Thứ Sáu, 16 tháng 2, 2018

Luân Lê: CON NGỒI NHỚ NHÀ


Luân Lê
Chiều 30 Tết

CON NGỒI NHỚ NHÀ

Chiều 30 tết, nhìn cảnh người ta phá tan những chậu hoa, chậu quất bên những hè đường, nhìn cả cái cảnh cuối ngày người ta tham lam đi xin những thứ người dân ngày đêm chăm chút, đợi dịp đem ra bán những ngày cuối năm, mới thấy ở cái xứ này, thực cái gì cũng rẻ.

Người ta mất công, bỏ vốn, tốn thời gian ra vất vả để có cái mà bán, mà kiếm lời, tuy có thể nó đã được vống giá lên hơn so với ngày thường cũng như giá trị thật của nó, nhưng cũng không có nghĩa đợi đến cùng đường rồi lại ngửa tay xin xỏ người ta và coi đó là một niềm vui hay sự “không cho thì cũng bỏ đi”. Vậy là những người kiểu đó thì ngoài những thứ miễn phí ra, trong đầu họ chắc chẳng còn chút lương tâm nào hay suy nghĩ như một con người nữa. Cái lộc, cái đạo người ta vẫn đi cầu hàng ngày, vẫn nói cho nhau nghe, bỗng đi đâu cả, mà giờ rẻ mạt? Một đồng bỏ ra mua, cũng là nguyên lý tự nhiên và lẽ sống ở đời. Cớ gì xin không?

Chiều nay, cuối năm, Hà Nội vắng vẻ và thưa thớt người. Hầu hết các quán xá đóng cửa, chỉ vài người ra phố lê la vỉa hè những quán cóc trà đá còn mở để tụ tập và trò chuyện. Một vài chiếc xe ô tô lẫn xe máy chạy qua những đèn đỏ rất mau chóng. Gió vẫn thổi bung những chiếc lá khô vàng úa, xì xào trên những lát gạch.

Tôi nghĩ về quê nhà. Nhớ Mẹ, nhớ Cha, nhớ gia đình nhỏ. Chiều nay tôi về.

Tôi vừa viết những con chữ này, vừa trầm lặng nghe ca khúc Mẹ Tôi thấy lòng quay quắt lạ thường, “Mẹ ơi, con đã già rồi, con ngồi nhớ mẹ, khóc như trẻ con”...da diết quá. Giọng của An Nhiên đặc biệt và gai góc đến mức như cắt vào da thịt và xé toạc được tâm hồn người nghe, nhất là những khoảnh khắc mềm mỏng mong manh này.

“Ngày xưa Cha ngồi uống rượu, mẹ buồn xa vắng.
Nhìn cha, thương cha chí lớn không thành”. “Thế giới mênh mông, mênh mông không bằng nhà mình. Dù cho phú quý vinh quang, vinh quang không bằng có Mẹ”.

Chắc chỉ những ai còn Mẹ, còn Cha, mới có niềm vui, dù buồn xa vắng hay nhiều cay đắng hoà chan, từ những điều giản dị và đơn sơ ấy. Chiều nay, tình thân sum họp, bên nồi bánh Chưng, bên mâm cơm đầy.

Còn đây, có một người Mẹ già, những ngày cận tết, vẫn lê la trên phố nhặt lượm ve chai. Chiếc xe đạp nhỏ, chiếc giỏ nhựa rách bươm, còng lưng kiếm tìm, những vỏ ve chai, người ta bỏ lại, Mẹ nhặt cho đầy, cuộc sống long đong.

Chiều nay, tôi trở về, bên dòng sông nhỏ, cuộc đời tôi lớn!

Link ca khúc:
https://youtu.be/vvVScn8ZWRI

3 nhận xét :

  1. Cảm ơn bạn Luân Lê.
    Tôi đồng cảm với bạn.

    Trả lờiXóa
  2. Xã hội ngày nay không có chỗ cho người nghèo! Cái vỉa hè thôi cũng đã cho thấy người nghèo không được đếm xỉa. Quanh năm suốt tháng, những công ty, nhà hàng sang trọng chiếm vỉa hè cho khách hàng của họ, chỉ đến cuối năm, khi các công ty nghỉ Tết, các nhà hàng tạm đóng cửa thì người nghèo lúc ấy mới có cơ hội kiếm ăn. Chiều cuối năm những bà, những cô gầy trơ xương, trái miếng ny lông bán những mớ quần áo cũ, những đồi dép rẻ tiền, hoặc củ khoai cái bánh trong bóng đèn đường nhạt nhòa, họ ngồi đó để bán những món hàng rẻ tiền cho những người cũng nghèo như họ để rồi qua Tết lại phải rút đi, trả lại vỉa hè cho những công ty, nhà hàng sang trọng. Họ đi về đâu không ai biết, nhưng nếu còn sống sót trong cái nghèo, bệnh tật bủa vây, thì đến cuối năm sau họ lại còn được cơ hội ra vỉa hè lần nữa!

    Trả lờiXóa
  3. Rất thích đọc Luân Lê, mỗi lần đọc Luân Lê mình lại suy nghĩ rất nhiều. Luân Lê viết những điều mình thường thấy hàng ngày trong cuộc sống rồi quên đi, đọc Luân Lê như nhắc mình thức tỉnh. Văn hay, giản dị, thành thật, đầy tình người nên càng hay hơn. Chúc bạn Luân Lê càng ngày viết càng hay, và nhân dịp Tết, cũng chúc bạn mọi ước mong sẽ thành sự thật.

    Trả lờiXóa