Thứ Ba, 2 tháng 2, 2021

NGƯỜI Ở XA NHÀ - Tạp văn của Huỳnh Như Phương

Ảnh: Việt Nam Quê Tôi. Internet.

NGƯỜI Ở XA NHÀ

Huỳnh Như Phương

Khi bước chân ta lẫm chẫm tập đi trên nền nhà, ta đâu biết rằng có ngày mình sẽ đi xa khỏi căn nhà thơ ấu. Sống xa nhà là một kinh nghiệm quý giá của con người. Trừ những kẻ vô gia cư, còn những người bình thường, dù giàu sang hay nghèo khó, đêm đêm đều ngủ dưới một mái nhà. Vậy mà nhiều người có nhà, thậm chí nhà cao cửa rộng, vẫn canh cánh nỗi niềm “xa nhà”. Bởi vì nhà là biểu tượng của đoàn tụ, nơi kết nối những sợi dây tình cảm. “Nhà” không chỉ là ngôi nhà mà còn là hình ảnh thu nhỏ của quê hương, nguồn cội, là địa chỉ ghi dấu căn cước của con người.


Tạo dựng ngôi nhà nơi xa xứ là bước đầu tạo dựng một quê hương mới. Nhưng ngôi nhà mới đó không thể thay thế cho cố hương, nơi lưu dấu hình bóng tổ tiên, quê kiểng mà tâm hồn ta vẫn mang theo. Ngôi nhà mới dù ở phố thị vẫn mơ màng hướng về quê cũ, qua bàn thờ gia tiên, qua bức tranh dòng sông con đò treo trên vách, qua cây cau khóm trúc trồng phía trước sân.

Những ngôi nhà ta đã ở thành địa chỉ khai trong lý lịch của ta. Đời ta đi qua những ngôi nhà đó; một phần đời ta để lại trong những ngôi nhà đó. Nét chữ ta vẽ hằn trên bức tường, dấu khắc chiều cao của ta trên cây cột gỗ, con búp bê ta chơi khi bé còn bỏ lại một xó nhà…, tất cả là những mảnh đời dĩ vãng của ta. Xa nhà có thể là một cách kháng cự lại sự sa lầy trong quá khứ và dũng cảm đương đầu với những va đập của tương lai. Nhưng ta vẫn mơ một ngày nào đó về ngủ trên bộ phản gõ trong căn nhà của mẹ để nghe tiếng chim đêm vỗ cánh ngoài vườn mà trút bỏ những ưu phiền hiện tại.

Vì sao mỗi năm người ta ùn ùn kéo nhau về quê ăn Tết? “Ăn” Tết thì ăn ở đâu mà chả được, hà cớ gì phải về quê? Không chỉ những người tạm cư để kiếm việc làm ở các đô thị mà cả những người đã định cư lâu dài ở đây cũng chen nhau sắp hàng ở bến xe, nhà ga để có một chiếc vé về quê. Hình như cái nhà ở thành phố, dù to hay nhỏ, vẫn chỉ là “chi nhánh” cái nhà ở quê. Người ta cần có cảm giác từ trú quán trở về nguyên quán, tạm xóa bỏ trong ít ngày tâm trạng của người xa xứ.

Xa xứ là một hệ lụy của xa nhà. Nhưng xa xứ chưa phải là kinh nghiệm cay đắng so với biệt xứ. N. Hitmek nói “biệt xứ là một nghề khổ nhọc”. Người xa xứ còn giả định ngày hồi hương. Người biệt xứ thì ngày về xa hun hút. Hoàn cảnh chiến tranh, xung đột chủng tộc, xung đột giữa các nền văn minh, các ý thức hệ có thể khiến những số phận xa xứ trở thành biệt xứ. Trái đất mênh mông, nhưng “chẳng biết nơi nao là chốn quê nhà” (Trịnh Công Sơn). Xa xứ và biệt xứ có thể là một chọn lựa, một định mệnh, mà cũng có thể là một thách đố, một cơ hội thành duyên khởi cho sự nghiệp.

Nhưng dù là người xa xứ hay biệt xứ, ai ai cũng cần có một mái nhà như chim cần có tổ, chồn cần có hang. Mà muốn có nhà thì phải có đất; nhà chỉ có thể dựng trên đất chứ không ở đâu khác. Dù làm nhà trên cây như cha con “người rừng” ở Quảng Ngãi thì cũng phải có đất để cho cây mọc. Đất là “đất của con người”, là “cõi người ta”, là “quê xứ con người” (Saint-Exupéry), chứ không phải của một đám đông trừu tượng, mơ hồ nào đó. Đau đớn thay câu hỏi vang lên của một kiếp người: “Mặt đất bao la sao ta không có lấy một tấc đất cắm dùi?”.

Trên đời này những người thân thất lạc biết tìm nhau ở đâu? Tìm nhau ở một ngôi nhà. Nhưng muốn tìm thì phải có địa chỉ. Mà địa chỉ chính là dấu chỉ của đất mang tên đường phố, thôn xóm, huyện thị… Mất nhà là mất địa chỉ, mất cả đường, cả xóm, cả phố, cả thôn… Giữ nước là để giữ nhà. Mất nước thì cũng mất nhà nên có lúc cần phải đốt nhà để cứu nước. Nhưng đã giành lại được nước mà mất nhà, mất đất thì biết ăn nói làm sao với tổ tiên?

Ta ngưỡng vọng ngôi nhà đã sinh ra những danh nhân. Ta cũng ngưỡng vọng ngôi nhà của bà mẹ quê bình dị đã bằng đôi tay trần xây đắp nên một chỗ nương trú ấm áp cho đàn con. Bà mẹ đó có quyền tự hào và tự chủ về mái ấm của mình, trên mảnh đất mà mình đã cày xới, đổ mồ hôi và cả máu để gìn giữ. Tôn vinh những ngôi nhà là tôn vinh môi trường sống và không gian văn hóa của con người, qua đó mà tôn vinh chính con người. Những xã hội nhân đạo bao giờ cũng hướng đến mục tiêu làm cho mọi người đều được an trú dưới những mái nhà, ngày càng bớt đi những kẻ không nhà sống chui rúc nơi vỉa hè, gầm cầu, xó chợ.

Và làm cho con người không còn rơi vào cảnh bị cướp đất, cướp nhà, trắng tay vì thiên tai hay nhân tai, để có thể ngẩng cao đầu nói rằng đây là nhà của tôi, đất của tôi, đồng thời nói rằng đây là nước của tôi.

Huỳnh Như Phương

5 nhận xét :

  1. Thương cho những con người xa xứ và biệt xứ !!

    Trả lờiXóa
  2. Dân oan bị cướp đất là những người bị lưu đày biệt xứ! Mảnh ruộng ngày hôm qua vẫn là của mình, cả gia đình cha con chồng vợ cùng đổ mồ hôi trên luống cày đổi lấy bát cơm, thế mà ngày hôm nay lũ quan lại vô lương nó đã rào lại, cấm không cho vào! Cái quê hương nhỏ ấy nuôi sống cả gia đình bây giờ quá xa tầm với, chẳng bao giờ còn được đặt chân vào, chẳng bao giờ còn được cảm cái mùi tanh của bùn, cái mùi thơm của lúa và mùi ngai ngái của rơm rạ. Thôi vĩnh biệt quê hương, cả gia đình ra đi ăn mày!

    Trả lờiXóa
  3. Dân số VN có lẽ đến nửa nước phải tha phương . Từ 54 gần một triệu người Bắc di cư vào Nam . Sau 75 , người Bắc ùn ùn kéo vào miền Nam và Cao nguyên Trung Phần . Hàng triệu HA rừng nguyên sinh biến thành vườn rẫy . Dân số chung quanh Saigon tăng lên đột biến . Các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Bình Phước tràn ngập người Bắc ! Đã thế có hàng triệu người ra nước ngoài ! Các người Việt di cư từ 54 đến nay đã là thế hệ thứ 2, 3 , 4 . Nhiều người chẳng biết quê gốc của mình là gì . Tình hoài cố hương phai lạt dần . Có khi chẳng còn gì để nhớ . Nhớ lũy tre làng chăng ? Nay làm gì còn lũy tre làng . Nhớ con trâu đi cầy chăng ? Bây giờ hiếm lắm . Nhớ hình ảnh người đàn bà mặc váy quai cồng, đội nón quai thao ? Nhờ người đàn ông đóng khố đánh giậm ? Tất cả chỉ là dĩ vãng !
    Mà người Việt mình cũng lắm cái khổ . Lắm người trước đây 20, 30, 40 năm, ra nước ngoài nghĩ là không hẹn ngày về, bèn bốc mả đem tro cốt cha mẹ theo luôn . Nay thì ngược lại, lắm người tha hương , nay đến lúc lìa trần lại muốn trở lại cố hương để chết, hay chết rồi lại muốn gửi thân xác hoặc tro cốt nơi cố cư !

    Trả lờiXóa
  4. Hiện tại có nhiều người VN sống lưu vong ngay trên mảnh đất quê hương : không nhà cửa ruộng vườn , không hộ khẩu , đó là những người dân oan bị cướp đất , cướp nhà và một số người có tiếng nói trái chiều .

    Trả lờiXóa