Thứ Sáu, 16 tháng 2, 2018

NHỮNG NGƯỜI KHỔ VÌ NỖI NHỤC MẤT NƯỚC

Mang mùa xuân đến quần đảo Trường Sa - Ảnh: Diệp Đức Minh 
 
Những người khổ vì nỗi nhục mất nước

Một Thế Giới
16/02/2018 07:58
Ông bà Trịnh Văn Bô là tấm gương điển hình của cả một thế hệ sẵn sàng dâng hiến tất cả cho nền độc lập của Tổ quốc. Có tất cả, cơ đồ sự nghiệp, gia đình, tiền bạc, cuộc sống vật chất rất sung sướng, họ vẫn thấy khổ, như lời bà Trịnh Văn Bô trả lời Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Cháu vẫn có một điều khổ, đó là nỗi nhục mất nước". Nỗi khổ, nỗi nhục đó dẫn tới tinh thần dâng hiến không tính toán…

Trong năm 2017, khi bà Hoàng Thị Minh Hồ qua đời, báo chí đưa tin trân trọng. Bà Minh Hồ là phu nhân ông Trịnh Văn Bô, hai người đã tặng chính phủ kháng chiến năm 1945-1946 hơn năm ngàn lượng vàng. Tôi chưa từng được gặp gỡ hai cụ, nhưng tên tuổi hai cụ khá gần gũi từ những ngày còn nhỏ...

Những năm đầu thập niên 1960, tôi thường nghe người lớn trong gia đình kể về tấm gương của những người xả thân vì độc lập Tổ quốc. Trong những tấm gương đó, ngoài những người “đem thân đền nợ nước” như Phan Đình Phùng, Trương Định, Thủ Khoa Huân, Đốc Binh Kiều, Lương Ngọc Quyến, Đội Cấn, Nguyễn Thái Học và 13 liệt sĩ đồng chí của ông... mà tên tuổi được đưa vào chương trình học, còn là những người bỏ cả gia tài rất lớn, vị trí rất cao trong xã hội để theo kháng chiến. Những cái tên như Nguyễn An Ninh, Tạ Thu Thâu, Thái Văn Lung, bà Cát Hanh Long Nguyễn Thị Năm, gia đình các ông bà Trịnh Văn Bô, Đỗ Đình Thiện, đốc phủ sứ Phan Văn Chương... cùng rất nhiều điền chủ hay công chức Nam Kỳ hiến cả tài sản, rời bỏ chức vụ, vị trí cao cấp để theo kháng chiến (gia đình tôi ở miền Nam nên biết nhiều trường hợp trong Nam hơn)... Trường hợp đốc phủ sứ Phan Văn Chương cho thấy khí tiết của người yêu nước không màng danh lợi: đương chức Đô trưởng Sài Gòn, ông cho niêm phong công sản, trả chức vụ và ra đi không để dính chút tai tiếng tơ hào gì.

Tổng kết những buổi nói chuyện, mẹ tôi thường nói: “Những người gia đình mình biết chỉ là vài thí dụ. Thời đó, cả nước bừng lên, hết lớp này tới lớp khác xung phong dâng mình cho nền độc lập. Thực ra dân mình sẵn có truyền thống giành độc lập, trận đói năm Ất Dậu 1945 càng thổi bùng trong dân tộc nỗi đau và nỗi nhục mất nước...”.

Theo tôi, những trường hợp nêu trên mới tiêu biểu cho tấm lòng hy sinh vì độc lập, mới là tấm gương thôi thúc, tập hợp dân chúng. Người có tài sản lớn, vị trí xã hội cao, bỏ cái mình đang có rất rất khó. Khó vì hai điều: Điều thứ nhất, tư tưởng con người chịu ảnh hưởng bởi bà con, bạn bè sống gần gũi chung quanh. Ông bà Trịnh Văn Bô đã vượt ra ngoài ràng buộc tình cảm và ý thức của môi trường đang sống để theo truyền thống giành độc lập của ông cha. Điều khó thứ hai: Thứ hai ông bà đang có là cái quá lớn bao người mơ ước: tài sản khổng lồ, vị trí rất thượng lưu, tương lai vô cùng sáng rỡ. Bỏ cái quá lớn đang có mà theo kháng chiến là rất rất khó. Người vượt qua hai cái rất khó đó mới thực là người hy sinh dấn thân vì nghĩa lớn. Một bước ra đi biết bao cân nhắc tri thức về thời cuộc, về vận mệnh tổ quốc trong tương lai!

Năm ngàn lượng vàng là tài sản rất lớn so với ngân sách của chính phủ Việt Minh những ngày mới thành lập, có lúc nó gấp gần trăm lần! Tuy nhiên, những gì mà ông bà Trịnh Văn Bô hiến tặng lớn hơn giá trị vật chất của tài sản đó rất nhiều, có thể nói là vô giá!

Mẹ tôi, người có tuổi gần với tuổi của cách mạng tháng mười Nga, kể về thời những năm 1945-1946, lúc đó thanh niên Long Xuyên và thanh niên huyện Châu Thành trong tỉnh đốt đuốc tham dự các buổi sinh hoạt do Thanh niên tiền phong tổ chức. “Trai tráng làm ruộng, học sinh, công chức... thì góp sức. Mấy ông điền chủ thì góp của. Lúc chính phủ vận động quyên góp, mấy ổng bả gom vòng vàng, xâu tiền, mâm đồng, cả lư đồng... đem cho hết. Có chứng kiến người ta nườm nượp cho mới hiểu hết tinh thần thời đó”.

Như vậy thì ông bà Trịnh Văn Bô là một tấm gương điển hình của cả một thế hệ sẵn sàng dâng hiến tất cả cho nền độc lập của Tổ quốc. Có tất cả, cơ đồ sự nghiệp, gia đình, tiền bạc, cuộc sống vật chất rất sung sướng, họ vẫn thấy khổ, như lời bà Trịnh Văn Bô trả lời Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Cháu vẫn có một điều khổ, đó là nỗi nhục mất nước".

Nỗi khổ, nỗi nhục đó dẫn tới tinh thần dâng hiến không tính toán, tất sẽ dẫn tới sẵn sàng hy sinh tính mạng trong những năm tháng tiếp theo. Đất nước Việt Nam, trong cuộc kháng chiến chín năm tiếp theo, nhìn từ nhiều mặt đều thấy máu xương hòa quyện với hào hùng. Lớp lớp tuổi thanh xuân lao vào máu lửa theo lý tưởng “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”.

Họ không sợ cái chết, chết thế nào, chết ở đâu cũng được, như nhà thơ Hoàng Cầm kể lại:

“Không ai còn ai mất
Ai cũng chết mà thôi!
Người sau kẻ trước lao vào giặc” 

Bởi vì mục tiêu của họ là: 

"Lưu lại ngàn thu một giống nòi”.


Đó chính là nhân tố căn bản nhất làm nên thắng lợi cho cuộc chiến giành độc lập của Việt Nam, có nguồn gốc từ truyền thống dân tộc ngàn năm, nằm ngay trong lòng nước Việt. Lòng hy sinh vì nước và tinh thần đoàn kết dân tộc là những gì vô giá mà thế hệ ông bà Trịnh Văn Bô dâng hiến cho Tổ quốc Việt Nam!

Tôi không nghĩ rằng đất nước chúng ta đã sử dụng tốt nhất lòng hy sinh vì nước và tinh thần đoàn kết dân tộc vô giá đó. Việt Nam đã độc lập, nhưng chưa đạt được những mục tiêu chính của nền độc lập là đất nước hùng mạnh, dân chúng ấm no, Việt Nam sánh vai cùng các cường quốc năm châu xứng đáng với tiềm năng của tài nguyên thiên nhiên và nguồn lực con người của tổ quốc.

Những ngày cuối năm tính theo lịch ta này nhiều người Việt nhớ về tấm lòng của thế hệ cách nay chưa lâu. Nhìn ra bên ngoài, thế lực hung hăng xâm lược đang quân sự hóa các đảo mới chiếm từ Việt Nam, uy hiếp toàn bộ bờ biển phía đông, tàu cá ngư dân Việt bị đuổi, tấn công, truy sát trên ngư trường Biển Đông truyền thống mà không ít người vẫn coi là chuyện chẳng liên quan đến mình, khiến thế hệ hậu sinh tự hỏi: ngọn lửa của lòng hy sinh vì độc lập và tinh thần đoàn kết dân tộc ngày đó được truyền tay tới thế hệ hiện nay như thế nào?

Nhìn vào bên trong, các giá trị đạo đức đang bị đảo lộn trên nhiều khía cạnh: tính bạo lực át chế tính khoan hòa, tính thù địch át chế lòng nhân ái bao dung, tính dối trá che lấp sự trung thực, tính ích kỷ xóa đi tình đồng bào, nạn tham nhũng tàn phá tinh thần liêm chính... Thế hệ hậu sinh lại tự hỏi: căn bản đạo đức đã khiến thế hệ ngày đó bỏ quyền lợi riêng vì nghĩa lớn, vậy thì căn bản đạo đức đó được truyền tới thế hệ nay như thế nào?

Người viết bài này thực lòng tin rằng nền đạo đức truyền thống được ông cha xây dựng và bồi đắp hàng ngàn năm có nền tảng vững chắc của nó. Nếp sống văn minh tiến bộ trên thế giới đã từng là nếp sống của dân ta cách nay chưa lâu, và vẫn đang liên tục thẩm thấu vào xã hội ta những bài học và kinh nghiệm tốt đẹp. Chúng vẫn nằm nguyên vẹn đó trong lòng xã hội, trong tâm trí người dân, vẫn chuyển biến theo dòng đời tiến hóa, chờ đợi mùa xuân nẩy lộc đâm chồi... Dân chúng ắt sẽ biết cách từng bước từng bước phủi đi lớp bụi bẩn thời cuộc để tìm lại vẻ sáng trong của tâm hồn dân tộc.

Lòng tin này xin hóa thành lời chúc mừng năm mới gửi tới các bạn đọc thân quý, sao cho thế hệ con cháu chúng ta được hưởng một môi trường sống lành mạnh tươi vui.
Lê Học Lãnh Vân

1 nhận xét :

  1. “Những người khốn khổ vì nỗi nhục mất nước”. Cảm ơn tác giả đã viết bài này, rất đúng với thực tế và rất khách quan.

    Trả lờiXóa