Chủ Nhật, 18 tháng 2, 2018

Luân Lê: NHỮNG BÀI HỌC CẦN NHẬN THẤY


Luân Lê
 
NHỮNG BÀI HỌC CẦN NHẬN THẤY

Trong chiến tranh biên giới Việt - Trung năm 1979, các bên đã dự đoán được rằng đó là cuộc chiến “phải xảy ra”, tức không thể tránh khỏi, khi nhìn vào cục diện chính sự khu vực và quốc tế lúc ấy.

Thời điểm đó, Trung Quốc muốn có chế độ Polpot ở Campuchia thực tế là nhằm vừa có một lực lượng quấy phá cũng như vừa có thể chi phối Việt Nam trong sự gây hấn khá thường xuyên. Mặc dầu đã được Việt Nam cảnh báo và yêu cầu đàm phán nhưng không có kết quả, Việt Nam mới quyết định đánh để giải quyết tình trạng bất ổn này cho chính mình, nhưng rất tiếc đây lại là một đồng minh do Bắc Kinh trực tiếp gây dựng và ủng hộ. Nó là sự chọc tức và Trung Quốc vu cho rằng là hành động gây chiến, nên Đặng Tiểu Bình khi sang thăm Mỹ đã nói với nước này và thế giới rằng đây là cuộc chiến “tự vệ” của họ.


Nguyên nhân thứ hai khá quan trọng, đó là việc Trung Quốc thực chất đã không còn mặn mà gì với chủ nghĩa xã hội, không muốn tranh chấp thế độc quyền vị trí anh cả với Liên Xô ở trời Âu nữa, họ quyết định mở cửa, mà muốn vậy, họ phải nhờ vào các nguồn lực trực tiếp từ Mỹ, chứ không phải Liên Xô. Vì Liên Xô luôn muốn mình là người lãnh đạo và đứng đầu khối các quốc gia cộng sản chủ nghĩa, ngay cả ở châu Á và những nước láng giềng của Trung Quốc. Hơn nữa, chính Đặng Tiểu Bình là người đưa ra quan điểm “mèo trắng mèo đen”, tức đã muốn thoát ra khỏi vòng xoáy của chủ nghĩa xã hội. Vì lẽ, trước đó, chính Mao là kẻ đã nói, thực ra chẳng có chủ nghĩa nào cả, chỉ có lợi ích của đất nước mới là quan trọng nhất. Mà Đặng chính là một học trò xuất sắc của Mao, kẻ đã đánh chiếm Hoàng Sa năm 1974. Còn Đặng ra lệnh đánh không chỉ cuộc chiến biên giới Việt - Trung năm 1979 mà còn đánh chiếm đảo Gạc Ma (Trường Sa) năm 1988. Đặng cũng đã ra lệnh thảm sát Thiên An Môn năm 1989 chỉ với mục đích “đánh đổi 200.000 mạng người lấy 20 năm ổn định”.

Lý do thứ ba, đó là Đặng Tiểu Bình muốn tập quyền cũng như củng cố quyền lực tuyệt đối của mình trước khi đánh Việt Nam cho Mỹ xem, coi như một sự trả hận sau cuộc chiến tranh Việt Nam mà Mỹ rút quân năm 1973 sau Hiệp định Paris và kế đó là thống nhất đất nước. Sau cuộc cách mạng văn hoá khiến Trung Hoa trở nên phân rẽ rất lớn cũng như người dân nước này đã thực sự trở nên bệ rạc, yếu kém. Nên cần khởi động một cuộc chiến ngoài quốc gia nhằm đẩy cao tinh thần dân tộc (chủ nghĩa dân tộc, nationalism) nhằm xoá bỏ những tình trạng trên.

Hơn thế, còn một nguyên do sâu xa nữa mà ít người để ý, đó là Việt Nam muốn là một quốc gia hùng bá ở Đông Dương chứ không muốn chịu sự kiểm soát hay áp đặt của bất cứ nước nào.

Với những căn nguyên đó, cuộc chiến tranh mà Trung Quốc muốn thực hiện vốn là đã nằm sẵn trong dự tính của chúng, đã xảy ra sau một quyết định rất chóng vánh của Đặng. Vì vậy, việc cố gắng né tránh chiến tranh, bằng cách không quan sát đầy đủ và khách quan các dữ kiện, lo sợ chiến tranh xảy ra làm cho bản thân trở nên và trong trạng thái luôn nhún nhường, sẽ lại chỉ càng làm cho những tên bành trướng có thêm động lực để uy hiếp, đe doạ và thậm chí đánh dằn mặt chính kẻ mềm yếu đó.

Chính Winston đã nói, không có đồng minh hay kẻ thù vĩnh viễn, mà chỉ có lợi ích quốc gia là trường tồn. Nên tuỳ vào từng hoàn cảnh và điều kiện để có những đối sách phù hợp. Nhưng Winston cũng nói, né tránh chiến tranh bằng cách chịu nhục thì rồi sẽ lãnh đủ cả hai, cả chiến tranh và sự nhục nhã. Điều này chính nước Anh (bị Đức tấn công) và Mỹ (bị Nhật đánh úp) thấm thía nhất vào thế chiến thứ 2. Ngay cả Liên Xô cũng có một bài học đau đớn về điều đó khi mà họ đã âm thầm ký thoả ước hoà đàm không xâm lược lẫn nhau với Đức mà rồi lại bị Hitler đánh chiếm sâu vào lãnh thổ đến cả thành phố Stalingrad và với hơn chục triệu người chết.

Việt Nam là một quốc gia có truyền thống lịch sử vệ quốc chống quân xâm lược, Việt Nam chưa khi nào thực sự chủ động phát động bất kể một cuộc chiến tranh nào với bất kỳ quốc gia nào khác. Trong lịch sử đánh nhau với phương Bắc, các vua, hoàng đế trong lịch sử thường khôn khéo trong quan hệ ngoại giao nhưng lại cương quyết trong các quyết định quân sự hoặc tuyên ngôn về chủ quyền đất nước. Đọc Nam Quốc Sơn Hà của Lý Thường Kiệt thì có thể thấy ngay được sự cương quyết và lộ ý hết sức rõ ràng của nó.

Chúng ta, không chỉ trong quan hệ cá nhân, người với người, mà còn giữa các quốc gia với nhau, cần lưu tâm một vấn đề cực kỳ quan trọng trong hành xử, đó là thái độ và hành xử của ta sẽ trực tiếp quyết định đến thái độ và hành xử của đối phương. Thái độ và hành xử của ta là nguyên nhân cốt yếu nhất dẫn đến hậu quả về thái độ và hành xử của người khác đối với mình.

Thế nên, nếu muốn được bạn bè hay các quốc gia khác tôn trọng, thì buộc lòng chính quốc gia đó phải có hành xử tốt đẹp đối với dân chúng của mình, chính nhà cầm quyền phải luôn để người dân được biểu lộ tình yêu quê hương, tổ quốc, tình đoàn kết với đồng bào của mình, không được ngăn cấm, phá rối những ngày tưởng niệm những người đã ngã xuống dù ở bên nào chiến tuyên, dù ở bất cứ cuộc chiến nào hay không được phép để cho những hành vi, những hoạt động mang sự phi nhân tính diễn ra công khai trước những sự kiện lịch sử quan trọng của dân tộc. Luôn phải khách quan, trung thực với lịch sử, tôn vinh những giá trị thiêng liêng, cao quý và những hy sinh xương máu của những người trong cùng một dân tộc. Phải dạy các thế hệ biết trân quý và yêu thương đồng bào mình, không được gây chia rẽ cũng như sự hận thù chỉ vì khác ý thức hệ hay vì là một bên thất bại trong một cuộc nội chiến. Không được lãng quên hay để những người trẻ nhận thức lệch lạc, mang những giá trị lịch sử ra để chà đạp, đay nghiến, nhục mạ bên còn lại. Vì như thế thì những quốc gia khác sẽ coi khinh một đất nước không trung thực với lịch sử, không biết tôn trọng chính bản thân mình.

Đối đã với lịch sử ra sao, tương lai sẽ đối đãi với bạn lớn hơn gấp nhiều lần như thế.

Ảnh đầu tiên: Những kẻ nhảy nhót và khiêu vũ sáng ngày 17/2/2018 - ngày tưởng niệm xảy ra cuộc chiến vệ quốc đầy đau thương với hàng chục ngàn người đã chết và bị giết hại một cách dã man 39 năm trước từ quân xâm lược - tại tượng đài Lý Thái Tổ, nơi mà người dân Thủ Đô thường tới đặt hoa và hoặc hương tưởng niệm các liệt sỹ, những người hy sinh trong các cuộc chiến.

.



8 nhận xét :

  1. Ôi! Môi sứt răng khểnh!

    Trả lờiXóa
  2. Thế mà ngày 19 - 2 mấy con 'đĩ dài đĩ dạc, bấy lâu nay đã toác toạc toàng toang' cùng mấy thằng đĩ đực ra đấy mà uốn éo chiếm chỗ để những người nặng lòng với đất nước đến thắp hương tưởng niêm những anh hùng liệt sĩ chống Tàu. Với bọn này hết thuốc chữa, sẽ quả báo, quả báo.

    Trả lờiXóa
  3. Không biết mấy bọn rửng mỡ này có xấu hổ với con cháu họ không nhỉ?

    Trả lờiXóa
  4. Xem những bức ảnh này mà lòng quặn đau...

    Trả lờiXóa
  5. Ông Trọng nghĩ thế nào về Trung Quốc? Ông Trọng có nói với Trung Quốc vè những tội ác nó đã gây ra cho người Việt Nam không?

    Trả lờiXóa
  6. Bản luân vũ của kẻ xâm lược . Kẻ thắng trân tự ban cho mình cái quyền vui chơi nhảy múa trên xác chết kẻ thù . Nhưng những kẻ sắp chêt mà vẫn tưởng mình bất tử cũng khiêu vũ trên boong tầu Titanic trước khi con tầu chìm xuống biển ! Đó là bản valse dans l'ombre (bản luân vũ trong bóng tối) hay bản luân vũ của Tử Thần Valse de la Mort ! Những cặp ôm nhau nhảy có cả kẻ đầu bạc trước Tượng Đài Lý Thái Tổ ngày 17 tháng 2 năm 2018 đang nhảy bản Luân Vũ của Tử Thần, phản bội 6 vạn sinh linh là con Dân nước Việt ngã xuống trước gót giày xâm lăng của 60 van quân thù năm 1979 !
    Ô nhục và ô nhục !

    Trả lờiXóa
  7. Nên viết tên họ chính xác của một vỹ nhân: Winston Churchill!
    Nên biết Winston không phải là họ mà chỉ là tên, như Robert, John... Chỉ dùng tên bỏ lửng là thiếu lịch sự với một nhân vật lịch sử được cả thế giới nể trọng!

    Trả lờiXóa
  8. ai cũng biết những câu chuyện bành trướng của tụi lưu manh tầu cộng không hề được nhắc tới trong sách giáo khoa, không hề được hé lộ bởi nhóm lợi ích .... liệu có hay không việc họ (đồng bào Vn) không biết do quá bận rộn cho cuộc sống mưu sinh, mà chỉ nghe những tin tức (có thật) từ những người bị tụi lưu manh đặt cho danh hiệu "thế lực thù địch"??? nếu quả thật là vậy thì có lẽ chiến thuật đưa tìn tức tới dân cần được cân nhắc để điều chỉnh lại.

    Trả lờiXóa