấm no hạnh phúc...Nên học cái văn minh của người Tây.
    Cần chấm dứt ngay tệ nạn và các hủ tục lạc hậu mê tín dị đoan nghìn năm Bắc thuộc đã tiêm nhiễm ăn sâu vào đầu óc mỗi người.

    Trả lờiXóa