Thứ Sáu, 17 tháng 2, 2023

CHUYỆN MỘT BÀI THƠ TÌNH BỊ ĐỤC BỎ 3 KHỔ THƠ

 


BÀI THƠ ĐÃ BỊ KIỂM DUYỆT

Lâu nay ta nghe bài hát Gởi em ở cuối sông Hồng ở đoạn cuối thấy ngô nghê và lạc lõng bởi những hình ảnh trong đoạn trên và khúc dưới trong ca từ không ăn nhập với nhau. Đi tìm bài thơ ta lại gặp ba dấu chấm như bỏ mất một đoạn. Đọc tờ báo Thể thao văn hoá thuật lại đoạn nhà thơ Dương Soái, tác giả bài thơ nói về hoàn cảnh ra đời bài thơ trong chương trình Giai điệu tự hào, ta cũng bắt gặp ba dấu chấm lửng đó.


Hoá ra bài thơ đã bị lưỡi kéo kiểm duyệt cắt bỏ mất một khúc, mà lại là đoạn thơ quan trọng, là cái hồn của cả bài thơ. Tuyên huấn không dám nhắc đến cuộc chiến tranh chống bọn xâm lược Trung quốc năm 1979 nên không cho phổ biến đoạn thơ này, khiến bài thơ mất đi tính chiến đấu vốn có của nó. Điều đó cho thấy lãnh đạo ta cố tránh né không muốn nhớ đến cuộc chiến đấu chống bọn xâm lược Bắc Kinh khởi đầu từ ngày 17.02.1979.


Nhà thơ Dương Soái, tác giả bài thơ bị kiểm duyệt. Nguồn: VN Xứ Đoài

Nguyên văn bài thơ đã bị cắt xén và phổ biến lâu nay:

“Anh ở Lào Cai
Nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt
Tháng Hai, mùa này con nước
Lắng phù sa in bóng đôi bờ

Biết em năm ngóng, tháng chờ
Cứ chiều chiều ra sông gánh nước
Nên ngày ngày cùng bạn bè lên chốt
Anh lại xuống sông Hồng cho thoả nỗi em mong

Đài báo gió mùa, em thương ở đầu sông
Đỉnh đồi cao chiến hào anh gặp rét
Biết mùa màng đồng quê chưa cấy hết
Tay em ngập dưới bùn, lúa có thẳng hàng không?

Giá chúng mình còn cái thuở dung dăng…
Anh thả lá thuyền xuôi về dưới ấy
Em ra sông chắc em sẽ thấy
Chỉ nỗi nhớ chúng mình đủ ấm mọi mùa đông.

Thì hỡi em yêu ở cuối sông Hồng
Nếu gặp dòng sông ngàu lên sắc đỏ
Là niềm thương anh gửi về em đó
Qua màu nước sông Hồng, em hiểu chiến công anh.”

(Dương Soái)
-------------------------------------

Nguyên văn bài thơ chưa bị kiểm duyệt cắt bỏ
(Copy từ face Nguyễn Anh Tuấn)

Gửi em ở cuối sông Hồng
(Dương Soái)

“Anh ở Lào Cai
Nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt
Tháng Hai, mùa này con nước
Lắng phù sa in bóng đôi bờ

Biết em năm ngóng, tháng chờ
Cứ chiều chiều ra sông gánh nước
Nên ngày ngày cùng bạn bè lên chốt
Anh lại xuống sông Hồng cho thoả nỗi em mong

Đài báo gió mùa, em thương ở đầu sông
Đỉnh đồi cao chiến hào anh gặp rét
Biết mùa màng đồng quê chưa cấy hết
Tay em ngập dưới bùn, lúa có thẳng hàng không?

Giá chúng mình còn cái thuở dung dăng…
Anh thả lá thuyền xuôi về dưới ấy
Em ra sông chắc em sẽ thấy
Chỉ nỗi nhớ chúng mình đủ ấm mọi mùa đông.

Nhưng thơ ngây đâu còn ở chúng mình
Khi Tổ quốc trao anh lên tuyến đầu chặn giặc
Khi biên cương trong anh đã trở thành máu thịt
Đạn lên nòng anh giữ trọn nguồn sông

Nỗi nhớ cho em chưa viết được đôi dòng
Đạn quân thù bỗng cuồng điên vào thị xã
Xe tăng thù nghiến mặt sông êm ả
Nhịp cầu thù chặt đứt chờ mong

Bão lửa này mang sức mạnh hờn căm
Phá cầu thù, xé vụn xe tăng giặc
Giữa dòng sông nghìn xác thù ngã gục
Máu giặc loang ố cả một vùng

Thì hỡi em yêu ở cuối sông Hồng
Nếu gặp dòng sông ngàu lên sắc đỏ
Là niềm thương anh gửi về em đó
Qua màu nước sông Hồng, em hiểu chiến công anh.

Lào Cai, 1979”.


Qua đó, ta thấy rằng người ta không những tránh né trong lịch sử, trong sách giáo khoa dạy học sinh mà cả những tác phẩm văn chương viết về cuộc chiến tranh chống xâm lược Trung quốc, người ta cũng cắt bỏ không thương tiếc. Lịch sử Việt Nam thời hiện đại đã bị cố ý bỏ sót chương chống bè lũ xâm lược Bắc Kinh .

Đã đành vì muốn giữ hoà khí, vì hữu nghị để phát triển đất nước, tránh hoạ chiến tranh. Nhưng không vì thế mà phải đục bỏ lịch sử, quên đi xương máu của anh hùng liệt sĩ, của nhân dân đã đổ xuống để giữ yên bờ cõi. Bỏ quên hay xoá bỏ lịch sử là một tội lỗi khó tha thứ.

10 nhận xét :

  1. Xóa khổ thơ của ta nhưng xuất bản tác phẩm của "chúng nó" tự ca ngợi chiến tranh xâm lược (Ma chiến sĩ), thế vẫn chưa đủ, còn đẻ ra cái chữ "mới" để xóa sạch lịch sử từ thời dựng nước của vua Hùng đến nay kia. Chuẩn bị quốc tịch mới đi là vừa.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Bọn bán nước ngày nay đáng phỉ nhổ hơn ngàn lần Trần Ích Tắc, Lê Chiêu Thống trước đây. Rồi đây lịch sử sẽ viết rõ ràng là những tên nào...

      Xóa
  2. Ước chi bài thơ nguyên thuỷ được phổ nhạc bằng một nhạc sĩ có tài cho nó trở thành bất tử, vì nhạc dễ đi vào hồn người và được phổ biến sâu rộng hơn thơ văn.

    Trả lờiXóa
  3. Không biết bài thơ bị cắt từ khi nào. Nhưng anh em chúng tôi ở mặt trạn Lao Cai những năm 1979, đầu những năm 80 của thế kỷ trước vẫn thuoicj toàn bôh bài thơ của Dương Soái. Trong sổ tay nhiều người vẫn còn lưu. Khi nhạc sỹ Thuận Yến phổ nhạc, ông chỉ lấy ý của bài thơ để làm nên bài hát nổi tiếng. Việc cắt bỏ ( nếu có) thì chắc là những năm sau này.

    Trả lờiXóa
  4. Thế mà cuộc chiến tranh với chế độ VNCH thì không ngừng đào đào bới bới không thương tiếc.

    Trả lờiXóa
  5. Bài thơ là khúc ca hùng tráng của những người con dân Việt đang mạnh bước xông pha vào chỗ hiểm nguy, sẵn sàng, vui vẻ và kiêu hãnh hiến dâng thân mình cho tổ quốc, cho dân tộc. Ấy thế mà người ta lại dám đục bỏ bớt. To gan thật.
    Tôi vẫn thường nghe nói có Việt gian, có Hán gian đang luồn lách trong chính quyền ta, thiếu tướng Trương-Giang-Long cũng nói như vậy. Tôi chưa dám nghĩ những người đục bỏ thơ trong trường hợp này là Việt gian hay Hán gian, mà nghĩ, những người đục bỏ thơ đã làm sai lệch ý nghĩa, nội dung bài thơ là vừa ác ý, to gan lại vừa dốt. Ác ý là xuyên tạc, cố dụng ý làm sai lạc vấn đề, to gan là dám thách thức dư luận của những người yêu nước và dốt vì thiếu học, không hiểu lời dạy của cổ nhân trong kho tàng ca dao tục ngữ để ứng xử. Ca dao tục ngữ có câu, “thuốc đắng giã tật, sự thật mất lòng”, “mất lòng trước được lòng sau”, “thương nhau lắm cắn nhau đau”, “thuận buồm xuôi gió chén chú chén anh, lên thác xuống ghềnh cắn nhau như rạm”. Trong quan hệ cá nhân với cá nhân, người này với người khác hay quốc gia này với quốc gia khác cũng cần vận dụng để ứng xử. Lịch sử là lịch sử, sự thật là sự thật, không vì nể nhau, sợ mất lòng nhau mà tránh né để đến khi bị dồn nén chụi hết nổi lại bung ra thối không ngửi nổi, lại chửi nhau, đem hết vốn ngôn từ trong dân gian, bọn này bọn kia, thằng này thằng kia ra mà chửi, rồi lại đánh nhau, vác súng bắn nhau.
    Khi nói đến bọn tư bản, ai cũng không quên cả cụm từ “tư bản giãy chết”. Hai tiếng “giãy chết” thật ấn tượng, làm tôi hình dung tưởng tượng một con vật đang nằm giãy đành đạch trước khi chết. Ấy vậy mà ngó quanh ngó quất nhìn lại, tư bản chúng nó chưa chịu chết cho mà lại sống nhăn răng, sống khỏe, càng ngày càng tỏ ra khỏe hơn, khôn hơn, thông minh hơn. Người tưởng rằng tư bản chết, mong chúng nó chết, trù yểm chúng nó chết, lại đang chạy theo năn nỉ chúng nó công nhận cho cái này, công nhận cho cái kia.
    Bọn tư bản chúng nó rõ ràng minh bạch, tranh luận sòng phẳng với nhau, cái gì của anh là của anh, của tôi là của tôi, không chung chạ núi liền núi sông liền sông, môi hở răng lạnh để ru ngủ nhau, mà hai bên tôn trọng độc lập của nhau, chung sống hòa bình với nhau, hợp tác với nhau để cùng có lợi, thậm chí anh nghèo hơn tôi thì nhường anh một chút cũng không sao.
    Từ chuyện đục bỏ mấy câu thơ, nghĩ miên man chuyện này sang chuyện khác, càng nghĩ càng buồn, không biết bao giờ người ta mới sáng mắt ra.

    Trả lờiXóa
  6. Tuyên huấn, tuyên giáo gì đó muốn người khác nghe, người khác đọc thì hãy chứng minh rằng các sản phẩm của mình là tử tế. Việc chứng minh tử tế thì cần phải có con người tử tế, việc này không khó đối với người tử tế, nhưng người không ra gì mà muốn chứng minh rằng mình tử tế thì thật khó hơn lên cung trăng.
    Một bài thơ tử tế mà đang tay cắt xén thì người cắt xén phải đủ can đảm làm cái việc vô lương!

    Trả lờiXóa
  7. Nhạc sỹ phổ nhạc thơ không nhất thiết phải giữ nguyên bản gốc bài thơ, chỉ cần chắt lọc lấy hồn cốt của bài thơ . Bài hát "Gởi em ở cuối sông Hồng " của NS Thuận Yến phổ thơ của Dương Soái, về cơ bản vẫn toát lên tâm tình, hào khí của người lính đang bảo vệ biên cương phía Bắc với người yêu ở hậu phương. Tuy nhiên, trong chương trình "giai điệu tự hào" đạo diễn và chính tác giả không đọc nguyên vẹn bài thơ gốc .. là điều đáng trách . Ban tuyên giáo của đài THVN đã né tránh sự thật lịch sử dân tộc, được thể hiện trong bài thơ trên . Lịch sử quan hệ giữa các quốc gia lân bang không ít sự kiện diễn ra : từ bạn thành kẻ thù hoặc từ kẻ thù trở thành bạn. Nhưng lịch sử vẫn được chép đúng sự thật và được tôn trọng đúng mức. Suốt chiều dài lịch sử , dân tộc Trung hoa nhiều lần xâm lược VN đã bị đánh bại, chiến tranh biên giới Trung -Việt bắt đầu ngày 17/2/1979 - 9/1988 là sự thật đã xẩy ra. Chẳng lẽ vì quan hệ hữu nghị Việt - Trung ngày nay mà xóa bỏ lịch sử , nghiêm trọng hơn vùi lấp xương máu và lãng quên hàng vạn đồng bào, chiến sỹ đã bỏ mình vì bảo vệ Tổ quốc VN? Đó là tội ác , là vô tri, vô giác, vô lương tâm.

    Trả lờiXóa
  8. Điển hình của bọn nô tàu là ông tổng mất nết họ Nông

    Trả lờiXóa
  9. Sau chừng ấy năm, đến giờ người ta đã tỉnh ngộ ra rồi bởi "nhờ" có những hành động diên cuồng của giặc Tầu trên Biển Đông.
    Đừng sợ Tầu nữa.
    "Tiến lên, cùng tiến lên. Nước non Việt Nam ta vững bền"! (Quốc ca VN).

    Trả lờiXóa