Tùy bút của Hoài Hương
Câu đối-Hoa-Rượu là những phẩm vật tinh thần-vật chất không thể thiếu trong không khí ngày xuân của người Việt Nm. Nó như một sứ giả dẫn dắt và giao lưu giữa con người đương đại với tổ tiên và vạn vật, nhất là vào thời khắc Trời-Đất giao hòa.
Nước Việt ta có nền văn minh lúa nước, làm nông, nên rượu Việt truyền thống gần như được làm ra từ ngũ cốc: lúa, ngô, sắn,... Mỗi nơi cho ra một loại rượu khác nhau, từ hương thơm đến vị ngọt cay, chất men say, cùng cảm giác khi uống một hớp rượu đều không trùng lặp tạo nên hứng thú riêng đối với từng loại rượu của từng vùng miền, rất quyến rũ hấp dẫn. Thổ nhưỡng, thời tiết cho nhiều lọai ngũ cốc không giống nhau, nước mỗi vùng mỗi khác, rồi công thức làm men ủ, các loại lá cây tạo mùi hương, nhiệt độ khi chưng cất và cả những kinh nghiệm truyền đời của dòng tộc, hàng họ, làng bản… Tất cả tạo nên những danh tửu có hương vị khác nhau, danh bất hư truyền – quốc tửu Việt Nam.
Đi theo chiều dài đất nước, ngoài các sản vật trên rừng dưới biển, ngang dọc các vùng châu thổ, duyên hải… không thể thiếu được chất men say gắn liền với tên miền đất, mà chính đó là một yếu tố giữ chân bao khách phương xa tìm đến một lần rồi nhớ, rồi không thể quên để lại tìm về. Rượu Mẫu Sơn – Lạng Sơn, rượu bản Phố - Bắc Hà, rượu San Lùng – Bát Xát – Lào Cai, rượu Đao – Yên Bái, rượu Bó Nặm – Bắc Cạn, rượu Làng Vân – Bắc Giang, rượu Đại Lâm – Bắc Ninh, rượu Thổ Hà – Vĩnh Phúc, rượu Trương Xá – Hưng Yên, rượu Phú Lộc – Hải Dương, rượu Làng Vọc – Hà Nam, rượu Tĩnh Xá, rượu Nga Sơn, rượu Kim Long, rượu Làng Chuồn, rượu Đá Bạc, rượu Bồng Sơn, rượu Phú Lễ - Bến Tre, rượu Xuân Thạch, rượu Tân Lộc,… Các loại rượu cần Tây Bắc, Tây Nguyên. Gần như miền đất nào cũng có một lọai rượu của riêng mình, để mình uống, mình say, và đãi khách phương xa.
Trong làng danh tửu Việt Nam có ba loại được liệt vào “Đệ nhất danh tửu – mỹ tửu”, thuộc ba vùng Bắc – Trung – Nam, với ba hương vị, tính cách khác nhau rất đặc biệt. Rượu Làng Vân, rượu Bàu Đá, rượu Phú Lễ. Ba lọai rượu này như ba cung bậc của niềm đắm say,không dễ gì một lần uống mà có thể quên được.
Rượu Làng Vân, thuộc xã Vân Hà, huyện Việt Yên, Bắc Giang, còn gọi là “Vân Hương mỹ tửu”, được xem như một loại rượu tao nhã, vị êm nồng, đầm sâu. Rượu này không uống nhanh, uống vội mà uống từng hớp một để cảm chất men thấm từ từ, đọng trong đầu lưỡi vị ngọt thơm của hương lúa nếp ủ nắng gió miền đất trung du thơ mộng,ngấm cái lâng lâng mơ màng của những dòng sông uốn lượn như dải lụa vắt ngang qua các sườn núi có vài chiếc thuyền lá trôi xuôi chở những câu hát dân ca thắm duyên tình quê. Rượu này được ví như “Văn”, dùng đãi các bậc văn sĩ ,chính khách, những người nho nhã, lịch lãm, tao nhân mặc khách. Có thể tưởng tượng, ngày xưa, các bậc thi nhân đã cùng đối ẩm bên ly rượu Làng Vân để rồi hậu thế có được biết bao nhiêu áng thơ đẹp lưu truyền mãi mãi.
Rượu Bàu Đá, thôn Cù Lâm, xã An Lộc, huyện An Nhơn, Bình Định. Rượu mang trong mình nhiều huyền thoại truyền thuyết. Rượu của người Chăm tiến Vua, rượu của lưu dân mở cõi, rượu của tướng lĩnh nhà Trần làm nhiệm vụ nhớ quê làm ra… Rượu có vị thơm nồng quyến rũ, như một sự mời gọi cuồng nhiệt,mở hũ rượu ra là không thể kìm nén được, không thể đợi chờ được.Uống ực một hớp, sức nóng như dội lên mạnh mẽ nhưng không gắt, để rồi hương rượu như lan tỏa len sâu từ cổ họng đến khắp người, bừng bừng chất men ngọt, uống say vẫn tỉnh, không loạn trí đau đầu. Rượu được ví như “Võ”, dùng đãi các bậc tướng lĩnh, những người có khí chất mạnh mẽ,hào sảng. Về Bình Định, một lần nào vừa xem các vị nữ lưu quần hồng đánh roi, đi quyền, uống ly rượu Bàu Đá, tự dưng cảm thấy mình như đang sống trong khung cảnh đầy hào khí võ đạo Việt.
Rượu Phú Lễ, ấp Phú Lợi, xã Phú Lễ, huyện Ba Trì, Bến Tre, loại rượu của xứ dừa mang hương vị vùng châu thổ sông Mê Kông, đậm đà, phóng khoáng, như nắng gió phương Nam, như cái mênh mang của vùng sông nước Nam Bộ. Uống ly đầu tiên, cảm giác lâng lâng bay bổng, rồi cứ mềm môi uống quên trời đất, để dốc hết tâm can cùng tri kỷ tri âm, để rồi bên ly rượu “bốn bể là nhà”, “tứ hải giai huynh đệ”, không đố kỵ, không ganh đua, không khỏang cách sang hèn…chủ - khách là tri âm. Rượu Phú Lễ được ví như rượu “Lãng tử”, dùng cho các dạ tiệc đông người, đãi bạn tri giao. Nếu như ai có dịp về Miền Tây Nam Bộ, một đêm ngồi trên ghe bồng bềnh sóng nước sông Tiền, sông Hậu, nghe đờn ca tài tử , uống ly rượu Phú Lễ, cảm giác thật tiêu diêu, tự tại.
Ngoài những danh mỹ tửu thuộc loại “Đệ nhất quốc tửu” như ba loại trên còn có những danh tửu khác không kém phần hấp dẫn những đệ tử “túy tiên”. Ai đã từng qua miền Tây Bắc, đắm say trong cái ngút ngàn núi mây, với các điệu khèn, sáo, kèn lá, cồng chiêng…, sắc thổ cẩm như thêu hoa cho các đỉnh núi xám phủ sương, và màu trắng như dệt thảm của hoa ban, hoa mận mùa xuân, chen vào mùi thơm của thảo quả, hương hồi của người H’Mông, Dao, Mường… không thể quên những thứ rượu mang hồn núi rừng. Rượu Ngô Bản Phố, Bắc Hà, hừng hực cháy bỏng cuồng nhiệt, rượu nếp Sán Lùng, người Dao bản Xèo, Bát Xát – Lào Cai vần vũ mây mưa, vị the nóng ấm của rượu sắn Mai Hạ xứ Mường, Mai Châu, Hòa Bình.
Rượu ngô Bản Phố, nằm dưới chân núi Cô Tiên, Bắc Hà, trong vắt như nước suối thượng nguồn, lăn tăn sủi tăm, vị ngọt cay, uống hớp nhỏ đã thấy nóng bừng mặt, sức nóng sau đó lan tỏa khắp cả người, chất men say như hấp lực huyền bí, chả thế mà vào phiên chợ vùng cao, bao nhiêu chàng trai H’Mông đã say quên cả rừng núi, vắt vẻo trên mình ngựa để vợ, bạn tình đưa về nhà, còn người dưới xuôi một khi đã nếm vị rượu Bản Phố thì không thể quên được, đã vì “rượu ngon một chén như ngàn chén”. Nhỏ một giọt rượu vào bàn tay, hơi rượu như làn khói vô hình tan trong mờ ảo của sương mây quyến rũ lạ kỳ. Và nếu như được một lần tới bản Phố, đừng quên ghé vào một nhà người H’Mông đang nấu rượu, nếm thứ rượu ngô vừa chưng cất còn nóng bỏng môi, kèm theo vị béo ngọt của xâu thịt hun khói nấu rượu…Không có hương vị nào so sánh được.
Rượu San Lùng của người Dao núi Pò Sèn, Bảt Xát, Lào Cai được gọi là “rượu của Trời” theo một truyền thuyết xa xưa ở vùng núi này. Tiên nữ xuống suối Pò Sèn lấy rượu để Thiên Đình đãi tiệc quần tiên. Sán Lùng – Tam Long – Ba con rồng hút nước. Rượu được dùng cúng tổ tiên, lễ tết, hội hè, cưới hỏi, đãi bạn hiền. Rượu được làm từ hạt lúa ngậm sữa dẻo,lọai lúa nương trồng trên các thửa ruộng bậc thang bên sườn núi, ủ thành mộng, rồi kết hợp các thảo dược núi rừng làm men, làm hương, có vị chống lạnh trừ cảm, có vị lưu thông kinh mạch ngừa đau gân cốt, có vị không đau đầu.Nước chưng cất phải là nước suối Pò Sèn tinh khiết. Rượu uống vào, hương thơm lan tỏa đê mê châu thân, người sảng khoái, dù uống say không nhức đầu.Rượu này mang về xuôi uống trong ngày Tết, chỉ muốn say cho hết 3 ngày xuân, để được thấm cái vị “tiên tửu” miền sơn cước, để mơ về một sơn nữ thóat tục xứ núi.
Rượu sắn Mai Hạ của người Mường, Mai Châu, Hòa Bình, rất đặc biệt. Chưng cất từ vỏ sắn được đồ chín, ủ với các loại lá rừng làm men,mà tương truyền chỉ có rừng ở Mai Châu là có các lọai lá này,sau đó cho vào lọ chưng cách thủy để ra những giọt rượu trắng trong như giọt sương mai nặng 60o, nặng thế nhưng uống cả ngày không đau đầu. Vì rượu say nồng, đằm thắm uống vào cảm thấy ấm áp. Nhất là vào những đêm trăng, ngồi uống rượu cùng những thiếu nữ Mường, nghe hát Then, Sli… vị rượu như càng nồng ấm hơn bởi trong ly rượu như có đôi mắt long lanh tình tứ của người đẹp xứ Mường. Rượu Mai Hạ như sợi dây tình gắn kết tình cảm mọi người với nhau. Trong tiếng cồng chiêng, trong ánh lửa bập bùng, chất men xứ Mường làm cho người ta như lạc vào cõi tiên đầy thơ mộng.
Đất Lạng Sơn nơi có con sông Kỳ Cùng huyền thoại, có câu chuyện tình nàng Tô Thị chung thủy chờ chồng, có chùa Tam Thanh linh thiêng huyền bí, có phiên chợ “Lượn” vào mùa xuân mê hoặc nam thanh nữ tú cả ở dưới xuôi tìm về, còn nổi tiếng cả miền ngược xuôi loại rượu mang tên núi Mẫu Sơn – ngọn núi thiêng của người vùng này. Có lẽ gạo để nấu rượu thấm đẫm gió – sương – khí núi, men ủ từ lá rừng, không chỉ mang hương núi mà còn ẩn chứa huyền thoại của từng loại lá, nên khi uống chén rượu Mẫu Sơn, hình như bao sầu muộn vơi đi hết..Ai có những phiền muộn, thử một lần nhấp ly rượu Mẫu Sơn trong ngày đầu xuân mới, sẽ thấy thanh thản kỳ lạ.
Không chỉ các loại rượu chưng cất từ ngũ cốc, còn có những loại rượu ủ men, nhưng trong thành phần làm nên hương vị rượu không thể thiếu một ít vỏ trấu- vỏ ngòai của hạt lúa. Rượu cần các miền rừng Tây Bắc, Tây Nguyên. Rượu cần là loại rượu dành riêng cho núi rừng, chỉ khi uống trong không gian tràn ngập tiếng chiêng cồng lễ hội, giọng kể Khan, hát Hơmon, Hơri, Alư bên bếp lửa của những người dân tộc Êđê, Bana, Giarai,… nơi rừng núi đại ngàn Tây Nguyên, hay trong nhịp xòe hoa, hát khắp, Hạn Khuống của người Thái miền Tây Bắc huyền ảo thì mới thấy cái thi vị say đắm của rượu, mới có thể uống hết ngày qua đêm mà vẫn cứ muốn uống hoài uống mãi.
Nếu kể hết hương vị các loài rượu Việt, có lẽ phải mất nhiều ngày nhiều đêm và phải uống hết không biết bao nhiêu bình rượu, mà chưa chắc đã hết đã đủ. Nước Việt Nam ta có rất nhiều niềm tự hào, từ lịch sử 4000 năm dựng nước giữ nước, đất nước bốn mùa hoa thơm trái ngọt, rừng vàng biển bạc, đến con người Việt Nam kiên cường, nhân hậu không bao giờ chịu khuất phục trước bất cứ thế lực nào đe dọa… Còn nhiều niềm tự hào về những sản vật do chính bàn tay người dân Việt sáng tạo mang nét tinh hoa dân tộc sánh ngang với các quốc gia dân tộc khác, trong đó không thể thiếu niềm tự hào về rượu Việt – quốc tửu Việt, không thua gì những danh tửu, mỹ tửu của các quốc gia danh tiếng về rượu trên thế giới.
Rượu rót tỉnh say, rượu đầy vơi
Trần gian ảo ảnh kíếp luân hồi
Bụi hồng vương vấn tình sương khói
Cạn chén tương phùng, nợ trúc mai.
Rượu Việt – Quốc tửu, quốc túy Việt Nam. Xuân về thóang chút men say.
Hòai Hương
Quá đã!
Trả lờiXóaHình minh họa các bài số Xuân của Tễu thì hình nào cũng rất đẹp, mộc mạc, tóm ngay lấy cái hồn của mùa Xuân. Mới đọc đến đoạn giữa, vừa xong rượu Bàu Đá thì tôi cũng như ... chếnh choáng hơi men rồi. Đi ngã lưng chút đã.hềhề
Trả lờiXóa